Tìm kiếm tin tức
BÁO CÁO Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2022 và kế hoạch phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023
Ngày cập nhật 05/09/2023

PHẦN THỨ NHẤT

Tình hình công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022

 

I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI NĂM 2022

Năm 2022, tại tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và huyện Quảng điền nói riêng đã chịu ảnh hưởng 07 cơn bão và 02 ATNĐ, trong số đó có 03 cơn bão ảnh nhưng không có cơn bão nào đổ bộ trực tiếp vào địa bàn; 21 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường, trong đó: 9 tháng đầu năm có14 đợt không khí lạnh đã gây ra các đợt rét, tháng 10 có 02 đợt, tháng 11 có 01 đợt và tháng 12 có 04 đợt. Các đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường trong tháng 10 đã kết hợp với hoàn lưu các xoáy thuận nhiệt đới và nhiễu động trong đới gió Đông trên cao gây ra các đợt mưa lớn diện rộng, có nơi mưa đặc biệt lớn. Ngoài ra các đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường trong tháng 12 cũng gây ra các đợt rét, rét hại về đêm và sáng sớm. Về thiên tai nắng nóng, năm 2022 có 16 đợt nắng nóng diện rộng.

Mùa mưa bão năm 2022 số lượng các đợt mưa lớn diện rộng xấp xỉ và nhiều hơn so với TBNN, có 10 đợt mưa lớn diện rộng và 02 đợt mưa diện rộng, mưa lớn cục bộ. Tổng lượng mưa trong mùa mưa bão năm 2022 cao hơn và đạt từ 108-123% so với TBNN. Mưa phân bố không đồng đều. Đặc biệt là đợt mưa bất thường từ ngày 31/3 đến ngày 03/4, đợt mưa từ 30/4-02/5 là các đợt mưa có lượng và cường độ lớn, lũ trái mùa, mưa to ở vùng núi kết hợp với vùng đồng bằng đã gây ra đợt lũ trên diện rộng trên các sông, gây thiệt hại giảm năng suất lúa vụ Đông Xuân trên địa bàn xã là 70%.

Các đợt lũ trong năm:

Đợt 1: Từ ngày 31/3 đến ngày 03/4, xảy ra mưa to, mưa rất to trên diện rộng,  gây khó khăn cho việc thoát lũ, làm cho mực nước trên sông dâng cao, xuống chậm gây ngập, tràn bờ vùng, đê bao nội đồng.

Đợt 2: (Từ 19h ngày 27/09 đến 23h ngày 28/09): Do ảnh hưởng của Bão số 4 nên từ ngày 24/9 đến ngày 28/9 đã có mưa to đến rất to và dông. 

Đợt 3: (Từ 09h ngày 12/10 đến 06h ngày 20/10): Do ảnh hưởng của bão số 5 và số 6, nên từ chiều ngày 13-20/10 có mưa to đến rất to.  

Đợt 4: (Từ 11h ngày 25/10 đến 21h ngày 26/10): Do ảnh hưởng của ATNĐ, nên đã có mưa to đến rất to.

Đợt 5: (Từ 1h ngày 02/12 đến 23h ngày 03/12): Do ảnh hưởng của Bão số 7, nên đã có mưa to đến rất to. 

Đợt 6: (Từ 7h ngày 05/12 đến 08h ngày 07/12): Do ảnh hưởng của KKL, nên đã có mưa to đến rất to. 

Đợt 7: (Từ 13h ngày 17/12 đến 00h ngày 19/12): Do ảnh hưởng của KKL, nên có mưa to đến rất to. 

II. THIỆT HẠI DO THIÊN TAI GÂY RA
1. Về sản xuất nông nghiệp
- Đợt mưa lũ Từ ngày 31/3 đến ngày 03/4. Diện tích lúa bị thiệt hại toàn xã: 328,3001 ha. Trong đó, thiệt hại trên 70%: 246,4598 ha, từ 30-70%: 81,8403 ha. Diện tích Ngô và rau màu bị thiệt hại: 77,9731 ha, trong đó thiệt hịa trên 70%: 77,6031 ha, từ 30-70%: 0.3700 ha, Thiệt hại giá trị khoảng 730 triệu đồng. 
- Chiều dài toàn bộ tuyến đê trung ương thuộc HTX Thống Nhất bị sạt lở khoảng 1.000m. Các tuyến đê bao khác, sạt lở nhiều đoạn 70 mét.
- Các tuyến đê bao ở HTX Tam Giang, sạt lở nhiều đoạn khoảng 80 mét.  Các HTX phải trích nguồn kinh phí rất lớn để khắc phục.
2. Thiệt hại về người
Năm 2022, trên địa bàn xã không bị biệt hại về người, Tuy nhiên trong đợt mưa lớn từ ngày 31/3 đến 04/4/2022 đã xãy ra 01 vụ đuối nước khi lưu thông qua đập Cửa lác trong lúc nước đổ mạnh mặc dầu đã có Rào chắn Cảnh báo nguy hiểm.
3. Thiệt hại về nhà ở
- Tổng cộng toàn xã có 7 nhà bị thiệt hại, đa số thiệt hại do tốc mái ngói và mái tôn pêrôximăng. Trong đó có một nhà thuộc diện hộ cận nghèo. 
* Ước tổng giá trị thiệt hại toàn xã hơn 1,1 tỷ đồng.
III. CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI NĂM 2022
1. Công tác chuẩn bị trước mùa mưa bão
Để chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại, rủi ro do thiên tai gây ra, UBND xã đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, triển khai phương án kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022. Đồng thời kiện toàn Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của xã và phân công từng thành viên phụ trách địa bàn nhằm, kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân ở từng thôn, xóm trong việc phòng chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. 
- Kiểm tra phương án rà soát, di dời sơ tán dân, lực lượng xung kích sẵn sàng huy động, phương án bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân ở vùng dễ bị tổn thương như Trung Làng, Lai Hà, Nam Giảng, Trằm Ngang; chuẩn bị các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn và triển khi phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Phương tiện, vật tư tại chỗ; Hậu cần tại chỗ” trong phòng chống thiên tai.
- Kiểm tra các phương tiện ghe, thuyền đang hoạt động đánh bắt thủy sản trên phá Tam Giang, với phương châm "Mình phải tự cứu mình" cho nên trước khi mùa mưa bảo đến, cũng như khi xảy ra bão, lụt các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn và nhân dân đã chủ động giằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản, dự trữ lương thực, thực phẩm.
- UBND xã đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các thôn trên địa bàn chủ động củng cố mạng lưới thông tin liên lạc đảm bảo hoạt động thông suốt. Thường xuyên theo dõi và kịp thời báo cáo diễn biến về thời tiết như: áp thấp nhiệt đới, bão, các đợt mưa lớn, không khí lạnh đến tận cơ sở để chủ động phòng tránh; đồng thời thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện thuyền đang hoạt động trên phá Tam Giang về nơi trú ẩn an toàn khi có thời tiết xấu xảy ra.
- Đã trích nguồn kinh phí dự phòng để mua mua 1 tấn gạo, 5.000 gói mì ăn liền, 100 lít dầu, 100 lít xăng để dự trữ phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai khi cần thiết.
- Đối với hồ chứa nước Nam Giảng, UBND xã đã phối hợp với Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thuỷ lợi Thừa Thiên Huế thực hiện tốt phương án và kế hoạch bảo đảm an toàn đập và phòng chống lũ theo quy định tại Luật Phòng chống thiên tai.
2. Công tác ứng phó các đợt thiên tai năm 2022
- UBND xã đã triển khai thực hiện các Công điện và văn bản để chủ động ứng phó các đợt thiên tai xảy ra trên địa bàn.   
- Ban chỉ huy PCTT-TKCN xã đã thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình về lụt, bão. Lập phương án xử lý cụ thể các tình huống có thể xảy ra như: công tác sơ tán dân đến nơi an toàn, bảo vệ đê đập, hồ chứa nước Nam Giảng, chỉ đạo khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu vụ Hè Thu nhằm hạn chế thiệt hại do thời tiết gây ra. Đồng thời chỉ đạo các HTX sản xuất nông nghiệp kiểm tra, điều tiết các cống, gia cố đê bao, nâng cấp và hoàn thành các công trình trước mùa mưa bão đến.
- Chủ động đối phó với các tình huống do lụt, bão có thể xảy ra, tình hình thực hiện công tác PCTT-TKCN từ xã đến thôn luôn trong tư thế sẵn sàng. Kế hoạch được triển khai chu đáo đến tận người dân, thông qua các lực lượng xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các thôn, các đơn vị. 
- Chỉ đạo sơ tán, di dời dân theo diễn biến của thiên tai (chủ yếu thực hiện ứng phó với cơn bão số 4).
- Đã chỉ đạo triển khai kịp thời, có hiệu quả các biện pháp khắc phục hậu quả sau thiên tai để ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân.
3. Về công tác thu quỹ phòng chống thiên tai
Căn cứ Quyết định số 226/QĐ-UBND ngày 17/8/2023 của UBND Huyện về việc giao chỉ tiêu kế hoạch thu quỹ phòng, chống thiên tai năm 2022.UBND xã đã rà soát số liệu và tổ chức thu năm 2022 số tiền: 23.714.000 đồng, số kinh phí đã thu được năm 2022: 23.714.000 đồng, nộp lên UBND huyện số tiền: 17.074.000  đồng, đạt tỷ lệ là 72%.
 
 
PHẦN THỨ HAI
PHƯƠNG ÁN, KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI
VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2023
 
I. DỰ BÁO THỜI TIẾT, THỦY VĂN NĂM 2023
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, trong năm 2023, các hiện tượng thời tiết, khí hậu thường vẫn có khả năng có những biến động mạnh nên cần lưu ý đề phòng bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong các tháng mùa mưa bão năm 2023. 
II. PHƯƠNG ÁN, KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2023 
Để chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, với phương châm "Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả thiên tai khẩn trương và có hiệu quả", hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, UBND xã xây dựng kế hoạch, phương án PCTT- TKCN năm 2023 trên địa bàn xã, với nội dung cụ thể như sau: 
1. Mục tiêu và yêu cầu
1.1. Mục tiêu
Xây dựng phương án PCTT-TKCN của các cơ quan, đơn vị thật cụ thể, thực tế nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lụt, bão và thiên tai gây ra, nhất là thiệt hại về người, không để nhân dân bị đói, rét khi có thiên tai, lụt, bão xảy ra.
1.2. Yêu cầu
- Xây dựng và triển khai thực hiện cụ thể, chu đáo kế hoạch PCTT-TKCN của từng cơ quan, đơn vị, của mỗi gia đình; tuyệt đối không chủ quan, không coi thường trong công tác phòng chống thiên tai, bão, lụt.
- Chuẩn bị chu đáo các điều kiện và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần và tự quản tại chỗ). Chính quyền và hệ thống chính trị từ xã đến thôn phải phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong quá trình chỉ đạo, điều hành lực lượng, phương tiện phòng, chống thiên tai, lụt, bão; phải tích cực, sáng tạo và bình tĩnh trong xử lý các tình huống có thể xảy ra. 
- Phát huy tốt tính tự lực và khả năng tự có của mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị, sự tương trợ của cộng đồng trong mỗi thôn, xóm trong phòng, chống thiên tai, trong đó phải xác định mọi người tự ứng cứu giúp đỡ lẫn nhau là chủ yếu và rất quan trọng. Mỗi thôn, xóm, hộ gia đình phải chủ động trong phòng, chống thiên tai và dự phòng các nhu yếu phẩm cần thiết để tự cứu mình là chủ đạo.  
  - Triển khai xây dựng lực lượng nòng cốt, xung kích của xã, từng thôn, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Ðảng và sự điều hành của chính quyền, Ban điều hành thôn để sẵn sàng huy động, xử lý trong mọi tình huống.
- Chuẩn bị đầy đủ điều kiện, phương tiện và có phương án thật cụ thể để chủ động kịp thời sơ tán dân ở ven phá của 02 thôn Trung Làng, Lai Hà đến nơi an toàn khi có bão, lụt lớn xảy ra buộc phải sơ tán dân; đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trong thiên tai.
- Triển khai thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, tiếp nhận thông tin, đảm bảo thông tin thông suốt trước, trong và sau khi lụt, bão xảy ra.
- Thực hiện tốt, kịp thời công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai, lụt, bão, ổn định đời sống cho nhân dân và khôi phục sản xuất, bảo vệ môi trường.
- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị xác định nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thuộc trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, trước hết là người đứng đầu cơ quan, đơn vị; chỉ đạo toàn thể cán bộ trong  cơ quan phải chủ động phương án phòng chống của gia đình mình để sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại cơ quan khi có thiên tai, bão, lụt xảy ra. Các đồng chí Trưởng, Phó các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, các bộ phận trong cơ quan UBND xã sẵn sàng nhận lệnh điều động khi cần thiết theo thông báo của Trưởng ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã.
III. XÁC ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG, ĐỊA BÀN TRỌNG ĐIỂM 
Trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, UBND xã xác định trên địa bàn những đối tượng và địa bàn trọng điểm cần quan tâm tập trung chỉ đạo và thực hiện khi có thiên tai, bão, lụt xảy ra:
1. Đối tượng
- Những hộ dân sống ven phá Tam Giang ở khu vực thôn Lai Hà và thôn Trung Làng.
- Các đối tượng thuộc diện già cả, neo đơn, bệnh tật, phụ nữ có thai và trẻ em ở địa bàn các thôn.
- Các hộ dân sống ở hạ nguồn của hồ chứa nước Nam Giảng.
- Những hộ gia đình có nhà cửa không kiên cố dễ bị đỗ sập khi có bão lớn.
- Những hộ gia đình trong bán kính 50m thuộc phạm vi xung quanh các Trạm phát sóng viễn thông(BTS)
2. Địa bàn
- Hồ chứa nước Nam Giảng, các Trạm bơm, các Cơ quan trên địa bàn, đặc biệt là các Trường học, Trạm Y tế, các kho tàng của các HTX, địa bàn 2 thôn Trung Làng, Lai Hà (Phòng khi bão và lụt lớn). Địa bàn thôn Nam Giảng (Phòng khi có sự cố vỡ đê hồ chứa Nam Giảng).
- Các thôn có Trạm BTS gồm: Đông Hồ (02 trạm), Tây Hoàng (01 trạm), Trung Kiều (01 trạm), Trang trại (02 trạm)
3. Hồ chứa nước Nam Giảng
Thực hiện theo phương án ứng phó, với tình huống khẩn cấp và phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du đối với công trình Hồ chứa nước Nam Giảng theo nội dung phương án của Công ty TNHH NN MTV quản lý khai thác công trình Thuỷ lợi đã được UBND huyện phê duyệt.
IV. NHIỆM VỤ VÀ CÁC BIỆN PHÁP CỤ THỂ 
1. Bộ phận Thường trực của BCH PCTT- TKCN xã: Gồm Trưởng ban, các phó trưởng ban, Ủy viên Thường trực:
- Trung tâm tham mưu, chỉ đạo, điều phối mọi hoạt động trong quá trình chỉ đạo phòng, chống, đối phó và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn.
- Thường xuyên giữ mối liên lạc với Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện, với lãnh đạo xã, với các cơ quan liên quan và các cơ quan, đơn vị và các thôn trên địa bàn. 
- Tham mưu UBND xã củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT-TKCN của xã và phân công cho từng thành viên phụ trách từng lĩnh vực, từng địa bàn để đảm bảo chỉ đạo kịp thời, hiệu quả. 
- Tham mưu tổ chức họp Ban chỉ huy và ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn xã; theo dõi diễn biến tình hình của thiên tai để thông tin đến các cơ quan, đơn vị và các thôn trên địa bàn.
- Tùy theo diễn biến tình hình của thiên tai để tham mưu, đề xuất lãnh đạo xã các phương án xử lý các tình huống xảy ra trên địa bàn.
- Kịp thời tổng hợp tình hình phòng, chống thiên tai; tình hình thiệt hại do lụt, bão gây ra (nếu có) để báo cáo lãnh đạo xã và lãnh đạo huyện có phương án chỉ đạo.
2.Toàn bộ cán bộ, công chức, người lao động và các thành viên BCH PCTT-TKCN của xã:
- Toàn bộ CBCC-LĐ phải có mặt ngay tại cơ quan để thực hiện nhiệm vụ khi đồng chí Trưởng ban điều động.
- Các thành viên BCH PCTT-TKCN được phân công phụ trách từng địa bàn (Có Thông báo phân công nhiệm vụ cụ thể kèm theo) phải về trực tiếp tại địa bàn thôn mình phụ trách để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các thôn, các đội xung kích PCTT của các thôn cùng với nhân dân ứng phó với thiên tai, khắc phục hậu quả; tổng hợp, báo cáo số liệu về VP thường trực một cách nhanh chóng, kịp thời.
3. Đối với các thôn
- Củng cố lực lượng xung kích PCTT&TKCN đảm bảo theo quy mô từ 10 - 15 người ở mỗi thôn. Lực lượng này bao gồm: Dân quân, Công an, y tế thôn, các trưởng xóm, những người có kinh nghiệm, nhiệt tình, biết bơi, biết điều khiển ghe v.v...  do Trưởng thôn trực tiếp điều hành. Trước khi tiên tai, các thôn triệu tập lực lượng nêu trên đến để phân công nhiệm vụ. rà soát đối tượng có nguy cơ để tổ chức di dời, sơ tán dân khi có lệnh của BCH PCTT&TKCN xã; sau thiên tai phải kịp thời kiểm tra, ứng cứu kịp thời những gia đình có nhà bị sập, ngập sâu, gia đình già cả neo đơn, phụ nữ mang thai, trẻ em,... 
Lưu ý: Các thôn phải lập danh sách lực lượng xung kích PCTT&TKCN của thôn mình thường xuyên có mặt tại địa phương; danh sách các đối tượng dễ bị tổn thương cần di dời khi bão, lụt xảy ra gửi về UBND xã trước ngày 30/8/2023, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên trong Tiểu ban PCTT&TKCN của thôn mình. 
- Riêng đối với địa bàn các thôn: Nam Giảng thành lập một Tổ thanh niên xung kích độ tuổi từ 18-45, gồm có 50-70 người, thôn Đông Hồ 30 người thường xuyên có mặt tại địa phương (có SĐT) để UBND xã huy động tham gia ứng cứu,  xử lý hồ chứa Nam Giảng khi có sự cố, đồng thời đây là lực lượng cứu hộ cho nhân dân ở trong thôn khi có sự cố vỡ đê.
- Các thôn phải chủ động bố trí 02-03 chiếc ghe nhôm có tải trọng trên 0,5 tấn để triển khai di chuyển người và tài sản của thôn mình khi có lũ lớn xảy ra. Phải lập phương án tổ chức sơ tán, di dời, xác định phương tiện, lực lượng tham gia và địa điểm đưa dân đến trú ẩn an toàn (các Trường học, nhà cao tầng). 
- Kiểm tra việc chuẩn bị của Nhân dân về công tác phòng, chống thiên tai, bão, lụt, đặc biệt là giằng chống nhà cửa, chuẩn bị lương thực, thực phẩm; đồng thời có trách nhiệm nhắc nhở những hộ dân còn có tư tưởng chủ quan, coi thường, xem nhẹ việc chuẩn bị theo kế hoạch chung của xã để động viên, nhắc nhở kịp thời.
4. Đối với các trường học
- Củng cố, kiện toàn và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên  Tiểu ban PCTT&TKCN của đơn vị mình. Chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai, lụt bão một cách cụ thể, phù hợp với tình hình và đặc điểm của từng trường. 
- Bố trí lịch trực trong những ngày xảy ra bão, lụt, chủ động kiểm tra lại các hệ thống cửa, mái lợp và các tài sản cố định khác để có kế hoạch giằng néo, tuyệt đối không để hư hại do thiếu tinh thần trách nhiệm. 
- Thực hiện việc cho học sinh nghỉ học khi có bão lụt xảy ra trên cơ sở có sự thống nhất của Phòng GD&ĐT huyện. Nếu trường hợp quá đột biến thì chỉ thống nhất với UBND xã khi không liên lạc được với Phòng GD&ĐT huyện về chế độ nghỉ học đột xuất do thiên tai. 
- Phải có kế hoạch bảo quản, cất giữ, không để ngập lụt làm hư, hỏng tài sản, đặc biệt là các hồ sơ, lưu trữ của nhà trường. Nếu để mất mát, hư hỏng tài sản, tài liệu do thiếu tinh thần trách nhiệm trong quá trình lụt, bão xảy ra thì Hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm trước tập thể và cấp trên. Đồng thời bố trí phòng để nhân dân đến sơ tán khi có bão lụt lớn xảy ra.
- Riêng đối với Trường Mầm non: Phải có kế hoạch thật cụ thể để cho các cháu nghỉ học khi có mưa lũ, thông báo với phụ huynh có trách nhiệm đưa và đón cháu hàng ngày, đặc biệt là trong thời gian có dự báo mưa lớn và bão, lụt.
5. Trạm Y tế xã
- Chuẩn bị phương án sơ, cấp cứu, chuẩn bị thuốc men phục vụ cho nhu cầu cấp cứu trong khi xảy ra bão, lụt. Hướng dẫn cho nhân viên y tế thôn chuẩn bị một số dụng cụ, thuốc men để sơ, cấp cứu, điều trị bệnh nhân trong thời gian trước, trong và sau bão, lụt. Liên hệ với cấp trên cung cấp hóa chất triển khai xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường sau lụt, bão.
- Phân công Cán bộ y, bác sỹ trực tại Trạm Y tế 24/24 để chủ động cấp cứu khi cần thiết, bảo đảm thông tin liên lạc để kịp thời xin ý kiến của Trung tâm Y tế huyện về việc xử lý chuyên môn trong bão, lụt.
- Rà soát các trường hợp phụ nữ gần đến ngày sinh đẻ để hướng dẫn đến Trung tâm y tế chờ sinh, không để bị động trong thiên tai.
6. 02 HTX NN Tam Giang và Thống Nhất
- Củng cố, kiện toàn và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên  Tiểu ban PCTT&TKCN của đơn vị mình. Chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai, lụt bão một cách cụ thể, phù hợp với tình hình. Phân công cán bộ trực tại HTX để chủ động xử lý. 
- Chủ động bảo vệ tài sản ở đơn vị mình, trong đó chú ý đến việc quản lý kho tàng của HTX, cương quyết không để ẩm, ướt tài sản của HTX. Đặc biệt là thóc giống và các vật tư nông nghiệp khác.
- Đôn đốc xã viên trong công tác bảo vệ và thu hoạch các loại cây trồng, vật nuôi để tránh thiệt hại do thiên tai, bão lụt xảy ra.
- Kiểm tra, bảo vệ đê điều và có trách nhiệm vận động xã viên thực hiện kế hoạch PCTT&TKCN của UBND xã. Chủ động chuẩn bị lương thực, thực phẩm để phục vụ cho đơn vị mình trong phòng chống bão, lụt theo kế hoạch đã đề ra.
7. Đài Truyền thanh xã  
- Thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chủ động phòng, chống thiên tai, lụt, bão của người dân; thông tin kịp thời tình hình, diễn biến của lụt, bão đến với người dân trên hệ thống truyền thanh xã để người dân chủ động ứng phó, nhất là khi có tình hình lụt, bão sắp xảy ra trên địa bàn.
- Kiểm tra lại hệ thống loa, hệ thống âm thanh phục vụ việc tuyên truyền kịp thời, không bị gián đoạn.
8. Ban chỉ huy Quân sự xã
- Xây dựng phương án, kế hoạch điều động xe vận tải, đò máy, xe múc, máy cưa; phối hợp với Công an xã và lực lượng khác thực hiện tốt công tác tìm kiếm, cứu nạn.
- Tham mưu UBND xã rà soát, củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của xã đảm bảo theo quy mô từ 10-20 người. Lực lượng này bao gồm: Dân quân, Công an, Chữ thập đỏ,... 
- Chịu trách nhiệm quản lý, tham mưu sử dụng trang thiết bị PCTT&TKCN, áo phao; lương thực, thực phẩm đảm bảo hiệu quả.
- Tiếp nhận lực lượng dân quân, bộ đội tham gia giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau khi có thiên tai xảy ra (nếu có). 
9. Công an xã
Xây dựng kế hoạch và bố trí lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau khi lụt, bão xảy ra. Đồng thời bố trí lực lượng ngăn chặn không cho người dân giao thông đi lại qua  đập Cửa Lác, các đoạn đường bị xói lỡ, ngập sâu.... khi có bão, lụt có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân.
10. Mặt trận và các Ðoàn thể của xã
Ðề nghị Mặt trận và các đoàn thể cấp xã tăng cường phối hợp để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác chủ động phòng, chống; khắc phục hậu quả thiên tai; thực hiện phương án PCTT&TKCN có hiệu quả. Phát huy vai trò xung kích của hội viên nông dân, Ðoàn thanh niên để tham gia giúp dân phòng chống thiên tai và khắc phục hậu quả sau thiên tai xảy ra.
11. Đối với nhân dân 
- Có kế hoạch tu bổ, giằng chống nhà cửa, chủ động trong việc tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn khi có bão, lụt lớn xảy ra. Đối với những gia đình sống ven sông, ven phá không đảm bảo an toàn phải chủ động di chuyển người và tài sản đến các nhà  kiên cố, có tầng gác; ngư dân làm nghề trên phá Tam Giang phải vào bờ, không được ra khai thác khi có tin bão khẩn cấp, áp thấp nhiệt đới xảy ra trên địa bàn.
- Ðến mùa lụt, bão mỗi gia đình phải chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết như: gạo, muối, mì ãn liền, dầu thắp sáng, chất đốt, đèn điện sạc dự phòng,...đủ cho nhu cầu sử dụng của cả gia đình trong vòng từ 10 đến 15 ngày. Đồng thời phải tự trang bị các phương tiện như ghe, xuồng, phao cứu hộ, dây néo,...để chủ động ứng phó có hiệu quả với thiên tai, bão, lụt có thể xảy ra.
- Mỗi gia đình cần bố trí những trang thiết bị, những thông tin cần thiết như Radio, ti vi và phương tiện khác để theo dõi thời tiết, chủ động trong phòng chống thiên tai, bão lụt.
12. Đề nghị Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thuỷ lợi TT Huế:
- Phối hợp với BCH PCTT&TKCN xã thực hiện nhiệm vụ trong phòng chống thiên tai theo phương án đã được phê duyệt, đồng thời chuẩn bị vật chất trang thiết bị để xử lý các sự cố tại Hồ chứa Nam Giảng như: cuốc, xẻng, bao tải, rọ, đá và các dụng cụ xử lý khác có tại nhà bảo vệ Hồ chứa Nam Giảng.
- Cắm các biển báo nguy hiểm, rào chắn khi nước lớn ở đường xuyên phá tại Đập Cửa Lác và cung cấp danh sách các lực lượng bảo vệ đập Cửa Lác và hộ đê hồ chứa Nam Giảng của Công ty trực cho UBND xã.
Trên đây là tình hình và kết quả công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2022; phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023.
Kế hoạch này được triển khai đến tận nhân dân, mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, các thôn, đơn vị liên hệ với UBND xã (qua các SĐT: 0976158436- Văn phòng UBND xã và qua các số: Ông Phạm Công Phước- 0988050213; ông Văn Đức xàng- 0977447054; ông Trần Đương- 0973521536) để được hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả./
 
https://thuathienhue.gov.vn/
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.108.420
Truy cập hiện tại 2.587