QUYẾT ĐỊNH QUY ĐỊNH VỀ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT
Ngày cập nhật 05/08/2021

Ngày 22 tháng 7 năm 2021 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/2021/Q Đ-TTg  Quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

2. Quyết định này áp dụng đối với xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện

1. Lấy người dân làm trung tâm trong việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

2. Bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, công bằng, đúng quy định pháp luật.

3. Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường dân chủ ở cơ sở, vận động Nhân dân thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Điều 3. Tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

1. Tiêu chí 1: Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn

a) Chỉ tiêu 1: Ban hành đầy đủ, đúng quy định pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan có thẩm quyền giao;

b) Chỉ tiêu 2: Ban hành đúng quy định pháp luật các văn bản hành chính có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân.

2. Tiêu chí 2: Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật

a) Chỉ tiêu 1: Công khai các thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin và thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

b) Chỉ tiêu 2: Cung cấp thông tin theo yêu cầu kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin;

c) Chỉ tiêu 3: Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật;

d) Chỉ tiêu 4: Triển khai các hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở;

đ) Chỉ tiêu 5: Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho tuyên truyền viên pháp luật theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật;

e) Chỉ tiêu 6: Bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.

3. Tiêu chí 3: Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý

a) Chỉ tiêu 1: Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở được hòa giải kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở;

b) Chỉ tiêu 2: Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở;

c) Chỉ tiêu 3: Thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý theo đúng quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý.

4. Tiêu chí 4: Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn

a) Chỉ tiêu 1: Tổ chức trao đổi, đối thoại với Nhân dân theo đúng quy định pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương;

b) Chỉ tiêu 2: Tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định trực tiếp các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

c) Chỉ tiêu 3: Tổ chức để Nhân dân bàn, biểu quyết các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

d) Chỉ tiêu 4: Tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

đ) Chỉ tiêu 5: Tổ chức để Nhân dân trực tiếp hoặc thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

5. Tiêu chí 5: Tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội

a) Chỉ tiêu 1: Tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo;

b) Chỉ tiêu 2: Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính;

c) Chỉ tiêu 3: Không có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Chỉ tiêu 4: Đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” theo đúng quy định pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

6. Tổng số điểm tối đa của các tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là 100 điểm. Bộ Tư pháp hướng dẫn nội dung, điểm số và cách tính điểm của các tiêu chí, chỉ tiêu quy định tại Điều này.

Điều 4. Điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên;

2. Tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên;

3. Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 5. Trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

1. Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện hàng năm, tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm đánh giá.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã tự chấm điểm, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; niêm yết công khai kết quả tự chấm điểm, đánh giá; gửi hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đến Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) trước ngày 10 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật để tư vấn, thẩm định giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định công nhận và công bố xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Cổng (hoặc Trang) thông tin điện tử của cấp huyện trước ngày 10 tháng 02 của năm liền kề sau năm đánh giá.

4. Hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bao gồm:

a) Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

b) Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu;

c) Bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của tổ chức, cá nhân về kết quả tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu (nếu có);

d) Văn bản đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

đ) Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

5. Bộ Tư pháp hướng dẫn quy trình, biểu mẫu, tài liệu phục vụ việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật.

Điều 6. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức

1. Bộ Tư pháp

a) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Quyết định này trong phạm vi cả nước; hàng năm, tổng hợp kết quả đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi, kiểm tra, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, chỉ đạo xử lý vi phạm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương theo thẩm quyền trong việc thực hiện Quyết định này;

c) Căn cứ điều kiện thực tế và kết quả xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong phạm vi cả nước, lựa chọn địa phương để tổ chức thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân về hiệu quả xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

d) Xây dựng tài liệu, tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; xây dựng, quản lý, vận hành phần mềm đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong phạm vi cả nước;

đ) Sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp theo dõi, kiểm tra, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc trách nhiệm và phạm vi quản lý.

3. Đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức giám sát việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; phối hợp với Bộ Tư pháp theo dõi, kiểm tra, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong việc thực hiện tiêu chí thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh)

a) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Quyết định này tại địa phương; phân công cơ quan chuyên môn làm đầu mối theo dõi, tham mưu thực hiện; bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

b) Căn cứ kết quả thực tế của việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm, chỉ đạo các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

c) Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hoặc việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật không đúng quy định pháp luật;

d) Sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương;

đ) Hàng năm, tổng hợp, báo cáo Bộ Tư pháp về kết quả đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, các giải pháp bảo đảm tính thực chất, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao và tổ chức kiểm tra, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong thực hiện Quyết định này tại địa phương.

Điều 7. Kinh phí thực hiện

1. Kinh phí thực hiện Quyết định này được bố trí trong dự toán chi ngân sách thường xuyên hàng năm của các cơ quan, tổ chức liên quan và các địa phương theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tập trung bố trí kinh phí hỗ trợ xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã thuộc các huyện nghèo trong triển khai thực hiện Quyết định này từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp hỗ trợ các hoạt động liên quan đến việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

2. Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

3. Việc tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021 tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Văn Thị Phương - Cán bộ Tư pháp
Các tin khác
Xem tin theo ngày