Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tài chính-ngân sách nhà nước năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024
Ngày cập nhật 29/12/2023

Tại hội nghị (Ảnh:VGP)

Tại hội nghị (Ảnh:VGP)
(CTTĐT) - Chiều ngày 27/12, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tại điểm cầu Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương; cùng đại diện các sở, ngành tham dự hội nghị.
 
 

Nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế vừa nỗ lực khắc phục những vấn đề hậu COVID-19, vừa đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh từ môi trường quốc tế cũng như nội tại. Tuy nhiên, nhờ điều hành chính sách tài khóa chủ động và linh hoạt, các nhiệm vụ tài chính - ngân sách cơ bản đảm bảo. Trong đó, thu NSNN đến ngày 25/12/2023 đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán. Tổng số tiền thuế, phí đã miễn, giảm, gia hạn cho doanh nghiệp và người dân khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng. Nhiệm vụ chi NSNN được thực hiện theo dự toán đến ngày 31/12/2023 đạt khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán. Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương các cấp được đảm bảo.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương, cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong năm 2023, tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt gần 11.000 tỷ đồng, vượt 16% dự toán Chính phủ giao, vượt 10,8% dự toán HĐND tỉnh giao và giảm 13,8% so với cùng kỳ, chủ yếu giảm nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thu phí trước bạ và thuế bảo vệ môi trường. Tổng chi ngân sách địa phương HĐND tỉnh giao đầu năm 14.522 tỷ đồng, ước cả năm đạt 14.021 tỷ đồng, tăng gần 1% so với dự toán Chính phủ giao và bằng 96% so với dự toán địa phương giao năm 2023; chưa đạt dự toán chủ yếu do giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia và vốn đầu tư công. Năm 2024, Thừa Thiên Huế phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP tăng từ 8,5-9,5%; thu ngân sách đạt 13.000 tỷ đồng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương kiến nghị Bộ Tài chính có chính sách giảm huy động cải cách tiền lương từ tăng thu thực hiện so với dự toán hằng năm từ 70% xuống còn khoảng 30 - 50%  như giai đoạn trước đây (50%). Cho phép các địa phương có nguồn cải cách tiền lương còn dư lớn, được sử dụng trước nguồn này để đầu tư các công trình, quan trọng cấp thiết của địa phương và địa phương cam kết đảm bảo nguồn cải cách tiền lương hằng năm, đồng thời phải dành nguồn trả lại dần để đảm bảo đủ nguồn đã trích theo quy định (thời hạn hoàn trả cho đến năm 2030). Về việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất không quy định việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên như hiện nay mà hướng dẫn tính toán giảm trừ ngay từ khâu xây dựng định mức chi thường xuyên. Trường hợp vẫn phải 10% tiết kiệm chi thường xuyên, đề nghị dành nguồn giao tiết kiệm chi thường xuyên ngay ở ngân sách các cấp mà không phải giao cho từng cơ quan, đơn vị rồi mới tính toán tiết kiệm.

Ngoài ra, hiện chưa có quy định hướng dẫn quyết toán các công trình, dự án không thuộc kế hoạch đầu tư công. Do đó, để đảm bảo công tác quyết toán các dự án nói trên và đảm bảo việc xác định rõ giá trị tài sản hình thành sau đầu tư theo quy định để quản lý, sử dụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ để sớm có quy định hướng dẫn quyết toán đối với các công trình, dự án mà không thuộc danh mục đầu tư công theo quy định. Theo dự báo của Bộ Tài chính năm 2024, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức. Diễn biến khu vực và thế giới tiếp tục phức tạp, khó lường. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5%, các mục tiêu về tài chính - NSNN, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương phát biểu tại hội nghị

Các đại biểu tham dự đã có những trao đổi xung quanh những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách, các giải pháp chống thất thu ngân sách, điều hành chính sách tài chính, các chính sách đồng hành hỗ trợ người dân, doanh nghiệp…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Minh Khái biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và đóng góp của ngành Tài chính trong năm 2023. Trên cơ sở tiếp thu và lắng nghe báo cáo tổng kết nhiệm vụ tài chính NSNN năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Tài chính và các ý kiến phát biểu đề xuất của các bộ ngành, địa phương. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 cùng các chỉ đạo của Chính phủ, tình hình thực tiễn triển khai thực hiện ngay kế hoạch, chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện quyết liệt ngay từ những ngày đầu của năm 2024.

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan ở trung ương, điều hành chính sách tài khóa chủ động, phù hợp. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành và dự kiến ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch năm 2024 đã đề ra.

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành Tài chính tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh thực hiện các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ và lộ trình tinh giản biên chế theo các Nghị quyết của Trung ương. Tập trung làm tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; rà soát, nắm chắc nguồn thu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thu, tiếp tục mở rộng cơ sở thuế cả về đối tượng lẫn địa bàn, nhất là đối với dịch vụ ăn uống, giải trí…

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, ngành Tài chính cần tham mưu chính sách phù hợp, hài hòa; kịp thời tham mưu cho Chính phủ triển khai, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu chính sách tài chính, kế hoạch tài khóa; đảm bảo an ninh tài chính, an ninh tiền tệ, đảm bảo các cân đối vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng Bộ Tài chính sẽ tiếp tục kế thừa các kết quả đạt được năm 2023, nghiên cứu để có những giải pháp đột phá, sáng tạo để vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024, góp phần vào hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030 theo Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XIII.

 
 
 
 
 
 
thuathiehue.gov.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày