Chiều ngày 12/12, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đình Bách đã có buổi làm việc với UBND xã Phong Hiền về đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các cơ quan, ban ngành liên quan.
Báo cáo tại buổi làm việc lãnh đạo UBND xã Phong Hiền cho biết, năm 2023 tình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng, có 7/10 chỉ tiêu hoàn thành đạt kế hoạch đề ra. Cây lúa được mùa và được giá toàn diện cả hai vụ, năng suất bình quân 59,6 tạ/ha, tăng so với năm trước 17 tạ/ha. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được duy trì và phát triển với một số ngành chủ yếu như mộc, nề, cơ khí, cưa xẻ gỗ, sản xuất, khai thác vật liệu xây dựng, may mặc...với số lượng 191 cơ sở, giải quyết việc làm thường xuyên và ổn định cho 345 lao động. Các hoạt động thương mại, dịch vụ đều tăng và phát triển với tổng số 1077 cơ sở, giải quyết việc làm thường xuyên và ổn định cho 1275 lao động, trong đó trung tâm chợ An Lỗ tiếp tục phát huy hiệu quả góp phần tạo công ăn việc làm tăng thêm nguồn thu nhập cho nhân dân. Tổng thu ngân sách nhà nước 41,5 tỷ đồng, đạt 110% so với dự toán huyện giao và HĐND xã giao; thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,3%. Về xây dựng nông thôn mới nâng cao, qua rà soát đến nay xã đã đạt 15/19 tiêu chí; xây dựng đô thị đã đạt 16/18 tiêu chí thành phần. Các lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024, UBND xã Phong Hiền tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế theo hướng Thương mại, dịch vụ - Tiểu thủ công nghiệp - Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng phi nông nghiệp; xây dựng xã Phong Hiền đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và trở thành Phường. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người trên 60 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2,02%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 89%; đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên 180 lao động; đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trên 10 người; xây dựng trường Mầm non Phong Hiền I đạt chuẩn Quốc gia mức độ II.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đình Bách phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đình Bách ghi nhận những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị và nhân dân xã Phong Hiền đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đồng chí Nguyễn Đình Bách cơ bản thống nhất với dự thảo, yêu cầu UBND xã tiếp thu các ý kiến góp ý và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 cho phù hợp với tình hình để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế toàn diện. Tập trung rà soát lại các tiêu chí thành xây dựng đô thị để thành lập phường cũng như tiêu chí Nghị quyết Đảng bộ đã đề ra. Trọng tâm tiêu chí giảm nghèo, thu ngân sách, chương trình xây dựng và phát triển đô thị phải có kế hoạch cụ thể, bên cạnh đó tập trung đẩy mạnh phát triển dịch vụ thương mại, khai thác có hiệu quả chợ An Lỗ; phát triển các hoạt động kinh doanh dịch vụ dọc Tỉnh lộ 11A, Tỉnh lộ 11C. Kêu gọi thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư hạ tầng vào điểm quy hoạch sản xuất tập trung để phát triển ngành nghề nông thôn. Tập trung đầu tư bổ sung quy hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở, quy hoạch sử dụng đất theo hướng thành lập phường. Triển khai lập các quy hoạch chi tiết, trong đó ưu tiên các quy hoạch khu dân cư tập trung tại An Lỗ và khu vực Hưng Long - Thượng Hòa, Dự án khu dân cư xứ Bà Đa; Khu dân cư đường tránh chợ An Lỗ; Khu dân cư xen ghép trên địa bàn xã; Tiếp tục khai thác nguồn thu đảm bảo thu ngân sách; triển khai các tuyến phố văn minh đô thị. Tập trung phát triển giáo dục - đào tạo, ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.