Ngày hội thơ Huế là chuỗi các sự kiện thuộc chương trình Ngày thơ Việt Nam nằm trong khuôn khổ Lễ hội mùa xuân của Festival Huế 2024, với các hoạt động như: giao lưu thi ca, viếng mộ thi nhân, các Chương trình thơ trong dịp Nguyên tiêu năm 2024 tại Huế.
“Hương sắc mùa xuân” là chương trình tổng hoà diễn ngâm các bài thơ cùng các ca khúc tiêu biểu của các tác giả: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vũ Đình Liên, Nguyễn Bính, Nguyễn Khoa Điềm, Văn Cao, Trần Hoàn, Cao Việt Bách... và sự tham gia của NSND Bạch Hạc, NSƯT Mai Lê và các nghệ sỹ, ca sỹ.
Chương trình được dàn dựng công phu với cách kết hợp sân khấu thực cảnh hòa quyện cùng ánh sáng Đại Nội vào ban đêm đã mang đến cho công chúng những khoảnh khắc sâu lắng về nội dung, ấn tượng về cảnh trí riêng có của Huế.
“Mùa xuân nho nhỏ”- bài thơ thể hiện cảm xúc trong sáng, rung động thẩm mỹ về ngày mới của đất nước, có sức gợi về văn hoá Huế của nhà thơ Thanh Hải được ca sĩ Thanh Lan cùng tốp múa trình bày mở đầu cho chương trình.
Các tiết mục đặc sắc tại chương trình
Bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ nói lên cảm xúc và niềm vui dạt dào trước đêm Nguyên tiêu lịch sử năm 1948. Đây là bài thơ duy nhất của Bác về Nguyên tiêu và cũng là một áng thơ tuyệt tác về “Trăng” mà Bác sáng tác. 3 bài thơ Xuân ngũ ngôn tứ tuyệt của vua Minh Mạng; bài thơ “Trùng minh viễn chiếu” của vua Thiệu Trị; “Ông đồ” của Vũ Đình Liên; “Trong đôi mắt Huế” của Đông Hồ… gợi những hình ảnh quen thuộc, đặc trưng của vùng đất Kinh đô xưa và con người xứ Huế. Tất cả đều rất tự nhiên mà cuốn hút.
Các ca khúc “Tình ca mùa xuân”, “Cung đàn mùa xuân”, “Mùa xuân đầu tiên”… bao năm qua vẫn cùng “xuân về non nước bao la” đầy xao xuyến mỗi khi cất lên, với những âm điệu của nhạc và thơ hoà quyện tạo thành sức sống lâu bền cho các ca khúc.
Ngày hội thơ Huế là dịp thu hút thêm người tri âm, những tâm hồn đồng điệu với thơ, ca, nhạc, họa xứ Huế. Là một nhịp đập trữ tình mang phong cách rất riêng qua các kỳ Festival Huế, Ngày hội thơ Huế đem đến cho công chúng nhiều giọng thơ của các nhà thơ xứ Huế qua nhiều thế hệ. Các bài thơ được chuyển tải qua các hình thức diễn ngâm, trình diễn tiểu phẩm, sân khấu hóa... đã thổi hồn và làm cho thơ thêm giàu cảm xúc.