Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn gồm 3 khu vực: Khu vực phía Bắc; Khu vực miền Trung - Tây Nguyên; Khu vực phía Nam.
Quyết định nêu rõ, Huế được quy hoạch vào nhóm Khu vực kinh tế Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam (thuộc Khu vực miền Trung - Tây Nguyên).
Cụ thể, phạm vi quy hoạch gồm các tỉnh và thành phố: Huế, Đà Nẵng,Quảng Nam.
Năng lực thông qua cảng cạn trên hành lang đến năm 2030 khoảng từ 210 nghìn TEU/năm đến 350 nghìn TEU/năm.
Tổng diện tích quy hoạch cảng cạn đến 2030 khoảng từ 21 ha đến 35 ha.
Trong đó, Cụm cảng cạn Chân Mây (bao gồm Cảng cạn Chân Mây, Cảng cạn Phú Lộc thuộc huyện Phú Lộc - Tỉnh Thừa Thiên Huế) có diện tích quy hoạch 15 – 20 ha (150 ha giai đoạn 2050) với năng lực thông qua (Teu/năm) 150.000 - 200.000 trong giai đoạn 2030.
Cụm cảng cạn Chân Mây được kết nối với cảng biển Đà Nẵng, Hòn La. Ngoài ra, cảng biển Chân Mây còn được kết nối với Cảng cạn Mỹ Thủy; Cảng cạn Lao Bảo (hành lang vận tải quốc lộ 9).
Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn có mục tiêu cụ thể đến năm 2030 phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng từ 25% đến 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải. Hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với tổng công suất khoảng từ 11,9 triệu TEU/năm đến 17,1 triệu TEU/năm. Trong đó, khu vực phía Bắc gồm các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 4,29 triệu TEU/năm đến 6,2 triệu Teu/năm; khu vực miền Trung - Tây Nguyên có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 0,9 triệu TEU/năm đến 1,4 triệu TEU/năm; khu vực phía Nam có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 6,8 triệu TEU/năm đến 9,5 triệu Teu/năm.
Định hướng đến năm 2050 phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics, có khả năng thông qua khoảng 30% - 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải, đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch vụ logistics tại các địa phương.
Chi tiết tại File đính kèm: