Trước yêu cầu này, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn xung quanh nội dung: Bộ Y tế sẽ hỗ trợ nhân lực, vật lực như thế nào để giúp TPHCM triển khai kịp thời xét nghiệm toàn TP trong thời gian giãn cách.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Bộ Y tế sẽ là cơ quan hỗ trợ TPHCM để xét nghiệm diện rộng COVID-19 toàn TP. Đến nay, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch rất chi tiết với Sở Y tế TPHCM về nội dung này. Việc xét nghiệm diện rộng trên toàn TP đã bắt đầu triển khai.
Đối với nguồn nhân lực thực hiện yêu cầu này, chúng tôi tận dụng nguồn nhân lực của TP và các lực lượng hỗ trợ của Trung ương, đồng thời phối hợp việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà.
Hiện nay, nhân lực tại TP đảm bảo đủ để thực hiện xét nghiệm diện rộng toàn TP, bao gồm các tổ dân phố đủ điều kiện để hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Sau đó, tổ hỗ trợ giám sát xét nghiệm sẽ đọc gửi kết quả và ghi nhận kết quả đó, để báo cáo.
Chiều nay (22/8), trên địa bàn TP đã triển khai việc người dân tự lấy mẫu tại một số tổ dân phố.
Có thể việc triển khai lúc đầu sẽ hơi chậm, do công tác tập huấn cũng như hướng dẫn người dân. Tuy nhiên, sau hôm nay, công tác lấy mẫu xét nghiệm sẽ rất nhanh.
Nhân lực đã đảm bảo đủ, vậy còn test xét nghiệm để TP triển khai xét nghiệm diện rộng có gặp khó khăn gì không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Về test xét nghiệm thì TP đã chuẩn bị tương đối đầy đủ cho đợt xét nghiệm diện rộng đầu tiên, khoảng 5 triệu test nhanh; các hệ thống xét nghiệm RT-PCR đảm bảo khoảng 30.000 mẫu xét nghiệm cho đến thời điểm này; thêm 10 xe xét nghiệm lưu động của Bộ Y tế điều động vào TP…
Tôi nghĩ, với sự chuẩn bị như vậy, tương đối đầy đủ để thực hiện xét nghiệm diện rộng toàn TP, bao gồm cả xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp trên diện rộng đối với các khu vực thuộc vùng an toàn của TP.
Hiện nay, TP đã bắt đầu tiến hành xét nghiệm diện rộng toàn TP đợt đầu tiên. Dự kiến, hoạt động này sẽ kết thúc vào ngày 25/8. Từ sau ngày 25/8, chúng tôi sẽ vẽ lại bản đồ phân vùng theo mức độ nguy cơ. Vì sau khi xét nghiệm sẽ bộc lộ ra những vùng đổi màu, có thể từ vùng xanh (vùng an toàn) chuyển thành vùng vàng (vùng có khả năng lây nhiễm COVID-19 lớn), hoặc vùng vàng chuyển thành vùng cam (vùng có nguy cơ cao), vùng cam chuyển thành vùng đỏ (vùng có nguy cơ rất cao) hoặc ngược lại.
Sau khi vẽ lại bản đồ, chúng tôi sẽ cùng TP tiếp tục kế hoạch xét nghiệm. Đối với vùng đỏ sẽ xét nghiệm 48 giờ/lần, vùng cam sẽ xét nghiệm 72 giờ/lần. Còn đối với vùng vàng, vùng xanh thì vẫn làm như hiện nay, là thực hiện xét nghiệm mẫu gộp RT-PCR cho 5-10 người dân.
Khi tiến hành xét nghiệm diện rộng toàn TP, thì ngành y tế cũng như người dân cần làm gì để tránh lây nhiễm chéo, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Chúng tôi phải tập huấn rất kỹ cho người lấy mẫu, đồng thời khuyến cáo người dân tự lấy mẫu là tốt nhất. Chính việc này sẽ giảm lây nhiễm chéo cao nhất.
Theo đó, nhân viên y tế sẽ đến từng hộ gia đình để hướng dẫn người dân lấy mẫu. Việc này rất đơn giản. Trước đó, nhân viên y tế gửi video hướng dẫn lấy mẫu cho người dân xem trước. Sau đó, phát que mẫu cho từng hộ gia đình và lấy lại mẫu để đưa vào lọ phản ứng.
Mỗi gia đình sẽ để bàn hoặc ghế trước cửa nhà, nhân viên y tế sẽ đi 1 vòng để đặt que mẫu và lấy mẫu. Khi có kết quả, nhân viên y tế sẽ thông báo lại cho gia đình.
Cảm ơn Thứ trưởng!