Chất thải rắn, tác động của chất thải rắn đến môi trường, sức khỏe, cộng đồng
Ngày cập nhật 08/12/2023

1. Khái niệm chất thải rắn

Chất thải rắn (còn thường gọi là rác thải) khi thải vào môi trường gây ô nhiễm, đất, nước, không khí. Ngoài ra, rác thải còn làm mất vệ sinh công cộng, làm mất mỹ quan môi trường. Rác thải là nơi trú ngụ và phát triển lý tưởng của các loài gây bệnh hại cho người và gia súc. Rác thải ảnh hưởng tới môi trường nhiều hay ít còn phụ thuộc vào nền kinh tế của từng quốc gia, khả năng thu gom và xử lý rác thải, mức độ hiểu biết của mỗi người dân. Ở những quốc gia phát triển, rác thải được xem là một nguồn nguyên liệu mới có ích nếu được phân loại đúng cách. 

2. Tác động của chất thải rắn đến môi trường, sức khỏe, cộng đồng

2.1. Ảnh hưởng đến môi trường không khí

Trong thành phần rác thải từ các hộ gia đình, các loại thực phẩm thường chiếm tỷ lệ cao. Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho các thành phần hữu cơ phân huỷ, thúc đẩy nhanh quá trình lên men, thối rữa và tạo nên mùi khó chịu cho con người. Các chất thải khí phát ra từ các quá trình phân hủy này thường là H2S, NH3, CH4, SO2, CO2.

2.2. Ảnh hưởng đến môi trường nước

Theo thói quen nhiều người thường đổ rác tại bờ sông, hồ, ao, cống rãnh. Lượng rác này sau khi bị phân huỷ sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến chất lượng nước mặt, nước ngầm trong khu vực. Rác có thể bị cuốn trôi theo nước mưa xuống ao, hồ, sông, ngòi, kênh mương, sẽ làm nguồn nước mặt ở đây bị nhiễm bẩn. Mặt khác, lâu dần những đống rác này sẽ làm giảm diện tích ao hồ, giảm khả năng tự làm sạch của nước, gây cản trở các dòng chảy, tắc cống rãnh thoát nước. Hậu quả của hiện tượng này là hệ sinh thái nước trong các ao hồ bị huỷ diệt. Việc ô nhiễm các nguồn nước mặt này cũng là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tiêu chảy, tả, lỵ trực khuẩn thương hàn, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ cộng đồng.

2.3. Ảnh hưởng đến môi trường đất

Trong thành phần rác thải có chứa nhiều chất độc, do đó khi rác thải được đưa vào môi trường thì các chất độc xâm nhập vào đất sẽ tiêu diệt nhiều loài sinh vật có ích cho đất như: giun, vi sinh vật, nhiều loài động vật không xương sống, ếch nhái ... làm cho môi trường đất bị giảm tính đa dạng sinh học và phát sinh nhiều sâu bọ phá hoại cây trồng. Đặc biệt hiện nay, các loại túi nilon được sử dụng tràn lan trong sinh hoạt và đời sống, khi xâm nhập vào đất cần 50 - 60 năm, thậm chí hàng trăm năm mới phân hủy, và do đó chúng tạo thành các “bức tường ngăn cách” trong đất hạn chế mạnh đến quá trình phân huỷ, tổng hợp các chất dinh dưỡng, làm cho đất giảm độ phì nhiêu, đất bị chua và năng suất cây trồng giảm sút.

2.4. Ảnh hưởng đến sức khỏe con người

Trong thành phần rác thải sinh hoạt, thông thường hàm lượng hữu cơ chiếm tỉ lệ lớn. Loại rác này rất dễ bị phân huỷ, lên men, bốc mùi hôi thối. Rác thải không được thu gom, tồn đọng trong không khí, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người sống xung quanh. Chẳng hạn, những người tiếp xúc thường xuyên với rác như những người làm công việc thu nhặt các phế liệu từ bãi rác dễ mắc các bệnh như viêm phổi, sốt rét, các bệnh về mắt, tai, mũi, họng, ngoài da, phụ khoa, tim mạch,…

3. Phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt đã được quy định tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020:

- Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.

- Hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định vào các bao bì để chuyển giao như sau:

 + Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

 + Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

- Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định thực hiện quản lý như sau:

+ Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi;

+ Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

+ Chất thải thực phẩm không thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

+ Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Chất thải rắn sinh hoạt được phân thành 3 nhóm, gồm:

- Nhóm chất thải rắn tái chế, tái sử dụng: gồm các thành phần: Giấy các loại, Nhựa các loại, Kim loại các loại…;

- Nhóm chất thải rắn nguy hại: gồm các thành phần pin, ắc quy, bóng đèn, mạch điện hỏng, chai lọ đựng hóa chất,…;

- Nhóm chất thải rắn còn lại: từ sinh hoạt trong gia đình, nấu ăn: rau củ quả thải bỏ, đồ ăn dư thừa, hư hỏng, các loại khác,…

Chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sau phân loại phải được lưu chứa trong bao bì (túi) hoặc thiết bị lưu giữ (thùng) riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết loại chất thải hoặc theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Bao bì (túi), thiết bị lưu giữ (thùng) chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại phải đáp ứng các yêu cầu: bảo đảm lưu chứa an toàn chất thải, có khả năng chống thấm, không làm rò rỉ nước rỉ rác và có kích thước phù hợp với lượng chất thải, thời gian lưu giữ; bao bì (túi) phải được buộc kín, thiết bị lưu giữ (thùng) phải có nắp đậy kín để đảm bảo không phát tán mùi và có dán biển cảnh báo thông tin trên thân thùng.

4. Tác động của việc không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và xử lý chôn lấp

4.1. Tác hại của việc không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

- Khối lượng rác thải cần xử lý lớn.

- Hỗn hợp rác chưa phân loại rất khó xử lý hiệu quả.

- Diện tích đất cần sử dụng để xử lý rác thải bằng công nghệ chôn lấp tăng nhanh.

- Không tận dụng được tài nguyên từ nguồn rác thải, ví dụ như: rác tái chế sử dụng tiết kiệm khai thác nguyên liệu tự nhiên; rác hữu cơ làm phân compost và rác còn lại đốt thu năng lượng.

4.2. Tác hại của việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp

- Gây ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí;

- Diện tích đất sử dụng để chôn lấp tăng nhanh;

- Ảnh hưởng đến người dân sống quanh khu chôn lấp rác;

- Tốn nhiều chi phí xử lý, cải tạo đất để sử dụng lại sau khi đóng cửa bãi chôn lấp.

5. Lợi ích của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt

- Rác thải sinh hoạt được phân loại tốt sẽ xử lý hiệu quả hơn. Rác tái chế sử dụng làm nguyên liệu đầu vào; Rác hữu cơ tận dụng làm phân compost; Rác còn lại đốt thu năng lượng và một phần rác còn lại sau khi đốt sẽ đem chôn lấp hợp vệ sinh.

- Khối lượng rác đem chôn lấp giảm đáng kể, chủ yếu là tro và các thành phần như vỏ sò, đồ gốm…ít gây ảnh hưởng đến môi trường.

- Diện tích đất chôn lấp giảm.

- Giảm gây ô nhiễm môi trường./.

Sở tư pháp
Các tin khác
Xem tin theo ngày