.
Tại hội thảo
Tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, bà Diana Torres, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia (Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc-UNDP) khẳng định, công tác cải cách hành chính (CCHC) và kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), cơ chế một cửa, một cửa liên thông, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử thông qua các dịch vụ công trực tuyến là một trong những giải pháp đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Với việc đánh giá khách quan, chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước mang đến một bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ công thông qua ý kiến phản hồi về cảm nhận, mức độ hài lòng và sự mong đợi của người dân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ công, sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, công tác giải quyết các TTHC trên môi trường điện tử thông qua các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh có những tiến bộ đáng kể, góp phần hạn chế các hiện tượng tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính khi UBND tỉnh hoàn thành việc tái cấu trúc quy trình chuẩn hóa các dữ liệu cung cấp dịch vụ công trực tuyến, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Bà Diana Torres, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia (Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc-UNDP) phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã có những trao đổi, đánh giá và phân tích trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân và mức độ sẵn sàng đáp ứng trên 04 thủ tục hành chính được chọn là đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật; Hỗ trợ chi phí mai táng cho đối tượng bảo trợ xã hội; Thực hiện, điều chỉnh, thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ phí chăm sóc, nuôi dưỡng. Ông Mai Hùng Tuân – Chuyên gia thủ tục hành chính công đã có những đánh giá những thành phần hồ sơ liên quan có thể đơn giản hóa, rút gọn, cải cách, phân tích rào cản trong tiếp cận và sử dụng thủ tục, nhu cầu của người dân và mức độ sẵn sàng đáp ứng trên 04 thủ tục hành chính được lựa chọn, lưu ý đến người dùng là phụ nữ và các nhóm yếu thế; kiến nghị đề xuất sửa đổi Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Thừa Thiên Huế dựa trên kết quả khảo sát.
Trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội và đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho tỉnh, yêu cầu về chuyển đổi số, đẩy mạnh việc thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thông qua các dịch vụ công trực tuyến càng được đặt ra cấp thiết. Việc trao đổi văn bản qua mạng và cập nhật hồ sơ giải quyết đúng hạn qua Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tạo ra môi trường làm việc thông thoáng, công khai, minh bạch, thu hút đầu tư.
Thảo luận, trao đổi tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đo lường trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hoạt động quản trị trị hành chính và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền địa phương nhiều năm qua đã cung cấp hệ thống chỉ báo khách quan, là tấm gương phản chiếu chất lượng quản trị địa phương và được tiếp nhận như một công cụ không chỉ đo lường mà còn tạo động lực để lãnh đạo các cấp tại địa phương ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý của mình, qua đó thúc đẩy bộ máy chính quyền chủ động, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tại hội thảo
Trên cơ sở phân tích các nội dung của Chỉ số PAPI, đặc biệt là nội dung về quản trị điện tử, cụ thể là quá trình giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy khai sinh, hộ khẩu, và bảo hiểm y tế cho trẻ sơ sinh, các đại biểu tham gia Hội thảo cùng làm rõ những vướng mắc, bất cập, hạn chế còn tồn tại, các nguyên nhân khiến người dân chưa tiếp cận với thủ tục hành chính công trực tuyến để tập trung tìm kiếm các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình địa phương, góp phần tháo gỡ các rào cản và cải thiện mức độ tiếp cận của người dân đối với các loại dịch vụ công trực tuyến. Thông qua đó, các sở, ngành, địa phương có cơ sở nhìn nhận về việc cung cấp dịch vụ công của từng cơ quan đơn vị, nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức.
Qua đó, để nâng cao sự hài lòng của người dân trong cung cấp dịch vụ công, cần đồng bộ thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trên hết là lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng phạm vi tiếp nhận hồ sơ của bộ phận một cửa, không gắn với địa giới hành chính, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp thông tin và cung ứng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, phù hợp với người dân. Từ đó, người dân, tổ chức hài lòng hơn, tin tưởng hơn đối với cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương.
Các đại biểu cũng đã tham gia góp ý về nội dung và hình thức Cổng dịch vụ công tỉnh Thừa Thiên Huế, tính tương thích về mặt kỹ thuật của Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Thừa Thiên Huế với tiêu chuẩn cổng dịch vụ công quốc gia.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm