Ngày 13/12/2021, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về phát triển huyện Phong Điền đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, xác định mục tiêu đưa huyện Phong Điền trở thành đô thị loại IV và trở thành thị xã trước năm 2025. Hiện nay, huyện Phong Điền đang tiếp tục củng cố ngành nông nghiệp, từng bước nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp, hướng tới mục tiêu xây dựng cơ cấu kinh tế mới công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; đang dần bứt phá bằng những chiến lược phát triển mạnh mẽ và những cơ chế, chính sách cởi mở và thông thoáng.
Những kết quả nổi bật
Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Qua hơn 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU về phát triển huyện Phong Điền đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các mặt, trong đó tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cảnh quan đô thị ngày càng hoàn thiện. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị để xây dựng Phong Điền đạt các tiêu chí đô thị loại IV, đã hoàn thành Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt tiêu chí đô thị loại IV trình Bộ Xây dựng thẩm định và công nhận; trên cơ sở thực trạng của khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền, đối chiếu với quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị được sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các tiêu chí đô thị loại IV, trong tổng số 63 tiêu chuẩn: đô thị Phong Điền có 40 tiêu chuẩn đạt điểm tối đa, 18 tiêu chuẩn đạt điểm theo quy định, 02 tiêu chuẩn đề xuất áp dụng quy định đặc thù (tiêu chuẩn về mật độ dân số); tiếp tục phát huy vai trò ngành kinh tế mũi nhọn với giá trị sản xuất tăng bình quân giai đoạn 2021- 2023 tăng 18,5%/năm, năm 2023 chiếm tỷ trọng 59% trong cơ cấu kinh tế; triển khai các dự án trong KCN Phong Điền như: Nhà máy Silicat của Công ty TNHH Premium Silica Huế, Nhà máy của Công ty Kanglongda, Nhà máy may AMP, hệ thống xử lý nước thải KCN, đầu tư hệ thống tiêu thoát nước tại khu công nghiệp và các hồ chỉ thị sinh học môi trường; thu hút được 25 dự án đầu tư (trong đó: 11 dự án đang hoạt động, 06 dự án đang triển khai xây dựng và 08 dự án đang chuẩn bị đầu tư) với tổng vốn đăng ký hơn 13.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng hơn 17.000 lao động; tỷ lệ lấp đầy KCN đạt khoảng 31%; Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, giá trị sản xuất tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 tăng 20,8%/năm, đến hết năm 2023 chiếm tỷ trọng 19% trong cơ cấu kinh tế; Phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm đạt 7,67%, đến hết năm 2023, chiếm tỷ trọng 22% trong cơ cấu kinh tế, triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao; tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị; sản xuất lúa theo hướng VietGap hơn 4.400 ha, theo tiêu chuẩn VietGap khoảng 384 ha, theo tiêu chuẩn hữu cơ 25,4 ha và theo hướng hữu cơ 9,8 ha. Toàn huyện có 15/15 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, phấn đấu 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Điền Lộc, Phong An); tập trung đầu tư nguồn lực phấn đấu hoàn thành công tác xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới; đẩy mạnh công tác nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, khai thác và quản lý tốt các điểm du lịch cộng đồng, sinh thái. Trong năm 2023, toàn huyện đã thu hút được 145.358 lượt khách, doanh thu ước khoảng 48,700 triệu đồng; tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện năm 2023 ước đạt 159,170 tỷ đồng; văn hóa xã hội, an ninh chính trị được đảm bảo,…
Sản xuất Nông nghiệp ngày càng được cơ giới hóa
Có thể nói, bộ mặt nông thôn ở các xã trên địa bàn huyện đã có nhiều khởi sắc, hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội đã được đầu tư khá đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân; tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng và có bước phát triển; nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả đã được triển khai và bước đầu được nhân rộng; nhân dân đã hưởng ứng, có nhiều đóng góp về đất đai, tài sản trên đất; đầu tư nâng cấp nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của gia đình; đầu tư phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập; hưởng ứng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, vệ sinh môi trường, bảo vệ an ninh trật tự; đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ngày càng giảm; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn; an ninh trật tự địa bàn nông thôn được đảm bảo; vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình ngày càng được tăng cường.
Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu
Để thực hiện việc hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV, xây dựng huyện đạt chuẩn NTM, góp phần xây dựng huyện trở thành Thị xã vào trước năm 2025. Trong thời gian tới, cấp ủy và chính quyền huyện Phong Điền tiếp tục tập trung triển khai các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 03/02/2020, Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 13/12/2021 của Tỉnh ủy; Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 02/3/2022 của UBND tỉnh đã đề ra; chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá và triển khai thực hiện chương trình phát triển đô thị, hoàn thiện, khắc phục các tiêu chí về điện chiếu sáng đường ngõ xóm, tuyến phố văn minh đô thị và các tiêu chí mềm khác chưa đạt; phấn đấu hoàn thành phê duyệt Đề án đề nghị công nhận đô thị Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV trong Quý I/2024; hoàn thiện các thủ tục đảm bảo điều kiện lập thủ tục đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án ngoài ngân sách trên địa bàn như dự án Bến cảng Phong Điền, Nhà ở xã hội (34 ha), Khu dân cư dịch vụ Khu công nghiệp Phong Điền, các dự án khu vực Điền Hòa, Trung tâm thương mại dịch vụ Khánh Mỹ, kêu gọi đầu tư các hạng mục tại làng cổ Phước Tích, các dự án xây dựng thiết chế văn hóa trên địa bàn; đồng thời phối hợp tạo điều kiện triển khai các dự án ngoài ngân sách đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư như dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp Điền Lộc; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp Điền Lộc 2; Dự án nông nghiệp công nghệ cao phát triển trồng cam tại xã Phong Sơn; đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; thực hiện có hiệu quả chương trình về giải quyết việc làm và đào tạo nghề lao động nông thôn; chương trình về giảm nghèo bền vững; làm tốt công tác vệ sinh môi trường, giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp; củng cố hệ thống chính trị, giữ vững tình hình an ninh trật tự ở nông thôn,...
“Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng lòng, chung sức và quyết tâm cao của người dân, Chương trình xây dựng NTM của huyện nhà đã làm hệ thống hạ tầng, cảnh quan, môi trường nông thôn ngày càng thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được tăng lên, tỷ lệ hài lòng của người dân về công tác xây dựng NTM được nâng cao. Đây chính là những bước đi vững chắc, tạo đà quan trọng cho việc tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng huyện đạt chuẩn NTM, góp phần xây dựng huyện Phong Điền trở thành Thị xã vào trước năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy” ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết.