Giấy tờ nào thay thế giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với chức danh luật sư khi luật sư muốn trở thành công chứng viên
Ngày cập nhật 04/08/2021

Trên thực tế, nhiều trường hợp luật sư muốn chuyển sang tham gia hành nghề công chứng. Để trở thành công chứng viên thì phải đáp ứng những điều kiện theo quy định của Luật Công chứng. Đối với luật sư có giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, trong đó giao kết hợp đồng lao động với tổ chức hành nghề luật sư là giao kết hợp đồng lao động thứ hai thì gặp “vướng” khi cung cấp giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là “Chứng chỉ hành nghề luật sư, Thẻ luật sư, ...kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với các chức danh này”.

Luật sư đã hành nghề 5 năm trở lên thuộc trường hợp được miễn đào tạo nghề công chứng

Theo quy định của Luật Công chứng năm 2014, để trở thành công chứng viên phải có điều kiện: công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên: 1. Có bằng cử nhân luật; 2. Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật; 3. Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng; 4. Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; 5. Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng (Điều 8).

Trong đó, những người sau đây được miễn đào tạo nghề công chứng: a) Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên; b) Luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên; c) Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật; d) Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật. Người được miễn đào tạo nghề công chứng phải tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên. Thời gian bồi dưỡng nghề công chứng là 03 tháng. Người hoàn thành khóa bồi dưỡng được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng (Điều 10).

Như vậy, luật sư đã hành nghề 5 năm trở lên thuộc trường hợp được miễn đào tạo nghề công chứng và phải tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng trong thời gian 3 tháng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên.

2. Giấy tờ chứng minh người được min đào tạo nghề công chứng và giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng, giấy tờ chứng minh người được miễn đào tạo nghề công chứng theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật Công chứng là một trong các giấy tờ sau đây:

- Quyết định bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên hoặc Giấy chứng minh thẩm phán, Giấy chứng minh kiểm sát viên, Giấy chứng nhận điều tra viên kèm theo giấy tờ chứng minh đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên;

- Quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư chuyên ngành luật, Bằng tiến sĩ luật; trường hợp Bằng tiến sĩ luật được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thì phải được công nhận văn bằng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Quyết định bổ nhiệm thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật;

- Chứng chỉ hành nghề luật sư và Thẻ luật sư kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian hành nghề luật sư từ 05 năm trở lên;

- Các giấy tờ khác chứng minh là người được miễn đào tạo nghề công chứng theo quy định của pháp luật.

Các giấy tờ quy định tại khoản này là bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu.

Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 01/2021/TT-BTP quy định giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Công chứng là một hoặc một số giấy tờ sau đây:

- Các giấy tờ: Quyết định bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên hoặc Giấy chứng minh thẩm phán, Giấy chứng minh kiểm sát viên, Giấy chứng nhận điều tra viên kèm theo giấy tờ chứng minh đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên;

Quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư chuyên ngành luật, Bằng tiến sĩ luật; trường hợp Bằng tiến sĩ luật được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thì phải được công nhận văn bằng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

 Quyết định bổ nhiệm thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật;

 - Quyết định tuyển dụng, quyết định luân chuyển, điều động, hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với vị trí công tác pháp luật được tuyển dụng hoặc ký hợp đồng;

- Chứng chỉ hành nghề luật sư, Thẻ luật sư, Chứng chỉ hành nghề đấu giá, Chứng chỉ hành nghề quản tài viên, quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với các chức danh này;

- Các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh thời gian công tác pháp luật.

3. Luật sư đưọc giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động

Điều 10 Luật Luật sư năm 2006 quy định về tiêu chuẩn luật sư là “Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư”.

Điều 11 quy định điều kiện hành nghề luật sư “Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư”.

Điều 23 Luật luật sư năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định Luật sư được lựa chọn một trong hai hình thức hành nghề sau đây: 1. Hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư được thực hiện bằng việc thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư;làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư; 2. Hành nghề với tư cách cá nhân theo quy định tại Điều 49 của Luật này.”

Ngoài ra, trong Điều 9 Luật luật sư năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định 10 nhóm hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, không quy định nghiêm cấm luật sự tham gia giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động.

Như vậy, luật sư được giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động

4. Quy định về đóng bảo hiểm xã hội

Khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: “4. Người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật này mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên”.

5. Giấy tờ nào chứng minh thời gian công tác pháp luật của luật sư khi tham gia giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động?

Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 3 Thông tư số 01/2021/TT-BTP thì giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật của luật sư là “Chứng chỉ hành nghề luật sư, Thẻ luật sư, ... kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với các chức danh này”.

Tuy nhiên, khi luật sư giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, trong đó hợp đồng lao động đầu tiên không phải với chức danh là luật sư, hợp đồng lao động thứ hai thì với chức danh là luật sư. Theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, chỉ đóng bảo hiểm xã hội với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên, nghĩa là hợp đồng lao động không phải với chức danh luật sư.

Như vậy, luật sư không thể có giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với các chức danh luật sư nếu giao kết hợp đồng lao động với tổ chức hành nghề luật sư là giao kết hợp đồng lao động thứ hai mặc dù trên thực tế có tham gia hoạt động luật sư.

6. Đề xuất “gỡ vướng”

Để “gỡ vướng” trong trường hợp trên, kiến nghị xem xét một số vấn đề như sau:

a) Không quy định giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật của luật sư là “Chứng chỉ hành nghề luật sư, Thẻ luật sư, ... kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với các chức danh này” vì theo quy định tại Điều 10 Luật Công chứng năm 2014, Luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên được miễn đào tạo nghề công chứng. Quy định này tương ứng với một trong những điều kiện để trở thành công chứng viên theo quy định tại Điều 8 Luật Công chứng năm 2014, đó là “Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật”.

Như vậy, để được miễn đào tạo nghề công chứng và phải tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên, luật sư đã đáp ứng được điều kiện “Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật”. Do đó, khi xét điều kiện để trở thành công chứng viên đối với luật sư thì không cần yêu cầu chứng minh thêm điều kiện nêu trên.

b) Một số giấy tờ thay thế

- Điểm d khoản 2 Điều 3 Thông tư số 01/2021/TT-BTPquy định giấy tờ chứng minh người được miễn đào tạo nghề công chứng đối với luật sư là “Chứng chỉ hành nghề luật sư và Thẻ luật sư kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian hành nghề luật sư từ 05 năm trở lên”.

Điểm d khoản 3 Điều 3 Thông tư số 01/2021/TT-BTPquy định giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật là “Các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh thời gian công tác pháp luật”.

-  Điều 43 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 và điểm đ khoản 1 Điều 2 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc quy định đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 1 Điều 2 và người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật bảo hiểm xã hội. Trong đó bao gồm người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên và người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng. Không bao gồm người lao động là người giúp việc gia đình.

Trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã giao kết nếu người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

- Điều 40 và 49 Luật Luật sư năm 2006 (được sửa đổi theo khoản 17 và khoản 19 Điều 1 của Luật số 20/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư), quy định tổ chức hành nghề luật sư có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình, Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân phải mua bảo hiểm trách nhiệm cho hoạt động hành nghề của mình theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

- Hoạt động luật sư còn được thể hiện trên thực tế với các hoạt động hành nghề luật sư trong phạm vi theo quy định tại Điều 22 Luật Luật sư năm 2006, cụ thể: “1. Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự. 2. Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật. 3. Thực hiện tư vấn pháp luật. 4. Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật. 5. Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật này”.

Từ các căn cứ nêu trên, cơ quan chức năng quy định cụ thể về một số giấy tờ sau đây để chứng minh về thời gian hành nghề luật sư thay giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với chức danh nghề nghiệp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 3 Thông tư số 01/2021/TT-BTP:

- Giấy tờ liên quan đến đến đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hợp đồng giao kết với tổ chức hành nghề luật sư (nếu có giao kết hợp đồng lao động với tổ chức hành nghề luật sư).

- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật.

- Các giấy tờ liên quan trong hoạt động tố tụng, tư vấn pháp luật thể hiện sự tham gia của luật sư.

 

stp.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày