Tìm kiếm tin tức
LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ XÃ QUẢNG THÁI( 1930-2020): Chương 2: QUẢNG THÁI TRONG CÔNG CUỘC ĐẤU TRANH GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VÀ KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1930-1945)
Ngày cập nhật 27/03/2022

Chương 2

QUẢNG THÁI TRONG CÔNG CUỘC ĐẤU TRANH GIẢI PHÓNG

DÂN TỘC VÀ KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1930-1945)

2.1. Truyền thống đấu tranh của nhân dân Quảng Thái trước năm 1930

2.1.1. Đấu tranh chống áp bức

Nhân dân Quảng Thái với truyền thống tốt đẹp, cần cù chịu khó, một nắng hai sương vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt để biến mảnh đất hoang vu thành vùng dân cư trù phú, đồng thời biết bao thế hệ đã đổ mồ hôi xương máu, kiên quyết đấu tranh chống áp bức và sự xâm lược của ngoại bang. Nhân dân Quảng Thái có quyền tự hào vì truyền thống đấu tranh bất khuất của các thế hệ tiền bối.

Vào giai đoạn cuối của chế độ phong kiến, cuộc sống của nhân dân các làng đều rơi vào cảnh nghèo khổ túng bấn. Chốn hương thôn thành giang sơn của địa chủ cường hào, họ nắm trong tay vận mệnh của cả làng, ra sức lũng đoạn, lấn chiếm ruộng đất công. Lê Quý Đôn đã nhận xét về chế độ tô thuế ở Đàng Trong là: “Thuế khóa xứ Thuận Hóa, pháp lệnh rất phiền, nhân viên thu thuế rất nhiều, nên dân cùng nhà nghèo thường khổ về nộp gấp bội, mà trong thì ty lại, ngoài thì quan bản đường, bớt xén không thể kiểm xét được ”[1]. Ngoài hai nguồn thuế chính là đinh và điền mỗi gia đình nông dân còn phải gánh chịu nhiều thứ thuế khác như thuế đò, thuế chợ, tiền sai dư… Lợi dụng tình hình đó nhân viên thu thuế, quan lại ở dưới mặc sức tham ô, hối lộ,..

Dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, nhân dân càng bị bóc lột nặng nề hơn bởi hai tầng áp bức thực dân, phong kiến. Ngoài thuế đinh, thuế điền tăng lên gấp nhiều lần và nhiều thứ thuế khác, dân đinh còn phải chịu nghĩa vụ lao động nặng nề, lao động khổ sai đắp thành lũy, đường sá xây dựng cầu cống, nạo vét kênh mương, lên rừng núi xa xôi hẻo lánh để làm đường, khai thác lâm thổ sản. Hào lý trong làng lợi dụng quyền thế chiếm dần ruộng công của làng dưới hình thức mua bán, cầm cố... Tình trạng này dẫn đến một thực tế không còn đủ ruộng công để quân cấp cho dân làng. Nhà giàu cho vay nặng lãi có nhiều hình thức, thủ đoạn khá tinh vi nên sự phân hóa giàu nghèo ở các làng ngày càng lớn.

Bên cạnh đó, những năm thời tiết không thuận hòa, mùa màng thất bát, đời sống của nhiều gia đình bị đe dọa. Hậu quả của các hình thức thủ đoạn bóc lột cùng với thiên tai đã làm nhiều gia đình nông dân bị xô đẩy vào cảnh đói nghèo cùng cực. Tình trạng nông dân bị phá sản, phải cầm cố ruộng đất, tài sản diễn ra phổ biến, có người phải dời bỏ quê hương đi tha phương cầu thực. Tình trạng đó đã làm cho các tầng lớp nhân dân căm phẫn quan lại và địa chủ cường hào. Đó chính là nguyên nhân làm bùng nổ các cuộc đấu tranh giai cấp trong làng, người nông dân không cam chịu mãi cảnh áp bức, bóc lột đã cùng nhau đứng dậy đấu tranh.

Đấu tranh giai cấp chống áp bức bóc lột trong làng xã rất đa dạng tùy điều kiện và đối tượng cụ thể mà phong trào diễn ra ở nhiều quy mô khác nhau. Dù đã bị thời gian che lấp, hầu như không được ghi chép lại nhưng tinh thần đó vẫn còn in khá đậm trong tâm tư tình cảm của dân làng. Phong trào đấu tranh diễn ra dưới nhiều hình thức và thu được kết quả ở nhiều mức độ khác nhau. Nhìn chung đó chỉ là những phong trào tự phát lẻ tẻ của nông dân từng làng. Trong điều kiện lịch sử lúc đó, các phong trào đấu tranh của nông dân chưa thể đạt được mục đích cao hơn ngoài việc đòi quyền lợi hàng ngày, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, phong trào đấu tranh đó đã hun đúc tinh thần phản kháng chống cường quyền bất công và kết tinh thành truyền thống đấu tranh chống ách áp bức phong kiến.

Vào những năm cuối thế kỷ XVIII, các thế lực phong kiến Lê, Trịnh, Nguyễn cả Đàng Ngoài và Đàng Trong đều lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện. Đó là cơ sở làm bùng nổ các cuộc đấu tranh giai cấp chống các thế lực phong kiến quyết liệt suốt từ Bắc đến Nam. Phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân mà đỉnh cao là phong trào Tây Sơn đã lật đổ các thế lực phong kiến, bước đầu xác lập nền thống nhất quốc gia đã bị chia cắt gần 2 thế kỷ. Cùng với nhân dân miền Trung, nhân dân Quảng Thái đã tham gia vào phong trào nông dân Tây Sơn, tiến ra Bắc tiêu diệt chúa Trịnh (1786), vua Lê (1788).

Khi thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, ngay trong nội bộ dân tộc đã có sự phân hóa, mâu thuẩn sâu sắc. Khởi nghĩa Chày Vôi (1866) của Đoàn Hữu Trưng ở ngay Kinh thành Huế đã làm triều đình rúng động. Ngay sau đó Đoàn Trưng và gia đình Ưng Đạo (Đinh Đạo) cùng những người tham gia chủ chốt, tất cả 29 người đều bị xử tội chết, đồng thời xử tội tù đày nặng nhẹ khác nhau với rất nhiều người khác. Trong sự kiện này có một số dân phu và binh lính ở làng Phong Lai - Lai Hà tham gia. Riêng chánh quản hộ lăng Trần Sung bị lưu đầy ra Côn Đảo[2].

2.1.2. Truyền thống yêu nước chống ngoại xâm

Trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, nhân dân các làng xã đã giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Cùng với nhân dân Thừa Thiên Huế, nhân dân các làng ở xã Quảng Thái đã tham gia tự nguyện và có những đóng góp tích cực vào các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.

Dù các phong trào đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc từ thế kỷ XV trở về trước không diễn ra ở đây, thế nhưng kỳ tích của công cuộc lao động khai hoang mở cõi của tổ tiên đã góp phần biến vùng Thuận Quảng trở thành phên dậu phía Nam vững chắc để dân tộc ta tiếp tục tiến về Nam và chống chọi thành công với phong kiến phương Bắc.

Cuối thế kỷ XVIII, trước sức mạnh của phong trào Tây Sơn, thế lực phong kiến Lê Chiêu Thống đã cầu cứu nhà Thanh, phản bội quyền lợi dân tộc. Cùng với nhân dân Thừa Thiên Huế, nhân dân Quảng Thái đã tham gia đội quân áo vải Tây Sơn theo đoàn quân tiến về Thăng Long đánh bại 29 vạn quân Thanh xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Nhiều thanh niên trai tráng tòng quân, nhân dân ủng hộ nghĩa quân về lương thực, thực phẩm...

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Sau khi thất bại buộc phải rút khỏi Đà Nẵng, đánh chiếm Nam Bộ, thực dân Pháp đã mở rộng xâm lược nước ta, tấn công ra Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Trong quá trình kháng chiến chống Pháp, nhân dân Quảng Thái phải chứng kiến thất bại của triều đình nhà Nguyễn, đồng thời cũng vô cùng khâm phục về sự đóng góp và tấm gương hy sinh của “tam kiệt” Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy, Nguyễn Lâm ở xã Phong Chương (bên cạnh Quảng Thái).

Sau khi vua Tự Đức mất, triều chính hỗn loạn do việc phế lập, lại có thêm viện binh, thực dân Pháp mở một cuộc tấn công vào cửa biển Thuận An như một đòn quyết định để chấm dứt chiến tranh. Trong trận đánh bảo vệ cửa ngõ Kinh đô Huế ở cửa Thuận An, lực lượng quân triều đình hy sinh đến hàng trăm người, tập trung chủ yếu ở trận phòng thủ thành Trấn Hải. Trong trận đánh anh dũng này, rất nhiều tướng sĩ binh lính, dân binh là con em của quê hương Phong Lai - Lai Hà đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì nền độc lập của tổ quốc như: Chánh quản vệ binh Hồ Thoàn hăng hái treo cờ động viên binh sĩ, bị trúng đạn đại bác của địch, hy sinh không toàn thây ngay trên đỉnh cột cờ của Trấn Hải Thành. Các đội trưởng lục quân Trần Năng, Trần Dầm xông xáo đánh địch đều tử trận. Quyền Suất đội thủy quân Trần Huề làm nhiệm vụ tuần tiểu chỉ huy đánh địch đã hy sinh anh dũng giữa biển Thuận An. Cũng trong năm này đội trưởng lục quân Phạm Công Bình đánh giặc Pháp hy sinh tại Bắc Hà[3].

Thuận An thất thủ, triều đình Huế phải ký hòa ước Harmand (25-8-1883), và sau đó là hòa ước Patơnotre (6-6-1884), thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp. Việt Nam chính thức chia làm ba kỳ với ba chế độ lệ thuộc khác nhau. Điều này làm cho nhân dân cả nước cùng phái chủ chiến càng thêm căm thù và tiếp tục nung nấu ý chí đánh Pháp.

Ngày 2-8-1884, Ưng Lịch lên ngôi lấy niên hiệu Hàm Nghi theo sự sắp xếp của phái chủ chiến, đứng đầu là Phụ chính đại thần kiêm Thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết. Sự kiện này làm cho mâu thuẫn giữa Pháp và phái chủ chiến càng thêm căng thẳng. Với tinh thần chủ động tấn công, nửa đêm ngày 4-7-1885, Tôn Thất Thuyết cho quân tấn công vào doanh trại địch ở Thành Mang Cá, ban đầu địch hoang mang nhưng đến gần sáng, quân Pháp củng cố được đội ngũ và phản kích trở lại. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ở trong Thành Nội. Khoảng 9 giờ sáng ngày 5-7-1885, Kinh đô Huế thất thủ, quân Pháp hoàn toàn làm chủ tình thế. Trong đêm biến động ấy, có nhiều người là quân sĩ con em của Phong Lai- Lai Hà tham chiến, trong đó có xuất đội lục quân Phạm Công Tuyển hy sinh anh dũng giữa trận tiền, trong lúc tiến đánh Trấn Bình Đài.

Sau khi Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra Tân sở (Cam Lộ, Quảng Trị) tiếp tục chống Pháp với dụ Cần Vương. Phong trào Cần Vương là phong trào vũ trang khởi nghĩa chống Pháp, bùng nổ mạnh mẽ khắp Trung Kỳ và Bắc Kỳ, kéo dài từ năm 1885 đến năm 1896. Hưởng ứng dụ Cần Vương, tại Thừa Thiên đã diễn ra cuộc kháng chiến chống Pháp của Đặng Hữu Phổ, Đặng Huy Cát (8-1885). Hai ông đã tập hợp nghĩa sĩ của hai huyện Hương Trà, Quảng Điền ngăn chặn việc bắt lính của triều đình, tập kích vào huyện nha Quảng Điền, bắt giam phái viên của huyện; nhưng do lực lượng mỏng lại thiếu kế hoạch cụ thể nên phong trào nhanh chóng thất bại.

Tham gia phong trào Cần Vương có ông Nguyễn Bình - người làng Thượng An. Ông đã vận động tuyên truyền các nho sĩ tham gia phong trào, một thời gian ngắn thì bị quân lính triều đình lùng sục bắt bớ, Nguyễn Bình được dân làng che giấu nuôi dưỡng về sau dạy học và lập gia đình, cư trú tại Phong Lai. Tuy thất bại nhưng lại mở đường cho các cuộc đấu tranh cứu nước theo tư tưởng dân chủ lại mở ra do những trí thức nho học tiến bộ lãnh đạo sau đó.

Năm 1908, phong trào chống thuế ở Trung Kỳ diễn ra mạnh mẽ. Nhân dân các tỉnh Nam Trung Kỳ bị chế độ thuộc địa bóc lột nặng nề như đào sông Cu Nhí (Quảng Nam), đắp đường (mỏ Bồng Miêu), sửa đường (huyện Đại Lộc). Đời sống của nhân dân ngày càng khổ cực, thuế má thì càng ngày càng cao dẫn đến các cuộc biểu tình đòi bỏ lệ xâu, giảm thuế lan rộng khắp cả miền Trung. Đầu tháng 4-1908, nhân dân Thừa Thiên Huế biểu tình, bọn cầm quyền vội điều lính tới ngăn chặn. Số người tham gia biểu tình rất đông, có cả học sinh trường Quốc học và cả trường Quốc Tử Giám. Cuộc biểu tình đã tập hợp đông đảo nông dân các huyện trong phủ Thừa Thiên, trong đó có nông dân huyện Quảng Điền và ngày 11-8-1908 nhân dân xã Quảng Thái đã tham gia rất tích cực trong phong trào này. Cuộc biểu tình đã bị thực dân Pháp đàn áp, nhiều người hy sinh nhưng bằng sức mạnh đoàn kết đấu tranh chống áp bức đã là những chất men kích thích, khơi dậy lòng yêu nước chống bất công, hà khắc, tàn bạo trong xã hội.

Sau đó, tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội đã tiến hành khởi nghĩa quy mô lớn ở Nam Trung Kỳ và ở Huế năm 1916. Vua Duy Tân đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Huế, lực lượng là tướng lĩnh, binh sĩ và sĩ phu yêu nước, trong đó có nhiều người Phong Lai - Lai Hà tham gia. Đang trong lúc chuẩn bị thì cuộc khởi nghĩa bị lộ, vua Duy Tân phải lánh ra ngoài, ông Văn Loan (tức Xuân) lính hộ giá vua Hàm Nghi về Hà Trung[4].

Nhân dân ta tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ hơn trong phong trào đòi thả hai nhà nho hoạt động yêu nước nổi tiếng là Phan Bội Châu (1867-1940) và để tang Phan Chu Trinh (1872-1926). Sau khi bắt được cụ Phan Bội Châu 6-1925, chúng đưa về an trí ở Huế, trở thành “ông già Bến Ngự”. Khi Varen đến Hà Nội, hàng nghìn người, nhất là thanh niên, sinh viên, học sinh xuống đường biểu tình, giương cao biểu ngữ, phân phát truyền đơn yêu cầu nhà đương cục phải thả Phan Bội Châu[5].

Ngày 24-3-1926, cụ Phan Chu Trinh mất, nhân dân cả nước ngậm ngùi thương tiếc, tổ chức lễ truy điệu ở khắp nơi. Tại Huế trong buổi lễ truy điệu Cụ Phan có tới hàng trăm ngàn người tham gia. Đám tang Phan Chu Trinh đã trở thành một dịp để quần chúng nhân dân thể hiện tinh thần yêu nước và biểu dương lực lượng đòi các quyền tự do dân chủ.

Bên cạnh đó, hưởng ứng phong trào “dùng hàng nội hóa, bài trừ ngoại hóa”,… nhân dân các làng xã không dùng hàng Pháp như dùng đinh tre, đinh gỗ thay đinh sắt; dùng dầu mè, dầu phụng thay dầu hỏa; mặc áo vải thô thay tơ lụa; đi guốc mộc không đi giày dép; để tóc dài, mặc áo dài… Đó là một trong những nhân tố để gây dựng ý thức chống Pháp cho con cháu xã nhà sau này.

Những cuộc đấu tranh từ thế hệ này sang thế hệ khác đã xây đắp nên truyền thống yêu nước quật cường chống ngoại xâm của nhân dân Quảng Thái. Đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, truyền thống ấy mới được phát huy một cách hiệu quả trong công cuộc đấu tranh chống đế quốc phong kiến giành độc lập dân tộc và nông dân mới thực sự được giải phóng. Cũng từ đây, nhân dân Quảng Thái càng hăng hái tham gia phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo.

2.1.3. Quảng Thái với các hoạt động cách mạng trước năm 1930

Đầu thế kỷ XX phong trào Cách mạng Việt Nam đứng trước sự khủng hoảng sâu sắc về đường lối lãnh đạo. Ngọn cờ lãnh đạo trong tay các sĩ phu phong kiến không còn đáp ứng yêu cầu của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc mà tiêu biểu nhất là phong trào Cần Vương.

Giữa lúc đó, cuộc Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 thành công và ảnh hưởng của nó đã lan rộng vào Việt Nam. Từ 1920, những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài cùng với những tác phẩm của Nguời truyền về trong nước ngày càng lan truyền và tác động sâu sắc tới nhận thức tư tưởng cuả tầng lớp thanh niên, trí thức, học sinh thời bấy giờ.

Trong những năm 1925 - 1927, thành phố Huế có những biến động lớn về chính trị, phong trào yêu nước và dân chủ có sự thay đổi về chất. Từ năm 1926, các cuộc bãi khóa của học sinh các trường ở Huế diễn ra liên tục, được quần chúng ủng hộ và lan rộng. Một số học sinh quê ở Quảng Điền đã tham gia các cuộc bãi khóa của học sinh trường Quốc học, trường Kỹ nghệ Thực hành kéo dài 3 tháng. Trong đó, có sự tham gia của con em Quảng Thái học ở trường Quốc học. Từ đó những người này truyền về quê hương thái độ bất bình, đi đến tỏ thái độ chống đối chính sách giáo dục thực dân cùng với các chính sách áp bức khác của đế quốc phong kiến. Chính từ phong trào đó đã khơi dậy thúc đẩy lòng yêu nước không chỉ trong học sinh, thanh niên mà còn trong nhiều tầng lớp nhân dân.

Trước tình hình phong trào yêu nước và dân chủ dâng cao, cùng với tác động của các hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, các tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội và Tân Việt cách mạng đảng đã hình thành cơ sở ở Huế. Tháng 4 - 1927, Tỉnh bộ lâm thời Thanh niên cách mạng đồng chí hội tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập. Giữa năm 1927, tổ chức Tân Việt Cách mạng Đảng ở Huế được hình thành.

Điều đó dẫn đến sự kiện đầu năm 1928, đại diện Tỉnh bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ở Quảng Trị đã phái đồng chí Lương Khoan vào vận động tổ chức một cơ sở hội ở làng Phước Tích (xã Phong Hòa) và từ đó lan tỏa vào vùng Hòa - Bình - Chương (các xã Phong Hòa - Phong Bình- Phong Chương, bên cạnh xã Quảng Thái). Ở Huế, các Hội viên chia nhau bằng nhiều hướng thâm nhập về nông thôn, tuyên truyền tổ chức vận động quần chúng, tập hợp bổ sung lực lượng thanh niên yêu nước theo xu hướng mới vào đội ngũ. Đồng thời, cụ Cả Khiêm (Nguyễn Sinh Khiêm, tức Nguyễn Tất Đạt, anh Chủ tịch Hồ Chí Minh) có thời kỳ về Phú Lễ, Hạ Lang làm nghề thầy thuốc cũng góp phần thức tĩnh thanh niên yêu nước. Từ đó manh nha hình thành các nhóm yêu nước ở Thành Trung, Tây Thành (Nguyễn Văn Sô - Bát Sô, Lê Mộng - Lý Mộng, Nguyễn Thị Phố - Tú Cầu), Hạ Lang (Hoàng Văn Diệm), Phú Lễ (Nguyễn Hữu Hoàng)[6].

Hoạt động của những nhóm thanh niên yêu nước này càng được mở rộng, lan tỏa ảnh hưởng đến phong trào yêu nước hướng về cách mạng của nhân dân Phong Điền, Quảng Điền nói chung, Quảng Thái nói riêng. Nhiều thanh niên yêu nước trong xã Quảng Thái đã giác ngộ, tự nguyện tham gia và trở thành nòng cốt của phong trào quần chúng.

Có thể nói hoạt động mạnh mẽ của các cơ sở tổ chức cộng sản, sự hình thành nhiều nhóm thanh niên yêu nước ở Phong Điền, Quảng Điền đã đánh dấu sự phát triển của phong trào cách mạng theo xu hướng cộng sản, là điều kiện thuận lợi để nhân dân Quảng Thái sớm đến với phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

2.2. Phong trào đấu tranh của nhân dân Quảng Thái giai đoạn 1930 – 1939

2.2.1. Phong trào đấu tranh cách mạng giai đoạn 1930 - 1935

Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản ngày 3-2-1930 thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ sở cho sự hình thành sớm của Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên Huế, chỉ hơn một tháng sau khi Đảng ra đời. Tháng 4-1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập trên cơ sở thống nhất hai tổ chức cộng sản trong tỉnh là Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, do đồng chí Lê Viết Lượng làm Bí thư.

Dù lúc bấy giờ chưa có tổ chức cách mạng trực tiếp trên đất Quảng Điền, song ảnh hưởng các tổ chức ở Huế ra và vùng Bắc Phong Điền vào đã có tác động rộng rãi trong đông đảo quần chúng nhân dân, đã gieo mầm lòng yêu nước theo con đường cách mạng tạo cơ sở cho phong trào phát triển những bước tiếp theo, hình thành một xu thế mới: yêu nước- cách mạng- Cộng sản, tạo ra những tiền đề cho sự hình thành tổ chức Đảng Cộng sản tại quê nhà, đảm bảo cho phong trào cho phong trào cách mạng phát triển và thành công sau này.

Từ giữa năm 1930, cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh bùng nổ và đạt đến đỉnh cao (12-9-1930) đã tác động và ảnh hưởng khắp nơi. Từ chủ trương của Xứ ủy Trung Kỳ, phong trào đấu tranh ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh tại Thừa Thiên Huế dấy lên khá rầm rộ. Khi Xô viết thất bại và bị đàn áp, phong trào ở Thừa Thiên Huế cũng chịu cảnh khủng bố, tổ chức Đảng bị đánh phá, nhiều cán bộ đảng viên bị bắt, bị tù đầy, chịu tổn thất lớn. Song trong bối cảnh ấy, tiếng vang thức tỉnh lòng yêu nước, chí căm thù giặc đã soi sáng thêm con đường cứu nước, cứu dân theo lý tưởng cách mạng.

Đảng mới thành lập, tổ chức cơ sở chưa rộng rãi, chưa mạnh, thực dân Pháp và triều đình phong kiến lại ra sức đàn áp, khủng bố dã man, tàn bạo làm cho phong trào khó khăn, lắng xuống trong những năm 1931-1934.

Cuối năm 1932, một số tù chính trị lần lượt ra khỏi tù, lần lượt móc nối với các đồng chí ở bên ngoài để hoạt động. Trong giai đoạn này hệ thống tổ chức của Đảng ở Thừa Thiên Huế chưa được khôi phục, nhưng trên tinh thần chủ động các đảng viên còn lại và đảng viên bị tù thoát khỏi nhà lao, được sự đùm bọc bảo vệ của quần chúng đã từng bước khôi phục phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Người dân Quảng Thái đã bao bọc, giúp đỡ cho cán bộ đảng viên kiên trì bám trụ địa bàn cơ sở, tập hợp được quần chúng và truyền bá đường lối chủ trương của Đảng Cộng sản.

Chính trong thời kì này, ý chí cứu nước lại được nung nấu thêm, trình độ giác ngộ trong một bộ phận thanh niên được nâng lên, phong trào cách mạng dần dần được phục hồi, dưới những nội dung và hình thức thích hợp.  Hoạt động của đảng viên lúc này là tập hợp quần chúng tham gia các hội biến tướng như hội cấy gặt, hội cuốc đất, đá bóng… đấu tranh đòi dân chủ trong khuôn khổ đòi công điền công thổ, đấu tranh chống các hủ tục, đòi lập các hương ước mới tiến bộ, nổi bật ở nhiều nơi trong huyện như Tây Ba, Niêm Phò, Hạ Lang, Bác Vọng.

Cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng và văn hóa xoay quanh “Chủ nghĩa duy tâm” và “Chủ nghĩa duy vật”, giữa quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh”, thông qua những người cộng sản ở tù được thả ra như Hải Triều, Hải Thanh, Lâm Mộng Quang đã cổ vũ, thu hút tầng lớp tri thức, học sinh thanh niên trong tỉnh và có tiếng vang rộng rãi, hướng theo con đường yêu nước cách mạng. Trong phong trào đó tại Quảng Điền bắt đầu hình thành những nhóm yêu nước, cảm tình Đảng vào những năm 1935-1936. Nhóm Niêm Phò có: Nguyễn Vịnh, Trần Bá Song, Nguyễn Húng, Nguyễn Dĩnh, Nguyễn Bật, Nguyễn Đãi, Trần Mạch. Nhóm Hạ Lang, Bác Vọng, Phú Lễ, Nam Dương có: Đặng Thược (Bác Vọng), Nguyễn Bật (Hạ Lang), Trần Bá Cử, Nguyễn Hữu Hoàng (Phú Lễ), Nguyễn Hữu Dễ (Nam Dương), Ngô Khiêm, bà Bàu, bà Cúc, ông Nguyễn Xuân Nghị... Nhóm Sịa có Trần Hoài (Tráng Lực), Lê Dĩnh, Nguyễn Nại (Thủ Lễ), Nguyễn Thuyền, Hoàng Tam Thai, Nguyễn Cầm (Thạch Bình)[7]...

Như vậy, qua cuộc khủng bố của kẻ thù trong các năm 1930-1935, phong trào đấu tranh của nhân dân Quảng Thái tạm thời lắng xuống. Hầu hết các đảng viên đều bị bắt, số còn lại rút vào hoạt động bí mật và tiếp tục đi sâu vào lòng dân để xây dựng các cơ sở cách mạng và sau đó thì dần dần hồi phục trở lại. Đây là bước chuẩn bị quan trọng, là tiền đề để từ đó gây dựng lực lượng dần, chuẩn bị tài lực cho cuộc vận động dân chủ giai đoạn sau.

2.2.2. Phong trào đấu tranh cách mạng giai đoạn 1936 - 1939

Đến năm 1936, tình hình trong nước và thế giới có biến chuyển mới. Chủ nghĩa phát xít đã phát triển thành một trào lưu chính trị và thắng thế ở nhiều nước trên thế giới. Mặt trận chống phát xít và bảo vệ hòa bình của nhân dân thế giới do Quốc tế Cộng sản đề xướng được hình thành. Tại Pháp, Mặt trận Bình dân ra đời, tập hợp nhiều tổ chức chống phát xít Pháp và giành được thắng lợi. Mặt trận chủ trương mở các cuộc điều tra tình hình và thu thập dân nguyện, ban hành các quyền tự do dân chủ, tự do nghiệp đoàn, cải thiện đời sống giới lao động, ân xá chính trị phạm… Cuộc khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa và chính sách áp bức khiến đời sống nông dân trong nước hết sức khó khăn.

Trước tình hình đó, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, tháng 7-1936, Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương, đến tháng 3-1938 đổi thành Mặt trận Thống nhất dân chủ Đông Dương. Phương thức đấu tranh là tích cực vận động tuyên truyền cho Mặt trận Dân chủ để tập hợp lực lượng quần chúng ở các địa phương vào cuộc đấu tranh mới đồng thời lợi dụng triệt để những khả năng hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp, xây dựng cơ sở bí mật của Đảng, phát triển phong trào cách mạng. Chủ trương đòi tự do, cơm áo, hòa bình của Đảng đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cách mạng và nguyện vọng của nhân dân, nhân dân Quảng Thái đã tích cực tham gia vào phong trào Mặt trận Dân chủ.

Vào những năm 1935-1936, mặc dù hoạt động cách mạng có lắng xuống nhưng ảnh hưởng của Đảng vẫn thâm nhập vào một số thanh niên yêu nước, từ đó ở Quảng Điền đã có những nhóm cảm tình Đảng hoạt động trong quần chúng và thường xuyên liên lạc, gắn bó với cơ sở ở Huế[8].

Tháng 8-1936, do cuộc đấu tranh của lực lượng tiến bộ ở Pháp và cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, Chính phủ Pháp buộc phải thu thập nguyện vọng của nhân dân Đông Dương. Đảng Cộng sản nắm lấy cơ hội đó phát động một phong trào quần chúng rộng rãi tố cáo chế độ thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương, lập dân nguyện, chống các lực lượng phản động thuộc địa lấy tên là “Phong trào Đại hội Đông Dương”. Ngày 20-9-1936, do sáng kiến của những người cộng sản, đại hội đại biểu nhân dân đã được triệu tập tại trụ sở Viện Dân biểu Trung Kỳ. Đại hội đã thảo luận một bản nguyện vọng của nhân dân Trung Kỳ gửi cho Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp. Đồng thời, hội nghị giới báo chí Trung Kỳ cũng đã họp tại Viện Dân biểu Trung Kỳ để nêu lên những yêu cầu cấp thiết của báo giới.

Nắm được ý đồ Khâm sứ Trung kỳ tìm cách ngăn chặn bằng việc sai lập Ủy ban lâm thời thu thập nguyện vọng nhân dân, những người cộng sản đã thâm nhập và triệt để lợi dụng khả năng hợp pháp của Ủy ban lâm thời để phát động quần chúng đấu tranh, hướng phong trào quần chúng vào sự kiện Đại hội Đại biểu nhân dân ở Viện Dân biểu Trung Kỳ nhằm đưa quần chúng đấu tranh trực diện công khai với kẻ thù trong mục tiêu dân sinh, dân chủ, bảo vệ hòa bình.

Hỗ trợ cho phong trào Đông Dương Đại hội, Đảng bộ Tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác báo chí để qua đó nói lên những yêu cầu bức bách của báo giới và góp thêm sức mạnh vào cuộc vận động dân chủ. Tháng 1-1937, báo Nhành lúa cơ quan tuyên truyền của những người cộng sản Trung Kỳ được xuất bản, ra mắt ở Huế. Các nhóm cảm tình Đảng đã đến trụ sở báo Nhành lúa tại nhà cụ Phan Bội Châu (Huế), được giác ngộ về tư tưởng đường lối của Đảng, tiếp thu kiến thức về Mặt trận Dân chủ, về cách mạng tư sản và dân quyền và cách vận động quần chúng tham gia Mặt trận Dân chủ... Vì thế, sau khi trở lại Quảng Điền, bằng những hiểu biết của mình, bằng lòng nhiệt thành cách mạng, họ đã nhanh chóng tạo được sự ảnh hưởng trong nhân dân.

Lúc này, từ các nhóm cảm tình Đảng, đầu mùa thu năm 1937, chi bộ Quảng Điền được thành lập gồm 4 đồng chí ở Niêm Phò do ông Trần Bá Song làm Bí thư, đến đầu năm 1938 thì phát triển thêm 4 đảng viên mới[9]. Việc hình thành chi bộ có tác động rất lớn đến tình hình cách mạng Quảng Điền nói chung và ở xã Quảng Thái nói riêng. Phong trào đấu tranh diễn ra có tổ chức hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các cơ sở cách mạng. Sau khi được giác ngộ nhóm cảm tình Đảng ở Quảng Thái hình thành khoảng cuối năm 1937.

Đầu năm 1937, khi nghe tin chính phủ Pháp cử Godart, Thanh tra lao động cầm đầu phái đoàn sang điều tra, thu thập nguyện vọng nhân dân Đông Dương, quần chúng đã xuống đường đấu tranh mạnh mẽ, hàng trăm, hàng chục vạn người tiến hành mít tinh, biểu tình, cùng thu thập dân nguyện để chào đón và trình người đại diện.

Nhân dân làng Phong Lai - Lai Hà đã ký tên vào bản dân nguyện đồng thời cử các ông Phạm Tiệp, Lê Chơn, Văn Đình Liêu, Trần Khang, Hoàng Triệt, Phạm Thức - những người có cảm tình với cách mạng do ông Phạm Tiệp dẫn đầu, cùng các đoàn của huyện ngày 26-2-1937 vào Huế dự mít tinh đón Godart[10]. Ở Huế lúc này có Nguyễn Hữu Ngâu - người Quảng Thái, học sinh trường Bá Công (Cao đẳng Công nghiệp Huế hiện nay), Phạm Bá Khác học sinh trường Quốc học tham gia đoàn học sinh, sinh viên ở Huế đi dự. Cuộc đấu tranh của Niêm Phò có tiếng vang tác động nhiều làng khác trong huyện. Qua phong trào này nhóm cảm tình Đảng ở Niêm Phò đã có mối quan hệ với các nhóm trong huyện và lan tỏa về Quảng Thái.

Như thế, do ảnh hưởng của phong trào Mặt trận Dân chủ, ở Quảng Thái đã hình thành nhóm yêu nước, đã từng bước gây dựng các cơ sở cách mạng. Họ đã lãnh đạo nhân dân đã đứng lên đòi phân chia ruộng đất, chống cường hào áp bức. Một số tổ chức quần chúng được lập ra như đoàn thanh niên dân chủ, hội phụ nữ dân chủ, hội cấy gặt, hiếu hỷ, phường đi săn, hội đá bóng, đọc báo, chống các hủ tục, lập hương ước mới theo tinh thần dân chủ, tiến bộ... để tập hợp tổ chức lực lượng, góp phần tăng cường sự hiểu biết và đoàn kết trong dân. Có thể nói, từ phong trào Đông Dương Đại hội đến sự kiện đón tiếp Godart, nhân dân Phong Điền trong đó có Quảng Thái đã giác ngộ về quyền lợi chính đáng của mình thông qua các bản dân nguyện.

Năm 1937, các chi bộ Quảng Điền và Phong Điền đã vận động cho ứng cử viên Nguyễn Đình Diễn người làng Chí Long vào Viện Dân biểu Trung kỳ. Nguyễn Đình Diễn từng là một học sinh tham gia cuộc bãi khóa ở trường Quốc học năm 1927 bị đuổi học. Được sự vận động của các đảng viên, nhân dân đã bỏ phiếu cho ông Nguyễn Đình Diễn trúng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ ở khu vực Phong Điền và Quảng Điền, đánh bại hai ứng viên của khu vực là Lê Hồng Tiệm và Nguyễn Văn Lý [11]; đánh bại âm mưu địch đưa bọn phản động vào Viện Dân biểu Trung Kỳ để tước đoạt quyền dân chủ tối thiểu của nhân dân ta.

Khi dân biểu Nguyễn Đình Diễn về làng, nhân dân Quảng Thái cùng nhân dân Phong Điền đã mạnh dạn đưa nguyện vọng của mình. Nội dung đòi bỏ thuế thân, giảm thuế điền thổ, bỏ độc quyền rượu, muối, thuốc lá, bỏ hoặc giảm thuế đò. Người dân được quyền phổ thông đầu phiếu, lập thêm trường học, bệnh viện. Dân biểu Nguyễn Đình Diễn cùng các ứng cử viên Mặt trận Dân chủ đã đưa tiếng nói của nhân dân vào phiên họp Viện Dân biểu Trung Kỳ tháng 11-1937.

Giữa năm 1938, chính quyền thực dân dự kiến tăng thuế thân và thuế điền. Ngày 16-8-1938, nhân dân Quảng Thái cùng với nông dân, thanh niên, học sinh, của huyện Quảng Điền đã lên Huế cùng với nhân dân Huế và các huyện khác kéo đến vây kín trước trụ sở Viện Dân biểu Trung Kỳ, vừa cử người vào đưa bản dân nguyện, vừa hô vang các khẩu hiệu chống tăng thuế. Nhân dân trong vùng Sịa, Hạ Lang, Phong Lai có hàng trăm người tham gia với bản dân nguyện gần 300 chữ kí[12]. Nhờ kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh trong Viện Dân biểu với đông đảo quần chúng ở ngoài nghị trường và trên lĩnh vực báo chí, cuộc đấu tranh chống dự án tăng thuế đã thắng lợi hoàn toàn. Bị thất bại về dự án tăng thuế, bọn mật thám tìm bắt những người tham gia cuộc biểu tình trước trụ sở Viện Dân biểu Trung Kỳ, nhất là truy lùng những người cầm đầu. Một số đồng chí đảng viên bị bắt, đồng chí Nguyễn Vịnh bị kết án 6 tháng tù giam, một số đảng viên và quần chúng các tỉnh khác bi kết 3 tháng tù giam (toàn tỉnh có đến 60 người bị kết án, riêng Quảng Điền có 10 người bị bắt).

Tháng 3-1939, Đảng cộng sản Đông Dương tra tuyên bố nêu rõ hiểm họa phát xít, kêu gọi toàn dân đoàn kết chống phát xít. Các đồng chí bị bắt giam sau vụ đấu tranh chống tăng thuế lần lượt được ra tù và tiếp tục hoạt động.

Qua các phong trào vận động đón Godart, bầu cử dân biểu Trung Kỳ, chi bộ đã xây dựng phát triển thêm cơ sở, tổ chức thêm các đoàn thể như Đoàn thanh niên dân chủ, Hội phụ nữ dân chủ, lập các hội biến tướng để tập hợp rộng rãi nhân dân nhưng vẫn đảm bảo được bí mật như các hội cấy, cày,… Báo của mặt trận dân chủ và của Đảng như Nhành Lúa, Kinh Tế, Tân Văn, Lao Động,... Thơ Tố Hữu đã được phổ biến rộng rãi, lan truyền góp phần nâng cao nhận thức khơi dậy tình cảm cách mạng trong nhân dân.

Từ năm 1939, trước nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ hai và những hoạt động của Đảng cộng sản Đông Dương cùng với phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, thực dân Pháp càng tăng cường đàn áp khủng bố phong trào cách mạng. Sau khi đồng chí Nguyễn Vịnh bị bắt (7-1939), các đồng chí Trần Bá Song, Nguyễn Húng, Đặng Thược, Nguyễn Bật cùng một số quần chúng khác như Trần Mạch, Nguyễn Đãi, Trần Muống... cũng lần lượt bị bắt và bị giam tại lao Thừa Phủ (9-1939)[13].

Lúc này chi bộ Đảng còn đồng chí Nguyễn Dĩnh không bị bắt, đồng chí Nguyễn Bật, Đặng Thược được trả về sớm cùng với một số quần chúng ở Hạ Lang, Quảng Thái, Niêm Phò vừa lãnh đạo chống khủng bố, ổn định tình hình, vừa chuẩn bị đối phó với những âm mưu thủ đoạn mới của địch.

Thời kỳ 1936 - 1939 đánh dấu một bước phát triển mới của phong trào cách mạng. Chi bộ Quảng Điền hình thành và phát triển, trực tiếp lãnh đạo nhân dân trong huyện. Việc hưởng ứng và tham gia của nhân dân Quảng Thái trong các cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ dân sinh dưới sự tập hợp của Mặt trận Dân chủ đã minh chứng rằng nhận thức về kẻ thù của người dân đã được nâng cao. Phong trào Dân chủ đã tạo điều kiện cho cơ sở Đảng ở Quảng Thái có điều kiện phát triển, đảng viên, cán bộ cơ sở cách mạng được rèn luyện trong phong trào đấu tranh. Từ đó, những hạt nhân tại xã nhà đã phát động quần chúng nhân dân tham gia chuẩn bị cho cuộc vận động giải phóng dân tộc.

2.3. Nhân dân Quảng Thái chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1939 - 1945)

2.3.1. Nhân dân Quảng Thái chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang (1939 - 3-1945)

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp vừa đàn áp dã man phong trào cộng sản, vừa ra sức vơ vét sức người sức của để cung cấp cho chiến tranh. Thực dân và phong kiến cấu kết với nhau, Bảo Đại ra đạo luật giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương, thủ tiêu tất cả những quyền tự do, dân chủ tối thiểu mà nhân dân ta đã giành được trong phong trào Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939).

Là trung tâm của Trung Kỳ nên các tổ chức cộng sản, báo chí tiến bộ, hội Ái hữu... ở Huế đều bị đóng cửa hoặc giải tán. Lúc này khắp cả nước, tổ chức Đảng bị phân tán mạnh bởi sự khủng bố của kẻ thù; hầu hết đảng viên bị địch bắt giam. Các nhà lao Thừa Phủ, Lao Bảo trở thành nơi giam giữ những người cộng sản Trung Kỳ như Nguyễn Vịnh, Nguyễn Dĩnh...

Cuối năm 1939, ngoài việc bắt giam các đồng chí đảng viên cộng sản, thực dân Pháp còn lập các “Căng an trí” để giam giữ những cựu tù chính trị đã mãn hạn tù và những người chúng cho là nguy hiểm cho việc “trị an”. Tỉnh Thừa Thiên Huế có 4 nhà lao ở Huế, hai “Căng an trí” ở La Hy và Phú Bài, ba trại quản thúc ở Ưu Điềm (Phong Điền), Hạ Lang (Quảng Điền). Nhiều đảng viên và cảm tình đảng trong huyện bị quản thúc tại Hạ Lang, có người thời gian “an trí” kéo dài cho đến năm 1945, đến khi Nhật đảo chính Pháp mới được về.  

Trong sự vây ráp của kẻ thù, tổn thất của tổ chức Đảng là không tránh khỏi. Những đảng viên cộng sản khi bị bắt và bị tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng vẫn kiên trung với Đảng, khi thoát tù lại trở về bắt liên lạc với cơ sở tiếp tục củng cố lực lượng. Hoạt động của tổ chức Đảng được ngụy trang dưới nhiều hình thức như rước đoàn hát bội về hát ở xã, tổ chức các trò chơi quần chúng... Nhờ vậy, phong trào quần chúng vẫn được duy trì, đặc biệt có nơi bị địch khủng bố ráo riết nhưng các cơ sở cách mạng vẫn được giữ vững; hoạt động của các nhóm cơ sở ở Phong - Quảng vẫn mở rộng và liên hệ với nhau.

Cuối năm 1939, Trung ương Đảng gửi thông báo đến các cấp bộ Đảng chuyển hướng chỉ đạo của Đảng và chỉ thị cho các cấp ủy cũng như toàn thể đảng viên phải rút vào hoạt động bí mật. Các đảng viên ở Quảng Điền tìm cách vượt qua mọi khó khăn tìm cách bắt liên lạc với nhau và với cấp trên. Các đảng viên đã chú ý lập các tổ chức để tập hợp và giáo dục quần chúng đồng thời tuyên truyền, kết nạp một số hội viên quần chúng vào tổ chức phản đế. Đảng viên ở Quảng Thái rút vào hoạt động bí mật, ban đêm, tổ chức tuyên truyền giáo dục cho nhân dân, nhiều đồng chí hoạt động tích cực, vượt mọi khó khăn gian khổ để xây dựng tổ chức.

Vào dịp kỷ niệm cách mạng Pháp (14-7-1940), ở Quảng Điền, các đảng viên và cơ sở cảm tình Đảng phân công nhau đi rải truyền đơn và đến từng gia đình vận động con em tìm cách trốn đi lính cho Pháp. Đúng ngày đó, truyền đơn cách mạng đã xuất hiện nhiều nơi, góp phần củng cố lòng tin của quần chúng cơ sở cách mạng và hội viên các đoàn thể phản đế.

Cuối năm 1940, phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương. Trước tình hình đó, Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ VIII quyết định tiếp tục chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, nhấn mạnh vấn đề giải phóng dân tộc là vấn đề cấp thiết và cuộc cách mạng này phải được giải quyết bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang. Hội nghị cũng chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp lực lượng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

Khoảng năm 1941, Chi bộ Quảng Điền được thành lập trở lại, do đồng chí Nguyễn Dĩnh làm Bí thư. Đến cuối năm 1941, đồng chí Nguyễn Dĩnh bị bắt giam tại lao Thừa Phủ cùng với một số đồng chí khác[14].

Tháng 2-1942, đồng chí Nguyễn Vịnh vượt ngục trở về. Tháng 7-1942, đồng chí triệu tập Hội nghị cán bộ tỉnh tại vùng Vĩnh Tu (ở một trộ sáo trên phá Tam Giang[15] (còn được gọi là Hội nghị Vĩnh Tu) để truyền đạt Nghị quyết Trung ương 8, thành lập Tỉnh ủy lâm thời. Hội nghị đã bầu Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư, đồng chí Trần Bá Song được bầu vào Tỉnh ủy phụ trách huyện Quảng Điền. Sau hội nghị này, liên chi bộ Phong - Quảng được hình thành, Chi bộ Quảng Điền được thành lập lại gồm các đồng chí đảng viên: Trần Bá Song, Đặng Thược, Nguyễn Bật, Lê Thành Hinh, Trần Bá Cử… chi bộ cũng đã phát triển thêm cơ sở cốt cán, ngoài nhóm Niêm Phò còn có thêm các nhóm Hạ Lang, Phổ Lại, Phú Lễ, Nam Dương,... Các chi bộ tổ chức huấn luyện đảng viên về cách mạng giải phóng dân tộc, đánh Pháp, đuổi Nhật giành độc lập, về vai trò của Việt Minh trong phong trào đấu tranh.

Đầu năm 1944, thực hiện nghị quyết Tỉnh ủy mở rộng, các Chi bộ Đảng tăng cường hoạt động, tuyên truyền gây ảnh hưởng, xây dựng Mặt trận Việt Minh ở các cơ sở mới như Sịa, Hà Lạc… Hoạt động nổi bật trong thời kì này là vận động cứu đói và đấu tranh chống đói, chống vơ vét tài nguyên thuộc địa dẫn đến thảm trạng đói kém, chống áp bức hà hiếp, lạm dụng của hương lý, chức sức.

Thanh niên Quảng Thái lúc này với một truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. Mặc dù chưa được Đảng cộng sản dẫn dắt nhưng do phong trào của các thôn ấp chung quanh ảnh hưởng đến, trong thanh niên có nhiều người tiến bộ hoặc cá nhân hoặc từng nhóm năm ba người đấu tranh chống một số bất công trong xã hội... đã đem lại kết quả cao.

Từ năm 1939 đến đầu năm 1945, với sự nổ lực của nhiều đảng viên cộng sản phụ trách địa bàn, nhiều nhóm cơ sở cảm tình Đảng liên tiếp được hình thành ở Quảng Thái. Trong các nhân tố kỳ cựu từ thời Mặt trận Dân chủ nổi lên tấm gương kiên trung của đồng chí Nguyễn Hữu Ngâu (1917-1942). Ông trở thành người cộng sản đầu tiên ở quê hương Quảng Thái. Ông đỗ Thành Chung rồi đỗ thủ khoa Trường Bá Công năm 1937, năm 1939 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông hoạt động trong ngành hỏa xa, bị địch bắt năm 1941 và hy sinh trong nhà lao Hỏa Lò năm 1942. Tuy không phải hoạt động trực tiếp ở quê nhà nhưng có ảnh hưởng lớn đến phong trào của xã nhà. Phong trào cách mạng ở Quảng Thái từ đây được phục hồi dần.

Tháng 7-1943, đồng chí Nguyễn Chí Thanh lại bị bắt ở Phú Lộc và bị đày trở lại nhà tù Buôn Ma Thuột. Đầu năm 1944, Tỉnh ủy được thành lập lại. Giữa năm 1944, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng bàn vấn đề thống nhất hành động trong toàn Đảng bộ, phát triển tổ chức Việt Minh. Chi bộ Quảng Điền đã xây dựng được các lực lượng cách mạng trong huyện, chuẩn bị thế và lực cho tình hình cách mạng mới, tạo điều kiện cho khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Điền thắng lợi. Trên tinh thần đó ở Quảng Thái, các chiến sĩ cách mạng cũng ra sức chuẩn bị tinh thần, lực lượng cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công.

Những năm 1939-1945 là thời kì vận động cách mạng đầy thử thách. Trong lúc Đảng phải rút lui vào hoạt động bí mật, kẻ thù lại ra sức khủng bố về chính trị, vơ vét về kinh tế nhằm phục vụ cho chiến tranh, chi bộ Đảng và những người yêu nước phải đương đầu trước mọi âm mưu và thủ đoạn của địch. Nhiều đảng viên và quần chúng cảm tình đảng dù bị bắt, bị tù nhưng vẫn liên tục hoạt động, tìm cách liên lạc ra ngoài, tìm cách vượt ngục, ra tù thì trở lại hoạt động, tỏ rõ ý chí cách mạng kiên trung, bất khuất.

2.3.2. Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Thái

Cuối năm 1944 đầu năm 1945, do chính sách vơ vét lúa gạo của phát xít Nhật và thực dân Pháp mà ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ 2 triệu người chết đói thê thảm. Tình trạng chết đói lan đến các làng trong xã Quảng Thái không trừ một thôn xóm nào.. Các đảng viên được phân công bám trụ ở Quảng Thái vẫn không nao núng tinh thần, vận động cứu đói trong dân. Họ đi sâu vào dân, sát cánh cùng dân và vận động dân đùm bọc nhau, không bán thóc cho Nhật, phản đối Lý trưởng vơ vét thóc gạo của dân... Hội cứu đói được thành lập ở làng, đi quyên góp giúp đỡ nhau cái ăn. Những hoạt động tích cực của đảng viên và cơ sở cách mạng đã góp phần hạn chế nạn đói, tạo sự đùm bọc lẫn nhau giữa những người dân. Nhân dân từng bước nhận thức được hoạt động của những người cộng sản ở địa phương, nuôi dưỡng niềm tin sẽ có sự thay đổi về thời cuộc trong năm 1945.

Đêm mồng 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Đến chiều 10-3-1945, quân Nhật làm chủ thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, kiểm soát toàn bộ các đồn bốt, công sở và đường giao thông. Bảo Đại thành lập Nội các mới và hình thành Chính phủ Trần Trọng Kim (ngày 17-4). Trong đó có Phan Anh làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên. Thanh niên xã Quảng Thái được tổ chức vào đoàn thanh niên Phan Anh bao gồm nhóm thanh niên tiến bộ như Hoàng Dao, Hoàng Phát, Trần Bàng, Văn Đình Triền (ở Trung Kiều), Hồ Viết Tuynh, Lê Chơn, Trần Ly (ở Đông Hồ)[16]. Tuy không phải là một tổ chức cách mạng, nhưng thanh niên được tổ chức thi hoạt động rất tốt, rất tích cực trong việc giữ gìn an ninh trật tự trong thôn xóm, rất hăng hái trong công tác truyền bá chữ quốc ngữ, đã giải quyết hàng loạt người biết đọc, biết viết, nâng một phần dân trí, tạo khí thế áp đảo đối phương với cường hào, hương lý ở địa phương.

Ngày 23-5-1945, Hội nghị cán bộ toàn tỉnh dưới sự chủ tọa của Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Nguyễn Sơn, họp ở đầm Cầu Hai (Phú Lộc). Tham dự hội nghị có 28 đại biểu, hội nghị bầu Ban Chấp hành Việt Minh tỉnh gồm 13 người và phân công các ủy viên về cơ sở: Hoàng Tiến phụ trách Phong Điền, Lê Minh (Hương Thủy), Lê Hải và Đặng Do (Phú Vang), Lê Bá Khanh và Lê Bá Dị (Phú Lộc). Quảng Điền và Hương Trà do Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách.

Ở Quảng Điền, các đồng chí bị tù đày lần lượt trở về địa phương tăng thêm sức mạnh lãnh đạo cho chi bộ Đảng và phong trào cách mạng; trong đó có đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Dĩnh, Nguyễn Húng và Trần Mão. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh lo công việc của Xứ ủy và với cấp trên, các đồng chí còn lại tiếp tục lãnh đạo phong trào toàn huyện. Do đã nắm được nghị quyết Trung ương VIII từ trong tù nên đã tạo thêm thuận lợi cho phong trào địa phương.   

Đầu tháng 6-1945, cán bộ toàn huyện Quảng Điền họp tại làng Hà Lạc (Quảng Lợi), thành lập Việt Minh huyện, lấy bí danh là Việt Minh Trường Giang. Sau đó, tổ chức Việt Minh lần lượt thành lập ở nhiều tổng trong huyện, công tác chuẩn bị cho các mặt được tiến hành gấp rút, tích cực vận động làm tan rã ngụy quyền huyện, xã, chuẩn bị vật chất cho khởi nghĩa giành chính quyền.

Ảnh hưởng của Việt Minh được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, nhiều người đã hăng hái tham gia tổ chức và gánh vác công tác. Các tổ chức nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc được hình thành ở một số nơi như Niêm Phò, Hạ Lang, Phổ Lại, Hà Lạc…có một số địa chủ hương lý cũng tham gia Việt Minh.

Lực lượng cốt cán và tự vệ cứu quốc được xây dựng khá nhanh, bao gồm các thanh niên nhiệt tình, khỏe mạnh được thành lập ở các tổng làm lòng cốt cho khởi nghĩa của quần chúng. Nổi bật nhất là vùng Hà Lạc- Phong Lai, Niêm Phò- Phò Nam, Hạ Lang,…ở Niêm Phò đã có một đội trung vệ, ban đêm canh gác luyện tập, sắm sửa vũ khí. Các đoàn thể cứu quốc - thành viên của Mặt trận Việt Minh tích cực vận động quần chúng đi nghe cán bộ diễn thuyết. Việt Minh huyện đi vay lúa nhà giàu, lúa của làng để nuôi lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa. Các làng của xã Quảng Thái đáp ứng lời kêu gọi của Việt Minh đã góp gạo ủng hộ, vận động gia đình địa chủ cho Việt Minh vay thêm gạo. Nhiều địa chủ yêu nước trong làng đã hết lòng giúp đỡ bằng khả năng của mình. Chi bộ đã phân công cán bộ, đảng viên tranh thủ lôi kéo tri huyện Đoàn Thức, và điều đó tạo thêm thuận lơi không nhỏ cho việc duy trì và phát triển phong trào cũng như lúc khởi nghĩa giành chính quyền... 

Ngày 10-8-1945, sau khi được tin phát xít Nhật có nguy cơ bị tiêu diệt, Thường vụ Tỉnh ủy họp thảo luận vấn đề khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh. Hội nghị quyết định vùng nông thôn khởi nghĩa trước, đồng thời tích cực chuẩn bị khởi nghĩa ở thành phố. Hội nghị giao nhiệm vụ cho các huyện khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa.

Trước cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra sôi nổi, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (13 đến 16-8-1945) đã phát lệnh Tổng khởi nghĩa. Ủy ban khởi nghĩa các cấp tổ chức cho quần chúng đứng lên giành chính quyền.

Ngày 16-8-1945 diễn ra trận đánh giữa ta với quân Nhật ở Niêm Phò. Khi quân Nhật di chuyển bằng đường thủy từ Hiền Sĩ qua sông Bồ để lên Huế, do đã nắm kỹ tình hình và sách lược chung khi Nhật đầu hàng, các đồng chí lãnh đạo thấy chúng đến Niêm Phò, nơi trung tâm chỉ đạo khởi nghĩa, nên đã chỉ huy tự vệ cứu quốc chặn đánh tại ngã tư Niêm Phò. Kết quả là làm một quân Nhật chết đuối, hai tên bị bắt, thu một khẩu đại liên 12ly7, 5 súng trường Nga và mútcơtông, một súng ngắn và một số quân trang, quân dụng khác. Các chiến lợi phẩm trên đã trang bị cho tự vệ để chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa[17].

Ngày 17-8-1945, lệnh Tổng khởi nghĩa của tỉnh được ban ra. Huyện Quảng Điền triệu tập cán bộ Việt Minh toàn huyện họp và lập ra Ủy ban khởi nghĩa gồm đồng chí Trần Bá Song, Nguyễn Húng, Đặng Thược và một số đồng chí khác. Cơ quan Việt Minh huyện và Ủy ban khởi nghĩa đều có trụ sở ở Niêm Phò (ở đình và trường học).

   Quảng Thái là vùng nông thôn có các hạt giống của Đảng từ khá sớm. Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Huyện ủy, đặc biệt là đồng chí Đặng Thược và các cán bộ cốt cán như Văn Đình Triền, Trần Bàng, Phạm Bá Đê, Phạm Bá Khác, Lê Chơn, Hồ Viết Tuynh.... và hàng trăm cảm tình Đảng, quần chúng tích cực đã tuyên truyền vận động, tập hợp quần chúng, dùng bạo lực quần chúng tạo ra sức mạnh để lật đổ chính quyền xã thôn của chế độ thực dân phong kiến, giải phóng quê hương.

   Trong hai ngày 20 và 21-8-1945, tại đình làng Phong Lai, anh Văn Đình Triền chủ trì hội nghị thanh niên, đã gặp đại diện Việt Minh Phong Điền và đã báo cáo tình hình chuẩn bị khởi nghĩa cho nhân dân và thanh niên trong làng biết. Hội nghị đã chuyển tổ chức Thanh niên Phan Anh tại địa phương thành Thanh niên cứu quốc Phong Lai - Lai Hà, cử Trần Bàng làm Bí thư và Phạm Bá Đề làm Huấn luyện viên, lúc này mọi thanh niên đều phấn khởi bắt tay vào công tác chuẩn bị, sẵn sàng thi hành mệnh lệnh khởi nghĩa[18].

   Chiều ngày 22-8-1945, đồng chí Đặng Thược, Việt Minh huyện Quảng Điền, đích thân về Phong Lai chỉ đạo việc chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Từ chiều hôm đó đến cả ngày 23-8, không khí chuẩn bị càng ráo riết. Thanh niên cứu quốc làm nòng cốt, biên chế đội ngũ tập dượt đội hình và trang bị giáo mác, phạng, gậy gộc cho bộ phận cốt cán đội tự vệ... , may cờ đỏ sao vàng, học thuộc khẩu hiệu...

   Khuya ngày 23 đến rạng sáng ngày 24-8-1945, lực lượng thanh niên và nhân dân Phong Lai - Lai Hà đã tự vũ trang xuống đường tổ chức diễu hành, hô vang các khẩu hiệu, quần chúng nhân dân tỏa về các thôn Phú Ân, Phú Lễ, Lai Hà, Gia Quảng, Tây Hoàng, Trung Kiều (vùng trên) và Hà Đồ, Mỹ Thạnh, Thủy Lập, Cổ Tháp, Đức Nhuận, Sơn Công, Hà Lạc, Đông Cao, Đông Hồ (vùng dưới) hoàn thành việc giành chính quyền cơ sở ở các thôn. Tự vệ và lực lượng thanh niên vũ trang đi vây bắt Việt gian và tịch thu toàn bộ gia sản của chúng. Trước sức ép của đoàn biểu tình, lý trưởng, cường hào ở các làng đem sổ sách, ấn triện giao nộp cho Việt Minh.

Trước sự tan rã của chính quyền thực dân phong kiến, Ủy ban nhân dân cách mạng và Ủy ban Việt Minh xã tuyên bố thành lập và ra mắt quần chúng. Tổng Phú Lạc có ông Nguyễn Thanh làm Tổng trưởng, Nguyễn Bạch làm Bí thư Thanh niên cứu quốc, Văn Đình Triền làm Phó Bí thư Thanh niên cứu quốc[19].

   Đúng 3 giờ chiều ngày 23-8-1945, cuộc biểu tình của 5 tổng trong huyện có gần một vạn người tham gia với trống dong cờ mở rầm rộ kéo về giành chính quyền tại huyện lỵ Hạ Lang. Đến hết ngày 23-8-1945 khắp các làng, các tổng trong huyện đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Chính quyền 3 cấp: làng, tổng, huyện về tay nhân dân góp phần vào thắng lợi chung của toàn tỉnh.

   Tham gia vào việc chuẩn bị khởi nghĩa ở tỉnh Thừa Thiên có sự đóng góp của những người con Quảng Thái. Sáng 23-8-1945 anh Văn Đình Triền, đại diện Phong Lai - Lai Hà, theo giấy triệu tập của Việt Minh huyện Quảng Điền, có mặt tại cống An Hòa để nhập đoàn thanh niên 5 tổng huyện Quảng Điền tham gia cuộc mít tinh, tuần hành lớn của tỉnh và thị xã Thuận Hóa.

Trước đông đảo nhân dân, Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai phát xít Nhật, thành lập chính quyền cách mạng do đồng chí Trần Bá Song làm Chủ nhiệm Việt Minh kiêm Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời, Đoàn Thức làm Phó chủ tịch, Nguyễn Húng làm thư ký....

Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Thừa Thiên Huế, trong đó có sự đóng góp của nhân dân huyện Quảng Điền, chấm dứt sự thống trị của thực dân và Chính phủ Nam triều ở Huế. Với ý chí và sức mạnh của mình ngày 30-8-1945, nhân dân Quảng Điền cùng hàng vạn đồng bào Thừa Thiên Huế tập trung trước của Ngọ Môn, chứng kiến lễ thoái vị Bảo Đại, trao ấn kiếm cho phái đoàn đại diện Chính phủ lâm thời, kết thúc nền cai trị suốt gần một trăm năm của chế độ thực dân phong kiến.

   Từ khi chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá về Quảng Thái, ở nơi đây có 3 sự kiện nổi bật là bầu dân biểu yêu nước Nguyễn Đình Diễn vào viện Dân biểu Trung Kỳ, tổ chức đón và đưa kiến nghị trong phong trào dân tộc dân chủ và huy động được bạo lực quần chúng để giành chính quyền. Thành công nổi bật trong lãnh đạo của Đảng ở đây là các đảng viên và quần chúng cảm tình Đảng đã vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng vào thực tiễn, đã khơi gợi tinh thần yêu nước, căm thù giặc Pháp đô hộ trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các vị có vai vế trong làng, trong họ tộc, các vị túc nho, kể cả một số vị giàu có chi phối kinh tế thôn xã. Từ đó, những thành phần này trở thành lực lượng năng động, tập hợp quần chúng hành động cách mạng theo ý đồ, chủ trương của Đảng, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám tại quê hương. 

Tham gia đồng lòng vào khởi nghĩa ngày 23-8-1945 ở quận lỵ Quảng Điền và ở tỉnh Thừa Thiên, nhân dân Quảng Thái đã thể hiện sự đoàn kết một lòng giữa dân với Đảng, giữa quần chúng với những người hoạt động cách mạng. Cách mạng tháng Tám đã tạo ra bước ngoặt mới để nhân dân Quảng Thái tiếp tục thành công trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

 


[1] Lê Quý Đôn toàn tập, Tập 1 Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.134.

[2] Địa chí Văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.158.

[3] Địa chí Văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.159.

[4] Địa chí Văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.161.

[5] Đinh Xuân Lâm (chủ biên), Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Đình Lê; Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo Dục, tr.257.

[6] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quảng Điền (2016), Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (1930-2005), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.30-31.

[7] Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (1930-2005), Sđd, tr.34.

[8] Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (1930-2005), Sđd, tr.35.

[9] Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (1930-2005), Sđd, tr.35.

[10] Địa chí Văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.162.

[11] Hoàng Anh, Quê hương và cách mạng, Hồi ký, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1990, tr.48-49.

[12] Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (1930-2005), Sđd, tr.43.

[13] Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (1930-2005), Sđd, tr.45.

[14] Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (1930-2005), Sđd, tr.50.

[15] Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (1930-2005), Sđd, tr.50.

[16] Địa chí Văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.163.

[17] Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (1930-2005), Sđd, tr. 61-62.

[18] Địa chí Văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.166.

[19] Địa chí Văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr.167-168.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.593.946
Truy cập hiện tại 4.763