Bộ Nội vụ đề nghị sửa đổi Luật Lưu trữ
Ngày cập nhật 19/01/2022
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Luật Lưu trữ được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 2 (ngày 11/11/2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lưu trữ của Bộ Nội vụ và của các bộ, ngành, địa phương; hệ thống tổ chức lưu trữ các cấp, lưu trữ cơ quan và người làm lưu trữ từng bước được kiện toàn, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, bên cạnh các kết quả đạt được cũng đã phát sinh những bất cập, hạn chế, nhiều vấn đề của thực tiễn chưa được quy định hoặc Luật quy định chưa rõ, cụ thể như sau:
Về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính, hội nhập quốc tế, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, gồm: Các nguyên tắc, yêu cầu, chức năng của Hệ thống lưu trữ tài liệu điện tử để đáp ứng các quy trình nghiệp vụ lưu trữ đối với tài liệu điện tử; việc quản lý tập trung, thống nhất dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử; điều kiện, trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia các dịch vụ lưu trữ tài liệu điện tử và quy định về chứng thực tài liệu lưu trữ điện tử.
Về quản lý tài liệu lưu trữ tư, gồm: Thẩm quyền, trách nhiệm của Nhà nước đối với quản lý tài liệu lưu trữ tư; quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu tài liệu lưu trữ tư.
Về quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ, gồm: Quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; thu lệ phí đối với các tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ và đăng ký cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ…
Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên thì việc xây dựng, ban hành Luật Lưu trữ (sửa đổi) góp phần thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ là cần thiết.
Việc xây dựng, ban hành Luật Lưu trữ (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ, góp phần thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế.
Về phạm vi điều chỉnh, Luật quy định về hoạt động lưu trữ; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ; quản lý tài liệu lưu trữ tư; quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ; quản lý nhà nước về lưu trữ.
Về đối tượng áp dụng: Luật áp dụng đối với tổ chức chính trị, cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Căn cứ phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ Nội vụ đề xuất 4 chính sách, gồm: 1. Thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam; 2. Quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử; 3. Quản lý tài liệu lưu trữ tư; 4. Quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Nguồn:baochinhphu.vn

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày