Tìm kiếm tin tức
CHÚT TÂM TÌNH CỦA MỘT NGƯỜI CON YÊU HUẾ
Ngày cập nhật 08/01/2020

"Anh ơi! Nhìn lại Huế mình cũng đẹp và có tiềm năng để phát triển kinh tế- xã hội đó chơ. Với lợi thế là địa phương, vừa có núi đồi, sông suối, biển, đặc biệt Huế được thiên nhiên ban tặng hệ thống bờ biển, đầm phá Tam Giang-Cầu Hai rất đẹp, thơ mộng, tiềm năng. Em hy vọng Huế mình sẽ phát triển mạnh trong tương lai".

Có dịp đi và khám phá đến từng địa phương trên địa bàn của tỉnh Thừa Thiên Huế này, chúng ta mới thấy Huế có đủ tiềm năng cho sự phát triển và khát vọng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh vào năm 2025.

Điểm qua tiềm năng, lợi thế của một số địa phương, chúng ta sẽ thấy rõ minh chứng điều này.

Trước tiên là thành phố Huế: Với lợi thế là thủ phủ của tỉnh, có dòng sông Hương thơ mộng chảy qua thành phố, với hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa (chùa chiền, lăng tẩm, đại nội, nhà vườn...) đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho phát triển du lịch của thành phố. Có dịp ngược dòng sông Hương đi lên phía Tây của thành phố, ghé đồi Thiên An, thăm các di tích, nhà vườn Kim Long... chúng ta mới thấy được "vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được"...Đi dọc về đường Tố Hữu hay đường Trường Chinh về phía Nam của thành phố, ta nhìn thấy Huế với không gian phát triển đẹp, thông thoáng và rất hiện đại. Hoặc đứng giữa cầu Dã Viên nhìn về phía cầu Phú Xuân, Trường Tiền, chúng ta thấy Huế mình đẹp, sang chảnh, đầy sức sống, và như đang chuyển mình mạnh mẽ trong thời kỳ phát triển. Ngoài ra, Huế là một trung tâm y tế, giáo duc-đào tạo mạnh top đầu của cả nước mà không ai có thể phủ nhận điều này...

Thị xã Hương Thủy có sân bay quốc tế Phú Bài, Khu công nghiệp Phú Bài với diện tích 561,3ha/74.347 ha đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển công nghiệp của thị xã, tỉnh. Và đây cũng là khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh. Là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thị xã.
Ngoài ra, với lợi thế là địa bàn tiếp giáp với thành phố Huế, nên một số phường, xã của Hương Thủy nằm trong phân khu quy hoạch chi tiết phát triển các khu đô thị mới của tỉnh như: Khu đô thị Đông Nam Thủy An, khu đô thị An Vân Dương...những vùng này đang trên đà phát triển.

Huyện Phú Vang, có bãi biển Thuận An, khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Mỹ An, đầm Chuồng, đầm Sam, đầm Thanh Lam, đầm Hà Trung, đầm Thủy Tú,...nằm trong hệ thống đầm phá Tam Giang- Cầu Hai tuyệt đẹp...rất lợi thế cho phát triển du lịch.

Huyện Phú Lộc thì có Lăng Cô, một vịnh đẹp nhất thế giới; có khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, cảng nước sâu Chân Mây, khu du lịch nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô, có đầm Cầu Hai, đầm Lập An, đèo Hải Vân, vườn quốc gia Bạch Mã tuyệt đẹp...rất lợi thế cho sự phát triển.

Thị xã Hương Trà, có thể nói đây là một thị xã vừa có rừng núi, đồng bằng, biển, đầm phá. Có dịp về Cồn Tè, rú Chá, thăm phá Tam Giang. Hoặc đi ngược về đường tránh Huế thăm Khu du lịch Về Nguồn, chùa Huyền Không Sơn Thượng, thủy điện Hương Điền, thủy điện Bình Điền,...nhà máy xi măng Kim Đỉnh...chúng ta mới thấy hết tiềm năng phát triển của thị xã Hương Trà.

Còn về Quảng Điền quê hương tôi. Với lợi thế có vùng đầm phá Tam Giang rộng hơn 3.500 ha và có bờ biển dài trên 12 km. Đây là điều kiện rất thuận lợi để Quảng Điền phát triển du lịch biển, đầm phá. Ngoài ra, với lợi thế là huyện có vùng rú cát ở khu vực trang trại khá rộng, khoảng 1.133 ha, đây cũng là tiềm năng cho thúc đẩy phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã và đang đầu tư Khu công nghiệp Quảng Vinh, với quy mô khoảng 150 ha để thu hút các nhà đầu tư về đầu tư làm ăn phát triển. Nếu được đầu tư cây cầu vượt phá Tam Giang (Cồn Tôc-Vĩnh Tu) và cây cầu nối đường Nguyễn Chí Thanh đi Quảng Thọ với Quốc lộ 1 thị xã Hương Trà, khi đó tiềm năng phát triển du lịch biển, đầm phá Quảng Điền sẽ được khơi dậy mạnh mẽ.

Về quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết và không gian phát triển kinh tế- xã hội, tỉnh nên chọn đơn vị tư vấn có năng lực, tâm huyết với Huế và có tầm nhìn chiến lược để phát triển mở rộng đô thị Huế trong tương lai. Việc này, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm những điểm hay từ các địa phương làm tốt, mà không đâu xa như: thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam hay tỉnh Quảng Ninh...Có thể chọn đơn vị tư vấn quốc tế.

Nếu chúng ta biết phát huy lợi thế, khơi dậy tiềm năng thế mạnh của địa phương. Và có người thủ lĩnh "có tâm, có tầm" chiến lược trong công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan Đảng, Chính quyền thì tôi nghĩ Thừa Thiên Huế sẽ phát triển xứng tầm và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2025 như Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

 

                       

                       

Hoàng Tuấn Nam
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 10.119.732
Truy cập hiện tại 9.031