Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID- 19 khi các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam liên tục ghi nhận rất nhiều ca dương tính cộng đồng, ảnh hưởng nguồn cung thực phẩm cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Vì vậy, đảm bảo nguồn cung thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu, đồng thời xây dựng kịch bản khi các siêu thị, chợ truyền thống xuất hiện F0 được các DN, Ban Quản lý các chợ ở TP Huế triển khai với mục tiêu vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo đủ hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Thành phố Huế hiện có 3 siêu thị quy mô lớn, gồm Big C, Co.opMart, VinMart và hàng chục chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích cung cấp lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại các cơ sở cách ly tập trung và sinh hoạt của người dân. Vì vậy, nếu các địa điểm này xuất hiện các trường hợp F0, thì nguồn cung thực phẩm sẽ bị ảnh hưởng.
Theo Quản lý Siêu thị VinMart – bà Võ Thị Bích Lai, với lưu lượng hàng ngàn lượt khách đến siêu thị mua sắm mỗi ngày, nên đơn vị đã triển khai các cuộc họp lên phương án “3 tại chỗ” khi siêu thị xuất hiện F0, trong đó yêu cầu nhân viên không thuộc các F cùng ăn, cùng ở và làm việc tại chỗ, đảm bảo vẫn mở cửa siêu thị, song đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng khi đến mua sắm. Đồng thời tăng cường các hoạt động bán hàng Online, dịch vụ “đi chợ giùm bạn” và tổ chức các điểm bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu của người dân, hạn chế tập trung đông người.
Siêu thị Co.opMart Huế tăng cường đội ngũ bán hàng Online phục vụ nhu cầu mua sắm trực tuyến của khách hàng
Đối với phương án giữ chặt “cửa” siêu thị và xây dựng kịch bản khi siêu thị có ca F0, đại diện Big C Huế cho biết đã tăng cường các biện pháp phòng dịch ngay từ khâu vận chuyển hàng hoá, trong đó đơn vị đã xây dựng phòng cách ly tại bãi tập kết hàng hoá để bố trí cho các tài xế vận chuyển hàng từ các vùng có dịch về Huế cách ly nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh cho nhân viên và cộng đồng; đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch trong và ngoài khuôn viên siêu thị.
Phương án nếu siêu thị có F0, đơn vị sẽ đóng cửa tạm thời để truy vết, sau đó yêu cầu các nhà cung cấp bố trí nhân sự hỗ trợ công tác bán hàng thay thế nhân viên của Big C thuộc nhóm F1, F2; đồng thời tăng cường hoạt động bán hàng Online, lên đơn qua mạng hỗ trợ khách hàng nhằm giảm thiểu số lượng khách hàng đến siêu thị.
Qua khảo sát số lượng hàng hóa dự trữ tại các siêu thị và chợ truyền thống trên địa bàn TP. Huế, các đơn vị cam kết đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định. Tăng cường phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu, lực lượng lao động dự phòng thay thế trong trường hợp các đơn vị bị cách ly, phong tỏa. Đặc biệt, trong tình huống khẩn cấp các Siêu thị Co.opMart, Big C, VinMart có thể tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động để phục vụ người dân trên địa bàn với sự hỗ trợ từ đội xe gồm 20 chiếc của Công ty TNHH Thái Đông Anh.
Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế - ông Nguyễn Thanh cho rằng, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID- 19 trên cả nước, các siêu thị tiếp tục tăng cường lượng dự trữ đối với hàng hóa thiết yếu và chủ động tìm kiếm thêm các nguồn hàng mới (quan tâm nguồn hàng trên địa bàn tỉnh), chú ý phương thức bán hàng trực tuyến nhằm tạo điều kiện cho khách hàng mua sắm trong hoàn cảnh tránh tụ tập đông người như khuyến cáo của ngành y tế; đồng xây dựng phương án đảm bảo hoạt động các quầy hàng thiết yếu trong trường hợp chợ, siêu thị có các ca lây nhiễm COVID-19.
Hiện, một số DN đang dự trữ lượng hàng hóa lớn từ các nguồn sản xuất, như Công ty CP Lương thực Thừa Thiên Huế 200 tấn gạo; Công ty CP Tân Long - Chi nhánh Huế 100 tấn gạo; Siêu thị CooMart Huế 10 tấn gạo, 2.500 thùng, 2.000 lít dầu ăn, 3.000 lon đồ hộp các loai; Công ty CP Dệt may Huế có khoảng 100.000 cái khẩu trang vải kháng khuẩn… để đáp ứng nhu cầu người dân trên địa bàn.