Giải đáp một số tình huống pháp luật thường gặp về hộ tịch
Ngày cập nhật 07/11/2024

Giải đáp một số tình huống pháp luật thường gặp về hộ tịch

 

1. Chị A và anh T chung sống với nhưng không đăng ký kết hôn. Do mâu thuẫn nên T bỏ đi và không biết rằng A có thai với T. Sau khi sinh được một bé gái, chị A làm thủ tục khai sinh cho con, chị cho đứa bé mang họ mẹ và trong giấy khai sinh của cháu không có tên người cha. Gần đây, T biết chuyện nên đã quay lại xin nhận con. Tuy nhiên, chị A băn khoăn không biết chị có thể bổ sung tên T là cha vào giấy khai sinh của đưa bé không? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết việc này?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng được xác định là cha, mẹ của con.

Do đó, nếu anh T muốn nhận con thì anh chị có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền ghi bổ sung tên người cha vào giấy khai sinh của cháu. Tuy nhiên, trước khi ghi bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của con, anh T cần phải làm thủ tục đăng ký việc nhận cha cho con.

Tại Điều 19 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định về đăng ký nhận cha, mẹ, con như sau:

– Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới thực hiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó với công dân của nước láng giềng thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam, tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam nơi công dân Việt Nam thường trú.

– Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân và trực tiếp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã; hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con gồm các giấy tờ sau đây:

+ Tờ khai nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;

+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ cha – con hoặc quan hệ mẹ – con; 

+ Bản sao giấy tờ chứng minh nhân thân, chứng minh nơi thường trú ở khu vực biên giới của công dân nước láng giềng.

– Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra hồ sơ, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã quyết định. Trường hợp phải xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 12 ngày làm việc.

– Nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung vào Sổ hộ tịch, cùng người có yêu cầu ký, ghi rõ họ tên vào Sổ hộ tịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ký cấp cho mỗi bên 01 bản chính trích lục hộ tịch.

Khi đăng ký việc nhận cha, mẹ, con, các bên cha, mẹ, con phải có mặt. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên một bản chính Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh cho người con sẽ căn cứ Quyết định này để ghi bổ sung phần khai về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh của người con. 

Như vậy, để bổ sung tên anh T trong giấy khai sinh cho con, thì trước tiên anh T, chị A phải làm thủ tục đăng ký việc nhận cha cho con. Sau khi có quyết định công nhận việc nhận cha, con, UBND cấp xã, nơi chị A đã đăng ký khai sinh cho con sẽ ghi bổ sung phần khai về cha trong sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh của con.

2. Anh A và chị B kết hôn với nhau nhưng do điều kiện chưa cho phép, nên vợ chồng chị hộ khẩu mỗi người mỗi nơi. Để thuận tiện cho việc chăm sóc hai mẹ con, chị B về quê chồng để sinh con. Anh A ra UBND xã - nơi cư trú của mình làm khai sinh cho con nhưng bị từ chối và được hướng dẫn đến nơi chị B đăng ký hộ khẩu. Hỏi, việc làm trên của cán bộ tư pháp xã có đúng không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 13 Luật hộ tịch năm 2014 thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh. Luật không quy định bắt buộc việc đăng ký khai sinh cho con theo mẹ như trước đây. Do vậy, việc từ chối đăng ký khai sinh của công chức tư pháp trong trường hợp này là không đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp của anh A, chị B có thể căn cứ quy định tại Điều 16 Luật hộ tịch để thực hiện đăng ký khai sinh cho con, cụ thể thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện qua các bước như sau:

Bước 1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

Bước 2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định nêu trên, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh gồm: a) Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch; b) Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; c) Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

3. Theo lời các cụ trong nhà thì tên của con gái anh T trùng với tên của bà cô tổ trong họ nên ông nội cháu yêu cầu anh T phải đổi tên ngay cho cháu để tránh phạm húy tới các bậc tiền bối. Trong trường hợp này, vợ chồng anh T có thể thay đổi tên cho con được không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 28 BLDS năm 2015 thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;

e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;

g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.

Căn cứ vào quy định trên của pháp luật, thì với tư cách là cha mẹ đẻ của cháu bé, vợ chồng anh chị có quyền được thay đổi tên cho con.

4. Theo quyết định cho ly hôn của tòa án, chị C được quyền nuôi con (cháu mới hơn 10 tuổi) và chị C muốn đổi họ của con theo họ của chị. Vậy chị C có quyền được đổi họ cho con không?

Trả lời:

“Họ” là một phần trong tên gọi đầy đủ của một người để chỉ ra rằng người đó thuộc về dòng họ nào. Có họ, tên là quyền của mỗi cá nhân. Theo quy định tại Điều 27 BLDS 2015 thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:

a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;

b) Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;

c) Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;

d) Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;

đ) Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

e) Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;

g) Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;

h) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

Việc thay đổi họ cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

Việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ.

Căn cứ vào quy định trên của pháp luật, thì chị C có thể đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi họ cho con. Theo quy định tại Điều 27 Luật hộ tịch thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi.

Thủ tục đăng ký thay đổi hộ tịch gồm các bước sau:

1. Người yêu cầu đăng ký thay đổi hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tnêu trên, nếu thấy việc thay đổi hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp thay đổi hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

3. Trường hợp đăng ký thay đổi hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.

Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.

 Do vậy, chị C có thể tham khảo quy định pháp luật nêu trên để thực hiện thay đổi họ cho con.

5. Do hỏa hoạn, toàn bộ giấy tờ của gia đình H bị mất. Chị H đã đến UBND xã đề nghị đăng ký lại việc sinh để được cấp bản chính Giấy khai sinh đăng ký lại cho con, nhưng công chức Tư pháp hộ tịch xã từ chối cấp và hướng dẫn chị lên Phòng tư pháp huyện để làm thủ tục cấp lại. Xin hỏi, việc làm của cán bộ tư pháp - hộ tịch có đúng quy định hay không?

Trả lời:

Việc làm của cán bộ tư pháp - hộ tịch là không đúng quy định pháp luật vì theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 1/1/2016 nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.

Cũng tại Điều 26 quy định thủ tục đăng ký lại khai sinh như sau:

“1. Hồ sơ đăng ký lại khai sinh gồm các giấy tờ sau đây:

a) Tờ khai theo mẫu quy định, trong đó có cam đoan của người yêu cầu về việc đã đăng ký khai sinh nhưng người đó không lưu giữ được bản chính Giấy khai sinh;

b) Bản sao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của người yêu cầu hoặc hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khác trong đó có các thông tin liên quan đến nội dung khai sinh của người đó;

c) Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh là cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì ngoài các giấy tờ theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này phải có văn bản xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về việc những nội dung khai sinh của người đó gồm họ, chữ đệm, tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha - con, mẹ - con phù hợp với hồ sơ do cơ quan, đơn vị đang quản lý.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra, xác minh hồ sơ. Nếu việc đăng ký lại khai sinh là đúng theo quy định của pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện đăng ký lại khai sinh như trình tự quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch.

Nếu việc đăng ký lại khai sinh được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã không phải là nơi đã đăng ký khai sinh trước đây thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân nơi đăng ký khai sinh trước đây kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký khai sinh trước đây tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản về việc còn lưu giữ hoặc không lưu giữ được sổ hộ tịch.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh về việc không còn lưu giữ được sổ hộ tịch tại nơi đã đăng ký khai sinh, nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện việc đăng ký lại khai sinh như quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch.

4. Trường hợp người yêu cầu có bản sao Giấy khai sinh trước đây được cấp hợp lệ thì nội dung đăng ký khai sinh được ghi theo nội dung bản sao Giấy khai sinh; phần khai về cha, mẹ được ghi theo thời điểm đăng ký lại khai sinh.

5. Trường hợp người yêu cầu không có bản sao Giấy khai sinh nhưng hồ sơ, giấy tờ cá nhân có sự thống nhất về nội dung khai sinh thì đăng ký lại theo nội dung đó. Nếu hồ sơ, giấy tờ không thống nhất về nội dung khai sinh thì nội dung khai sinh được xác định theo hồ sơ, giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chính thức hợp lệ đầu tiên; riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì nội dung khai sinh được xác định theo văn bản của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này.”

Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan có thẩm quyền đăng ký lại việc sinh, công chức tư pháp hộ tịch cần căn cứ quy định nêu trên để thực hiện các thủ tục cần thiết đăng ký lại việc sinh cho con chị H.

6. Vợ chồng anh T đều là công nhân một nhà máy ở miền nam nhưng hộ khẩu của cả hai vợ chồng hiện vẫn đang ở ngoài Bắc. Vừa qua, vợ anh T sinh em bé. Anh T có thể ủy quyền cho bố ở quê thực hiện đăng ký khai sinh cho con được không? Trình tự, thực hiện ủy quyền đăng ký hộ tịch được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp thì anh T có thể ủy quyền cho bố ở quê thực hiện đăng ký khai sinh cho con.

Trình tự, thực hiện ủy quyền đăng ký hộ tịch được tiến hành như sau: Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật; phạm vi uỷ quyền có thể gồm toàn bộ công việc theo trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả đăng ký hộ tịch. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người uỷ quyền.

 

Văn Thị Phương
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày