Tìm kiếm tin tức
BÁO CÁO Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn huyện Quảng Điền năm 2021
Ngày cập nhật 10/11/2021

Ngày 10 tháng 11 năm 2021 UBND Huyện Quảng Điền đã bán hành báo cáo số 286/BC-UBND Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật  trên địa bàn huyện Quảng Điền năm 2021.

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT

1. Kết quả đạt được

a) Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật

- Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và sự chỉ đạo của UBND tỉnh về trọng tâm công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2021, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 20/01/2021 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2021. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện.

- Trong năm, trên cơ sở thực hiện kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính; Kế hoạch kiểm tra công tác tư pháp, công tác ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND cấp xã, đã lồng ghép kiểm tra công tác theo dõi thi hành pháp luật của các đơn vị, địa phương nhằm nắm tình hình cụ thể, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn thực hiện tốt hơn trong công tác này.

- Việc kiện toàn tổ chức, bộ máy và biên chế làm công tác theo dõi thi hành pháp luật nói riêng và công tác pháp chế nói chung chưa thực hiện theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay, các cơ quan, ban, ngành cấp huyện, kể cả Phòng Tư pháp cũng đang bố trí cán bộ, công chức làm kiêm nhiệm công tác này.

b) Công tác phổ biến, tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ, kiểm tra việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật

Trên cơ sở Kế hoạch thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2021 và Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 20/01/2021 về phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2021, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với các cơ quan, ban, ngành cấp huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức, tuyên truyền phổ biến văn bản quy phạm pháp luật đã được cấp trên và địa phương ban hành nhằm mục đích nâng cao hiểu biết, ý thức tự giác, tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Đã tiến hành triển khai: Luật Đầu tư công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Hướng dẫn nghiệp vụ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng cơ yếu, đã cấp phát hơn 760 bộ tài liệu cho hơn 360 đại biểu tham dự. Ngoài ra, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai các văn bản luật đã có hiệu lực thi hành từ trước đến năm nay, như: Luật Tiếp công dân; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; Luật Hộ tịch; Luật hòa giải ở cơ sở; Luật trẻ em; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Bình đẳng giới; Luật Đất đai; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng chống bạo lực gia đình ...Tại các hội nghị triển khai các văn bản pháp luật nói trên bình quân có trên 60 lượt người tham gia.

Bên cạnh đó, đã chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với Hội Luật gia tỉnh Thừa Thiên Huế; phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức truyên truyền pháp luật tại 11 xã, thị trấn cho các hội viên phụ nữ cấp xã, nội dung chủ yếu là Luật Bình đẳng giới, Luật hôn nhân và gia đình, Luật tín ngưỡng tôn giáo, Luật trẻ em; phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức hội các hội nghị tập huấn chuyên đề cho cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện.

2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

a) Tồn tại, hạn chế

- Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật còn thiếu, cán bộ, công chức phụ trách chủ yếu là kiêm nhiệm nên kinh nghiệm, việc thực thi nhiệm vụ còn hạn chế.

- Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành cấp huyện và UBND các xã chưa được quan tâm, còn xem nhẹ, thiếu thường xuyên...

- Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm kinh phí phục vụ công tác theo dõi thi hành pháp luật nên gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai.

b) Nguyên nhân

- Công tác theo dõi thi hành pháp luật có quy mô rộng và gồm nhiều lĩnh vự phức tạp, do vậy đòi hỏi phải có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật kiêm nhiệm, chưa được tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ nên làm ảnh hưởng đến công tác theo dõi thi hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. 

II. KẾT QUẢ THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT

1. Đánh giá chung về tình hình thi hành pháp luật

Trong năm 2021, các ngành trực thuộc UBND huyện đã tham mưu HĐND và UBND huyện 06 văn bản QPPL (02 nghị quyết và 04 Quyết định), các văn bản được soạn thảo theo đúng quy trình, đều lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động và được Phòng Tư pháp thẩm định theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và Nghị định 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng tích cực tham gia góp ý nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của trung ương và địa phương.

UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp tham mưu dự toán kinh phí trong công tác theo dõi thi hành pháp luật. Kinh phí cơ bản bảo đảm cho công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn huyện.

2. Tình hình tuân thủ pháp luật

a) Tình hình tuân thủ pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền

- Tình hình thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong công tác thanh tra, kiểm tra:

Luật Thanh tra và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để cơ quan thanh tra thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Nhìn chung, công tác thanh tra trên địa bàn huyện hoạt động có hiệu quả, các cuộc thanh thanh tra đảm bảo về trình tự, thủ tục quy định, kịp thời phát hiện những sai phạm, kết luận thanh tra đảm bảo chính sách pháp luật, những kiến nghị của đoàn thanh tra được cơ quan có thẩm quyền và đơn vị  được thanh tra chấp nhận và thực hiện.

  - Tình hình thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo: Qua công tác tiếp công dân và tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo; trong năm 2021, UBND huyện và các cơ quan, đơn vị đã tiếp nhận 240 đơn khiếu nại, kiến nghị và phản ánh của công trong đó:

+ Ban tiếp công dân và các phòng, ban cấp huyện tiếp nhận: 103 đơn (01 đơn khiếu nại, 102 đơn kiến nghị, phản ánh của công dân).

Đơn đủ điều kiện xử lý: 103 đơn.

Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết: 79 đơn (01 đơn khiếu nại, 78 đơn kiến nghị, phản ánh của công dân).

Đơn không thuộc thẩm quyền xử lý: 24 đơn.

+ UBND các xã, thị trấn đã tiếp nhận: 17 đơn kiến nghị, phản ánh  và 14 đơn chuyển từ UBND  huyện.

Nội dung các đơn thu kiến nghị, phản ánh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, công tác xây dựng cơ bản, chính sách xã hội…

* Kết quả xử lý và giải quyết đơn

+ UBND huyện giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơ vị tham mưu, đã giải quyết 68 đơn (01 đơn khiếu nại, 67 đơn kiến nghị, phản ánh); đang xem xét giải quyết 11 đơn. Hướng dẫn, chuyển 24 đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết (UBND xã, thị trấn: 14 đơn, các cơ quan khác: 10 đơn).

+ UBND xã, thị trấn ban hành văn bản trả lời 138 đơn (kiến nghị, phản ánh), 13 đơn đang giải quyết.

- Tình hình thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong công tác bồi thường nhà nước

Tiếp tục thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt triển khai thực hiện. Trong năm 2021, trên địa bàn huyện không phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường nhà nước của tổ chức, cá nhân thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước. Do đó cũng không phát sinh trách nhiệm hoàn trả từ nguồn ngân sách để chi cho công tác bồi thường nhà nước.

b) Tình hình tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân

Thực hiện Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/72013 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trên cơ sở đó, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 26/02/2021 về theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn huyện năm 2021, tổ chức triển khai sâu rộng đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn nhằm thực thi pháp luật trên các lĩnh vực công tác, đồng thời xử lý kịp thời tình trạng vi phạm pháp luật trên mọi lĩnh vực quản lý nhằm giáo dục, răn đe những đối tượng có hành vi vi phạm, từ đó hướng người dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Trong năm 2021, trên địa bàn huyện đã phát hiện 846 vụ vi phạm gồm 938 đối tượng, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 938 đối tượng, số quyết định đã thi hành xong 907, số quyết định chưa thi hành là 31. Nhìn chung, chủ yếu là cá nhân vi phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự, quốc phòng cơ yếu và đất đai; các tổ chức vi phạm là: 0 trường hợp.

+ Số quyết định miễn, giảm thi hành hình phạt tiền: 0 quyết định.

+ Số quyết định bị cưởng chế thi hành: 0 quyết định.

+ Số quyết định bị khiếu nại: 0 quyết định.

+ Số quyết định bị khởi kiện: 0 quyết định.

+ Tổng số tiền phạt thu được: 877.600.000 đồng.

III. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1. Đề nghị Sở Tư pháp xây dựng khung theo dõi và tiêu chí đánh giá tình hình thi hành pháp luật của các đơn vị, địa phương nhằm thực hiện đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Đây là yêu cầu quan trọng làm cơ sở cho việc bảo đảm thi hành pháp luật.

2. Đề nghị Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật ở địa phương.

3. Đề nghị UBND tỉnh tăng cường các điều kiện: kinh phí, cơ sở vật chất cho việc bảo đảm thi hành pháp luật ở địa phương.

Trên đây là Báo cáo kết quả thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2021 trên địa bàn huyện Quảng Điền./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 11.268.068
Truy cập hiện tại 4.911