Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng cả về tự nhiên và nhân văn, trong thời gian qua, Thừa Thiên Huế đang tập trung phát triển du lịch theo hướng bền vững, trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ tốt môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Những năm gần đây, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh và thiên tai, đạt được những kết quả khả quan, tạo được sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao sự chủ động của Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch đã tổ chức các hoạt động kết nối các doanh nghiệp du lịch trong cả nước và trên địa bàn tỉnh, tạo tiền đề cho việc hợp tác phát triển du lịch, đưa thêm nhiều nguồn khách đến Thừa Thiên Huế. Phát triển du lịch đồng bộ, bền vững, đạt chất lượng cao và thực sự chuyên nghiệp là mục tiêu mà ngành du lịch Thừa Thiên Huế hướng tới trong năm 2023 và các năm về sau. Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh việc tập trung kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu; du lịch Thừa Thiên Huế rất cần có sự chung tay, giúp sức của các địa phương liên kết, các doanh nghiệp lữ hành trong cả nước.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội nghị
Qua đó, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch Thừa Thiên Huế phấn đấu đưa Huế trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; đến năm 2030, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa thế giới. Để đạt được các mục tiêu trên, bên cạnh việc tập trung kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu; hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; chú trọng tăng trưởng ổn định chỉ tiêu về lượng khách, tăng mạnh về chỉ tiêu doanh thu du lịch... thì Thừa Thiên Huế sẽ tăng cường công tác liên kết với các tỉnh/thành và các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước. Du lịch Thừa Thiên Huế đang thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, có tính liên vùng, liên ngành và xã hội hóa cao, bản thân ngành du lịch của từng địa phương không thể hoạt động hoàn chỉnh nếu thiếu sự hợp tác của những ngành và các địa phương khác và sự đồng hành của các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh. Việc liên kết hợp tác theo nhiều hình thức để phát triển du lịch sẽ cho phép khai thác, phát huy được nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác của địa phương, của các ngành và các doanh nghiệp cho phát triển du lịch.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình hy vọng, sau hội nghị hôm nay, qua các ý kiến đánh giá, đề xuất, hiến kế của các doanh nghiệp, ngành du lịch Thừa Thiên Huế sẽ bước đầu hình thành được một chuỗi giá trị gồm các sản phẩm du lịch có tính gắn kết, bổ trợ cho nhau trên địa bàn tỉnh. Qua đó, sẽ tiếp tục kết nối với chuỗi sản phẩm của những địa phương trong khối liên kết du lịch miền Trung, với từng vùng miền trong cả nước. Mong muốn sẽ tiếp nhận các ý kiến góp ý có tính gợi mở, các đề nghị tháo gỡ vướng mắc và khó khăn của các doanh nghiệp khi triển khai các hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh; các hình thức quảng bá, tiếp cận và mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước; các hoạt động liên kết, hợp tác kết nối đưa các nguồn khách du lịch từ các tỉnh, thành phố trong nước và các thị trường quốc tế.
Phát triển ngành du lịch theo hướng xanh, chất lượng, bền vững và thông minh là mục tiêu chính mà tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm đạt được trong năm 2023 và các năm về sau. Để đạt được mục tiêu trên, du lịch Thừa Thiên Huế rất cần có sự chung tay, giúp sức của các địa phương liên kết, sự đồng hành tích cực của các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh nhằm tạo ra những đột phá về các sản phẩm, về chất lượng dịch vụ trong thời gian tới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, xứng tầm là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.
Cục Trưởng Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Cục Trưởng Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, cho biết trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã và đang phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng mới của du khách; phát huy được giá trị di sản, văn hóa, lịch sử, xây dựng các khu, điểm du lịch tại các khu vực biển và đầm phá, sông, hồ, suối thác, các nghề, làng nghề truyền thống; phát triển dịch vụ du lịch tại Quần thể di tích Cố đô Huế, xây dựng Đề án phát triển kinh tế đêm tại Thừa Thiên Huế.
Hội nghị Kết nối Du lịch Huế được tổ chức với sự hiện diện của các cơ quan quản lý nhà nước các ngành, các cấp, các Hiệp hội du lịch, các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch, là cơ hội tốt để chúng ta đưa ra những ý kiến đóng góp, đề xuất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp du lịch, trong việc nghiên cứu, xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch, giúp kết nối Huế với các điểm đến du lịch khác trong cả nước. Qua đó, cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác đi vào thực chất giữa Huế với các tinh lần cận cũng như các thành phố lớn như Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội...để phát triển du lịch; Liên kết cần cụ thể bằng các hoạt động, với sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành, các nhà đầu tư trong một số hoạt động: Phát triển sản phẩm kết nối, bổ trợ lẫn nhau, hình thành các tour, tuyến hấp dẫn phục vụ khách du lịch; hợp tác trong giới thiệu quảng bá du lịch, trao đổi khách nội địa, cùng tiếp cận thị trường khách quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch, phát triển nguồn nhân lực.
Theo Cục Trưởng Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Thừa Thiên Huế cần xác định và tập trung phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội có lợi thế của tỉnh để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động truyền thống, xúc tiến quảng bá các sản phẩm, chương trình du lịch thu hút du khách nhằm định vị lại thương hiệu. Chuyển đổi số đang là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta với việc ban hành nhiều văn bản, nghị quyết chỉ đạo. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm hỗ trợ hiệu quả phục hồi du lịch là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt sau đại dịch Covid, chuyển đổi số đang là xu hướng mới trong kinh doanh và quản lý du lịch.
Các đại biểu trao đổi ý kiến tại hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ các kinh nghiệm, các hình thức quảng bá, tiếp cận và mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước; nêu lên những đề nghị về tháo gỡ vướng mắc và khó khăn của các doanh nghiệp khi triển khai các hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh; chỉ ra những mặt được, những mặt còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục cũng như đề xuất, nêu lên những góp ý, đầy trách nhiệm nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hoàn thiện hơn các sản phẩm du lịch, tạo ra sực độc đáo, khác biệt nhằm phục vụ du khách càng ngày càng tốt hơn. Góp phần đưa hình ảnh du lịch Huế ngày càng đậm nét hơn trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế, đồng thời hướng đến sự phát triển bền vững cũng như tăng cường sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, doanh nghiệp trong cả nước.
Các đại biểu tham dự tại hội nghị
Một số hình ảnh tại hội nghị: