Là kinh đô xưa của Việt Nam dưới triều Nguyễn, Thừa Thiên Huế tự hào gìn giữ một “gia tài” văn hóa tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam, bao gồm cả hệ thống di sản văn hóa vật thể với gần 1.000 di tích, địa điểm di tích lịch sử, di tích tôn giáo, trong đó tiêu biểu và nổi bật nhất là Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Bên cạnh đó, việc khánh thành nhà ga T2-Cảng hàng không quốc tế Phú Bài vào tháng 6/2023 là cơ sở hạ tầng quan trọng giúp khai thác thị trường khách du lịch quốc tế. Tôi hi vọng quý vị đại biểu có mặt tại Diễn đàn hôm nay sẽ dễ dàng tiếp cận và tìm kiếm cơ hội đầu tư cho ngành Du lịch Thừa Thiên Huế.
Phát biểu tại diễn đàn, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, diễn đàn sẽ là cơ hội tốt để ngành du lịch Huế và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan khai thác các cơ hội và hợp tác với nhà đầu tư tiềm năng đến từ Hàn Quốc, Thái Lan và các quốc gia khu vực Mekong hướng đến phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành điểm đến của du lịch thông minh và bền vững.
Giám đốc Sở Du lịch hy vọng chương trình lần này sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm đặc trưng, điểm đến du lịch phong phú, hấp dẫn, qua đó thông tin về du lịch Thừa Thiên Huế sẽ đến gần hơn với doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch hai bên gặp gỡ, trao đổi, hợp tác.
Vùng Mekong là điểm đến đa dạng và sôi động, thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Những năm gần đây, các Di sản Thế giới được UNESCO công nhận trong khu vực cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng du khách khi ngày càng có nhiều du khách tìm kiếm trải nghiệm văn hóa và di sản lịch sử. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành du lịch cũng đặt ra thách thức đáng kể đối với việc bảo tồn các di tích lịch sử và di sản văn hóa cũng như môi trường ở các nước Mekong, báo hiệu tầm quan trọng của các hoạt động du lịch có trách nhiệm và bền vững.
Phương pháp tiếp cận du lịch thông minh và bền vững mang lại giải pháp cho những thách thức này đồng thời nâng cao trải nghiệm của cả cộng đồng sở tại và du khách thông qua công nghệ và đổi mới. Chính phủ các nước trong khu vực đang theo đuổi cách tiếp cận hợp tác và cân bằng hơn, có tính đến các tác động xã hội, môi trường và kinh tế của du lịch tại các điểm đến di sản tương ứng của họ.