Quảng Thái: Thông báo Về việc tiếp tục phòng chống dịch bệnh và chống đói rét cho ga súc, gia cầm
Ngày cập nhật 19/01/2021

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, trong thời gian tới tiếp tục  xuất hiện 1 - 2 đợt rét đậm, rét hại nên nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh, đỗ ngã trên đàn gia súc, gia cầm.

Thực hiện Công văn số 263/NNPTNT ngày 16 tháng 12 năm 2020 của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền về việc phòng chống dịch bệnh, đói, rét của gia súc, gia cầm trong mùa mưa; Công văn số 186/UBND ngày 31 tháng 12 năm 2020 của UBND xã Quảng Thái về việc phòng chống dịch bệnh, đói, rét của gia súc, gia cầm trong mùa mưa.

Ngày 18 tháng 01 năm 2021, UBND xã Quảng Thái ban hành thông báo Về việc tiếp tục phòng chống dịch bệnh và chống đói rét cho ga súc, gia cầm

Để tiếp tục phòng chống dịch bệnh, đói, rét cho gia súc, gia cầm. UBND xã đề nghị Ban Điều hành các thôn, hai HTX SX NN Tam Giang và Thống Nhất, Ban chăn nuôi thú y và nhân dân trên địa bàn triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Thường xuyên phổ biến và hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đói, rét cho gia súc, gia cầm:

- Về chuồng trại: gia cố, che chắn, vệ sinh giữ khô nền, đảm bảo chuồng nuôi thoáng ấm; đối với lợn con và gia cầm con phải đưa vào chuồng úm khi thời tiết mưa rét.

 - Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho vật nuôi

+ Đối với trâu bò, khẩu phần ăn mỗi ngày đảm bảo: thức ăn tươi xanh (cỏ, chuối, thân ngô…) khoảng 12% trọng lượng vật nuôi; thức ăn tinh (cám hỗn hợp, cám gạo, bột sắn…): khoảng 1% trọng lượng, ngoài ra bổ sung thêm 2-5 kg rơm, cỏ khô, thức ăn ủ chua, phụ phẩm nông nghiệp cho trâu, bò ăn.

+ Đảm bảo dinh dưỡng cho lợn, gia cầm theo nhu cầu. Bổ sung thêm vào khẩu phần các loại thuốc bổ như ADE, Bcomplex, đường gluco… để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.

+ Cho vật nuôi uống đủ nước sạch, những ngày rét đậm, rét hại cho trâu, bò uống nước ấm có pha muối với lượng 5gam/100kg thể trọng.

- Trong những ngày mưa rét, người nuôi trâu, bò thực hiện thả muộn về sớm, khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 13°C, nhốt trâu, bò, gia cầm tại chuồng để chăm sóc, giữ ấm.

- Tiến hành sưởi ấm cho vật nuôi bằng đèn sưởi, củi, trấu, vải bạt…trong những ngày mưa rét.

- Thường xuyên vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh; định kỳ 10 ngày phun thuốc tiêu độc môi trường để tiêu diệt mầm bệnh.

- Thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi, kiểm dịch động vật theo hướng dẫn của nhân viên thú y phụ trách địa bàn.

2. Khi có dịch bệnh xảy ra hoặc thiệt hại trong chăn nuôi do mưa rét, kịp thời thông tin về UBND xã hoặc phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp để có hướng dẫn xử lý kịp thời.

3. Rà soát, tổ chức tiêm phòng triệt để các loại vắc xin cho gia gia súc, gia cầm trong diện tiêm; làm tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật và sản phẩm động vật. Tổ chức triển khai tốt công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh để phát hiện kịp thời và hướng dẫn xử lý không để lây lan ra diện rộng. Đặc biệt hiện nay trên địa bàn thôn Nam Giảng đã xảy ra bệnh lở mồm long móng trên đàn Trâu của 18 hộ dân. UBND xã yêu cầu các hộ chăn nuôi Trâu, bò đang bị dịch LMLM xảy ra phải thực hiện nghiêm việc nuôi nhốt tại chuồng, đồng thời phải thực hiện phun hóa chất khử trùng, rãi vôi tiêu độc chuồng nuôi. Gia đình chủ động cung cấp thức ăn thô, tinh, bổ sung chất dinh dưỡng cho trâu, bò.

Trần Thị Lữ - Công chức VPUBND
Các tin khác
Xem tin theo ngày