Tìm kiếm tin tức
Chương 5 ĐẢNG LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN XÃ QUẢNG THÁI TRONG CÔNG CUỘC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG, BƯỚC ĐẦU TIẾN HÀNH CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI (1975 - 1990)
Ngày cập nhật 15/12/2022

5.1. Nhân dân Quảng Thái ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và cải tạo kinh tế - xã hội sau ngày giải phóng (1975 - 1983)

5.1.1. Quảng Thái trong những năm đầu sau ngày quê hương giải phóng

Sau chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, giang sơn thu về một mối, cả nước chung tay xây dựng xã hội Xã hội chủ nghĩa. Hòa chung trong không khí đó, nhân dân Quảng Thái (lúc này trong xã chung Quảng Lợi)[1] hăng hái bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại quê hương. Bên cạnh niềm vui thắng lợi sau ngày đất nước thống nhất là muôn vàn khó khăn mà cán bộ và nhân dân xã Quảng Lợi (bao gồm Quảng Thái) phải đối phó. Trong thời gian chiến tranh, Quảng Thái là giáp ranh giữa Quảng Điền và Phong Điền nên chịu ảnh hưởng nặng nề của hậu quả chiến tranh, địch thường xuyên oanh tạc, cày xới khiến xóm làng xác xơ, tiêu điều. Đây là một khó khăn không hề nhỏ, đòi hỏi huyện Quảng Điền phải kịp thời chỉ đạo và tăng cường lực lượng quản lý địa bàn này. Không những vậy, đội ngũ cán bộ chưa đủ mạnh về năng lực quản lý cũng như duy trì trật tự an toàn xã hội, lại ở nơi khác về tiếp quản nên việc quản lý bước đầu gặp nhiều khó khăn. Tiếp đó là vấn đề giải quyết nơi ăn chốn ở, phương tiện sản xuất cho các tầng lớp nhân dân vừa bước ra khỏi chiến tranh, bao gồm

 


[1] Xem thêm mục hành chính Quảng Thái qua các thời kỳ ở chương 1.

 

những người từ bên này và bên kia chiến tuyến cũng được đặt ra hết sức bức thiết.

Từ tháng 3-1975, Thường vụ Tỉnh ủy ra chỉ thị về việc hình thành chính quyền cách mạng ở thôn, xã. Đến tháng 5-1975 là chỉ thị về việc kiện toàn bộ máy chính quyền cơ sở. Từ đó, chính quyền cách mạng ở Quảng Thái cũng nhanh chóng được thiết lập và triển khai các công việc cấp bách trước mắt. Lúc này chính quyền được thiết lập trên địa bàn xã chung Quảng Lợi, bao gồm Quảng Thái và Quảng Lợi hiện nay. Các tổ chức Mặt trận và các đoàn thể cũng dần được tổ chức có hệ thống từ cấp xã đến cấp huyện.

Ngày 20-9-1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245-NQ/TƯ, quyết định hợp nhất ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên. Đến ngày 15-04-1976, Tỉnh ủy Bình Trị Thiên ra chỉ thị số 293-CT/TU về việc hoàn thành hợp nhất tỉnh. Huyện Quảng Điền là 1 trong 20 huyện của tỉnh Bình Trị Thiên, gồm có 7 xã: Quảng Lợi, Quảng Vinh, Quảng Phước, Quảng Thọ, Quảng Phú, Quảng Lộc và Quảng Ngạn[1]. Ngày 11-3-1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 62-CP, hợp nhất ba huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà thành huyện mới lấy tên là huyện Hương Điền; hai huyện Phú Lộc và Nam Đông thành huyện Phú Lộc; huyện Phú Vang và Hương Thủy thành huyện Hương Phú. Xã Quảng Lợi thuộc huyện Hương Điền.

Những thuận lợi cơ bản trong giai đoạn cách mạng mới đó là quê hương được giải phóng; nhân dân Quảng Lợi đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm xây dựng lại quê hương sau chiến tranh; sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra chặt chẽ của lãnh đạo tỉnh, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho Quảng Lợi cùng các xã khác trong việc khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của người dân. Chi bộ xã bao gồm những đảng viên được rèn luyện và thử thách qua chiến tranh cách mạng, được sự tin tưởng của cấp trên, luôn tiếp thu sự chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và huyện để kịp thời đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, sáng tạo trong thời kỳ mới; chính quyền cách mạng được thiết lập từ cấp tỉnh đến cơ sở để làm nhiệm vụ quản lý xã hội trên tất cả các lĩnh vực hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh… Tuy nhiên, Chi bộ xã nhà phải đối mặt với những khó khăn không hề nhỏ.

Về kinh tế, nền sản xuất để lại sau chiến tranh hoàn toàn mất tính chất cân đối, què quặt. Tiểu công nghiệp, ngư nghiệp cơ sở vật chất nghèo nàn, kỹ thuật kém cõi; trong khi đó sản xuất nông nghiệp lại nhỏ lẻ, manh mún, mùa màng phụ thuộc vào sự thay đổi của thời tiết. Chiến tranh tàn phá đã làm cho phần lớn ruộng đất của Phong Lai và Lai Hà bị bỏ hoang. Thiên tai bão lũ cũng là một tác nhân không nhỏ gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất cũng như đời sống của người dân. Bên cạnh đó đông đảo nhân dân, đặc biệt là nông dân trong thời kỳ chiến tranh bị ly tán, phải đi sinh sống nơi khác, nay trở về chưa ổn định đời sống, cũng gây khó khăn cho công tác phân bổ lực lượng lao động của xã nhà. Trong chiến tranh, nhà cửa của người dân bị đốt đi đốt lại hàng chục lần, nhân dân bị dồn vào trại tập trung nhiều lần làm cho gia tư khánh kiệt. Các công trình thủy lợi như mương, khe, suối, hói, sông ngòi đều bị xáo trộn, san lấp, cần được làm lại. Các loại mìn, đạn M79, trái phá, trái nổ, lựu đạn còn lẩn khuất khắp nơi trong đất đai vườn tược, bụi bờ cũng chính là một trở ngại lớn cho công tác sản xuất. Diện tích mặt nước ở vùng đầm phá làng Phong Lai, Lai Hà chưa được khai thác một cách có hiệu quả, sản lượng đánh bắt thủy sản còn nhỏ lẻ.

Trước thực trạng đó, công tác khai hoang - phục hóa, xây dựng hệ thống thủy lợi và chia lại ruộng đất cho người dân đòi hỏi phải được tiến hành khẩn trương nhưng phải bảo đảm không gây xáo trộn, mâu thuẫn trong quần chúng. Song song với đó là huy động người dân phát huy lợi thế của quê hương trong việc sản xuất nông nghiệp và đánh bắt trên sông đầm.

Về chính trị, bộ máy chiến tranh của chế độ cũ tuy không còn song các lực lượng chống đối vẫn còn. Sau ngày quê hương giải phóng, có khoảng 700 đến 800 người đủ các sắc lính, các loại nhân viên trong bộ máy chế độ cũ tán loạn chạy về Quảng Lợi, có người lẫn lút trong các trằm, trảng cát hoặc ngoài đầm phá, có người còn sử dụng vũ khí gây cháy nổ… đã tạo nên tình trạng mất ổn định[2]. Tuy vậy, trước sự cảnh giác của quần chúng nhân dân và lãnh chỉ đạo của Chi bộ, những hành động phản cách mạng của chúng kịp thời được ngăn chặn.

Về văn hóa, y tế - giáo dục, cơ sở vật chất của ngành giáo dục, y tế của xã nhà sau ngày giải phóng bị tàn phá, phần lớn người dân không có các điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, chữa trị những bệnh thông thường. Hệ thống trường học không đáp ứng được nhu cầu đến lớp của trẻ em trong độ tuổi. Những hủ tục lỗi thời còn chi phối, hiện tượng mê tín dị đoan còn hằn sâu trong nhiều lĩnh vực đời sống thường ngày; những tàn dư văn hóa của chế độ cũ vẫn còn bám chặt trong một bộ phận dân cư, làm cho đời sống tinh thần của nhân dân thêm phần phức tạp.

Sau ngày giải phóng, mặc dù phải đối mặt với những thách thức không nhỏ nhưng Chi bộ Đảng và chính quyền xã Quảng Lợi đã phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn, đưa quê hương ngày càng phát triển.

5.1.2. Đảng bộ xã Quảng Lợi[3] lãnh đạo hoạt động chung, khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống, khôi phục kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng (1975 - 1983)

Trong bối cảnh mới, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Huyện ủy, Chi bộ Đảng xã Quảng Lợi đã kịp thời có các biện pháp, chính sách ổn định tình hình chính trị xã hội, tăng gia sản xuất, giải quyết những khó khăn trước mắt của đời sống nhân dân.

Nhiệm vụ quan trọng trước mắt là khẩn trương ổn định bộ máy, tổ chức chính quyền nhân dân, lực lượng công an, dân quân đảm bảo an toàn trật tự khắp các xã thôn. Sau ngày quê hương được giải phóng - 23-3-1975, Ủy ban Quân quản được thành lập (cuối tháng 3-1975) do đồng chí Nguyễn Xuân Dũng làm Chủ tịch. Ủy ban Quân quản được thành lập thay thế cho Đội công tác vũ trang Quảng Lợi, nhằm đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị xã hội, tạo điều kiện tiến tới thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời. Đến khoảng tháng 5-1976 thì Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời được thành lập, đồng chí Nguyễn Xuân Dũng tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch, đồng chí Hoàng Thị Mảnh làm Ủy viên thường trực, đồng chí Nguyễn Thị Cúc làm Xã đội trưởng[4].

Để quản lý tốt cơ sở Đảng và chính quyền sau ngày giải phóng, nhiều cán bộ được huyện tăng phái về nắm các chức vụ chủ chốt, như đồng chí Hoàng Truyền (Bí thư), Nguyễn Xuân Dũng (Chủ tịch UBNDCMLT), Đoàn Diệm (Chủ tịch UBND xã), Hoàng Thị Mảnh (Ủy viên thường trực), đồng chí Lự (Xã đội trưởng), Trần Đình Thành (Xã đội trưởng), Lê Khoát (Xã đội phó, sau làm Xã đội trưởng), Văn Đức Cầu (Trưởng Công an xã), Nguyễn Hữu Xứ (Xã đội trưởng)… Những đồng chí này cùng với các cơ sở cách mạng ở Quảng Lợi xây dựng chính quyền, ổn định tình hình trực tự, an toàn xã hội, khôi phục quê hương sau chiến tranh và cải tạo kinh tế - xã hội.

Chính quyền cách mạng ở Quảng Lợi đã xây dựng lực lượng du kích rộng rãi, các thôn cũng xây dựng các Tiểu đội du kích. Các thôn đều có An ninh thôn, thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình, cung cấp những thông tin liên quan đến an ninh, trật tự để chính quyền kịp thời xử lý thích hợp. Quảng Thái có lợi thế là một địa bàn giàu truyền thống cách mạng nên công tác an ninh, trật tự, an toàn xã hội được thực hiện một cách thuận lợi hơn so với tình hình chung của toàn huyện.

Lực lượng du kích xã đã cùng nhân dân kêu gọi những sĩ quan, cán bộ trong chế độ cũ ra trình diện, thu nộp vũ khí, tài liệu; cùng với Ban chỉ huy Huyện đội nắm và phân loại những nhân viên, sĩ quan, binh lính chế độ cũ vào danh sách đi học tập, cải tạo và triển khai các chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Trong 6 ngày đầu tổ chức đăng ký, lập danh sách và tổ chức học tập đã có 250 sĩ quan, hạ sĩ quan và binh lính cùng nhân viên các loại trong bộ máy chính quyền cũ ra trình diện, giao nộp 120 khẩu súng và 50 quả lựu đạn các loại[5]. Sau khi học tập, cải tạo, số đối tượng này được hòa nhập với nhân dân địa phương, xây dựng cuộc sống mới theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị xã nhà.

Chi bộ Quảng Lợi lãnh đạo phong trào chung của vùng Quảng Thái - Quảng Lợi. Đồng chí Hoàng Truyền - Bí thư Chi bộ Quảng Thái thời điểm trước giải phóng nay được cử giữ chức vụ Bí thư Chi bộ chung xã Quảng Lợi.

Ngoài việc ổn định tình hình an ninh chính trị, Chi bộ xã Quảng Lợi cũng tiến hành củng cố tổ chức cơ sở, tổ chức học tập, tuyên truyền trong đảng viên về con đường đấu tranh cách mạng trong giai đoạn mới. Sau nhiều năm lăn lộn trong chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước, Chi bộ tiếp tục lãnh đạo mặt trận xây dựng và phát triển quê hương đất nước, củng cố niềm tin của tầng lớp nhân dân vào chính quyền cách mạng, cùng bắt tay vào công cuộc khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh.

Chi bộ đã tiến hành việc đón tiếp, sắp xếp, bố trí nơi ăn chốn ở cho người dân đi sơ tán ở các nơi về quê sinh sống được ổn định. Đồng thời chính quyền địa phương đã phân bố dân cư, cấp đất ở cho các hộ gia đình. Trong thời gian chiến tranh (nhất là những năm 1967 - 1968 chiến tranh ác liệt), người dân Quảng Thái phải lưu tán nhiều nơi như ở Cồn Sắn (Phong Điền), Sịa, Thủy Lập… Sau giải phóng, Chi bộ và chính quyền địa phương đã kịp thời giải quyết các thủ tục, giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nghìn người dân đi lại làm ăn sinh sống. Đặc biệt, Chi bộ đã triển khai cho lực lượng dân quân tự vệ tiến hành rà soát, tháo gỡ bom mìn và kiểm tra xác định những địa điểm không có bom mìn trên địa bàn xã để đưa dân quay trở lại định cư sinh sống. Nhờ làm tốt công tác ổn định đời sống, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương được duy trì, giữ vững. Đặc biệt đời sống tinh thần của nhân dân được ổn định, các sinh hoạt trở lại bình thường.

Cùng với đó, Chi bộ và chính quyền xã Quảng Lợi đã làm tốt công tác tiếp nhận và phân phối hàng viện trợ của cấp trên như lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ khó khăn túng thiếu nhằm ổn định tình hình trước mắt.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của Huyện ủy, Chi bộ Quảng Lợi (tháng 10/1977 phát triển thành Đảng bộ Quảng Lợi) đã kịp thời có các chính sách thiết thực nhằm đẩy mạnh tăng gia sản xuất, giải quyết những khó khăn trước mắt của đời sống nhân dân. Đặc biệt, Quảng Lợi còn được sự quan tâm từ trung ương. Vào dịp Tết Nguyên Đán Đinh Tỵ (năm 1977), Chi bộ, chính quyền và nhân dân xã Quảng Lợi vinh dự được đón tiếp đồng chí Hoàng Anh - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ về thăm. Đồng chí Hoàng Anh đã nhắc nhở cán bộ và nhân dân Quảng Lợi “phải thường xuyên đoàn kết, cố gắng tăng gia sản xuất, tự túc lương thực, phủ lại màu xanh trên quê hương, mãi mãi giữ vững truyền thống anh hùng để vận động phong trào xây dựng quê hương, xây dựng cuộc sống mới”. Trên cơ sở đó, Chi bộ và nhân dân Quảng Lợi đã giành được những thành tích to lớn trên nhiều mặt.

- Về kinh tế, Chi bộ xã chú trọng đến việc chỉ đạo nhằm ổn định đời sống trước mắt cho nhân dân, hoàn thiện dần các công trình phục vụ sản xuất, chăm lo công tác khai hoang - phục hóa, rà phá bom mìn,… Với đặc thù là một xã về cơ bản thuần nông, do đó việc đẩy mạnh sản xuất là rất cần thiết.

Về nông nghiệp: Việc tổ chức phục hồi sản xuất nhanh chóng được Chi bộ và chính quyền xã Quảng Lợi triển khai. Người dân được huy động khai hoang phục hóa, cải tạo đồng ruộng, các hộ nhiều ruộng chia ruộng bớt cho các hộ ít ruộng, rà phá bom mìn để trả lại sự xanh tốt của đồng ruộng. Một phong trào tăng gia sản xuất vụ đông - xuân 1975 - 1976 được phát động trong toàn xã. Trong các năm tiếp theo, phong trào sản xuất tiếp tục được đẩy mạnh. Trong năm 1977, Chi bộ và chính quyền xã đã huy động nhân dân khai phá, đắp đập lấn phá Tam Giang để mở rộng diện tích trồng lúa. Từ đó, ruộng Ô 26 ra đời với khoảng 30 ha. Về sau, khi tách xã cắt thành hai ô là Ô 26 rộng khoảng 17 ha (Quảng Thái) và Ô 27 (Quảng Lợi) rộng khoảng 13 ha.

Với vị trí là một xã thuộc vùng thấp hay chịu ảnh hưởng của lũ lụt, nằm bên phá Tam Giang chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, cùng với việc có nhiều trằm, hồ, song, khe mương nên hoạt động thủy lợi rất được chú trọng. Ngày 26-3-1976, chương trình lao động xã hội với quy một toàn xã được tổ chức đã tập trung được tất cả thanh niên tham gia cải tạo đồng ruộng, đắp bờ ô cung cấp nước tưới cho 52 mẫu ruộng. Tháng 5-6 năm 1976, khởi công xây dựng đập giữ nước ở thôn Trằm Ngang và hồ chứa nước ở thôn Thủy Lập[6] huy động 3.000 ngày công, cung cấp nước cho 50ha ruộng[7]. Năm 1977, đập Cửa Lác bắt đầu được nhân dân Quảng Thái - Quảng Lợi tiến hành đắp. Đây là đập ngăn mặn khá lớn ở huyện Hương Điền, dài khoảng 1,2km, từ thôn Trung Làng đến giáp xã Điền Hòa (thuộc huyện Phong Điền hiện nay). Hằng năm, chính quyền xã huy động hàng nghìn ngày công để đắp và tu bổ tuyến đập này nhằm đảm bảo mùa màng. Không những vậy, huyện Hương Điền còn đưa thanh niên toàn huyện về cùng với nhân dân địa phương đắp đập Cửa Lác. Ngoài các công trình lớn đó, việc nâng cấp, tu bổ toàn bộ hệ thống thủy lợi trên đồng ruộng, khơi vét sông Nịu hằng năm đều được tiến hành đều đặn.

Nhờ vậy, năng suất và sản lượng nông sản tăng lên đáng kể. Vụ hè - thu năm 1976 được mùa, các thôn Đông Cao, Đông Hồ, Nam Giảng, Trằm Ngang, Trung Kiều, Tây Hoàng đã giao nộp 140 tấn thóc đảm phụ yêu nước. Vụ Đông - Xuân 1977 - 1978, toàn xã Quảng Lợi giao nộp 250 tấn thóc nghĩa vụ[8]. Tính trung bình, mỗi hecta đạt 24 tạ lúa.

Cuối năm 1977, các tập đoàn sản xuất nông nghiệp được thành lập. Các tập đoàn sản xuất được thành lập đã bước đầu đưa người dân Quảng Thái nói riêng và Quảng Lợi nói chung đi vào con đường làm ăn tập thể. Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, phân bón vào sản xuất bước đầu được thực hiện. Sau giải phóng, người dân trồng các loại giống địa phương như lúa chiên, nước mặn, hẻo… Sang năm 1976, một số giống lúa mới được đưa về sử dụng vào sản xuất như Thần nông, 4B… Tiếp đó, thuốc trừ sâu, phân bón (phân lân, kali, đạm) cũng được chuyển từ huyện về[9].

Về ngư nghiệp: Hoạt động kinh tế ngư nghiệp của người dân Quảng Thái chủ yếu diễn ra ở vùng phá Tam Giang và sông Nịu với các loại thủy sản như cá dìa, hanh, ong, liệt, lóc, diếc, tôm, cua…, các loại rong, tảo… Cùng với quá trình tập thể hóa nông nghiệp, các tập đoàn sản xuất ngư nghiệp cũng được thành lập.

Đi đôi với công tác phục hồi kinh tế, công tác rà phá bom mìn để khai hoang phục hóa đất nông nghiệp rất được chú trọng. Trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến năm 1977, Chi bộ đã chỉ đạo lực lượng của xã nhà tham gia cùng với Quân khu và Huyện đội nhiều đợt rà phá bom mìn ở vùng Thanh Tân - Ồ Ồ (xã Phong Xuân, Phong Điền) và cả trên địa bàn xã[10]. Việc rà phá bom mìn trên địa bàn xã đã giải phóng vùng đất chết, đưa người dân đến sinh sống và sản xuất. Năm 1978, riêng Quảng Thái có 843,19 ha đất sản xuất; trong đó diện tích trồng lúa là 145,07 ha.

Sau khi Đảng bộ Quảng Lợi được thành lập (tháng 10-1977), toàn xã đã tiến hành vận động bà con đi vào con đường làm ăn tập thể. Các tập đoàn sản xuất ở Quảng Thái - Quảng Lợi đã ra đời trong thời gian đó. Toàn xã Quảng Lợi có 22 tập đoàn sản xuất nông nghiệp và 4 tập đoàn sản xuất ngư nghiệp, gồm Mỹ Thạnh, Cư Lạc, Sơn Công và Trung Làng; trong đó Trung Làng thuộc về Quảng Thái. Sau đó 1 năm (cuối năm 1978), xã cử 12 người đi tập huấn chuẩn bị thành lập hợp tác xã nông nghiệp. Đến ngày 25-8-1978, diễn ra Đại hội thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp, chính thức đi vào hoạt động 3 hợp tác xã: Tam Giang, Thống Nhất và Thắng Lợi; các tập đoàn sản xuất trở thành các đội sản xuất thuộc các hợp tác xã. Hợp tác xã Tam Giang và Thống Nhất thuộc Quảng Thái. Lúc mới thành lập, Hợp tác xã Tam Giang thuộc địa phận các thôn Lai Hà, Trung Làng, Tây Hoàng, Trung Kiều, Trằm Ngang với 672 hộ, 3.028 nhân khẩu, 923 lao động chính, diện tích canh tác là 473 ha. Hợp tác xã Thống Nhất thuộc địa phận các thôn Nam Giảng, Đông Hồ, Đông Cao với 727 hộ, 3.262 nhân khẩu, 2.307 lao động chính, diện tích canh tác là 370,19 ha[11]. Hợp tác xã có ban quản lý điều hành công việc chung gồm 1 Chủ nhiệm và 4 Phó Chủ nhiệm; trong một hợp tác xã có nhiều đội sản xuất. Hợp tác xã Tam Giang do Phan Văn Tiến làm Chủ nhiệm, có 11 đội sản xuất; còn Hợp tác xã Thống Nhất do Trần Đình Tối làm Chủ nhiệm, có 9 đội sản xuất. Hợp tác xã có nhiệm vụ tổ chức sản xuất, đưa người dân vào con đường làm ăn tập thể.

Cùng với hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã mua bán cũng được thành lập. Hợp tác xã Mua bán xã Quảng Lợi ra đời sớm hơn hợp tác xã nông nghiệp, khoảng năm 1977, đặt ở vị trí thôn Hà Lạc hiện nay, do Phạm Lộng làm Chủ nhiệm; ngoài ra còn có 1 Phó Chủ nhiệm và 2-3 nhân viên thường trực ở cửa hàng. Hoạt động chủ yếu của hợp tác xã này là tiếp nhận hàng hóa của huyện về phân phối trong xã. Hoạt động tín dụng cũng được xã chú trọng, tuy nhiên không thành lập hợp tác xã, mà chỉ có một nhóm cán bộ phụ trách hoạt động tín dụng trong địa bàn xã.

Tuy tình hình nông nghiệp của xã nhà có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được một số thành tựu nhất định nhưng nhìn chung năng suất vẫn còn thấp. Việc chỉ đạo đối với ngành chăn nuôi còn sơ sài và đặc biệt là công tác thú y còn yếu kém còn nhiều hạn chế, nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra và lan rộng kéo dài. Các nghề thủ công vẫn chưa được hình thành trở lại. Cơ sở vật chất kỹ thuật tuy có xây dựng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Khoa học - kỹ thuật vẫn còn nhiều yếu kém, chưa đảm bảo được yêu cầu phát triển sản xuất. Những mặt hạn chế đó đã làm cho kết quả sản xuất nông nghiệp đạt kết quả không cao.

Từ những năm 1977 trở đi, thực hiện chủ trương chung của huyện, phong trào đi xây dựng vùng kinh tế mới của xã Quảng Lợi nói chung, Quảng Thái nói riêng diễn ra rất rầm rộ. Tháng 7-1977, có 70 gia đình với 247 nhân khẩu của xã Quảng Lợi chung đi xây dựng kinh tế mới tại Buôn Mê Thuột, đi chung trong Trung đoàn Tam Giang. Cũng trong năm này, khoảng 30 hộ dân Quảng Thái lên xây dựng kinh tế mới tại vùng Thanh Tân - Ồ Ồ và cùng với những hộ dân của xã Quảng Lợi lập nên thôn Quảng Lợi ở xã Phong Xuân. Trước đó, trong năm 1976 có một số dân của Quảng Thái đã lên vùng này khai hoang[12]. Một bộ phận người dân Quảng Thái cũng đi xây dựng kinh tế mới tại huyện A Lưới trong năm 1977. Ngoài việc tổ chức cho dân, chính quyền còn vận động bà con chủ động tự nguyện đi khai phá những vùng đất mới. Người dân đi theo diện tự do chủ yếu vào vùng Buôn Hồ, Buôn Trắp, Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk)... Việc đi xây dựng kinh tế mới đã giải quyết vấn đề việc làm cho địa phương và sử dụng nhân lực cho vùng đất mới chưa được khai phá, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, trong các năm 1978 - 1979, theo chủ trương chung của tỉnh Bình Trị Thiên, nhân dân Quảng Thái đã hăng hái tham gia xây dựng công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn (Đập Trấm), mỗi đợt tham gia khoảng 100 nhân công, làm việc trong 30 ngày trong thời gian 2 năm.

- Về văn hóa - xã hội, bên cạnh việc khôi phục kinh tế, sự nghiệp phát triển văn hóa, xã hội luôn được lãnh đạo xã Quảng Thái quan tâm. Thông qua phong trào xây dựng xã, thôn, gia đình mẫu mực, nhân dân Quảng Thái đã tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, mít tinh cổ động chào mừng quê hương giải phóng, từng bước đẩy lùi những tập tục mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội trong từng thôn xóm. Nhân dân đã tự giác hủy bỏ hoặc nộp cho chính quyền các văn hóa phẩm độc hại. Phong trào văn hóa - văn nghệ, xây dựng nếp sống mới được đẩy mạnh. Khắp nơi trong các làng, xóm đều sạch sẽ, đầu làng đầu xóm đều có cổng chào, ở nơi công cộng dựng lên nhiều áp phích, khẩu hiệu, tranh cổ động, bước đầu xây dựng cuộc sống mới Xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, Quảng Lợi đã xây dựng được một số cụm sinh hoạt văn hóa trên địa bàn toàn xã.

Ngày 25-4-1976, cùng với nhân dân khắp ba miền Bắc - Trung - Nam gần 100% người dân Quảng Thái nô nức tham gia tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Đây là lần thứ hai cuộc Tổng tuyển cử được tổ chức trên phạm vi cả nước, sau lần đầu tổ chức từ ngày 06-01-1946. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu ra 492 đại biểu Quốc hội khóa VI. Kết quả này là một thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên con đường tiến tới hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Quốc hội quyết định đặt tên nước Việt Nam thống nhất là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông qua chính sách đối nội, đối ngoại, bầu các cơ quan, chức vụ lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, quy định các nguyên tắc xây dựng bộ máy chính quyền các cấp, quy định quốc kỳ, quốc ca, bầu Ủy ban dự thảo Hiến pháp. 

Với kết quả của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI, công việc thống nhất đất nước về mặt Nhà nước đã hoàn thành, đáp ứng nguyện vọng của quần chúng nhân dân, đáp ứng yêu cầu tất yếu khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, tạo nên những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy sức mạnh toàn diện của đất nước, tập trung cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thống nhất.

Những thành quả bước đầu trong sự nghiệp thống nhất đất nước năm đầu tiên sau hòa bình đã cho phép Quảng Thái cùng bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm trên phạm vi cả nước.

Về giáo dục, để tiến hành xóa nạn mù chữ cho các tầng lớp nhân dân không được theo học dưới chế độ cũ, Chi bộ và chính quyền Quảng Lợi đã phát động phong trào xóa nạn mù chữ. Phong trào này được nhân dân hưởng ứng sôi nổi, diễn ra đều khắp các thôn xóm. Cuối năm 1975, toàn xã có 400 người được công nhận là đã thoát nạn mù chữ[13]. Có thể nói, xã Quảng Lợi là đơn vị dẫn đầu trong phong trào xóa nạn mù chữ trên địa bàn toàn huyện. Năm 1976 xã được nhận bằng khen về phong trào Bổ túc văn hóa tốt.

Sau giải phóng, riêng Quảng Thái có 1 trường tiểu học đóng ở Đông Hồ, 1 trường trung học cơ sở đóng ở Trung Kiều, nơi đây trở thành chỗ học tập của con em trong xã. Các trường này được khôi phục để hoạt động, tuy nhiên cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn. Chính vì thiếu phòng học nên học sinh lớp 1 phải học trong các ngôi nhà tranh tre ở các thôn, lên lớp 2 mới học tập trung tại trường ở Đông Hồ. Đối với học sinh trung học cơ sở thì học tập trung tại trường ở Trung Kiều với khoảng 6 phòng học[14]. Ở Quảng Thái không có trường trung học phổ thông nên học sinh tiếp tục học lên thì phải qua phá Tam Giang học trường Tam Giang ở xã Điền Hải (huyện Phong Điền) hoặc lên thị trấn Sịa để học. Lúc này giáo viên giảng dạy dưới chế độ cũ được lưu dung, vẫn tiếp tục phục vụ việc học hành cho con em xã nhà.

Chi bộ, chính quyền và nhân dân xã Quảng Thái đã tổ chức thực hiện chính sách thương binh xã hội theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Các đoàn thể đã phân công nhau động viên giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ, chính sách trong việc ổn định cuộc sống.

Về y tế, công tác y tế được chi bộ và chính quyền quan tâm, chú trọng giải quyết, xây dựng trạm xá xã, tiếp nhận thuốc men chi viện của cấp trên, bố trí người làm công tác y tế, phát động nhân dân xây dựng các công trình vệ sinh, khơi thông giếng nước… Xã Quảng Lợi sau năm 1975 có 2 trạm y tế, một trạm ở Thủy Lập (thuộc Quảng Lợi); một trạm đặt tại Đông Hồ do y tá Hoàng Nhơn làm trạm trưởng. Trạm y tế có nhiệm vụ khám và điều trị theo phân cấp.

Về giao thông, đi lại, vấn đề đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn khi nơi đây là vùng đất cát. Ra khỏi chiến tranh toàn xã chỉ có một con đường đất đỏ, nay là Tỉnh lộ 11C. Để đảm bảo việc đi lại, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xóm được người dân đắp đất, dọn dẹp và sửa chửa các cầu cống nhỏ. Năm 1980, đường liên thôn chạy song song với Tỉnh lộ 11C được mở, kéo dài từ song Nịu lên thôn Tây Hoàng, dài khoảng 2,2km. Để làm được con đường này, Đảng bộ đã huy động sức dân đắp đất hàng nghìn ngày công[15].

Về quốc phòng - an ninh, bên cạnh nâng cao cảnh giác, thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân ở các thôn, làng. Công tác tuyển quân là một trong những việc quan trọng để đảm bảo cung cấp lực lượng tham gia bảo vệ tổ quốc và hỗ trợ cho hai nước bạn Lào, Campuchia. Tháng 10 năm 1976, xã Quảng Lợi đã đưa 120 thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào và Campuchia[16]. Tiếp đó, trong khoảng thời gian các năm 1977 - 1982, số lượng quân tuyển được ở xã Quảng Lợi khá lớn, trung bình trên dưới 100 quân, có những năm tuyển đến 2 đợt. Lực lượng này được huấn luyện sau đó chia đi ở chiến trường Tây Ninh (chiến tranh biên giới Tây Nam), Lạng Sơn (chiến tranh biên giới phía Bắc), mặt trận Campuchia, Lào và cả vùng hải đảo. Trong quá trình chiến đấu đã có 6 chiến sĩ ở Quảng Thái hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia.

Cùng với đó, phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc ở Quảng Thái đã phát triển tốt, xuất hiện nhiều tổ an ninh và công an viên xuất sắc, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã. Trong năm 1977, xã đã đưa 20 hộ sống lênh đênh trên đầm phá lên định cư trên đất liền, giúp người dân thủy diện có cuộc sống ổn định hơn.

Công tác đền ơn đáp nghĩa được xã nhà sớm quan tâm. Tháng 2-1977, chính quyền tổ chức xác nhận các anh hùng liệt sĩ, thương binh trên địa bàn xã, đến tháng 11-1977 thì hoàn thành với tổng số 485 liệt sĩ và thương binh được công nhận và hưởng chế độ chính sách, riêng Quảng Thái là 361 người. Cùng với đó, công tác dời mộ liệt sĩ cũng được thực hiện, đưa hài cốt các chiến sĩ vào yên nghỉ ở nghĩa trang.

Về quan hệ sản xuất, sau ngày giải phóng với hoàn cảnh lịch sử mới, theo chủ trương chung của đất nước, quan hệ sản xuất cũ không còn phù hợp nữa, từ đó, phương thức làm ăn tập thể xuất hiện. Dưới sự chỉ đạo của Chi bộ và Chính quyền xã, các tổ vần công - đổi công được hình thành và ngày càng có nhiều người tham gia, đây là bước tập dượt ban đầu để người nông dân làm quen với phương thức làm ăn tập thể và mô hình hợp tác xã. Không lâu sau, một hình thức làm ăn tập thể cao hơn tổ vần công đổi công đó là các tập đoàn sản xuất được hình thành. Mỗi tập đoàn sản xuất tùy theo quy mô, ngành nghề mà có sự tham gia của nhiều hay ít hộ gia đình, chủ yếu là hộ sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp. Thông thường có khoảng 50 đến 70 hộ trong một tập đoàn sản xuất. Qua các mùa vụ, các tập đoàn sản xuất nhỏ dần dần nhập lại để tăng thêm khả năng liên kết, hỗ trợ sản xuất.

Ở xã Quảng Lợi, tiếp thu Nghị quyết Tỉnh ủy tháng 6-1975 và tháng 12-1975 về việc cần xây dựng một số hợp tác xã thí điểm để rút kinh nghiệm. Ở những nơi có điều kiện xây dựng hợp tác xã thì phát triển các tổ chức đổi công-vần công, làm cho tổ đổi công-vần công thành hình thức phổ biến ở nông thôn. Cuối năm 1977, toàn xã vận động thành lập các tập đoàn sản xuất. Xã Quảng Lợi gồm có 22 tập đoàn sản xuất nông nghiệp và 4 tập đoàn sản xuất ngư nghiệp. Người dân Quảng Thái đã bước đầu đi vào làm ăn tập thể khi tham gia vào các tập đoàn sản xuất nông nghiệp và tập đoàn ngư nghiệp Trung Làng. Phong trào vận động hiến đất vào Hợp tác xã ở xã Quảng Lợi diễn ra nhanh chóng. Trong vòng chưa đầy 1 năm kể từ khi thành lập các tập đoàn sản xuất, người dân hiến đất và tham gia vào Hợp tác xã với tinh thần tự giác cao. Trên cơ sở đó, ngày 25-8-1978 đã diễn ra Đại hội thành lập Hợp tác xã nông nghiệp toàn xã với 3 Hợp tác xã nông nghiệp ra đời (Tam Giang, Thống Nhất và Thắng Lợi).

Trong thời gian đầu do chưa đủ diều kiện tiến hành cơ khí hóa trong sản xuất nên ruộng nương chủ yếu canh tác bằng sức người với công cụ thô sơ, hiệu quả lao động thấp.

Quảng Thái là vùng tương đối thuận lợi để phát triển nông nghiệp nên Hợp tác xã Nông nghiệp đã hợp đồng máy cày của Huyện về làm đất như một số xã khác trên địa bàn huyện. Trong giai đoạn này, các trạm bơm chưa được hình thành để phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng, chỉ có hệ thống thủy lợi được người dân xây dựng nhằm phục vụ tưới tiêu. Hợp tác xã vẫn sử dụng sức người và phụ thuộc phần nhiều vào thời tiết.

Thời gian này, người dân chủ yếu sử dụng các giống lúa địa phương, thời gian sinh trưởng kéo dài mà năng suất lúa lại không cao (khoảng 24 tạ/ha). Trong các năm từ 1975 đến 1977 phân bón một phần lấy từ trong dân (phân chuồng), từ phân đầm (phân xanh) khai thác trên sông và phá Tam Giang; một phần là phân hóa học (đạm, lân, kali) được phân phối từ huyện về. Sau năm 1978, Hợp tác xã có nhiều hợp đồng mua phân bón, thuốc trừ sâu, đường gạo từ huyện về; trao đổi chủ yếu theo hình thức đối lưu 2 chiều (phân thuốc về thì lúa gạo lên).

Ngày 13-01-1981 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị số 100CT/TƯ về cải tiến công tác khoán và mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm người lao động trong Hợp tác xã nông nghiệp. Đây là bước thí nghiệm bước đầu cho các chỉ thị về sau của Trung ương. Thực hiện tốt chỉ thị, Hợp tác xã chủ trương thực hiện giao khoán 5% ruộng đất canh tác cho nông dân, tạo ra sắc thái mới trong sản xuất nông nghiệp, qua đó Hợp tác xã vẫn nắm vai trò điều hành, chi phối và chỉ đạo sản xuất.

5.1.3. Xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể (1975 - 1983)

- Về công tác xây dựng Đảng

Nhiệm vụ cần kíp là công tác xây dựng Đảng, Chính quyền, Mặt trận và Đoàn thể, nhằm thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội trong giai đoạn mới. Huyện ủy Quảng Điền[17] đã chỉ thị cho các Chi bộ Đảng ở địa phương tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính quyền và các mặt trận và tổ chức đoàn thể.

Trong giai đoạn 1975-1983, Chi bộ Quảng Lợi trải qua ba kỳ đại hội với bốn lần thay đổi nhân sự[18].

Ngay khi quê hương vừa được giải phóng (23-3-1975), huyện đã kịp thời cử cán bộ về tiếp quản. Đồng chí Hoàng Truyền lúc này được cử về giữ chức vụ Bí thư Chi bộ. Tháng 2-1976, Chi bộ Quảng Lợi tiến hành Đại hội lần thứ nhất. Đại hội đã củng cố tổ chức, bầu Ban chấp hành Chi ủy gồm 7 đồng chí, đồng chí Hoàng Truyền được bầu làm Bí thư Chi bộ. Tại thời điểm đại hội, Chi bộ Quảng Lợi có 32 đảng viên. Trong nhiệm kỳ này, có một khoảng thời gian đồng chí Hoàng Truyền được cử đi học nên đồng chí Hoàng Nguyện được cử thay giữ chức Bí thư Chi bộ trong 1 tháng. Khi đồng chí Hoàng Truyền đi học về tiếp tục giữ chức vụ Bí thư.

Tháng 10-1977, Chi bộ Quảng Lợi tiến hành Đại hội nhiệm kỳ II. Đây là đại hội đánh dấu bước phát triển mới của công tác xây dựng và phát triển Đảng. Trong dịp này, Huyện ủy Hương Điền quyết định thành lập Đảng bộ xã Quảng Lợi. Đảng bộ gồm có 3 Chi bộ. Đại hội đã bầu Đảng ủy gồm 9 đồng chí, đồng chí Hoàng Truyền được cử làm Bí thư Đảng ủy. Ở thời điểm này, Đảng bộ Quảng Lợi có 53 đảng viên. Đây là một sự kiện có ý nghĩa to lớn của Đảng bộ xã, đánh dấu sự lớn mạnh, bước phát triển về mặt tổ chức Đảng ở Quảng Thái. Sau khi 3 hợp tác xã nông nghiệp là Tam Giang, Thống Nhất, Thắng Lợi ra đời vào ngày 25-8-1978 thì 3 chi bộ của Quảng Lợi phát triển gắn liền với 3 hợp tác xã này. Năm 1980, đồng chí Hoàng Truyền được điều động lên huyện Hương Điền làm Phó ban Tổ chức, đồng chí Hồ Viết Tuynh được cử giữ chức vụ Quyền Bí thư Đảng ủy.

Đến khoảng cuối năm 1980, Đảng bộ Quảng Lợi tiến hành Đại hội nhiệm kỳ thứ III. Đại hội tiếp tục củng cố tổ chức Đảng và bầu ra Ban chấp hành Đảng ủy nhiệm kỳ mới, đồng chí Hoàng Tín Ngưỡng được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy.

Trong quá trình hoạt động của mình, Chi bộ/Đảng bộ Quảng Lợi luôn chú trọng phát động nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình trước quần chúng. Vì lẽ đó, tinh thần dân chủ trong quần chúng được phát huy, người dân mạnh dạn nêu các điểm còn thiếu sót của các cấp ủy Đảng, của Đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng. Công tác tổ chức của Chi bộ luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ và kỷ luật Đảng, biết lắng nghe ý kiến của quần chúng, cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận và đoàn kết trong toàn Chi bộ. Nhờ làm tốt công tác tổ chức mà Chi bộ xã nhà đã phát huy sức mạnh của tập thể đối với công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội sau ngày quê hương giải phóng, cũng như những năm đầu tiến hành công cuộc đổi mới.

Phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, công tác vận động quần chúng đã được các cấp ủy Đảng hết sức quan tâm. Việc tuyên truyền, giáo dục các quan điểm của Đảng, về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước được chú ý, đã có tác động tích cực làm thay đổi thói quen sản xuất cũng như mọi mặt đời sống nhân dân xã nhà.

Qua những năm đầu xây dựng quê hương sau khi thống nhất đất nước, Chi bộ/ Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Lợi tiếp tục nêu cao tinh thần chiến đấu, phát huy truyền thống đoàn kết, vượt qua những thử thách to lớn, bước đầu xây dựng lại quê hương, góp phần khôi phục lại sản xuất, đời sống nhằm xây dựng kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trong tình hình mới. Chi bộ/ Đảng bộ xã đã phát huy tinh thần tự lực tự cường, dựa vào tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đề ra nhiều quyết sách đúng đắn, phù hợp, đem lại hiệu quả thiết thực đối với sản xuất cũng như đời sống. Điều đó càng khẳng định vị trí vững chắc, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với mọi mặt kinh tế - xã hội của quê hương.

- Về xây dựng chính quyền và các tổ chức, đoàn thể

Sau ngày Quảng Lợi được giải phóng, đồng chí Nguyễn Xuân Dũng được huyện cử về lập Ủy ban Quân quản hay cho Đội công tác Vũ trang Quảng Lợi và giữ chức Chủ tịch ủy ban này để kiện toàn và củng cố lại bộ máy chính quyền quản lý nhà nước ở địa phương, nhằm ổn định về mặt tổ chức, đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ trong thời kỳ cách mạng mới; đồng thời tạo điều kiện tiến tới thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời. Đến khoảng tháng 5-1976 thì Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời được thành lập, đồng chí Nguyễn Xuân Dũng tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch, đồng chí Hoàng Thị Mảnh làm Ủy viên thường trực.

Dưới sự chỉ đạo chung của Huyện ủy, Uỷ ban Nhân dân huyện, những đồng chí trước đây đã từng đảm nhận một số chức vụ trong quân ngũ được tăng cường về Quảng Lợi và được bổ nhiệm vào các công tác phù hợp, như trường hợp của đồng chí Hoàng Truyền, Nguyễn Xuân Dũng, Hoàng Thị Mảnh, Trần Đình Thành…

Đến năm 1976, chính quyền UBND xã Quảng Lợi được bầu chính thức. Lúc này, chủ trương của cấp trên là những đồng chí trong lực lượng quân đội tách ra khỏi chính quyền. Đồng chí Hoàng Truyền được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã. Sau đó, tháng 3-1976 đồng chí Đoàn Diệm được huyện cử về giữ chức Chủ tịch UBND xã. Năm 1977, đồng chí Đoàn Diệm tiếp tục giữ chức Chủ tịch UBND xã. Đầu năm 1981, đồng chí Thái Gia được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã.

Để tập trung và phát huy được sức mạnh của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới, Chi bộ Đảng/ Đảng bộ và chính quyền xã đã chú trọng xây dựng, củng cố lại các tổ chức, đoàn thể quần chúng sau ngày giải phóng. Các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Nông hội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh dần hình thành ổn định về tổ chức và hoạt động đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của chi bộ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội của xã nhà.

Như vậy, vừa trải qua những năm tháng đau thương trong hai cuộc chiến tranh, Chi bộ/ Đảng bộ và nhân dân xã chung Quảng Lợi đã bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định nhanh chóng đời sống xã hội, thi đua tăng gia sản xuất, để rồi gặt hái được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực, nhất là công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, do nằm trong bối cảnh chung của đất nước, khi toàn dân trải qua những bước thử nghiệm về quan hệ sản xuất, nhất là việc duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, nên đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Tình trạng đói nghèo vẫn tồn tại và chưa thể giải quyết được trong một thời gian ngắn.

5.2. Đảng bộ Quảng Thái lãnh đạo nhân dân từ khi tái lập xã đến những năm đầu của công cuộc đổi mới (1983 - 1990)

5.2.1. Đảng bộ và nhân dân Quảng Thái thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, bước đầu thực hiện công cuộc đổi mới

Ngày 01-3-1983, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và căn cứ vào tình hình thực tế, cũng như khả năng của cán bộ, đã tiến hành phân chia Quảng Lợi thành hai đơn vị hành chính cấp xã:

Xã Quảng Lợi gồm các thôn Hà Lạc, Sơn Công, Đức Nhuận, Thủy Lập, Mỹ Thạnh, Cư Lạc.

Xã Quảng Thái gồm các thôn Đông Cao, Đông Hồ, Nam Giảng, Trằm Ngang, Trung Kiều, Tây Hoàng, Lai Hà và Trung Làng.

Sau khi tái lập, xã Quảng Thái có diện tích là 12,28 km2 (1.228 ha); trong đó đất ruộng và đất canh tác là 588,94 ha[19]. Việc tách xã là một điều hết sức cần thiết khi Đảng bộ, chính quyền phải quản lý một vùng đất quá rộng lớn và nó cũng hợp với lòng dân. Điều này đã tạo được động lực lớn trong việc xây dựng quê hương Quảng Thái.

Khi tách xã, chính quyền và Đảng bộ cũng tách. Đảng bộ xã Quảng Lợi tách thành Đảng bộ xã Quảng Thái và Chi bộ xã Quảng Lợi. Lúc này, đồng chí Trần Đình Tối được cử làm Bí thư Đảng bộ phụ trách ổn định tình hình xã. Tiếp đó, Đại hội Đảng bộ đã được tiến hành nhằm kiện toàn tổ chức Đảng và tiếp đó là chính quyền.

Sau khi ổn định tình hình và có Ban chấp hành Đảng bộ mới, Đảng bộ xã Quảng Thái nhiệm kỳ 1983 - 1985 đã quán triệt sâu sắc các chủ trương chỉ thị từ Ban Bí thư Trung ương, nhất là việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 100 CT/TW từ năm 1981, thực hiện Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức làm thí điểm việc trả lương bằng tiền (1985)[20]. Tiếp đó là việc đưa Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (01-4-1988, Khoán 10) nhanh chóng đi vào đời sống nhân dân. Từ đó đã tạo ra bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, thực chất của quá trình này là từng bước xác lập một cơ cấu kinh tế hợp lý trong nông nghiệp nông thôn để tiếp tục khai thác và phát huy tiềm năng trong nông nghiệp, đem lại hiệu quả ngày càng cao.

Quan điểm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, được Nhà nước thể chế hóa bằng một hệ thống các luật, chính sách, nghị định như giao quyền sử dụng đất dài hạn, cho vay vốn đến hộ sản xuất, khuyến nông… nền nông nghiệp nước nhà đã có những bước tiến quan trọng. Từ khi có chủ trương mới của Đảng, Chi bộ và chính quyền Quảng Thái bước đầu tiến hành khoán sản phẩm đến với từng hộ dân trong không khí phấn khởi của người dân.

Bên cạnh mặt tích cực của Chỉ thị 100 CT/TW đem lại thì bản thân nó còn một số hạn chế như duy trì chế độ sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất, hợp tác xã vẫn là đơn vị sản xuất kinh doanh chủ yếu, người nhận khoán phải tuân theo kế hoạch sản xuất và quy trình kỹ thuật, định mức của hợp tác xã, một phần thu nhập quan trọng vẫn được hưởng theo quy định công điểm.

Đảng bộ xã Quảng Thái đã chỉ đạo hợp tác xã có những bước đi và biện pháp phù hợp cho phân phối, sản xuất, gieo trồng. Hướng chủ yếu đối với cây lúa là thâm canh, tăng vụ và mở rộng thêm diện tích ở những nơi có điều kiện. Để thực hiện mục tiêu lương thực cần áp dụng hàng loạt biện pháp đồng bộ, trước hết là việc thay đổi giống, tiêu trừ dịch bệnh, mục tiêu làm tăng năng suất cây trồng. Ngoài ra còn đề ra các biện pháp chống úng, ngăn phèn rửa mặn, nhằm mục tiêu cải tạo đất, để vừa tăng độ phì nhiêu của đất, vừa tăng hệ số sử dụng ruộng đất. Khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà...

Ngoài ra phải thực hiện một hệ thống chính sách khuyến khích sản xuất lương thực, hoàn thiện cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động. Bảo đảm vật tư cần thiết cùng với ổn định mức khoán hợp lý, tạo điều kiện cho người sản xuất và tự đầu tư thêm để vượt mức khoán.

Năm 1984, Đảng bộ xã Quảng Thái tiếp thu Nghị quyết số 09-NQ/HU ngày 27-3-1984 của Huyện ủy Hương Điền về tăng cường củng cố thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, tiếp tục cải tạo tư thương.

Sau Hội nghị Trung ương VIII (6-1985), Đảng bộ xã Quảng Thái thực hiện Nghị quyết 23 (25-7-1985) của Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức và làm thí điểm việc trả lương bằng tiền cho tất cả các đối tượng hưởng lương, phụ cấp và ăn theo trên địa bàn xã. Phạm vi trả lương gồm 9 mặt hàng: gạo, thịt, cá, nước mắm, củi, đường, mì chính, xà phòng, vải.

Trong những năm 1983 - 1985, những hạn chế của mô hình kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp được bộc lộ ngày càng rõ nét, đã kìm hãm sự phát triển của đất nước nói chung và Quảng Thái nói riêng. Đảng bộ và nhân dân Quảng Thái tiếp tục thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm trong nông nghiệp (5%) và quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh. Chính sách khoán mới trong sản xuất nông nghiệp của Nhà nước đã tạo ra bước đột phá đối với nhiều địa phương trên cả nước trong đó có địa bàn Quảng Thái.

Tháng 6-1986, Huyện ủy Hương Điền ra Nghị quyết số 23-NQ/HU về việc đẩy mạnh một số công tác trước mắt và phương hướng sửa chữa một số khuyết điểm chủ yếu. Trong đó, tập trung làm tốt các công tác chủ yếu, sửa chữa những khuyết điểm về sản xuất, phân phối lưu thông, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, an ninh quốc phòng… để chuẩn bị tinh thần cho Đại hội VI của Đảng.

Tháng 12-1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng diễn ra từ ngày 15 đến 18-12-1986 với tư duy đổi mới. Trên cở sở những kinh nghiệm và bài học đổi mới từng phần diễn ra từ trước đó, Đại hội khẳng định: “đối với nước ta, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn”. Trong kế hoạch 5 năm (1986 - 1990) phải thực hiện cho bằng được 3 chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng cơ chế hoạch toán theo phương thức hoạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; phát huy động lực khoa học công nghệ…

Sau khi có chủ trương đổi mới, trên cơ sở đánh giá đúng tình hình thực tế của địa phương, Đảng bộ xã Quảng Thái đã đề ra chủ trương củng cố và xây dựng hệ thống đê điều, đập cống, kênh mương trên đồng ruộng nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp địa phương phát triển.

Tiếp đó, năm 1987, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Hương Điền về việc nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 80-CT/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng trong khâu phân phối và lưu thông, xóa bỏ việc “ngăn sông cấm chợ”, hàng hóa lưu thông ở Quảng Thái ngày một nhiều.

Đảng bộ đã chỉ đạo hai hợp tác xã nông nghiệp thực hiện tốt nghị quyết ngày 05-4-1988 (Nghị quyết 10 NQ-TW) của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (gọi tắt là Khoán 10). Nghị quyết 10 xác định hợp tác xã là đơn vị kinh tế tự chủ, tự quản, hộ gia đình và xã viên là đơn vị nhận khoán với hợp tác xã. Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống người dân, có tác động tích cực đến lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong nông nghiệp.

Với sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Hương Điền, tiếp thu tinh thần đổi mới chung của cả nước sau Đại hội VI, Đảng bộ và nhân dân Quảng Thái đã nhanh chóng có sự chuyển đổi về mặt nhận thức và hành động, bắt đầu tiếp thu những tư tưởng mới, áp dụng vào trong thực tiễn sản xuất và mọi mặt, nhờ vậy mà đời sống của người dân nơi đây tiếp tục được cải thiện, chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Ngày 29-9-1990, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 345-HĐBT điều chỉnh lại địa giới các đơn vị hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế. Huyện Hương Điền được chia thành 3 huyện Hương Trà, Phong Điền và Quảng Điền với quy mô địa bàn như thời chưa gộp.

Nhờ tiếp thu nhanh chóng các chỉ thị, nghị quyết từ Trung ương đến cấp Huyện. Đảng bộ xã Quảng Thái đã nhanh chóng gặt hái được những thành công quan trọng trên nhiều lĩnh vực trong những năm 1983 - 1990, nhất là trong hai năm 1989-1990. Tuy nhiên, kinh tế xã nhà giai đoạn này vẫn còn khó khăn, giáo dục y tế vẫn còn nhiều bất cập, nhất là khi đất nước chuẩn bị những bước đi đầu tiên cho công cuộc đổi mới. Nhưng chính từ kết quả đó đã tạo tiền đề, nền tảng cơ bản cho sự phát triển mọi mặt về kinh tế xã hội của địa phương trong những năm tiếp theo.

5.2.2. Những thành tựu của Đảng bộ xã Quảng Thái giai đoạn 1983 -1990

Nằm trong bối cảnh chung của đất nước, kinh tế Quảng Thái vẫn còn trong giai đoạn khó khăn, nhất là việc giải quyết vấn đề năng suất trong sản xuất nông nghiệp. Vào năm 1985, một trận bão với cấp độ lớn (bão Cecil) đã ập đến địa bàn, gây nhiều thiệt hại. Tuy vậy dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, trong 7 năm 1983-1990, kinh tế xã hội xã nhà đã có những bước tiến nhất định.

- Về kinh tế, Quảng Thái là địa phương đa dạng về các loại hình sản xuất kinh tế, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo nên Đảng bộ có chủ trương lấy kinh tế nông nghiệp làm nền tảng trong việc lãnh đạo các mặt công tác của xã nhà. Đảng bộ và chính quyền xã Quảng Thái đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy nền sản xuất phát triển. Hàng năm Đảng bộ và chính quyền xã luôn tổng kết hoạt động của mình, qua đó đánh giá những thành quả đã đạt đươc, tìm ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục cho năm sau. Đây là khoản thời gian Khoán 10 (1988) được đưa vào thí điểm sâu rộng cho Hợp tác xã, với 5% ruộng đất được chia cho nông dân, họ đã tạo ra những vựa lúa có năng suất cao so với mặt bằng chung. Vì vậy, người dân được phép khai hoang thêm những vùng đất mới để canh tác, làm giảm dần diện tích đất hoang hóa.

Từ năm 1883, tuy phong trào đi kinh tế mới không còn rầm rộ như trước nhưng trong bối cảnh còn khó khăn, Đảng bộ và chính quyền xã đã đưa nhiều hộ gia đình đi kinh tế mới trong hai đợt. Một đợt vào năm 1984 tại Bình Thuận và một đợt năm 1985 lên vùng Phong Mỹ (huyện Phong Điền).

Sau khi tách xã, xã Quảng Thái có 2 Hợp tác xã: Hợp tác xã Tam Giang có 56,8732 ha đất vườn, 374,08 ha ruộng cấy; Hợp tác xã Thống Nhất có 19,892 ha đất vườn, 182,74 ha ruộng cấy[21].

Các giống lúa địa phương đã dần được thay thế dần bằng các giống có chất lượng cao hơn như: IR36, IR38, IR64… tạo năng suất cao hơn nhưng thời gian thu hoạch rút ngắn lại. Phân bón và thuốc trừ sâu vẫn duy trì biện pháp đối lưu 2 chiều với trung tâm của huyện. Nhờ vậy, năng suất và sản lượng lúa dần được nâng cao, trước năm 1983, năng suất lúa trung bình vào khoảng 25-28 tạ/ha; năm 1990 đã tăng lên khoảng 32 tạ/ha[22]. Tuy vậy, kinh tế nhìn chung vẫn còn khó khăn. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được tiến hành nhanh chóng, nhất là phân hóa học, máy cày.

Đời sống của người dân chỉ thực sự khởi sắc sau 2 năm thực hiện Chỉ thị Khoán 10 trong nông nghiệp của Bộ Chính trị (1988). Đảng bộ xã nhà nhanh chóng tiếp thu và trực tiếp phổ biến Chỉ thị của Bộ Chính trị. Hầu hết ruộng đất của Hợp tác được giao khoán đến tay người dân, đã có tác động tích cực đến lực lượng sản xuất và thái độ sản xuất của người dân. Người dân hồ hởi lao động trên mảnh đất mà mình nhận khoán, thủy lợi vẫn do hợp tác xã điều hành, vấn đề giống và phân bón được Ban chủ nhiệm Hợp tác xã cung cấp tùy theo nhu cầu của người dân.

Sau khi thực hiện Chỉ thị Khoán 10, diện tích, năng suất cây trồng trong toàn xã nâng lên rõ rệt, cơ cấu cây trồng vật nuôi cũng phong phú, đa dạng hơn. Nếu như trước đây trong nông nghiệp bà con chủ yếu làm một vụ lúa (độc canh cây lúa) vào vụ chiêm, nay diện tích lúa hè thu được mở rộng. Một năm người dân Quảng Thái tiến hành hai vụ lúa và còn tiến hành trồng rau màu (khoai, sắn, lạc, đậu, môn…) trên những vùng đất thích hợp. Diện tích đất khai hoang, phục hóa được mở rộng và được tận dụng hết vào sản xuất với những cây trồng phù hợp.

Việc chăn nuôi cũng được người dân chú ý. Nhờ đó, đàn gia súc, gia cầm không ngừng được tăng nhanh. Trước đây, trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngang,… chủ yếu nuôi để lấy sức kéo, phân bón và cung cấp nguồn thực phẩm cho gia đình. Thì nay người dân đã chăn nuôi theo phương hướng trang trại, tận dụng hết điều kiện tự nhiên thuận lợi và thức ăn sẵn có. Diện tích mặt nước dùng để nuôi trồng thủy hải sản nhìn chung không đáng kể.

Hệ thống thủy lợi, trạm bơm nước được chú trọng xây dựng nhằm đảm bảo tưới và tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp. Sau khi tách xã, toàn bộ hệ thống thủy lợi trên đồng ruộng khoảng hơn 4km được nâng cấp và tu bổ. Công trình ngăn mặn giữ ngọt đập Cửa Lác được người dân Quảng Thái hằng năm tu bổ, sửa sang để đảm bảo cho mùa màng. Trong giai đoạn này, hồ chứa Trằm Ngang được xây dựng để cung cấp nước tưới cho cây trồng. Việc nạo vét sông Nịu cũng được tiến hành đều đặn, huy động hàng trăm ngày công lao động của người dân Quảng Thái. Nhờ công tác thủy lợi được chú trọng như vậy nên mùa màng ngày càng tốt tươi.

Kinh tế ngư nghiệp cũng là ngành kinh tế có nhiều lợi thế của xã Quảng Thái. Người dân chủ yếu đánh bắt trên phá Tam Giang, đồng ruộng và song Nịu. Lai Hà và Trung Làng là nơi có thế mạnh nhất về đánh bắt và khai thác nguồn lợi thủy sản. Tuy vậy, việc đánh bắt vẫn còn khá thủ công nên năng suất không cao.

Hoạt động thương nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nhìn chung có nhiều biến chuyển, chợ làng là nơi tập trung nhiều người dân địa phương và thương nhân các vùng khác sang tập trung trao đổi mua bán, các mặt hàng trao đổi dần được đa dạng hóa, phương thức vận chuyển bằng đường thủy dần được thay thế bằng đường bộ bằng các phương tiện được cơ giới hóa. Các ngành tiểu thủ công bổ trợ cũng có bước phát triển như nghề mộc, nghề nề…

Sau khi tách xã, Hợp tác xã mua bán Quảng Thái cũng được tách từ Quảng Lợi chung, chuyển lên Trung Kiều, ở vị trí chợ Nịu cũ, người làm Chủ nhiệm là Văn Bửu.

- Về văn hóa xã hội, đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân nhìn chung còn nhiều hạn chế. Phương tiện sinh hoạt văn hóa chủ yếu đài radio, một số nhà có máy thu hình (tivi). Hệ thống các trường học dần dần được hoàn thiện để phục vụ nhu cầu học tập của con em xã nhà. Từ sau khi tách xã đã có giáo viên mầm non phụ trách dạy ở địa phương. Đến khoảng năm 1985, có trường mầm non theo quy mô hợp tác xã với 3 trường ở Trung Kiều, Lai Hà, Đông Hồ do hợp tác xã đầu tư xây dựng[23]. Các lớp xóa mù chữ vẫn được tiếp tục dùy trì trong giai đoạn này. Khoảng năm 1990 thì trường Tiểu học Quảng Thái được xây dựng. Trường học dần được hoàn thiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Đảng bộ và chính quyền xã nhà đã tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, xây dựng địa bàn an toàn làm chủ, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, làng văn hóa.

Công tác đền ơn đáp nghĩa rất được Đảng bộ chú trọng. Hằng năm đều thăm, tặng quà cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng, dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy vì Tổ quốc, tổ chức quy tập hài cốt liệt sĩ, công nhận liệt sĩ và những người có công với cách mạng. Đảng bộ và chính quyền cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ vốn làm ăn kinh tế hộ gia đình, giúp các hộ phấn đấu xóa đói giảm nghèo.

Về giao thông, đi lại, bên cạnh các con đường đắp đất liên xóm trong xã do người dân tự làm thì khoảng năm 1987-1988, được sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh, xã đã tiến hành làm đường đất đỏ từ ngã ba Quảng Thái vào đến chợ An Lỗ, dài gần 10km.

Về công tác y tế, trong giai đoạn 1983-1990, cơ sở vật chất y tế còn khá nghèo nàn. Khi Quảng Thái tái lập, Trạm y tế xã được xây dựng mới ở Trung Kiều nhằm phục vụ cho nhu cầu khám và chữa bệnh cho người dân.

Chi bộ đã chú trọng việc chỉ đạo, phát động nhiều phong trào giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe nhân dân như phong trào thực hiện “ăn chín uống sôi”, chỉ đạo kịp thời đối với công tác chăm sóc sức khỏe, khám và chữa bệnh cho nhân dân, phối hợp với ngành y tế huyện, tỉnh kịp thời dập tắt các ổ dịch xảy ra trên địa bàn. Việc thực hiện chương trình y tế cộng đồng, tiêm phòng các bệnh cho trẻ em, chăm sóc bà mẹ, thực hiện chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình được tiến hành đều đặn. Bên cạnh việc trang bị cơ sở vật chất, xã còn củng cố và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ y tế xã, nhờ vậy, chất lượng chăm sóc y tế không ngừng được cải thiện.

Về quốc phòng an ninh, trong công tác quốc phòng an ninh Đảng bộ luôn có chủ trương, kế hoạch cụ thể không để bị động, yếu thế trong mọi tình huống. Xã thường xuyên làm tốt công tác huấn luyện, diễn tập để có sự linh hoạt khi có tình huống xảy ra.

Sau những đợt cao điểm về tuyển quân trước năm 1983, số lượng tuyển quân giảm dần, tuy vậy, xã nhà vẫn đáp ứng đầy đủ số lượng cho từng đợt tuyển quân. Trong giai đoạn 1983-1990, trung bình mỗi năm tuyển khoảng 20-25 quân, số lượng quân nhân rải đi nhiều mặt trận, làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia, Lào và chiến trường biên giới phía Bắc. Phụ trách tuyển quân trong giai đoạn này là đồng chí Nguyễn Hữu Xứ[24].

 Quân nhân xuất phát từ Quảng Thái có ý thức kỷ luật cao, thực hiện tốt nhiệm vụ của một quân nhân, rất ít có hiện tượng đào ngũ. Các quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự phần nhiều trở về quê hương tham gia sản xuất, một số phục vụ cho bộ máy hành chính địa phương.

Nhận thức được an ninh quốc phòng là một vấn đề quan trọng, Đảng bộ và chính quyền xã Quảng Thái luôn quan tâm đến việc tăng cường và củng cố về số lượng cũng như chất lượng lực lượng công an xã, thường xuyên đấu tranh ngăn chặn kịp thời các biểu hiện gây mất an ninh, trật tự thôn xóm, kịp thời xử lý các vụ việc xảy ra trong địa phương. Nhờ vậy, trong thời gian này tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã không xảy ra các vụ việc phức tạp, trật tự trị an luôn được đảm bảo, làm cho nhân dân yên tâm sản xuất làm ăn.

Ngoài lực lượng công an xã, lực lượng dân quân tự vệ được tổ chức ngày càng chặt chẽ. Công tác huấn luyện dân quân tự vệ được tiến hành theo kế hoạch hằng năm.

Như vậy, với những chủ trương, biện pháp phù hợp với tình hình địa phương trong giai đoạn 1983 - 1990, Đảng bộ Đảng xã Quảng Thái đã làm tốt công tác an ninh quốc phòng, giữ vững tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng quê hương Quảng Thái phát triển toàn diện vào giai đoạn tiếp sau.

5.2.3. Xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể

Trong giai đoạn 1983 - 1990, Đảng bộ xã Quảng Thái đã trải qua ba kỳ đại hội với ba lần thay đổi nhân sự.

Đại hội lần I (nhiệm kỳ 1983-1985) (Khóa I) là đại hội đầu tiên sau khi tách xã. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng ủy, kiện toàn tổ chức Đảng sau khi tách xã, bầu đồng chí Trần Đình Tối giữ chức Bí thư Đảng ủy, đồng chí Hoàng Minh Chính và Văn Đức Phú giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy. Tại thời điểm đại hội, số lượng đảng viên của Đảng bộ xã Quảng Thái là 50 người.

Đại hội lần II (nhiệm kỳ 1985-1988), bầu đồng chí Hồ Viết Tây làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Hoàng Minh Chính và Văn Đức Phú tiếp tục giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy.

Đại hội lần III (nhiệm kỳ 1988-1990), đại hội tiếp tục tín nhiệm bầu đồng chí Hồ Viết Tây làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Hoàng Minh Chính và Văn Đức Phú giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy.

Công tác xây dựng Đảng được lãnh đạo Đảng bộ xã Quảng Thái đặc biệt quan tâm. Hàng năm, Đảng bộ luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên, cán bộ, quần chúng; quán triệt các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, huyện cũng như Đảng bộ xã, tạo nên sự đoàn kết nhất trí cao trong toàn Đảng bộ và nhân dân.

Ngoài ra, Đảng bộ xã còn chú trọng đến công tác phát triển Đảng, coi đây là công tác trước mắt và lâu dài. Qua mỗi kỳ Đại hội, Đảng bộ đã kết nạp thêm Đảng viên mới có đủ trình độ, phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới. Nhờ đó, các tổ chức quần chúng luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương để giáo dục, phát động và tạo được phong trào cách mạng rộng lớn, có ý nghĩa thiết thực như: Phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đời sống và sản xuất.

Chính nhờ đó, ngay sau khi vừa mới tách xã, thành lập Đảng bộ mới, năm 1984, Đảng bộ xã Quảng Thái đã vinh dự được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên tặng cờ Đảng bộ cơ sở vững mạnh.

Đối với công tác xây dựng chính quyền, Đảng bộ đã có sự chỉ đạo kịp thời, sát sao nhằm hoàn chỉnh bộ máy hành chính, nhất là Ủy ban Nhân dân xã và các ban ngành chuyên môn. Để phát huy hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền, chất lượng đội ngũ cán bộ là yếu tố then chốt. Trước nhu cầu công việc ngày càng cao, Đảng bộ và chính quyền xã Quảng Thái đã cử một số đồng chí đi học tập ở huyện và ở tỉnh nhằm nâng cao trình độ và công tác chuyên môn nghiệp vụ, góp phần đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ công việc được giao.

Sau khi tách xã, Ủy ban nhân dân xã mới được thành lập, gồm các đồng chí Hoàng Minh Chính (Chủ tịch), Văn Thành (Phó Chủ tịch Nội chính), Hồ Viết Tây (Phó Chủ tịch Nông nghiệp), Nguyễn Hữu Xứ (Ủy viên quân sự), đồng chí Văn Đức Thọ (Ủy viên chính sách)... Từ đó đến năm 1990, đồng chí Hoàng Minh Chính liên tục được tín nhiệm giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã.

Trong giai đoạn này, các đoàn thể quần chúng, tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã đã được thành lập mới sau khi tách xã. Tiếp đó, các tổ chức này tiếp tục được củng cố và ngày một lớn mạnh. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoạt động khá tốt, đi đầu trong mọi hoạt động sản xuất cũng như các phong trào văn hóa xã hội của địa phương. Các tổ chức đoàn thể luôn phát huy vai trò xung kích của mình, làm nền tảng vững chắc hỗ trợ cho hoạt động mọi mặt của Đảng bộ.

Có thể nói, với đường lối đổi mới của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Hương Điền, Đảng bộ và nhân dân Quảng Thái đã từng bước đổi mới tư duy, đổi mới trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, sản xuất lương thực, thực phẩm, khoán ruộng đất… Từ đó, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, các tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể ở xã Quảng Thái ngày càng được củng cố, kiện toàn, đáp ứng được nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội.

Sau ngày đất nước thống nhất, quê hương được giải phóng, Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Thái phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách nhưng với truyền thống anh hùng trong chiến tranh, cần cù chịu khó trong lao động sản xuất, họ đã nổ lực với quyết tâm cao nhất dần dần khắc phục được hậu quả chiến tranh, vượt qua những khó khăn, bước đầu đạt được một số thành tựu. Từ năm 1975 đến năm 1982, do những điều kiện khách quan của lịch sử, cũng như những nhân tố chủ quan của nền kinh tế bao cấp, mà tình hình đời sống của nhân dân Quảng Thái còn gặp nhiều khó khăn. Từ sau đổi mới năm 1986, bộ mặt xã nhà dần thay đổi, cuộc sống của người dân cũng khấm khá hơn. Gần 15 năm sau ngày quê hương giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Quảng Thái đã tạo dựng cho mình những tiền đề quan trọng làm cơ sở và động lực cho Quảng Thái phát triển trong các giai đoạn tiếp theo.

 

 


[1] Sau ngày thống nhất đất nước, huyện Quảng Điền gồm có 8 xã: Quảng Lợi, Quảng Vinh, Quảng Phước, Quảng Thọ, Quảng Phú, Quảng Lộc, Quảng Ngạn và Phong Hiền. Đến cuối năm 1975, xã Phong Hiền chuyển giao về huyện Phong Điền. Dẫn theo: Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (1930-2005), Sđd, tr. 202.

[2] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr. 244.

[3] Từ năm 1975 đến tháng 10-1977 là Chi bộ xã Quảng Lợi; tháng 10-1977, Đảng bộ xã Quảng Lợi được thành lập.

[4] Theo lời kể của đồng chí Văn Đức Thống, nguyên Bí thư Đảng bộ xã Quảng Thái; đồng chí Hồ Hai, nguyên Chủ tịch xã Quảng Lợi.

[5] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr. 245.

[6] Thôn Thủy Lập thuộc xã Quảng Lợi; thôn Trằm Ngang thuộc xã Quảng Thái hiện nay.

[7] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr. 247.

[8] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr. 247-248.

[9] Theo lời kể của đồng chí Hoàng Truyền, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lợi (chung).

[10] Theo lời kể của đồng chí Lê Quang Trung, nguyên Phó trưởng Công an huyện Hương Điền và đồng chí Hoàng Truyền, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lợi (chung).

[11] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr. 249.

[12] Theo lời kể của đồng chí Hồ Viết Tây, nguyên Bí thư xã Quảng Thái.

[13] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr. 246.

[14] Theo lời kể của ông Hồ Viết Tây, nguyên Bí thư xã Quảng Thái.

[15] Theo lời kể của đồng chí Hoàng Truyền, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lợi (chung).

[16]  Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr. 248.

[17] Ngày 11-3-1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 62-CP, hợp nhất ba huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà thành một huyện mới lấy tên là huyện Hương Điền.

[18] Tính đến trước thời điểm tách xã.

[19] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr. 249.

[20] Trước đó, lương của cán bộ xã được trả bằng thóc.

[21] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr. 250.

[22] Theo lời kể của đồng chí Hoàng Truyền, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lợi (chung).

[23] Theo lời kể của đồng chí Văn Đức Thống, nguyên Bí thư xã Quảng Thái.

[24] Theo lời kể của đồng chí Hồ Viết Tây, nguyên Bí thư xã Quảng Thái.

 

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.468.332
Truy cập hiện tại 13.275