V/v rà soát, đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con nuôi đối với trẻ đang được cá nhân, gia đình, tổ chức tạm thời nuôi dưỡng chăm sóc thay thế( ngày 08)
Ngày cập nhật 11/09/2023

Ngày 07 tháng 9 năm 2023 Phòng Tư pháp huyện Quảng Điền đã ban hành Công văn số 83/P  về rà soát, đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con nuôi đối với trẻ đang được cá nhân, gia đình, tổ chức tạm thời nuôi dưỡng chăm sóc thay thế.

Thực hiện Công văn số 2016/STP-HCTP ngày 31/8/2023 của Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế về việc rà soát, đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con nuôi đối với trẻ đang được cá nhân, gia đình, tổ chức tạm thời nuôi dưỡng chăm sóc thay thế.

Nhằm mục đích tăng cường biện pháp nuôi con nuôi trong nước và hạn chế tình trạng nuôi con nuôi thực tế tại cộng đồng, khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi (được sửa đổi bổ sung theo Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ) quy định về việc UBND cấp xã có trách nhiệm rà soát, tìm người nhận con nuôi đối với diện trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa đang được cá nhân, gia đình tạm thời nuôi dưỡng hoặc chăm sóc thay thế. Do đó, để đẩy mạnh công tác tìm gia đình thay thế cho trẻ em, giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trong môi trường của gia đình, Phòng Tư pháp huyện đề nghị UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện  chỉ đạo Công chức Tư pháp – Hộ tịch của đơn vị thực hiện một số nội dung sau:

1. Về đối tượng trẻ em được rà soát, đánh giá nhu cầu nhận làm con nuôi

Đối tượng trẻ em được rà soát, đánh giá nhu cầu nhận làm con nuôi bao gồm:

- Trẻ em bị bỏ rơi đang được cá nhân, gia đình, tổ chức tạm thời nuôi dưỡng theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật Nuôi con nuôi hoặc theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;

           - Trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ và trẻ em không nơi nương tựa được UBND xã, thị trấn giao chăm sóc thay thế theo quy định tại Điều 38 của Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật trẻ em.

2. Về trách nhiệm rà soát và cách thức thực hiện     

          UBND xã, thị trấn định kỳ hàng tháng rà soát và đánh giá nhu cầu cần được nhận làm con nuôi đối với những trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa đang ở tại cộng đồng. Nếu người đang tạm thời nuôi dưỡng có nguyện vọng nhận trẻ em bị bỏ rơi làm con nuôi thì ưu tiên xem xét giải quyết hoặc hướng dẫn giải quyết cho trẻ em làm con nuôi, cụ thể như sau: 

- Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi tại địa bàn xã, thị trấn thì UBND xã, thị trấn phải lập biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi và bàn giao trẻ em cho người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng. Nếu người tạm thời nuôi dưỡng có nguyện vọng nhận trẻ em đó làm con nuôi thì ưu tiên xem xét, giải quyết. Nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì lập hồ sơ chuyển trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về việc tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng.

- Trường hợp trẻ em được giao chăm sóc thay thế theo quy định tại Điều 66 của Luật trẻ em, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã đánh giá điều kiện sống, tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của trẻ em với cá nhân, gia đình nhận chăm sóc, thay thế. Định kỳ 06 tháng, khi trẻ em phải chuyển đổi hình thức sang hình thức nuôi con nuôi báo cáo UBND xã, thị trấn để thực hiện.

- Trường hợp trẻ em được người dân tự ý đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng, UBND xã, thị trấn cần yêu cầu người dân cung cấp thông tin về nguồn gốc trẻ, như: biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi, biên bản giao tạm thời nuôi dưỡng trẻ, Giấy chứng sinh của trẻ…Nếu có đầy đủ giấy tờ, tài liệu chứng minh nguồn gốc của trẻ em thì UBND xã, thị trấn hướng dẫn việc đăng ký nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam (chưa tới 06 tháng và còn thời hạn cư trú tại Việt Nam chưa tới 12 tháng, kể từ thời điểm đăng ký) thì không thuộc đối tượng được nhận con nuôi trong nước và cũng không cho phép người nước ngoài được nhận trẻ em đó để chăm sóc thay thế. Để thực hiện nhiệm vụ này, UBND xã, thị trấn có thể phân công cho người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã thực hiện việc rà soát và đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con nuôi trên địa bàn xã, kết hợp với việc thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đánh giá điều kiện sống, tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của trẻ em với cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật trẻ em.

- Khi thực hiện rà soát, đánh giá trẻ em được nhận làm con nuôi cần lưu ý đến độ tuổi, nhân thân (căn cứ vào Giấy khai sinh), tình trạng sức khỏe và nguyện vọng của trẻ.

 

Văn Thị Phương - CB Tư pháp
Các tin khác
Xem tin theo ngày