Đại biểu ĐBQH tỉnh góp ý về các dự án luật
Ngày cập nhật 29/08/2023
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu nêu ý kiến tại phiên thảo luận
(CTTĐT) - Ngày 28/8, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV, Phó Trưởng đoàn đại biểu ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu đã có những góp ý liên quan đến dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu nêu ý kiến tại phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu nêu ý kiến tại phiên thảo luận

 

Giải thích rõ hơn về khái niệm “người gốc Việt” 
 
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao cơ quan soạn thảo cùng cơ quan thẩm tra đã có nghiên cứu sâu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu đã nêu. 
 
Về tên gọi luật, đại biểu cho rằng nên đổi tên DA luật thành Luật Căn cước, tuy nhiên cần rà soát, phân tích, tích hợp các nội dung đã được nêu trong ưu điểm của phương án tên gọi Luật Căn cước công dân, đồng thời cần khắc phục những hạn chế của phương án đã chọn bằng chính những chế định, điểm, khoản, điều trong dự thảo Luật. Đặc biệt là các hạn chế về thủ tục hành chính, lãng phí ngân sách, chi phí xã hội khi thay đổi các giấy tờ liên quan. 
 
Về giải thích từ ngữ, đại biểu cho biết, thực tế khái niệm “người gốc Việt” đã được bổ sung vào khoản 17 Điều 3. Theo đó, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch là người đã từng có quốc tịch Việt Nam hoặc có ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ là công dân Việt Nam hoặc đã từng có quốc tịch Việt Nam, nhưng chưa xác định được quốc tịch. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ gây ngộ nhận, vì vậy, cần bổ sung, sửa đổi để thể hiện rõ ràng hơn nội dung về quan hệ thân tộc đối với khái niệm này. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung tính khu biệt ở Điều 23 và băn khoăn đến nội dung cấp quản lý căn cước. 
 
Liên quan đến trình tự cấp thẻ căn cước quy định tại Điều 24, bà Sửu cho rằng, cần xem xét, đánh giá thêm về độ tuổi cấp thẻ căn cước đối với công dân dưới 16 tuổi ngay trong thời gian này để thông qua tại Kỳ họp thứ 6, để phù hợp với nhu cầu thực tiễn và đảm bảo tính khả thi. 
 
Dự thảo Luật cần làm rõ các khái niệm chuyên môn 
 
Góp ý dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho biết, dự án trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách đã được tiếp thu ý kiến của các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 5. 
 
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, trong công trình quốc phòng có các công trình lưỡng dụng, vừa có tính chất quân sự, vừa có tính chất dân sự, do đó, đại biểu cần xem xét lại việc giải thích rõ khái niệm công trình quốc phòng. Bên cạnh đó, đại biểu cũng xem xét giải thích khái niệm kho đạn dược trong dự thảo Luật. 
 
 
 
Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV được khai mạc sáng ngày 28/8
 
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ một số khái niệm liên quan đến nhiều thuật ngữ chuyên môn, chuyên ngành trong dự thảo luật để đảm bảo công tác thực hiện trong thực tế. 
 
Về chính sách của Nhà nước trong bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về Nhà nước có cơ chế khuyến khích huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong tham gia hỗ trợ cho các đối tượng bị hạn chế về quyền sử dụng đất, các quyền và lợi ích khác bị ảnh hưởng khi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
 
Tán thành với việc phân loại, phân nhóm các công trình và khu quân sự, bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị làm rõ các quy định bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt, bảo vệ rất nghiêm ngặt trong quá trình thực hiện bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
 
https://thuathienhue.gov.vn/
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày