1. Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; các văn bản chỉ đạo của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện về các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
2. Đánh giá toàn diện việc thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương từ công tác chỉ đạo, quán triệt triển khai thực hiện; phân công lãnh đạo phụ trách đến công tác tổ chức thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhất là các quy định liên quan đến nguyên tắc; trình tự, thủ tục; thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và quy định về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
3. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; chú trọng công tác phòng ngừa, kiểm tra và kịp thời xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi vi phạm hành chính. Nghiêm túc kiểm điểm, xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương khi để xảy ra vi phạm hành chính phức tạp, kéo dài thuộc ngành, địa bàn quản lý.
4. Các cá nhân người có thẩm quyền trong công tác này phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động nghiên cứu các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
5. Chủ động, thường xuyên rà soát tính pháp lý của các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành, kịp thời phát hiện quyết định do mình hoặc cấp dưới hoặc tham mưu UBND huyện ban hành nếu có sai sót, vi phạm và kịp thời đính chính, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo quy định pháp luật.
Chú trọng theo dõi, đôn đốc việc thi hành các quyết định xử phạt của người có thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Trước mắt, tập trung rà soát, đôn đốc thực hiện triệt để các quyết định xử phạt chưa được thi hành hoặc thi hành chưa đầy đủ.
6. Bảo đảm nguồn lực cho công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, tăng cường bố trí đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đủ về số lượng và có năng lực nghề nghiệp, trình độ chuyên môn vững vàng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Giao Phòng Tư pháp giúp UBND huyện theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện nội dung Công văn này.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh bằng văn bản về Phòng Tư pháp để tổng hợp, trình UBND huyện xem xét, quyết định./.