Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2024
Ngày cập nhật 28/12/2023

(CTTĐT) - Chiều ngày 25/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND cấp tỉnh dự hội nghị tại 63 điểm cầu.Về phía Bộ Tư pháp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Lê Thành Long, các Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; cùng đại diện các sở, ban, ngành và địa phương tham dự hội nghị.

Mở đầu hội nghị, các đại biểu đã xem video clip báo cáo công tác năm 2023. Theo đó, tiếp nối những kết quả đạt được của những năm đầu nhiệm kỳ, kết quả công tác năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với năm 2022, trong đó một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật.

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật luôn được Bộ, ngành Tư pháp coi trọng, xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, ưu tiên nguồn lực để tham mưu, thể chế hoá những quan điểm, đường lối của Đảng, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Năm 2023, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế Bộ, ngành đã phối hợp tham mưu Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận, bàn về công tác pháp luật tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ và 10 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Đặc biệt, đã tham mưu Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai Nghị quyết số 126 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Trong năm, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 16 dự án luật, 05 Nghị quyết; đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các địa phương đã ban hành gần 3.800 VBQPPL cấp tỉnh, hơn 2.600 VBQPPL cấp huyện và hơn 1.700VBQPPL cấp xã.

Đến nay, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các Bộ đã tham mưu Chính phủ trình QH thông qua tổng số 29 luật, 15 nghị quyết; Bộ Tư pháp đã ban hành theo thẩm quyền 307 Nghị định, nghị quyết; Bộ trưởng các Bộ đã ban hành 1.755 Thông tư, 09 Thông tư liên tịch. Công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm theo yêu cầu của Đảng đoàn, Quốc hội qua đó đã kịp thời tham mưu quy định mới hoặc sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể để tháo gỡ các rào cản, khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh.

Kết quả Thi hành án dân sự năm sau cao hơn năm trước. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thi hành xong trên 211 nghìn tỷ đồng, trong đó gần 40.5 nghìn tỷ là kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá năm 2023, trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, biến động, tuy nhiên đất nước ta đã vượt qua các trở ngại, đạt được kết quả đáng khích lệ, trong đó có sự đóng góp đáng kể của ngành Tư pháp.Tuy các công việc của Bộ, ngành Tư pháp khó, nhiều, động chạm, yêu cầu cao về tính tức thời, tuy nhiên Bộ, ngành Tư pháp đã cố gắng đạt được những kết quả tích cực. Ngoài các kết quả đã được đề cập tại Hội nghị, Phó Thủ tướng cũng điểm lại một số thành tích của Bộ, ngành Tư pháp.

Nhận định năm 2024 có rất nhiều khó khăn chung và đối với ngành Tư pháp nói riêng, do đó, cần tiếp tục tập trung làm tốt công tác hoàn thiện thể chế bởi nếu làm tốt công tác này sẽ là động lực của sự phát triển, nếu làm không tốt thì sẽ tạo ra rào cản.

Trong điều kiện thời gian còn lại khá hạn hẹp, năm 2024 là năm gần kết thúc nhiệm kỳ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại trong công tác của Bộ, ngành Tư pháp như: còn nợ nhiều văn bản quy định chi tiết, chế độ dành cho cán bộ làm công tác tư pháp, pháp luật còn hạn chế…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: “Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực có thứ hạng cao trên thế giới, vị thế của đất nước đang đi lên, do đó đòi hỏi thể chế cần tiếp tục hoàn thiện, điều này tạo áp lực cho ngành Tư pháp trong việc xây dựng khuôn khổ pháp luật phù hợp với pháp luật quốc tế. Song, đây không chỉ là công việc của riêng Bộ Tư pháp mà còn là trách nhiệm chung của tất cả các bộ, ngành, cơ quan trong hệ thống chính trị nhưng vai trò của Bộ Tư pháp là lớn nhất, chịu trách nhiệm tổng hợp, rà soát văn bản chưa hoàn chỉnh”.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành Tư pháp phải cố gắng hơn để tìm ra giải pháp tốt nhất thực hiện, tháo gỡ vướng mắc lớn nhất hiện nay là thể chế. Trong đó lưu ý xây dựng thể chế phải kịp thời, có chất lượng để hạn chế tình trạng sửa luật; nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 154/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 34/2016/NĐ-CP; sửa đổi, tính toán lại Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và năm 2025.

“Là cơ quan thẩm định các dự thảo, dự án Luật trình Chính phủ, Bộ Tư pháp làm công việc này phải kịp thời, chính xác. Chưa bao giờ khái niệm đúng pháp luật được đặt lên thường xuyên, nghiêm khắc đến như vậy”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, phải nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống; tăng cường giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, dễ nghe, dễ hiểu, dễ thấm.

Đối với công tác xây dựng ngành, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Bộ, ngành Tư pháp cần có giải pháp để cán bộ trong ngành yên tâm công tác, giữ được niềm tin với công việc, gắn bó với ngành. Để làm được điều này, trước hết, các đồng chí lãnh đạo phải nêu cao ý thức gương mẫu và tạo được nguồn năng lượng truyền cảm hứng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng với đó, Bộ, ngành Tư pháp cũng cần làm tốt công tác phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội, các địa phương. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; thường xuyên trau dồi trình độ chuyên môn, có chế độ phù hợp cho cán bộ làm công tác luật quốc tế bởi đây là lĩnh vực cực kỳ khó và nhạy cảm.

Chia sẻ với những khó khăn của Bộ, ngành Tư pháp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương chung tay góp sức để giải quyết các vướng mắc trong công tác tư pháp và pháp luật đồng thời mong toàn Ngành Tư pháp “chân cứng, đá mềm” nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được phân công.

Dịp này, Bộ Tư pháp đã công bố kết quả đánh giá thi đua và khen thưởng năm 2023, đồng thời phát động phong trào thi đua năm 2024 với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày