Cụ thể, tại Công điện 1068/CĐ-TTg ngày 5/8/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành tăng cường và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.
Trong đó, về điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong: Chuẩn bị các phương án cao nhất có thể cho điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất; hoàn thành, đưa vào sử dụng nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều trị theo mô hình tháp nhiều tầng của Bộ Y tế; tổ chức tốt việc quản lý, điều phối các nguồn lực để kịp thời tiếp nhận, điều trị người nhiễm COVID-19 nhằm giảm tỷ lệ diễn biến nặng hơn ở tất cả các tầng trong đó đặc biệt lưu ý phân biệt những người bị nhiễm chưa có triệu chứng với những người có triệu chứng (bệnh nhân) để tổ chức quản lý, theo dõi và trợ giúp y tế phù hợp, giảm tỷ lệ người chưa có triệu chứng diễn biến thành có triệu chứng; chủ động nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, kể cả huy động nguồn lực y tế của các ngành và tư nhân.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine; tổ chức nhiều điểm tiêm cố định và lưu động, tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn, hiệu quả cho người được tiêm; tiêm ngay cho lực lượng y tế, người làm nhiệm vụ tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền và thứ tự ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chuẩn bị đầy đủ hệ thống kho bảo quản vaccine. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định đối tượng được ưu tiên tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn.
* Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 5256/VPCP-KGVX ngày 1/8/2021 để tiếp tục ưu tiên cấp tiếp vaccine phòng COVID-19 cho TPHCM và các tỉnh phía nam; xây dựng phương án phân bổ đối với các lô vaccine tiếp theo.
* Tại văn bản hỏa tốc số 5258/VPCP-KGVX ngày 1/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chủ động, khẩn trương hơn nữa trong việc chỉ đạo tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực điều trị, hồi sức cấp cứu trên phạm vi cả nước; căn cứ yêu cầu và khả năng đáp ứng chung trên bình diện toàn quốc, triển khai ngay phương án điều động, chi viện kịp thời cho các địa phương đang có nhiều ca lây nhiễm, bệnh nặng.
* Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có công văn phân công các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19.
* Công văn 5312/VPCP- KGVX nêu rõ, qua phân tích dịch tễ ở nhiều địa phương, tình trạng lây nhiễm COVID-19 qua hệ thống phân phối rất đáng báo động, là một trong những nguy cơ lớn có thể làm bùng phát dịch trên diện rộng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải rà soát lại các quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối với hệ thống chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng, siêu thị… (đặc biệt ở các khu đô thị có đông dân cư); có chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với tình hình mới.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đảm bảo tổ chức, vận hành hệ thống chợ, siêu thị an toàn. Đối với các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cần chú trọng tổ chức các điểm phân phối ngoài không gian mở, đảm bảo khoảng cách tiếp xúc.
* Công văn 5366/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải, trong đó giao Bộ Y tế nghiên cứu xem xét kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người điều khiển phương tiện, người tham gia vận chuyển hàng hóa.
* Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định 1376/QĐ-TTg ngày 1/8/2021 bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế số tiền 5.100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để mua vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất, thuốc phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
* Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sớm xem xét và quyết định việc điều chỉnh giảm giá cước viễn thông để hỗ trợ cho các khách hàng đang sử dụng dịch vụ, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, kéo dài như hiện nay; yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xem xét, điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Năm 2022, tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi tối thiểu 15%
Theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 5/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả thực hiện và đổi mới cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, từ năm 2021 cho tới khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, tiếp tục thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Đối với dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2021, thực hiện tiết kiệm chi tối thiểu 15% so với dự toán được giao năm 2020. Đối với dự toán năm 2022, tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi tối thiểu 15% so với dự toán năm 2021 (ngoài chi lương, các khoản đóng góp theo lương theo chế độ quy định) để tiết kiệm chi hoặc tăng thu ngân sách Nhà nước.
Hoàn thiện Nghị quyết miễn, giảm thuế cho DN, người dân chịu tác động của dịch COVID-19
Tại Thông báo 209/TB-VPCP ngày 5/8/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, nhất là các nội dung nêu trên, tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, gửi Bộ Tư pháp để thẩm định chậm nhất trong ngày 6/8/2021 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Phát triển lâm nghiệp thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại
Chính phủ ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 5/8/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản.
Từ 1/8, áp dụng quy định mới về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo
Theo Nghị định 77/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo có hiệu lực từ ngày 1/8/2021, nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai
Chính phủ ban hành Nghị định 78/2021/NĐ-CP thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai; trong đó quy định cụ thể về thành lập và quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai, nguồn tài chính, nội dung chi, đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp, quy trình điều tiết, công khai thông tin và thanh quyết toán Quỹ phòng, chống thiên tai.
Thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án thí điểm tách GPMB, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư
Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư (Tổ công tác). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Tổ trưởng Tổ công tác.
Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc xây dựng Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, rà soát, tổng hợp các căn cứ, luận cứ, làm rõ sự cần thiết, đánh giá tác động chính sách; kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư…