Tìm kiếm tin tức
Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Ngày cập nhật 08/11/2021

Sáng ngày 7/11, tại Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) long trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội (7/11/1981 - 7/11/2021) theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đến dự, có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện nhiều ban ngành Trung ương. Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, có ông Nguyễn Nam TIến, UVTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh; ông Nguyễn Quang Tuấn, UVTV, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh và ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.

Đại lễ có chủ đề “40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và phát triển cùng đất nước”. Đây là sự kiện trọng đại của các cấp Giáo hội, các ban, viện Trung ương GHPGVN và tăng, ni, phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.

Qua đó khẳng định GHPGVN là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm của Phật giáo Việt Nam. Giáo hội ra đời là sự kết tinh trí tuệ, đáp ứng trọn vẹn nguyện vọng thống nhất các sơn môn, hệ phái của tăng, ni, phật tử Phật giáo Việt Nam.

Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập GHPGVN cũng là dịp các cấp Giáo hội nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, kế thừa truyền thống lịch sử hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Đánh giá những thành tựu to lớn của Giáo hội trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, phát triển tổ chức, chăm lo cho đồng bào phật tử, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, lịch sử Việt Nam luôn ghi nhận những đóng góp to lớn của Đạo Phật đối với dân tộc, trong đó có sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Lấy phương châm “Phật pháp bất ly thế gian giác”, “hộ quốc, an dân” cho đường hướng hành đạo, Phật giáo luôn luôn là thành viên tin cậy, có nhiều đóng góp quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phật giáo đã góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống và tư tưởng độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam. Giáo lý Phật giáo về đề cao giá trị con người, hướng thiện, đoàn kết, hòa đồng với cộng đồng, xây dựng xã hội an bình đã thấm đượm trong tư tưởng, ứng xử của đông đảo người dân Việt Nam, góp phần hun đúc nên những giá trị đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Tín ngưỡng và ngôi chùa Phật giáo đã trở thành tín ngưỡng và nơi gắn bó, thân thuộc của nhân dân ta.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Có thể nói lịch sử hơn 2.000 năm Phật giáo Việt Nam là lịch sử của những người Phật giáo yêu nước. Tiếp nối dòng chảy của Phật giáo yêu nước cho tới tận thời đại Hồ Chí Minh ngày nay, ở thời kỳ nào, dù trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hay hòa bình phát triển đất nước, Phật giáo Việt Nam cũng gắn liền với lịch sử dân tộc và đều có rất nhiều tấm gương điển hình giúp đời, “hộ quốc, an dân”. Đặc biệt, từ khi có Đảng lãnh đạo cách mạng nước ta, Phật giáo luôn nêu cao truyền thống đi đầu trong đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc và tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ kính yêu, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đã có hàng nghìn tăng ni, Phật tử trở thành những chiến sĩ yêu nước, sát cánh cùng toàn dân đánh giặc. Nhiều ngôi chùa trở thành cơ sở cách mạng. Nhiều nhà sư đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong kháng chiến, góp phần vào thắng lợi chung của cả đất nước. Những tấm gương tiêu biểu, điển hình như năm 1947, Hoà thượng Thích Thế Long đã làm lễ "cởi áo cà sa khoác chiến bào" cho 27 vị tu sĩ Phật giáo tham gia kháng chiến chống Pháp; năm 1963, Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chế độ Mỹ - Diệm và rất nhiều tấm gương cao quý khác, đã tô thắm thêm màu cờ của Tổ quốc trong ngày thống nhất, độc lập và hoà bình".

Phát huy tinh thần từ bi, hỉ, xả, vô ngã vị tha trong nhà Phật, bên cạnh các hoạt động từ thiện nhân đạo, an ninh xã hội, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hưởng ứng lời kêu gọi “chống dịch như chống giặc” của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gương mẫu chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh; ủng hộ nguồn kinh phí lớn cho Quỹ  vaccine, hỗ trợ mua trang thiết bị, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm... Phong trào “cởi áo nâu, khoác áo blue” đã thu hút được hàng ngàn tăng ni, Phật tử cùng với các chức sắc, tín đồ của các tôn giáo bạn đăng ký tham gia ở tuyến đầu chống dịch.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, những hành động cao đẹp, đầy tình thân ái của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tăng ni, phật tử thực sự đã làm lay động hàng triệu trái tim đồng bào cả nước, góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành và toàn dân phòng chống dịch bệnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến tôn giáo và công tác tôn giáo, ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo. Trong đó khẳng định “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung.

Đảng, Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực trong truyền thống dân tộc, tôn vinh những người có công với đất nước và nhân dân, không ngừng chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc."

Với truyền thống tốt đẹp Phật giáo Việt Nam trong hơn 2.000 năm qua, Chủ tịch nước mong muốn và đặt nhiều niềm tin vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng tăng ni, Phật tử cả nước sẽ tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo. Tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa đồng bào Phật giáo ở trong và ngoài nước trong ngôi nhà chung Giáo hội; thực hiện đoàn kết giữa đồng bào Phật giáo với đồng bào các tôn giáo khác và nhân dân cả nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng. Đồng thời, tiếp tục chung tay đóng góp để xây dựng phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn quan tâm và thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo. Hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng hoạt động tuân thủ pháp luật, tạo một môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, lành mạnh trong cả nước.

Dịp này, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có nhiều đóng góp trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1982 – 2021 (ảnh dưới).

 

 
 
 
 
 
thuathienhue.gov.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 11.269.871
Truy cập hiện tại 5.534