Tìm kiếm tin tức
Vừa “gọn”, vừa “tinh”
Ngày cập nhật 10/12/2019
Ảnh minh họa

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ký văn bản gửi Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương về việc đăng ký thí điểm hợp nhất một số sở ngành, phòng ban. Đây được đánh giá là một trong những động thái tích cực, chủ động của Bộ Nội vụ trong việc thúc đẩy triển khai nhiệm vụ theo yêu cầu Nghị quyết số 18-NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội nhằm bảo đảm bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

 
 

Theo đó, Bộ Nội vụ đồng ý cho các tỉnh thí điểm hợp nhất 8 sở ngành thành 4. Đó là: Sở Tài chính hợp nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành Sở Tài chính và Kế hoạch. Thí điểm hợp nhất Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng thành Sở Giao thông và Xây dựng. Đồng thời, thí điểm hợp nhất Thanh tra cấp tỉnh với Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy thành Cơ quan Thanh tra - Kiểm tra cấp tỉnh. Ngoài ra, thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ cấp tỉnh. Cơ quan này có chức năng tham mưu, giúp việc cho cấp ủy cấp tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ và tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực nội vụ…

Thời gian qua, bộ máy cồng kềnh với đội ngũ cán bộ, công chức tuyển dụng chưa thực sự bảo đảm chất lượng được coi là một trong những nguyên nhân dẫn tới bộ máy hoạt động kém hiệu quả. Có một câu hỏi mà dư luận và cử tri luôn đặt ra, liệu kinh tế - xã hội đất nước của chúng ta sẽ phát triển thế nào nếu như ngân sách nhà nước phải dành hơn 60% cho chi thường xuyên, trong đó có một khoản không nhỏ chi cho bộ máy; trong khi nguồn ngân sách dành cho đầu tư phát triển lại không nhiều?

Thực tế này đòi hỏi cần phải sắp xếp lại bộ máy để vừa giảm mức chi thường xuyên, vừa bảo đảm bộ máy, con người phải thực sự chất lượng, hoạt động hiệu quả. Tuy vậy, việc triển khai chủ trương, yêu cầu này trên thực tế gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Vướng mắc từ chính các quy định của pháp luật, từ cơ chế chính sách để giải quyết quyền lợi cho các cơ quan, đơn vị phải tinh gọn. Suy cho cùng là thiếu cơ chế chính sách thỏa đáng đối với người thuộc đối tượng tinh giản. Ngoài ra, có cả vướng mắc từ tâm lý của những người trong cuộc, những người thuộc đối tượng tinh giản và sự nể nang, ngại ngần của những người có quyền quyết định việc tinh giản này.

Vẫn biết rằng, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là khó, bởi đây là vấn đề nhạy cảm, đụng chạm đến quyền lợi, đến con người. Nhưng Nghị quyết Trung ương, của Quốc hội đã có, đặc biệt đây là yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống, chúng ta không thể không làm.

Xác định rõ yêu cầu đó, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã bắt tay vào thực hiện thí điểm việc hợp nhất các sở, ngành, cơ quan chuyên môn. Có những tỉnh thành đã thực hiện thí điểm như Lào Cai… Tại Kỳ họp thứ 15 vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết về việc thống nhất chủ trương thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ tỉnh Quảng Ninh. Cơ quan mới này sẽ thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc cho cấp ủy cấp tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ và tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực nội vụ.

Không chỉ hợp nhất, có những địa phương đã mạnh dạn giải thể cơ quan chuyên môn khi cơ quan này đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Cà Mau Khóa IX (nhiệm kỳ 2016 - 2021) đã thống nhất thông qua việc giải thể Sở Ngoại vụ trực thuộc UBND tỉnh Cà Mau sau 5 năm thành lập. Khi thực hiện đề án này sẽ giảm 1 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; 3 phòng chuyên môn thuộc sở; 4 chức danh giám đốc, phó giám đốc; 9 trưởng phòng, phó trưởng phòng; 10 biên chế công chức, viên chức… Điều này cho thấy, quyết tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh trong việc thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy. 

Hợp nhất sở ngành, phòng ban chuyên môn là cần thiết. Nhưng mục đích cao nhất của việc hợp nhất là phải bảo đảm hiệu quả hoạt động của bộ máy. Hợp nhất không phải là gộp đầu mối cơ học đơn thuần theo kiểu “bình mới, rượu cũ”. Điều này đòi hỏi người đứng đầu và bộ phận tham mưu phải công tâm, khách quan khi thực hiện. Tránh tình trạng như Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa nói: “giữ người nhà, mất người tài”. Việc hợp nhất phải bảo đảm vừa “gọn” vừa “tinh”./.

Theo: daibieunhandan.vn

 

 

 
 
 
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.386.422
Truy cập hiện tại 6.044