Tìm kiếm tin tức
Ký sự: THƯỢNG NGUỒN PHÁ TAM GIANG- ĐIỂM DU LỊCH SINH THÁI TUYỆT VỜI!
Ngày cập nhật 12/03/2019

Đường vô xứ Huế quanh quanh 
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ. 
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang!

Không biết từ bao giờ, phá Tam Giang đã đi vào thi ca bằng những câu thơ chứa đựng nỗi buồn man mác của bao thi nhân, lữ khách mỗi khi qua lại vùng này đến vậy. Chỉ biết rằng, hơn năm trăm năm về trước, từ thời các chúa Nguyễn vào khai khẩn vùng Thuận Hoá, mở đầu cho việc chinh phục Đàng Trong; phá Tam Giang, đặc biệt là vùng thượng nguồn đã được biết đến là nơi nước sâu, sóng dữ cùng nhiều loài thủy quái sinh sống; thường hay nhấn chìm thuyền bè qua lại; làm khiếp đảm bao người mỗi lần có việc qua đây. Song giờ đây, phá Tam Giang không còn ám ảnh lòng người như trước nữa; vì thế mà vùng thượng nguồn cũng đang ngày càng trở thành điểm đến lí tưởng cho những du khách thích du lịch đầm phá, du lịch sinh thái hiện tại và trong tương lai.

Bình yên

Thượng nguồn phá Tam Giang là một vùng đất đai, kênh rạch, sóng nước mênh mông; nơi con sông Ô Lâu đổ về, bồi đắp phù sa tạo nên một vùng thiên nhiên màu mỡ ôm lấy đập Cửa Lác( một công trình bê tông vững chắc với hai cây cầu duyên dáng vắt ngang nối liền đôi bờ phá; được hình thành từ những thập niên bảy mươi của thế kỉ trước và dần được xây dựng hoàn thiện, kiên cố đảm bảo giao thông qua lại cho nhân dân các xã ven bờ trong những năm trở lại đây); hiện tại là nơi trú ngụ lí tưởng và cũng là “ Miền đất hứa “ của nhiều loài chim quý có tên trong sách đỏ thế giới, không thua kém gì các vùng đồng bằng sông nước Cửu Long!

Đặc sản phá Tam Giang- Quảng Thái

Là một phần của phá Tam Giang, nằm trong hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai nên độ sâu trung bình của thượng nguồn phá cũng khoảng từ 2– 4 m, chỗ sâu nhất chưa tới 6 hoặc 7 m. Tuy nhiên vào mùa nước cạn, có nơi chỉ cần lội bộ để qua về đôi bờ. Hàng năm, người dân sống bằng nghề đánh bắt nuôi trồng thủy sản hai bên phá đã khai thác hàng trăm, nghìn tấn thủy sản các loại; đảm bảo cung cấp cho nhiều vùng miền xung quanh. Trong đó, chỉ tính riêng cá chình, người dân các xã Quảng Thái, Quảng Lợi (Quảng Điền) và Điền Hải, Điền Hoà (Phong Điền)đánh bắt đầu mùa lũ đã lên đến hàng ngàn ki-lô-gam, đem lại thu nhập rất lớn cho bà con nơi đây. Ngoài ra, cua, tôm càng, cá nâu, cá đối, cá vượt, cá ong, cá dìa, lươn, trìa, hến... đã và đang mang đến cho du khách những món ẩm thực hấp dẫn, ngon miệng trong các hàng quán ven bờ và những nhà hàng nổi tiếng ở Quảng Thái, Phong Chương, Điền Hải, Cồn Tộc, mà ít nơi nào có được.

Đặc sản phá Tam Giang- Quảng Thái

Nếu ai đã từng đến thượng nguồn phá Tam Giang vào những buổi bình minh, khi viên hồng ngọc vĩ đại của thiên nhiên vừa mới dịu dàng bước ra khỏi bức màn nhung mịn màng của chân trời xanh thẫm; hay vào những buổi chiều tà, khi hoàng hôn vừa buông xuống, phủ một lớp hào quang óng ánh lên mặt nước màu ngọc bích tĩnh lặng, thì mới thấy hết vẻ đẹp kì ảo của phá đến dường nào! Từng đợt sóng nhẹ nhàng hòa vào trong gió, tạo nên những âm thanh êm ái, mê đắm lòng người. Những chiếc ghe thuyền, đò máy lớn nhỏ bồng bềnh trên mặt nước, nhẹ nhàng trôi, nổi bật trên nền sáng tối, trông xa như những cánh diều lướt nhẹ giữa không trung. Từng đàn le le( sâm cầm) lặn ngụp trên mặt nước tím hoa lục bình khoe sắc, gợi nhắc tuổi thơ vui đùa thõa thích trên các dòng kênh. Xa xa, trên những thữa ruộng xanh ngắt lúa non và đủ màu hoa dại, từng cánh cò chao lượn, trắng cả nền trời làm nhớ đến cảnh thanh bình trong bài thơ “ Thiên trường vãn vọng” của vị hoàng đế lỗi lạc Trần Nhân Tông. Từng đôi thiên nga( ngỗng trời) một thời vắng bóng vì bị săn bắt triệt để, nay tìm về trú ẩn nơi “miền đất hứa”. Những đàn chim trích chân dài, mồng đỏ như những cô nàng người mẫu, vui vẻ rượt đuôi nhau, tiếng kêu vang dội cả một vùng; tất cả tạo nên một bức tranh đồng quê sống động mà chưa có một họa sỹ lừng danh nào vẽ được. Chưa hết, để thưởng ngoạn đầy đủ và thích thú nhất trên vùng thượng nguồn phá Tam Giang này, hãy thả mình đi bộ thư giãn trên đập Cửa Lác, đập Tây Hưng rồi thả hồn trên những chiếc cầu duyên dáng vắt qua các con kênh hai bên tím sắc lục bình, e ấp ôm lấy những tảng đá rêu phong, trắng màu bọt sóng; hoặc ngồi trên những chiếc đò máy chạy ngược dòng Ô Lâu để nhìn những loài chim quý đùa giỡn trong các lùm cây um tùm cỏ lác, nhìn xa như các đảo nổi; hay từng đàn cá bơi lội tung tăn rợp cả mặt sông mới thấy thượng nguồn phá là nơi xứng đáng để đến chiêm ngưỡng và du lịch biết chừng nào. 
Thượng nguồn phá Tam Giang được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn kể từ năm 2010 trở lại đây, nhờ các lễ hội “Sóng nước Tam Giang” do UNND huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) tổ chức tại bến đò Cồn Tộc với nhiều chương trình, nội dung phong phú, đặc sắc; đặc biệt là những tua du lịch sinh thái bằng đò ghe đưa du khách lên khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng , ngây ngất ở xung quanh đập Cửa Lác. Nhờ đó, đã góp phần khai thác bước đầu tiềm năng du lịch của vùng thượng nguồn. Chắc chắn trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành một điểm du lịch tuyệt vời của huyện Quảng Điền nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung; đặc biệt là du lịch sinh thái.

Đánh bắt, nuôi trồng trên phá Tam Giang

Cầu Cửa Lác nối Quảng Thái với các xã Ngũ Điền

Để đến khám phá những vẻ đẹp hút hồn, mới lạ, hấp dẫn nhưng thanh bình và gần gũi thật sự với thiên nhiên của 
thượng nguồn phá Tam Giang; du khách có thể đi bằng nhiều phương tiện trên cả đường bộ và đường thủy. Từ thành phố Huế, theo quốc lộ 1A đến chợ An Lỗ (thuộc xã Phong Hiền, phong Điền); hay xuôi tỉnh lộ 4B về đến thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền), rồi đi tiếp thêm mười cây số nữa về đến trung tâm xã Quảng Thái (Quảng Điền) và sau đó tung tăn một đoạn đường bê tông thênh thang giữa ruộng lúa để qua khỏi thôn Trung Làng là ra đến đập Cửa Lác. Còn nếu đi theo quốc lộ 49 hay chạy thuyền dọc Phá từ cửa Thuận An lên thì cũng rất thuận lợi và dễ dàng. Hàng chục năm trước, phương tiện chủ yếu để đi lại trên phá Tam Giang cũng như giao thương giữa nhân dân hai bên bờ phá chủ yếu bằng đò, thuyền đơn sơ nên rất khó khăn và thường gặp nguy hiểm trong mùa mưa bão. Còn giờ đây, đã có những cây cầu thế kỉ nối liền đôi bờ như cầu Thuận An, cầu Trường Hà, cầu Ca Cút đã đem lại nhiều thuận lợi to lớn để phát triển kinh tế, thương mại và du lịch cho nhân dân ven bờ phá. Trong tương lai, chắc chắc sẽ có nhiều cây cầu khác nữa được mọc lên giữa hai bờ, tiếp tục đem lại thế mạnh cho vùng đầm phá đầy tiềm năng này; nhất là thế mạnh du lịch sinh thái ở vùng thượng nguồn phá!

Hoàng hôn chiều trên phá

Sau một ngày hoà mình trong những cảnh sắc lung linh, huyền ảo ít nơi nào có được của vùng thượng nguồn phá Tam Giang, du khách có thể dừng chân ở đập Cửa Lác hay ghé vào chợ Nịu cách đó không xa để mua hến, trìa lươn, ốc, cá bống...những sản vật tươi ngon của phá để làm quà cho gia đình, người thân; sau đó, ghé uống một vài li cà phê rang xay hay thưởng thức những món thủy hải sản, những tô bánh canh cá lóc tự nhiên đặc trưng
của phá Tam Giang trong những hàng quán nằm ở trung tâm xã Quảng Thái; sẽ thấy chuyến du lịch của mình tuyệt diệu biết chừng nào! 
Thượng nguồn phá Tam Giang, nơi đang là môi trường sinh trưởng tuyệt vời của nhiều loài chim quý hiếm có tên trong sách đỏ thế giới; nơi góp phần tạo nên phá Tam Giang hùng vĩ (vùng sóng nước mênh mông- điểm hội tụ của ba con sông lớn: sông Hương, sông Bồ và sông Ô Lâu, trước khi chảy ra cửa Thuận An rồi đổ về biển Đông, một phần lãnh hải thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc!)Với những tiềm năng du lịch phong phú được thiên nhiên ban tặng cho người dân ở hai bên đập Cửa Lác; chắc chắn sẽ làm hài lòng tuyệt đối du khách mỗi lần ghé đến! 


Xuân Kỉ Hợi 2019

Văn Minh Tý- Giáo viên trường THCS Lê Xuân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.102.366
Truy cập hiện tại 2.438