Giải quyết bài toán về nhà ở cho người dân
Để triển khai kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 16/6/2023, triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, với tổng số căn hộ hoàn thành đến năm 2030 là 8.600 căn.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chấp thuận đầu tư cho 5 dự án nhà ở xã hội triển khai xây dựng, với diện tích đất là 17,44 ha, tổng số căn hộ là 6.238 căn; trong đó, có 2 dự án nhà ở xã hội độc lập đã được chấp thuận đầu tư giai đoạn 2020 - 2021 có diện tích đất là 11,08 ha với tổng số căn hộ là 3.480 căn.
Hiện nay chủ đầu tư dự án đang lập quy hoạch chi tiết xây dựng dự án và các thủ tục giao đất của dự án. Đối với 3 dự án nhà ở xã hội từ quỹ đất 20% dự án thương mại, khu đô thị có diện tích đất dự án là 6,36 ha với tổng số 2.758 căn hộ, hiện đang được triển khai các thủ tục liên quan đến xây dựng cơ bản và giao đất, trong đó có 1 dự án nhà ở xã hội tại quỹ đất 20% dự án khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 2 đã khởi công giai đoạn 1, với số căn hộ khoảng 750 căn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho biết, chủ trương của tỉnh là khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở để tạo điều kiện cho mọi người có chỗ ở theo cơ chế thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
Tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư tổ chức xây dựng và triển khai dự án nhà ở xã hội đảm bảo chất lượng, hiệu quả, chấp hành đúng các nội dung quy hoạch đã được phê duyệt; chất lượng tương đương với nhà ở thương mại, cơ cấu sản phẩm, giá thành hợp lý để đáp ứng cho người thu nhập thấp, công nhân có cơ hội tiếp cận, cải thiện về nhà ở; bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa.
Tháo gỡ nút thắt trong phát triển nhà ở xã hội
Nhằm phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn, Tỉnh đã công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn. Bên cạnh đó, Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là tại khu vực địa bàn thành phố Huế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho biết, hiện nay chính sách phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi hoàn thiện một cách có hiệu quả. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ các nút thắt trong phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu tổng số căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành đến năm 2030 là 8.600 căn
Cụ thể, Tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương sớm nghiên cứu, sửa đổi, ban hành các quy định pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc các dự án nhà ở xã hội để rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà xã hội; sửa đổi ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi nhà xã hội như giá bán, ưu đãi dành 20% diện tích sàn nhà ở, quy định đối tượng mua nhà để thu hút kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở xã hội. Ban hành nhiều chính sách ưu đãi hơn để tạo môi trường hấp dẫn để các Nhà đầu tư quan tâm đến việc đầu tư nhà ở xã hội. Tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp lựa chọn đối tượng mua nhà phù hợp, sát điều kiện thực tế. Quan tâm bố trí kinh phí cho việc đầu tư ngoài hàng rào đối với các dự án nhà ở xã hội thúc đẩy việc kêu gọi đầu tư.
Để phát triển nhà ở xã hội đúng thực chất, hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho rằng người đứng đầu các địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; cần lập, phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể cho việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội theo từng năm và theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 đảm bảo nhu cầu của địa phương. Nghiên cứu phân cấp, đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính theo thẩm quyền. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn.