Cảm kích hai chữ “quê hương”
Ngày cập nhật 10/08/2021

(Chinhphu.vn) - Trong những ngày này, Hội đồng hương các tỉnh, thành phố tại TPHCM vẫn tiếp tục khởi xướng nhiều hoạt động ý nghĩa để chăm lo cho bà con xa quê. Với tinh thần “tương thân tương ái”, đến nay đã có hàng chục nghìn người được hỗ trợ.

 

Dòng họ Vũ - Võ Phương Nam tại TPHCM và các tỉnh, thành phố đã trao hàng tấn nhu yếu phẩm cho bà con trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Giúp bà con đồng hương an tâm ở lại Thành phố

Từ tháng 5 đến nay, gia đình chị Trần Thị Minh, quê Cẩm Xuyên phải chắt bóp chi tiêu để bám trụ lại Thành phố trong mùa dịch, bữa cơm của vợ chồng chị và đứa con gái 11 tuổi bị khiếm thính chỉ gói gọn trong vài nguyên liệu đơn giản như trứng, rau…

Khi nhận được quà hỗ trợ của Hội Đồng hương (HĐH), chị Minh xúc động: “Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi nhận được những phần quà như vậy, tôi rất biết ơn HĐH Cẩm Xuyên và bà con Hà Tĩnh. Tôi sẽ cố gắng để vượt qua khó khăn trong mùa dịch”.

Hiện tại hai vợ chồng chị Minh đều thất nghiệp nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Trung bình mỗi tháng, gia đình chị phải chi trả hơn 3 triệu đồng tiền phòng và các chi phí khác.

Nhiều bà con xa quê đã an tâm ở lại TPHCM vì được HĐH hỗ trợ trong mùa dịch. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình chị Nguyễn Thị Sơn (ngụ huyện Củ Chi) cũng rơi vào cảnh chật vật vì COVID-19. Chồng chị Sơn làm nghề tự do nhưng do ảnh hưởng của dịch nên bị thất nghiệp, hiện tại mọi chi phí trong gia đình đều do một tay chị Sơn lo liệu.

“Quê tôi ở Cẩm Lộc, Cẩm Xuyên, tôi vào Sài Gòn đến nay được khoảng 10 năm. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh dịch bệnh nặng nề như vậy. Gia đình tôi mấy tháng nay sống cầm cự vì rất khó khăn, may mắn có HĐH hỗ trợ nên tôi càng yên tâm ở lại trong mùa dịch”, chị Sơn nói.

Còn đối với Nguyễn Thị Hồng Anh (quê Kiên Giang), dù gia đình có khuyên về quê để tránh dịch nhưng cô vẫn quyết định ở lại TPHCM để đảm bảo an toàn cho bản thân và hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

“Tôi làm việc online từ đầu tháng 6, dù cuộc sống ở trọ gặp khó khăn nhưng tôi vẫn muốn ở lại vì thêm một người về quê sẽ thêm gánh nặng cho quê hương. Bản thân tôi luôn chú trọng “5K” khi ở nhà và lúc ra đường”, Hồng Anh chia sẻ.

Dù dịch bệnh khắc nghiệt nhưng hiện gia đình chị Minh, chị Sơn và nhiều bà con xa quê khác vẫn an tâm ở lại vì họ tin rằng đã có HĐH, các tổ chức, đoàn thể trong xã hội bên cạnh tiếp sức, giúp họ vượt qua mọi khó khăn.

Chủ tịch HĐH huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tỉnh, ông Trần Đại Ngoại trao quà cho người dân khó khăn. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Các hội đồng hương “chia lửa” cùng TPHCM

Chủ tịch HĐH huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tỉnh, ông Trần Đại Ngoạn cho biết, với tinh thần “Vì miền Nam thân yêu”, từ ngày 20/7 đến nay, HĐH đã tiếp nhận hơn 30 tấn hàng (gồm các nhu yếu phẩm như gạo, rau củ quả, cá khô…) của bà con huyện Cẩm Xuyên gửi vào để hỗ trợ người dân TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, nhất là bà con trong các khu phong tỏa, khu công nhân khó khăn.

Đến nay đã có hơn 2.000 người được nhận quà từ HĐH, trong đó có hơn 500 gia đình công nhân nghèo, bị tác động bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, HĐH cũng thay mặt huyện Cẩm Xuyên bàn giao cho TPHCM hơn 20 tấn hàng để trao quà cho bà con nghèo, gia đình chính sách…

Đối với những công nhân mất việc, bà con xa quê gặp khó khăn, Hội đã rà soát, lập danh sách và đề nghị Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TPHCM hỗ trợ tiền mặt (gói 2 tỷ đồng). Đây là nguồn đóng góp của các doanh nhân thuộc Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh và các nhà hảo tâm...

Về công tác hỗ trợ bà con về quê trước đó, HĐH thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh. Trong đợt 1, HĐH tổ chức cho hơn 80 đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ em, học sinh sinh viên về quê bằng tàu hỏa miễn phí. Đối với hơn 2.000 người có nhu cầu về quê, HĐH đang kiến nghị lên tỉnh Hà Tĩnh, TPHCM để đưa bà con về có tổ chức, đảm bảo phương châm “5K”.

Với HĐH tỉnh Kiên Giang tại TPHCM, anh Phạm Ngọc Nha - Phó Chủ tịch Hội cho biết, Hội tiếp nhận hơn 5.000 lượt đăng ký về quê của bà con Kiên Giang đang công tác, học tập, lao động tại TPHCM. Dự kiến ngày 10/8 sẽ đón đối tượng hoc sinh, sinh viên về quê trước. Toàn bộ kinh phí do tỉnh tài trợ miễn phí. Đối với những bà con có nhu cầu cách ly riêng thì sẽ bố trí cách ly có trả phí. Song song với đó, Hội cũng vận động nhiều doanh nghiệp của tỉnh Kiên Giang, các 'mạnh thường quân' đóng góp để chăm lo cho bà con khó khăn đang đang ở tại TPHCM.

“Ngay từ đầu, HĐH khuyến cáo bà con không về quê theo hình thức tự phát mà sẽ đăng ký thông qua HĐH tỉnh để đảm bảo an toàn trong mùa dịch”, ông Nha nhấn mạnh.

Ngoài bà con đồng hương, nhiều hội đồng hương còn tham gia hỗ trợ bà con khó khăn trong khu phong tỏa trên địa bàn TPHCM. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Dịp này, HĐH tỉnh Quảng Nam tại TPHCM cũng tổ chức nhiều chuyến ô tô và 2 chuyến máy bay miễn phí để đưa bà con có nguyện vọng về quê tránh dịch. Trong đó, ưu tiên những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, vào chữa bệnh, sinh viên nghèo và lao động thất nghiệp, không có nơi ở…

Đến thời điểm này, Quảng Nam đã đón hơn 2.000 người dân về quê.  “Chúng tôi đứng ra kêu gọi, những người nào muốn về sẽ tổ chức đưa về để đảm bảo an toàn. Đối với những bà con ở lại Thành phố, Hội Doanh nhân Quảng Nam và HĐH có nhiều chính sách để chăm lo cho người dân khó khăn, nhất là người dân trong các khu phong tỏa”, ông Phan Ngọc Lương, thành viên Hội Doanh nhân Quảng Nam tại TPHCM, đại diện  bà con Hội An tại TPHCM chia sẻ.

Nguyễn Kim

 

 

chinhphu.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày