Triển khai đồng bộ công tác đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế
Sở Ngoại vụ Thừa Thiên Huế được thành lập vào năm 1998 theo Quyết định số 222/1998/QĐ/UBND ngày 14/02/1998 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thành lập Sở Ngoại vụ với chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh về hoạt động đối ngoại và thực hiện quản lý nhà nước đối với công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh (tiền thân là Phòng Ngoại vụ thuộc Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh).
Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, Sở Ngoại vụ đã tăng cường các hoạt động kết nối, thúc đẩy giao lưu văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại, nỗ lực quảng bá về đất nước và địa phương đến với bạn bè quốc tế; giúp tỉnh Thừa Thiên Huế thiết lập mối quan hệ hợp tác hữu nghị với nhiều địa phương nước ngoài, đồng thời là cơ quan đầu mối giúp tỉnh thúc đẩy thiết lập và duy trì quan hệ tốt đẹp với các Đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Cho đến nay, Sở Ngoại vụ đã chủ trì xúc tiến và hỗ trợ các cơ quan, ban, ngành, địa phương thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các đối tác thuộc 44 quốc gia trên cả 5 châu lục, tạo tiền đề và cơ sở cho hợp tác toàn diện về kinh tế và xã hội. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2011 – 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Sở Ngoại vụ đã chủ trì tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ký kết kết 32 bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, Sở đã chủ động phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh ký kết và triển khai hiệu quả các văn bản hợp tác quốc tế với nhiều cơ quan, địa phương, tổ chức nước ngoài; tăng cường và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa tỉnh với các địa phương nước ngoài đã thiết lập quan hệ hợp tác, đặc biệt như: Các tỉnh Nam Trung Lào (Salavan, Champasak, Sê Kông, Savanakhet, Atapư); các tỉnh Gifu, Niigata, Nara, Kyoto, Shiga (Nhật Bản); thành phố Gyeongju, Gwangju, Namyangju, Quận Wando (Hàn Quốc); Vùng Nouvelle-Aquitaine, Grand Poitiers, thành phố Nîmes, thành phố Rennes, thành phố Blois (Pháp); Thủ đô Bangkok; tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan)...và nhiều tổ chức quốc tế như: Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID)…
Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng hiện nay, ngoại giao kinh tế Ngoại giao kinh tế được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, là động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Với phương châm “đột phá - mở đường; tham mưu, cung cấp thông tin; song hành - hỗ trợ; đôn đốc triển khai”, trong những năm qua, Sở Ngoại vụ đã tích cực phối hợp với các Vụ, Cục thuộc Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại giao, các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, đồng hành triển khai nhiều hoạt động kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Tích cực tham mưu kết nối, thúc đẩy các hoạt động ký kết với các đối tác nước ngoài; tham mưu các nội dung, chương trình làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với các đối tác nước ngoài; phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực, qua đó tranh thủ vận động các nguồn lực từ bên ngoài để góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Champasak, Lào thăm và làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Phát huy truyền thống 25 năm xây dựng và phát triển
Xác định tầm quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa trong tổng thể công tác đối ngoại, là “sức mạnh mềm” nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, Sở Ngoại vụ đã tích cực tham mưu UBND tỉnh phát huy tối đa sức mạnh của văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế trong triển khai các hoạt đối ngoại, đặc biệt đã phối hợp tổ chức hoạt động của 11 kì Festival Huế, xem đây là một kênh quan trọng nhằm thắt chặt, làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các nước, vùng, địa phương có quan hệ với tỉnh, đồng thời khai thông quan hệ với các nước và khu vực mà địa phương chưa có nhiều quan hệ; xúc tiến, tăng cường, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng trên trường quốc tế, gắn với mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành một trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của cả nước, “Thành phố Festival đặc trưng”, “Thành phố di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.
Giám đốc Sở Ngoại vụ Trần Công Phú, cho biết nhìn lại chặng đường 25 năm qua, có thể thấy hoạt động đối ngoại của tỉnh Thừa Thiên Huế được triển khai tích cực và hiệu quả trên mọi phương diện, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển, hội nhập quốc tế của tỉnh nhà và đất nước.
Với những thành tích đạt được cùng với sự cố gắng và nỗ lực không biết mệt mỏi của tập thể công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở Ngoại vụ, trong nhiều năm qua, tập thể Sở Ngoại vụ và nhiều cá nhân thuộc Sở đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và UBND tỉnh tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì vì những thành tích đối ngoại xuất sắc trong giai đoạn 2013-2017 và Huân chương Lao động hạng Ba vì những thành tích đối ngoại xuất sắc trong giai đoạn 2005-2009; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua (2016); Bộ Ngoại giao tặng Cờ thi đua (2016), Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Ngoại vụ địa phương giai đoạn 2013 – 2015, Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Ngoại vụ địa phương năm 2018; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc (2016, 2020), Bằng khen vì đã có thành tích trong 20 năm xây dựng và phát triển 1998-2018, Bằng khen vì đã có thành tích trong 25 năm xây dựng và phát triển 1998-2023.
“Truyền thống tốt đẹp của 25 năm qua, những kinh nghiệm quý báu của thế hệ đi trước và sức trẻ, kiến thức, sự vững vàng và tâm huyết của lớp người đi sau sẽ là những động lực để Sở Ngoại vụ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”, Giám đốc Sở Ngoại vụ Trần Công Phú khẳng định.