Tìm kiếm tin tức
BÁO CÁO Tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật
Ngày cập nhật 26/09/2022

Ngày 23 tháng 9 Ủy ban nhan dân Huyện Quảng Điền ban hành Báo cáo số 229 /BC-UBND về Tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP  ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. 

I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 59/2012/NĐ-CP

1. Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện

Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi thi hành pháp luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, UBND huyện đã yêu cầu các cơ quan, ban ngành cấp huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

- Tổ chức triển khai, quán triệt cho cán bộ, công chức và Nhân dân những nội dung cơ bản các quy định của pháp luật về theo dõi thi hành pháp luật. Đồng thời tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật tại cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Hằng năm, trên cơ sở các Kế hoạch của UBND tỉnh và Kế hoạch của UBND huyện về việc theo dõi thi hành pháp luật,  các cơ quan, ban, ngành cấp huyện, UBND các xã, thị trấn căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật và xác định nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị mình để tổ chức thực hiện theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.

- Chú trong việc xây dựng, ban hành các văn bản, tài liệu hướng dẫn, chuẩn bị các điều kiện khác bảo đảm cho việc thi hành Nghị định 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

- Giao Phòng Tư pháp là đầu mối giúp UBND huyện triển khai, thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn huyện.

- Ngoài ra, căn cứ các văn bản của cấp trên và tình hình thực tế của địa phương, UBND huyện đều ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật, trong đó đề ra các nội dung theo dõi cụ thể, rõ ràng đồng thời xác định trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.

Việc xác định công tác theo dõi thi hành pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, là công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhà nước, đảm bảo các quy định của pháp luật được thi hành nghiêm minh, nên trong thời gian qua, UBND huyện đã đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn huyện quan tâm, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thực hiện công tác này.

          2. Về xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai và ban hành, tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật

a) Về xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhà nước, đảm bảo các quy định của pháp luật được thi hành nghiêm minh; Trên cơ sở Chương trình, Kế hoạch của UBND tỉnh ban hành hàng năm, UBND huyện đã ban hành các Kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 21/12/2021 về theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn huyện năm 2022;

Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 20/01/2021 về theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2021;

Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 18/12/2019 về theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn huyện năm 2020;

Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 04/12/2018 về theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn huyện năm 2019;

Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 04/12/2018 về theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn huyện năm 2018;

Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 23/01/2017 về theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn huyện năm 2017;

Kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 26/12/2017 về theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn huyện năm 2016;

Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 04/01/2015 về theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn huyện năm 2015;

Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 20/12/2007 về theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2019;

Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 05/01/2014 về việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2014.

Ngoài ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm. Hàng năm, UBND huyện đã ban hành các Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra tình hình thi hành pháp luật; các kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành hàng năm, đồng thời tiến hành điều tra khảo sát tại các doanh nghiệp, cán bộ công chức và người lao động trên địa bàn huyện. Trong 10 năm đã tiến hành khảo sát khoảng 150 doanh nghiệp và 350 cá nhân liên quan đến các lĩnh vực trọng tâm như: Đất đai, môi trường, hộ tịch, y tế, trợ giúp pháp lý… trên địa ban huyện.

b) Về ban hành, tham mưu văn bản quy phạm pháp luật

Hàng năm UBND huyện đều ban hành kế hoạch kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn huyện, trong đó công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hằng năm, trên cơ sở các văn bản pháp luật do Trung ương, tỉnh ban hành và có hiệu lực, UBND huyện đã ban hành các văn bản yêu cầu các cơ quan, ban ngành cấp huyện, UBND các xã, thị trấn thống kê số lượng các văn bản cần ban hành, nội dung tiến độ ban hành và thời gian tổ chức thực hiện các văn bản đó. Căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, của Chính phủ, của tỉnh để chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành có liên quan tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản hướng dẫn chỉ đạo để các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nghiêm túc thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Từ ngày 01 tháng 10 năm 2012 đến nay, UBND huyện đã ban hành 137 văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Các văn bản do Hội đồng nhân dân, UBND huyện ban hành theo chức năng nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của địa phương cơ bản đảm bảo hình thức và nội dung do pháp luật quy định, phù hợp với Hiến pháp, Luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác của cơ quan nhà nước cấp trên. Văn bản do UBND huyện ban hành phù hợp với Nghị quyết của HĐND huyện và phù hợp với đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

 3. Tình hình quán triệt, phổ biến Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cho nhân dân và tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

a) Về tình hình quán triệt, phổ biến

Trong 10 năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp huyện - Cơ quan thường trực của Hội đồng PBGDPL huyện tổ chức 05 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, với hơn 600 lượt người tham dự và cấp phát hơn 600 bộ tài liệu có liên quan. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn thường xuyên cập nhật các thông tin, các quy định mới có hiệu lực, ảnh hưởng thiết thực đến đời sống nhân dân lên Cổng thông tin điện tử huyện và Trang thông tin điện tử các xã, thị trấn. Chỉ đạo Phòng Tư pháp huyện xây dựng các tài liệu về công tác theo dõi thi hành pháp luật để trang bị cho các cơ quan, tổ chức, UBND các xã, thị trấn làm tài liệu truyên truyền và để nghiên cứu thực hiện.

b) Về công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ

          Trên cơ sở Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật hàng năm của UBND huyện, Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện, Phòng Tư pháp đã tham mưu UBND huyện tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm đầu mối trong công tác theo dõi thi hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị cấp huyện và UBND các xã, thị trấn; UBND huyện phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tập huấn nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho các bộ phận có liên quan.

Trong thời gian qua, UBND huyện đã tổ chức 05 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, có hơn 150 người tham dự, đồng thời phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức 07 hội nghị tập huấn với hơn 250 người tham gia.

Bên cạnh đó, UBND huyện giao phòng Tư pháp là đơn vị đầu mối trong công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn huyện.

4. Tình hình kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế, bố trí kinh phí thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật

a) Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế

Đối với UBND huyện Quảng Điền hiện nay chưa có biên chế chuyên trách về theo dõi thi hành pháp luật mà thực hiện theo cơ chế kiêm nhiệm, thực hiện công tác này tại cấp huyện là do Phòng Tư pháp làm đầu mối, các cơ quan, ban, ngành cấp huyện đều bố trí 01 công chức phụ trách kiêm nhiệm, đối với UBND các xã, thị trấn giao cho Công chức Tư pháp – Hộ tịch phụ trách kiêm nhiệm.

b) Về bố trí kinh phí

Kinh phí hoạt động trong công tác theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước cấp,  kinh phí của cơ quan, đơn vị thuộc cấp nào do ngân sách nhà nước cấp đó bảo đảm và được tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị đó. Tại cấp huyện được giao vào dự toán ngân sách của Phòng Tư pháp. Tuy nhiên, kinh phí dành cho công tác này vẫn còn rất hạn chế so với yêu cầu công việc đặt ra. Đối với cấp xã, qua quá trình theo dõi kinh phí để thực hiện nhiệm vụ này hầu hết chưa quan tâm và chưa được bố trí. Điều này dẫn đến việc triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn.

 c) Về cơ sở vật chất phương tiện

 Được các cơ quan, đơn vị cấp huyện và UBND cấp xã trang bị đảm bảo yêu cầu hoạt động, đáp ứng nhu cầu hoạt động và phục vụ cho việc tra cứu, cập nhật kịp thời văn bản quy phạm pháp luật.

II. NHỮNG BẤT CẬP, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN TRONG THỰC TIỄN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 59/2012/NĐ-CP VÀ CÁC VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT, HƯỚNG DẪN THI HÀNH

1. Những bất cập, hạn chế

- Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật còn thiếu, cán bộ, công chức phụ trách chủ yếu là kiêm nhiệm nên kinh nghiệm, việc thực thi nhiệm vụ còn lúng túng, hạn chế.

- Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành cấp huyện và UBND các xã chưa được quan tâm, còn xem nhẹ, thiếu thường xuyên...

- Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm kinh phí phục vụ công tác theo dõi thi hành pháp luật nên gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai.

- Nội dung hoạt động theo dõi thi hành pháp luật rộng nên khi thực hiện đôi khi còn lúng túng, thiếu sót.

- Việc quy định bố trí cán bộ và kinh phí cho công tác theo dõi thi hành pháp luật đã được quy định, nhưng biên chế hành chính không được bổ sung, việc lập dự toán, phân bổ kinh phí chưa được quy định rõ ràng, cụ thể. Điều này dẫn đến việc triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc triển khai thực hiện mang tính hình thức, chưa đi vào bản chất, hiệu lực, hiệu quả chưa cao.

2. Nguyên nhân

- Công tác theo dõi thi hành pháp luật có quy mô rộng và gồm nhiều lĩnh vựC phức tạp, do vậy đòi hỏi phải có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Nhiều vướng mắc, khó khăn trong thi hành pháp luật chưa được kịp thời phát hiện để xử lý, khắc phục, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng áp dụng pháp luật, tuân thủ pháp luật.

- Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền về công tác theo dõi thi hành pháp luật chưa sâu, thiếu đồng bộ; sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chậm; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác theo dõi thi hành pháp luật tại các xã, thị trấn chưa đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ.

III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Đề nghị UBND tỉnh, Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác theo dõi thi hành pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác theo dõi thi hành pháp luật của cấp xã, cấp huyện để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.

2. Đề nghị UBND tỉnh bổ sung kinh phí nhằm đảm bảo về kinh phí, các phương tiện làm việc cho việc tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật.

Trên đây là Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật của UBND huyện Quảng Điền./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.521.893
Truy cập hiện tại 2.001