Tìm kiếm tin tức
Những bài học cốt yếu trong trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày cập nhật 10/12/2019

Một thành công nổi bật trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thiên tài trong dùng người, trọng dụng nhân tài. Do đó, Người đã đưa cách mạng Việt Nam thoát khỏi cuộc khủng hoảng về đường lối và người lãnh đạo kéo dài suốt từ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, và đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Những bài học cốt yếu trong trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị thiết thực với việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược của Đảng ta hiện nay.

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển truyền thống dân tộc Việt Nam và chủ nghĩa Mác-Lênin trọng dụng nhân tài  

Tin tưởng ở sức sống mãnh liệt của nhân dân, của dân tộc Việt Nam, thời nào cũng nhất định có người  tài đức, trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo viết năm 1428, Nguyễn Trãi khẳng định:

"Như nước Việt ta từ trước,

Vốn xưng văn hiến đã lâu,…

Dẫu cường nhược có lúc khác nhau,

Song hào kiệt đời nào cũng có"(1).

Nói về tầm quan trọng của nhân tài và trọng dụng nhân tài để xây dựng, phát triển đất nước, Hàn lâm viện thừa chỉ, kiêm Đông các Đại học sĩ, kiêm Tế tửu Quốc tử giám Thân Nhân Trung, năm 1442, khẳng định: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết"(2).     

Chỉ ra phương hướng trọng dụng nhân tài để truyền bá, thực hiện chủ nghĩa Mác nhằm xây dựng xã hội mới trong lịch sử loài người, C. Mác vạch ra rằng:

"Muốn thực hiện tư tưởng thì cần có những con người sử dụng lực lượng thực tiễn"(3).

Vạch  phương hướng đào tạo cán bộ, trọng dụng nhân tài trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, V.I. Lênnin khẳng định:

“Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiền phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào,... Chúng ta phải đào tạo những người sẵn sàng hiến cho cách mạng, không phải chỉ những buổi tối rỗi việc của họ mà tất cả cuộc đời của họ”(4).

Kế thừa, phát triển truyền thống dân tộc Việt Nam và chủ nghĩa Mác-Lênin trọng dụng nhân tài để kiến thiết đất nước, xây dựng chế độ xã hội mới, với cương vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam mới, Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi TÌM NGƯỜI TÀI ĐỨC.

Người nêu rõ niềm tin tưởng vào đồng bào Việt Nam và chỉ ra tầm quan trọng phải có nhân tài trong xây dựng đất nước.  

"Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức"(5). Hơn ai hết, Người khiêm tốn, hạ mình để cầu hiền tài giúp dân, giúp nước. Người giãi bầy tâm can cùng nhân dân và yêu cầu chính quyền các cấp tiến cử hiền tài cho chính phủ:

"E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết"(6). 

Không chỉ ra lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương lớn về trọng dụng nhân tài trong xây dựng Chính phủ, xây dựng bộ máy Đảng, Nhà nước ta và trọng dụng các chuyên gia lớn đầy tài năng. Khi dùng người tài, Người đánh giá tài đức của cán bộ ở trong công việc. Coi kết quả công việc với tinh thần vì dân, vì nước là căn cứ chính để phát hiện, trọng dụng nhân tài, chứ không hẹp hòi, không câu nệ là người trong Đảng hay ngoài Đảng. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, khi thành lập chính phủ, dù còn nhiều ý kiến khác nhau, Người vẫn sẵn sàng sử dụng  các cán bộ, công chức, quan chức trong chính quyền cũ.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một trí thức Hán học, từng là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ thời thuộc Pháp, một người ngoài Đảng nhưng nổi tiếng tài năng, đức độ và lòng yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách mời cụ ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Khi Người đi Pháp năm 1946, tuy trong Chính phủ có nhiều cán bộ là đảng viên, nhưng Người không giao mà quyết định giao cụ Huỳnh Thúc Kháng làm quyền Chủ tịch nước với lời nhắn nhủ nổi tiếng: "Dĩ bất biến ứng vạn biến".

Cụ Bùi Bằng Đoàn, vốn là quan Thượng thư Bộ Hình dưới triều Nguyễn nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mời ra làm Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rồi sau này làm tới chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Gíao sư Nguyễn Văn Huyên, dù là người ngoài Đảng nhưng vẫn được Người giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Giáo dục tới 29 năm. Một thời kỳ nền giáo dục nước nhà cung cấp được nhiều nhân tài cho cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và kiến thiết nước nhà thắng lợi.

Hàng loạt trí thức tây học còn rất trẻ nhưng có tài năng cũng đượcChủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng, giao trọng trách trong bộ máy Đảng, Nhà nước từ rất sớm như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai,v,v...Đồng chí Võ Nguyên Giáp khi mới 34 tuổi đã là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, khi 37 tuổi  là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam.

Có tâm trọng dụng nhân tài lại có tài năng và nghệ thuật trong dùng người, dùng cán bộ, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng được các Chính phủ đại đoàn kết toàn dân tộc và hội tụ được nhân tài ở tất cả các miền Trung, Nam, Bắc nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học quý báu về trọng dụng nhân tài trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

2. Một số phương châm cơ bản trong khoa học - nghệ thuật trọng dụng nhân tài Hồ Chí Minh

Người lãnh đạo, đứng đầu có vai trò quyết định  việc phát hiện, trọng dụng nhân tài có hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: Cố nhiên việc hay hay dở, một phần do cán bộ đủ năng lực hay không. Nhưng một phần cũng do cách lãnh đạo đúng hay không. Năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có. "Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hoá ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hoá ra tài nhỏ"(7). Lãnh đạo kém chẳng những không phát huy được nhân tài cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc, mà còn làm thui chột nhân tài.

Theo Hồ Chí Minh, người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cấp ủy Đảng, Chính quyền có  khả năng "lãnh đạo khéo", tức có năng lực lãnh đạo một cách khoa học và nghệ thuật thì nhất định có khả năng phát hiện nhân tài và trọng dụng nhân tài. Thậm chí có khả năng làm cho cán bộ dưới quyền có tài nhỏ mà có thể "hoá ra tài to". Do người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cấp ủy Đảng, Chính quyền có tâm và có năng lực khiến cho cán bộ dưới quyền có gan phụ trách, có gan làm việc và thành công.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn: Khi giao công tác cho cán bộ cấp dưới người đứng đầu cần chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ; vạch rõ những điểm chính, và những khó khăn có thể xảy ra. 

Tin tưởng , giao quyền độc lập, tự chủ cho cán bộ cấp dưới và khuyến khích họ mạnh dạn thực hiện. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Những vấn đề đã quyết định rồi, thả cho họ làm, khuyên gắng họ cứ cả gan mà làm. Cũng như trong quân đội, khi chiến lược chiến thuật và nhiệm vụ đã quyết định rồi, vị Tổng tư lệnh không cần nhúng vào những vấn đề lặt vặt. Phải để cho các cấp chỉ huy có quyền "tuỳ cơ ứng biến", mới có thể phát triển tài năng của họ.

Khi trao chức Tổng tư lệnh Mặt trận Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Vào trận chắc thắng thì đánh. Không chắc thắng thì không đánh. Khi vào mặt trận, cố vấn Trung Quốc cho rằng nên đánh nhanh thắng nhanh. Nhưng điều tra, nghiên cứu địch tình, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận thấy không thể đánh ngay. Trăn trở suy nghĩ về lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chắc thắng thì đánh. Không chắc thắng thì không đánh; nên Đại tướng đã quyết định kéo pháo vào, lại kéo pháo ra. Đánh theo phương châm chắc thắng. Chính việc chuyển từ phương châm tác chiến đánh nhanh thắng nhanh sang phương châm đánh chắc thắng là một trong những nguyên nhân thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó chỉ là một ví dụ trong muôn việc, nhờ làm người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành một danh tướng, một thiên tài quân sự Việt Nam. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Trước khi trao công tác, lãnh đạo cần  phải bàn kỹ với cán bộ cấp dưới. Nếu họ gánh không nổi, chớ miễn cưỡng trao việc đó cho họ. Khi đã trao cho họ phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác. Nếu không tin cán bộ, sợ họ làm không được, việc gì cấp trên cũng nhúng vào, cán bộ cũng như một cái máy, việc gì cũng chờ mệnh lệnh, sinh ra ỷ lại, mất hết sáng kiến. Hồ Chí Minh khẳng định: "Phải đào tạo một mớ cán bộ phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc. Có thế Đảng mới thành công. Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo "đập đi, hò đứng", không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng"(8).

Tùy tài mà dùng đúng tài, đúng năng lực, sở trường, đúng người, đúng việc, đúng lúc, đúng chỗ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Dùng nhân tài cần phải hợp lý"(9). "Nhân tài: Người nào có năng lực làm việc gì, thì đặt vào việc ấy. Nếu dùng không đúng, người giỏi nghề thợ mộc thì giao cho việc thợ rèn, người giỏi nghề rèn thì giao cho việc thợ mộc, như thế thì hai người đều thất bại cả hai"3.   Dùng đúng tài năng thì thành công; dùng sai tài năng thì hỏng việc. Biết cảm hóa, lôi cuốn, trọng dụng những nhân tài chuyên môn, nên nhiều nhân tài trí thức ở nước ngoài có học vị, thu nhập cao nhưng đã tự nguyện về giúp nước như: kỹ sư Trần Đại Nghĩa, học ở Pháp rồi làm chuyên gia cao cấp về vũ khí ở Đức; giáo sư toán học Lê Văn Thiêm, người Việt Nam đầu tiên được phong giáo sư ở trường Đại học Zurich (Thụy Sỹ), nhà nông học Lương Định Của, tiến sỹ y khoa Đặng Văn Ngữ ở Nhật Bản, giáo sư Phạm Huy Thông, bác sỹ Trần Hữu Tước, bác sỹ Nguyễn Khắc Viện ở Pháp,v.v… Đồng thời, nhiều trí thức tiêu biểu như giáo sư Tạ Quang Bửu, giáo sư Tôn Thất Tùng, giáo sư Hồ Đắc Di, luật sư Phan Anh, giáo sư Hoàng Minh Giám, Ngụy Như Kon Tum, bác sỹ Vũ Đình Tụng… đều được trọng dụng để phát huy tài năng phục vụ đất nước. Trong quá trình lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, nhiều đồng chí được Bác Hồ chọn, giao đúng việc, đúng lúc, đúng người tài năng  như đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, đều là những cộng sự, đồng thời là những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trở thành những nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước kiệt xuất của Việt Nam.

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho Đảng, cho Tổ quốc

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nhân tài, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, cán bộ là công việc gốc của Đảng. 

Từ khi chuẩn bị thành lập Đảng,  năm 1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Phải "bồi dưỡng nhân tài để đem vào đảng cộng sản"(10). Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp mở các lớp huấn luyện lý luận cách mạng tại Quảng Châu Trung Quốc trong những năm 1925 -1927 để huấn luyện những thanh niên yêu nước Việt Nam ưu tú, đưa họ vào hoạt động thực tiễn, từng bước chuyển họ trở thành những người cộng sản đầu tiên ở nước ta. Năm 1941, Người trực tiếp mở các lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho cán bộ ở Cao bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và cán bộ ở miền xuôi lên để phục vụ cuộc vận động giải phóng dân tộc, dẫn đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, ở cương vị Chủ tịch nước, Người ký Sắc lệnh Quyết định mở Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam. Người hết sức quan tâm chỉ đạo hoạt động của hệ thống trường Đảng nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán của Đảng; quan tâm chỉ đạo hệ thống giáo dục quốc dân từ tiểu học đến đại học nhằm đào tạo những công dân tốt và cung cấp nguồn cán bộ tốt, nhân tài, chuyên gia giỏi cho đất nước.

Không chỉ trực tiếp đào tạo, hoặc chú trọng đào tạo nhân tài, cán bộ ở trong nước. Hồ Chí Minh hết sức chú trọng việc cử người đi học kinh nghiệm cách mạng và khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Ngay từ tháng 7/1926, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một số thanh niên ưu tú Việt Nam sang Liên Xô để học tập và rèn luyện. Năm 1951, trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa lớp cán bộ đầu tiên sang Liên Xô đào tạo nhằm chuẩn bị đội ngũ “hiền tài” cho công cuộc kiến thiết đất nước khi chiến tranh kết thúc. Trong kháng chiến chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhiều thế hệ thanh niên ưu tú sang đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa. Vì thế, sau năm 1975, chúng ta có trên 30.000 cán bộ có trình độ trung cấp kỹ thuật trở lên, họ trở thành những nhà khoa học đầu đàn, là đội ngũ cốt cán của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Về Mục đích, nhiệm vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ hệ thống trường đào tạo cán bộ của Đảng có trách nhiệm  dạy và người học có nhiệm vụ: "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư"(11). Thực hiện được triết lý giáo dục, đào tạo đó, Đảng đã và sẽ tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng thành công những cán bộ Đảng, Nhà nước, Đoàn thể có đủ tài đức, và nhiều người trở thành những chính khách tài năng, những nhà chính trị chuyên nghiệp ngang tầm nhiệm vụ của đất nước.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, cán bộ cần chú trọng quán triệt sâu sắc những quan điểm cốt lõi của Hồ Chí Minh. 

Đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, cán bộ  phải nhằm đúng nhu cầu của thực tiễn.

Lý luận liên hệ với thực tế. Học đi đôi với hành. Khắc phục cái yếu chí mạng trong nền giáo dục của chúng ta là nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người; nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành.

Đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, cán bộ "Cốt thiết thực chu đáo hơn tham nhiều". "Quý hồ tinh bất quý hồ đa", "Thà ít mà tốt".

Nâng cao và hướng dẫn việc tự học tập suốt đời của cán bộ, đảng viên. Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, cán bộ cần phải được trao cho những người có tài năng đảm nhiệm. "Các cơ quan cần phải rất chú ý đến việc huấn luyện cán bộ. Phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó. Những người lãnh đạo cần phải tham gia việc dạy. Không nên bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong việc huấn luyện"(12).

Khi đề bạt cán bộ cần phải xem xét tinh thần, thái độ, kết quả học tập như với các mặt công tác khác.

4. Những tố chất cần có và các căn bệnh phải chống để trọng dụng nhân tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh    

Biết mình mới biết người, mới biết phát hiện nhân tài ngang tầm nhiệm vụ. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: "Biết người, cố nhiên là khó. Tự biết mình, cũng không phải là dễ. Đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu"(13); không thể phát hiện và trọng dụng được nhân tài.

Muốn dùng đúng và khéo dùng nhân tài, cán bộ, cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu phải có những phẩm chất tốt. Đó là:

Có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho nhân tài, cán bộ khỏi bị bỏ rơi. Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gụi những người mình không ưa. Phải chống lại bệnh hẹp hòi. Vì căn bệnh này, trong thì ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết. Ngoài, thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài"(14).

Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Do vậy, Cấp ủy Đảng các cấp và người đứng đầu "Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta"(15). phải chăm sóc nhân tài, cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Tài to ta dùng vào việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ. Trong cách mạng thường hao tổn một số cán bộ quý báu. Vì vậy, chúng ta càng phải trọng nhân tài, quý cán bộ, phải bổ sung cán bộ, phải giữ gìn cán bộ cũ và đào tạo cán bộ mới.    

Cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải có tính chịu khó dạy bảo cấp dưới, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ. Khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến. Khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc.

Cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa nhân tài, cán bộ tốt. Phải tránh các căn bệnh một số người có quyền, có chức thường mắc. Đó là: Ưa người ta nịnh mình. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực, tài giỏi hơn mình. Cho nên dẫn đến: "Thân cận là những kẻ vô tài bất lực, nhưng khéo nịnh hót a dua. Xa cách hoặc dìm hãm những người có tài có đức hay bàn ngay nói thẳng"(16).      

Phải tránh bệnh do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. Nếu lãnh đạo có những căn bệnh đó, chẳng những nhân tài bị bỏ rơi, mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ: "Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng càng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo"(17).

Cán bộ lãnh đạo cần có thái độ vui vẻ, thân mật, các đồng chí, nhân tài, chuyên gia mới vui lòng gần gụi mình. Không nên tự tôn, tự đại, mà phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới. Nếu ý kiến các đồng chí cấp dưới đúng, của chuyên gia đúng, ta phải nghe theo, khuyên họ thường đề thêm ý kiến, để nâng tinh thần và sáng kiến của họ. Nếu ý kiến của họ không đúng, ta nên dùng thái độ thân thiết, giải thích cho họ hiểu. Quyết không nên phùng mang trợn mắt, quở trách, giễu cợt họ. Nhất là nên tránh kiểu cách khó gần, xa cách quần chúng, chuyên gia, thậm chí coi thường quần chúng, chuyên gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: Nếu cán bộ, chuyên gia không nói năng, không đề ý kiến, không phản biện, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Người khẳng định: "Không phải họ không có gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hoá ra oán ghét, chán nản. Như thế mà muốn cán bộ công tác cho giỏi thì sao được?"(18).

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra một căn bệnh nguy hiểm nữa trong nội bộ bộ máy Đảng, Nhà nước, khiến cho Đảng mất nhân tài. Đó là bệnh kéo bè, kéo cánh. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. "Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình"(19). 

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng, các cấp ủy Đảng, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu rằng: "Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo"(20). Thì "Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều"(21). Đó chính là kết quả  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạt được do có thiên tài trong trọng dụng nhân tài.
                            
Trong việc đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là những người đứng đầu chú trọng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong việc trọng dụng nhân tài, vun trồng nguyên khí quốc gia thì nhất định Đảng ta sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc./.     

Hoàng Thị Biên Thùy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.388.643
Truy cập hiện tại 7.115