Tìm kiếm tin tức
“Không giấy tờ, ít họp hành”: Cần giải thể các Ban chỉ đạo không cần thiết
Ngày cập nhật 10/12/2019
Ảnh minh họa

Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng ngoài mục tiêu “liêm chính, kiến tạo, hành động” thì Chính phủ đang quyết tâm xây dựng một bộ máy không giấy tờ, ít họp hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí cho xã hội, người dân, doanh nghiệp.

Có thể nói, để đạt mục tiêu “Chính phủ không giấy tờ, ít họp hành” còn rất nhiều việc phải làm, cần sự vào cuộc, quyết tâm của các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị. Dưới gốc độ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến việc nên giải thể các Ban chỉ đạo, Hội đồng phối hợp không cần thiết nhằm giảm bớt họp hành, giấy tờ.

Thực tế hiện nay vẫn có một số Ban chỉ đạo, Hội đồng hoạt động khá hiệu quả, tích cực như giải quyết nhanh chóng, kịp thời những vướng mắc, phát sinh trong khi thực hiện một số công việc chuyên môn có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Tuy nhiên, nhiều Ban chỉ đạo, Hội đồng hoạt động hình thức, không cần thiết, nhất là ở địa phương, cơ sở. Bởi lẽ, phần lớn các định hướng công tác chuyên môn, nội dung phối hợp đều được thực hiện ở cấp trung ương, ở địa phương chỉ là cấp thực hiện. Bên cạnh đó, hầu hết các công việc chuyên môn được giao cho một cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm chính. Trong trường hợp cần thiết chỉ cần lấy ý kiến, tham khảo các cơ quan khác có liên quan, cơ quan phối hợp là đủ.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc họp triền miên, liên tục đó là việc các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức phải tham gia nhiều Ban chỉ đạo, Hội đồng phối hợp này nọ... Nhiều cán bộ lãnh đạo các sở, ngành thậm chí không nhớ mình được cử tham gia, thành viên của bao nhiều Ban chỉ đạo, Hội đồng! 

Vì thế, cứ có giấy mời là đến họp nhưng đôi khi không có sự nghiên cứu, chuẩn bị, thậm chí không biết nội dung cuộc họp là gì, với tư cách thành viên thì trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của mình đến đâu! Vì vậy, họp nhiều nhưng chất lượng các cuộc họp không cao, hình thức, chủ yếu vẫn là do cơ quan thường trực chủ động tham mưu, quyết định.  

Có thể khẳng định, việc thành lập một số Ban chỉ đạo, Hội đồng là không cần thiết, không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Minh chứng là nhiều địa phương đã giải thể, sáp nhập các Ban chỉ đạo, Hội đồng nhưng hoạt động chuyên môn vẫn đảm bảo tiến độ, chất lượng. Mặt khác, cán bộ, công chức đã được “giải phóng” khỏi công tác sự vụ, họp hành quá nhiều để tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn.

Để đạt được mục tiêu “không giấy tờ, ít họp hành” thì một trong những việc cần làm ngay là phải khẩn trương rà soát, giải thể, sắp xếp lại những Ban chỉ đạo, Hội đồng không cần thiết, góp phần hạn chế việc họp hành tràn lan, gây lãng phí thời gian, tốn kém công sức, tiền bạc, giấy tờ. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tránh chồng chéo dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức./. 

ThS Phạm Văn Chung - Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.418.290
Truy cập hiện tại 9.645