Tìm kiếm tin tức
THỰC TRẠNG NUÔI CÁ LỒNG Ở XÃ QUẢNG THÁI.
Ngày cập nhật 10/05/2018

         Quảng Thái là xã bãi ngang ven phá Tam Giang, đời sống chủ yếu của người dân là sản xuất nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Với lợi thế là xã có diện tích vùng đầm phá khá rộng (gần 300 ha) đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng trên phá. 

            Trong những năm 2013-2014, tổng số lồng nuôi cá trên địa bàn xã tương đối lớn (gần 500 lồng), đối tượng nuôi chủ yếu là cá trắm cỏ, thức ăn chính cho cá là rong rêu trên phá. Nuôi cá lồng chi phí thấp, kỹ thuật nuôi đơn giản và thời gian chăm sóc ít, chủ yếu người nuôi tận dụng thời gian lao động nhàn rỗi để chăm sóc cá nuôi (cá nuôi dưới 3 tháng cho ăn dặm bột, còn trên 3 tháng cho ăn rong rêu, cứ 3 ngày bổ sung rong rêu một lần), một lồng nuôi thời gian khoảng một năm rưỡi, trừ chi phí thu nhập mang lại cho người dân từ khoảng 15-20 triệu đồng (Một hộ nuôi từ 2-3 lồng thu nhập mang lại khoảng 50 triệu đồng), nhờ nuôi cá mà đời sống của người dân ở thôn Lai Hà và Trung Làng, xã Quảng Thái có bước phát triển khởi sắc. Tuy vậy, trong những năm gần đây, không biết nguyên nhân gì nhưng lượng rong rêu không phát triển làm ảnh hưởng lớn đến việc nuôi cá lồng của người dân trên địa bàn và lượng lồng nuôi giảm mạnh (Hiện toàn xã còn khoảng 60 lồng cá).

           Trao đổi với anh Trần Hiệu- Hộ nuôi cá lồng ở thôn Trung Làng cho biết:" Trước đây, vào thời điểm này, lượng rong rêu ở vùng đầm phá thuộc xã Quảng Thái phát triển dày đặc, gia đình anh thả nuôi từ 05 đến 06 lồng, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu nhập tăng thêm từ nuôi cá lồng trên 50 triệu đồng, nhờ nuôi cá mà gia đình anh có điều kiện sửa chữa nhà cửa, có tiền nuôi con ăn học, nhưng hiện nay do lượng rong rêu không phát triển nên số lồng nuôi của anh còn 02 lồng, thức ăn chính cho cá là bèo tây nên cá chậm phát triển...".... 

           Để khôi phục lại vùng nuôi cá, xã đề nghị các ngành chức năng cấp trên tiến hành nghiên cứu quan trắc, xét nghiệm nguồn nước để tìm ra nguyên nhân vì sao rong rêu không phát triển. Trong thời gian tới, nếu rong rêu phát triển trở lại, trên cơ sở quy hoạch nuôi trồng thủy sản đã được phê duyệt, xã sẽ tổ chức sắp xếp lại lồng nuôi nhằm tạo luồng lạch thông thoáng để đảm bảo thuận lợi cho việc lưu thông và tránh dịch bệnh cho cá nuôi. Đồng thời xã sẽ tranh thủ và bố trí kinh phí từ nguồn sự nghiệp thực hiện các mô hình phát triển sản xuất từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững để hỗ trợ người dân khôi phục lại vùng nuôi nhằm góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống (HTN).

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.505.755
Truy cập hiện tại 5.685