Tìm kiếm tin tức
Tín hiệu khởi sắc của du lịch ở Phong Điền
Ngày cập nhật 09/05/2022

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, du lịch ở Phong Điền đã có nhiều tín hiệu khởi sắc sau khi được hoạt động trở lại. Với các điểm đến hấp dẫn như suối Hầm Heo, thác A Đon, Làng cổ Phước Tích, Thanh Tân spa... kỳ vọng sẽ thúc đẩy du lịch trở nên nhộn nhịp hơn.

Du khách tham quan cây Thị hàng trăm năm tuổi tại Làng cổ Phước Tích

Du khách tham quan cây Thị hàng trăm năm tuổi tại Làng cổ Phước Tích
 
 

Đến thăm Làng cổ

Làng cổ Phước Tích với vẻ đẹp nguyên sơ của một làng quê Việt Nam. Ngôi làng được bao bọc bởi con sông Ô lâu trong xanh, hiền hòa. Theo sử sách, Phước Tích được thành lập từ năm 1470 dưới thời vua Lê Thành Tông, có diện tích khoảng 49 ha.

Phước Tích là ngôi làng thứ hai của Việt Nam được công nhận là làng Di sản cấp quốc gia vào năm 2009. Với những lợi thế về quần thể nhà rường cổ dày đặc, hệ thống kiến trúc gỗ tinh tế, bàn ghế, tràng kỷ, bản thờ tủ... được chạm khắc kỹ lưỡng, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, nhà thờ, di tích văn hóa Chăm Pa, hệ thống đường xá cây xanh nối liền nhau một cách tự nhiên và sinh động... Tất cả mang đậm nét tín ngưỡng của người dân xứ Huế. Sau khi được công nhận làng Di sản, Làng cổ Phước Tích đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và toàn diện.

Du lịch ở Làng cổ Phước Tích ngày càng chuyên nghiệp, hệ thống di sản vật thể được tu bổ, trùng tu. Hiện nay ở đây có nhiều loại hình dịch vụ du lịch, như: tham quan nhà rường, lưu trú, ẩm thực, xe đạp, hướng dẫn viên, quảng diễn nghề gốm, làm bánh, giao lưu văn nghệ... Các dịch vụ hầu hết được phục vụ chu đáo, nhiệt tình, mến khách góp phần đáp ứng nhu cầu giao lưu, tìm hiểu văn hóa địa phương của du khách. Chính vì lẽ đó, hình ảnh du lịch Phước Tích đã được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, Phước Tích trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với khách du lịch đến tham quan và khám phá làng cổ. Hàng năm, có rất nhiều đoàn du lịch, các nhà nghiên cứu về tham quan và tìm hiểu về làng cổ Phước Tích.

Anh Nguyễn Đức Minh, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Làng cổ Phước Tích. Khi vừa đặt chân đến, điều làm chúng tôi ấn tượng là nhà nào cũng có vườn rộng nối liền nhau bởi những hàng rào bằng cây chè tàu bao quanh. Bên cạnh đó là hệ thống các di tích tín ngưỡng, tôn giáo như đình, chùa, miếu, nhà thờ của các họ tộc; các di tích của nền văn hoá Champa; những cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm; những bến nước, sân đình; đường làng, ngõ xóm, những lối đi với lớp lớp những mảnh gốm sành ghi dấu thời vàng son của làng nghề sản xuất gốm... Tất cả như tạo nên cảnh quan đặc trưng của một làng quê Việt cổ kính”.

 

Trải nghiệm làm bánh tại Làng cổ Phước Tích

Chị Nguyễn Trần Thanh Tâm, du khách đến từ Quảng Trị chia sẻ: “Điều đáng nhớ nhất trong chuyến tham quan không chỉ là những di tích được bảo tồn nguyên vẹn, mà chính là sự đón tiếp, mời trà nồng hậu từ Ban Quản lý. Vào thăm làng, ngạc nhiên hơn nữa là người dân nơi đây rất hiếu khách. Tại đây, chúng tôi được giới thiệu tham quan những ngôi nhà rường cổ được chạm trổ tinh xảo. Hầu hết những ngôi nhà đều là nhà rường 3 gian 2 chái, với cấu trúc nhà vườn đặc trưng của người Huế. Tới thăm ngôi nhà trưng bày gốm cổ, được nghệ nhân giới thiệu tới bộ sưu tập gốm cổ có tuổi đời lên tới 100 năm. Gốm Phước Tích nổi tiếng bởi độ bền và tinh xảo, bởi được làm bằng tay và đun bằng củi... Thăm làng, du khách có dịp được khám phá, trải nghiệm cuộc sống thanh bình của một miền quê yên ả, gần gũi, thân thiện là sự kết hợp hài hòa giữa trời, đất và con người. Ngoài ra, các dịch vụ ăn uống, mua sắm, các nhà hàng đặc sản địa phương, có tổ ẩm thực chuyên phục vụ ẩm thực cho khách du lịch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Ông Đoàn Quyết Thắng, Giám đốc Ban quản lý di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích cho biết: “Sau khi du lịch được hoạt động trở lại, Ban Quản lý đã phối hợp với người dân khai trương sản phẩm du lịch mới, như: trải nghiệm làm bánh ướt thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Về công tác quảng bá du lịch, đã phối hợp với kênh VTV8 làm phóng sự về trải nghiệm bánh phu thê và trải nghiệm gốm và những dịch vụ du lịch tại làng cổ Phước Tích; Phối hợp với Sở Du lịch và các công ty, lữ hành du lịch tại Huế tổ chức tham quan, khảo sát các sản phẩm, dịch vụ du lịch tại làng cổ Phước Tích và các làng nghề lân cận như: làng mộc, mỹ nghệ Mỹ Xuyên; đệm bàng Phò Trạch...”.

“Ban Quản lý cũng đã xây dựng kế hoạch đón tiếp, cải tạo không gian, vệ sinh môi trường... để đón tiếp du khách đến trải nghiệm, đồng thời phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng và homestay. Để kích cầu phát triển du lịch trong trạng thái “bình thường mới”, Ban Quản lý đã xây dựng các kế hoạch đổi mới hình thức tham quan, nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, sẵn sàng các điều kiện để mở cửa lại hoạt động du lịch. Đặc biệt, từ ngày được hoạt động trở lại đến nay, khá đông đoàn khách đã đến tham quan tại Làng cổ, trong đó có các đoàn như: trường Ischool (Quảng Trị), Công ty du lịch Xuân Việt, đoàn nghệ sĩ từ thành phố Hồ Chí Minh, đoàn lãnh đạo Sở Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành Thừa Thiên Huế... và nhiều đoàn khách tự do khác. Việc khách tăng mạnh là tín hiệu đáng mừng để thời gian tới Ban Quản lý giữ được nhịp tăng trưởng của lĩnh vực du lịch”, ông Thắng nói.

Giải nhiệt ngày hè tại suối Hầm Heo

Suối Hầm Heo ở bản Khe Trăn, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền được đồng bào dân tộc Pa Hy khai thác, đưa vào hoạt động du lịch sinh thái từ giữa năm 2019. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng khung cảnh hoang sơ, làn nước trong veo mát lạnh tươi xanh, những bóng cây cao mát. Chính nhờ những điều kiện đó đã giúp cho điểm du lịch này thu hút một lượng khách lớn đổ về tham quan, giải nhiệt những ngày hè.

Bà Phan Thị Khuyên, người dân tộc thiểu số PaHy ở bản Khe Trăn, cho biết: “Từ xa xưa con suối này có rất nhiều heo rừng, chúng rất tinh quái và hung dữ. Cứ đợi tờ mờ sáng hoặc đêm muộn để đổ về ăn ngô khoai và phá phách nông sản của người dân. Mặc cho nhiều lần người dân đuổi đánh nhưng vẫn không thành, đến khoảng những năm 60 thì người dân quyết tâm đào con hào lớn từ sườn núi đến bờ suối để ngăn chặn. Từ đó cái tên Hầm Heo được ra đời”.

Ở khúc suối lớn nhất là hồ nước cực trong xanh, nước ở hồ không quá sâu, đáy khá bằng phẳng, không đá nhọn gây nguy hiểm cho khách du lịch, bên cạnh đó còn có đội cứu hộ cứu nạn luôn túc trực để giúp đỡ du khách khi cần. Vì thế, người dân địa phương tại đây đã dựng nhiều sạp xung quanh hồ và hai bên suối để du khách dễ vui chơi và ăn uống.

Anh Nguyễn Văn Nguyên, một trong số những hộ dân “khai canh” du lịch suối Hầm Heo, bộc bạch: “Điểm du lịch suối Hầm Heo được thiên nhiên ưu đãi, có cảnh núi rừng hoang sơ, hồ rộng, có nguồn nước từ khe Mối, khe Lấu chảy ra đều và rất mát, thích hợp với tắm mát, nghỉ dưỡng vào mùa hè nên thu hút một lượng lớn khách, bình quân mỗi ngày ở đây có từ 500 đến 700 khách và có ngày lên đến hơn 1.000 lượt khách. Vì vậy, từ 2 hộ với 4 chòi ban đầu đã tăng lên 20 hộ với hơn 80 chòi, sạp”.

Từ sự tự phát của người dân, đến năm 2020, huyện Phong Điền đã đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng các hạng mục tại điểm du lịch sinh thái vùng Thượng nguồn Ô Lâu (Hầm Heo) gồm: Nhà đón khách, nhà bếp, nhà vệ sinh, điện, nước, bãi giữ xe, các điểm tránh xe và đường xuống suối... và ngày 28/4/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 954/QĐ-UBND công nhận điểm du lịch sinh thái Thượng nguồn Ô Lâu (Hầm Heo) thuộc Bản Khe Trăn, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là điểm du lịch sinh thái cộng đồng đầu tiên của huyện Phong Điền.

Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho biết, sau khi được UBND tỉnh công nhận điểm du lịch sinh thái, UBND xã đã tổ chức họp các hộ kinh doanh để phân lô xây dựng quán, sạp dọc suối theo quy hoạch; phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, Phòng Y tế huyện tổ chức tập huấn các kỹ năng, các quy định về hoạt động du lịch cho tất cả các hộ kinh doanh.

“UBND xã đã thành lập tổ hợp tác để tổ chức hoạt động, quản lý, điều hành tại điểm du lịch sinh thái cộng đồng suối Hầm Heo theo điều lệ và quy chế, dưới sự giám sát của chính quyền địa phương. Tổ hợp tác có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống đuối nước... Bên cạnh đó, xã tổ chức phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương như trồng nếp than, nuôi gà thảo dược, ủ rượu cần và nuôi ong lấy mật... để phục vụ du lịch. Ngoài ra, xây dựng điểm trưng bày các sản phẩm truyền thống địa phương, như tương măng, các đặc sản món ăn của bà con đồng bào dân tộc tại các điểm du lịch”, ông Chung cho biết thêm.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Các địa phương đều dừng các chương trình vui chơi, giải trí tập trung đông người để tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch gặp rất nhiều khó khăn.

Với việc phòng chống dịch hiệu quả, huyện Phong Điền đã hết sức chú trọng đầu tư cho du lịch, xác định đây là giai đoạn cấp thiết, đồng thời là cơ hội đổi mới lại du lịch.

Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: “UBND huyện Phong Điền đã xây dựng kế hoạch đầu tư giai đoạn 2 cho điểm du lịch sinh thái cộng đồng suối Hầm Heo với tổng kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh trên 3 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã và huy động hợp pháp khác hơn 1 tỷ đồng). Theo đó, đầu tư hệ thống điện, nước; nâng cấp, mở rộng 1,2km đường nối từ Tỉnh lộ 9 đến điểm du lịch lên 7,5m, hai bên trồng hoa và cây bản địa; xây dựng các tuyến đường nội bộ, đường thoát hiểm, kè chống sạt lở, các điểm check-in như; cầu vồng, hình trái tim, bánh xe đạp nước... Hướng đến đưa điểm du lịch sinh thái Hầm Heo kết nối các điểm du lịch suối như A Đon, Khe Me và các điểm di tích lịch sử chiến khu xưa, thu hút thêm nhiều khách du lịch đến với Phong Điền, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân”.

Hoạt động du lịch được trở lại hoạt động là tín hiệu vui. Sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, những tín hiệu sôi động hơn của du lịch Phong Điền đã cho thấy du khách trong và ngoài tỉnh đang dần quan tâm hơn đến mảnh đất Phong Điền thơ mộng. Đây cũng sẽ là tiền đề để du lịch Phong Điền thu hút số lượng lớn hơn nữa du khách đến tham quan trong thời gian tới.

 

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.581.017
Truy cập hiện tại 14.614