Thực hiện Quyết định số 193/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2020, số ca tử vong trên người giảm 64 ca; tổng số người đi điều trị dự phòng tăng 1,33 lần; trung bình tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm vắc xin dại trên phạm vi cả nước đạt 49,2%, tăng 10,7% so với trung bình của giai đoạn 2012-2016.
Hệ thống các điểm tiêm vắc xin phòng dại cho người đã được xây dựng và triển khai ở các huyện; xây dựng 13 vùng cấp huyện, 1 vùng cấp thành phố và 24 cơ sở cấp xã của 5 tỉnh đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại. Đến nay, ngành Thú y có 4 phòng thí nghiệm đủ năng lực, bảo đảm an toàn để xét nghiệm chính xác bệnh dại bằng phương pháp tiêu chuẩn.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trong những năm trở lại đây, tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh không xảy ra, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quản lý đàn chó nuôi và tiêm phòng vắc xin dại trên đàn chó mèo hàng năm (trên 85% tổng đàn chó mèo).
Hàng năm trước đợt tiêm phòng dại tỉnh đã phát sổ theo dõi đàn chó mèo và tiêm phòng vắc xin dại đến tận thôn, tổ dân phố. Trong sổ thể hiện đầy đủ các nội dung để quản lý đàn chó mèo như họ và tên hộ nuôi, địa chỉ, số lượng nuôi, đặc điểm chó mèo nuôi, số lượng tiêm phòng vắc xin dại. Nhân viên thú y cấp xã phối hợp với thôn trưởng, tổ trưởng dân phố triển khai quản lý chó nuôi và tiêm phòng vắc xin dại đến từng hộ nuôi chó mèo trên địa bàn qua đó tổng hợp số lượng hộ nuôi chó mèo (khoảng 58.000 hộ), số chó mèo được tiêm phòng Dại hàng năm (khoảng 55.000 liều).
Trong giai đoạn 2017-2021, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai tiêm phòng 273.635 liều vắc xin Dại (5 năm) đạt khoảng 84,8 % tổng đàn.
Hội nghị được kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành
Tại hội nghị, sau khi nghe đại diện của FAO trình bày chiến lược phòng, chống bệnh dại trên thế giới và bài học kinh nghiệm; đại diện Bộ NN&PTNT trình bày dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030, các đại biểu được nghe đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố đánh giá thực trạng về công tác phòng, chống bệnh dại tại địa phương, các biện pháp triển khai, đề xuất, kiến nghị phòng, chống bệnh dại trong giai đoạn tới.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định bệnh dại gây hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều lĩnh vực. Trong giai đoạn 2017 – 2021, về cơ bản tất cả các nội dung và giải pháp trong chương trình quốc gia đã được các cơ quan trung ương và địa phương tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, đạt nhiều kết quả nổi bật như không xuất hiện ổ dịch bệnh dại nghiêm trọng ở động vật; tỷ lệ đàn chó được tiêm phòng tăng; đã có nhiều vùng an toàn bệnh dại và số tỉnh có nguy cơ cao giảm... Với mục tiêu 2030 không còn ca tử vong do bệnh dại, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Y tế dự thảo Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 với các mục tiêu, giải pháp cụ thể. Đề nghị các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống bệnh dại; quan tâm hơn nữa để đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Cũng tại hội nghị, Bộ NN&PTNT đã tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng ngày thế giới phòng, chống bệnh dại.