Tiếp theo và hết: Đạt hiệu quả nhờ áp dụng linh hoạt các giải pháp
Ngày cập nhật 05/10/2021

(Chinhphu.vn) – Thực tiễn phòng chống dịch ở các địa phương vừa khẳng định sự đúng hướng của những giải pháp thời gian qua, vừa cung cấp những bài học, kinh nghiệm quý báu về phòng chống dịch trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, các điều kiện về kinh tế, nhân lực, vật lực, tài chính cho phòng chống dịch bị hạn chế.

Bài học số 1 là thần tốc xét nghiệm

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái nhận định thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, nhiều biện pháp mới, rất hiệu quả trong phòng chống dịch. 

Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động tại Bắc Giang - Ảnh: Báo Bắc Giang

Riêng Bắc Giang đã qua hơn 20 ngày không có dịch phát sinh trong cộng đồng. Nhờ phòng chống dịch tốt, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp căn bản đã quay trở lại hoạt động. Số công nhân đến ngày 1/10 tăng thêm 33.000 người so với trước khi có dịch. Thu hút đầu tư tăng 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch xuất khẩu 9 tháng bằng cả năm 2020. Bên cạnh đó, tình hình vẫn có những khó khăn như nguyên liệu nhập khẩu về khó, danh nghiệp xuất khẩu cũng khó khăn do dịch bệnh.

Bài học kinh nghiệm của Bắc Giang là chống dịch phải dựa vào nhân dân, dựa vào cơ sở, phát huy vai trò bí thư, chủ tịch xã, bí thư chi bộ; trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là người kiểm soát địa bàn, phát huy vai trò tổ COVID cộng đồng. Kiểm soát địa bàn có 2 yêu cầu, một là kiểm soát chặt nguồn lây bên ngoài và ngược lại; hai là kiểm soát chặt bên trong. “Xây dựng các chốt cứng, chốt mềm không thể giải quyết được vấn đề mà rất khó khăn trong lưu thông hàng hóa”, ông Thái chia sẻ.  

Bí thư Bắc Giang cho rằng, cùng với việc chuẩn bị 4 tại chỗ, đợt dịch thứ 4 có tốc độ lây lan lại nhanh nên phải tranh thủ giờ vàng, thời gian vàng, mục tiêu trong 1 tuần đầu là phải khoanh vùng dập dịch được ngay. Do từng tỉnh có những khó khăn về nhân lực, cho nên phải huy động sự hỗ trợ, chi viện từ các địa phương khác.

“Để chặn đầu dịch, phải thần tốc xét nghiệm nhanh hơn tốc độ lây lan. Đây là biện pháp nhanh nhất để dập dịch. Bài học số 1 là thần tốc xét nghiệm, thần tốc truy vết và huy động tổng lực trên tinh thần của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia: Huy động theo mệnh lệnh để hỗ trợ nhau”, ông Thái chia sẻ.

Cùng với đó, vaccine vẫn là vũ khí chiến lược lâu dài. Khi vaccine chưa đủ nhiều để phủ toàn dân thì phải tiến hành tiêm hiệu quả, khoa học. Chiến lược của Bắc Giang là ưu tiên tiêm cho công nhân trong khu công nghiệp và vùng đô thị. Ông Thái cũng đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh ứng công nghệ thông tin theo công thức “5K+ vaccine+thuốc+công nghệ + ý thức người dân”.

Chống dịch tốt là điều kiện để phát triển kinh tế

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết, toàn tỉnh đã ở trạng thái bình thường mới, 126/126 xã, phường ở mức nguy cơ thấp, hoạt động doanh nghiệp đã trở lại ở mức bình thường.

Thời gian qua, bình quân 1 tháng có khoảng 550 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp quay trở lại sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước; tới 1/10, các khu công nghiệp có 1.104/1.120 doanh nghiệp đã trở lại trạng thái bình thường với hơn 300.000 công nhân lao động. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm tăng 11,74%, xuất khẩu tăng 23,7%, thu ngân sách đạt 79,3%.

“Tỉnh đã khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong công tác phòng chống dịch, cho thấy trong hoạt động xét nghiệm có 96% hài lòng, trong vận chuyển hàng hóa là 84,8% hài lòng, bảo đảm lao động trong bối cảnh dịch bệnh là 88%...”, bà Lan cho biết.

Cũng theo Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh, các hướng dẫn mới đây của Bộ GTVT về công tác vận chuyển hàng hóa, của Bộ Y tế về xét nghiệm đã đề cập, tháo gỡ phần nào những vấn đề, vướng mắc thực tiễn ở địa phương mà cộng đồng doanh nghiệp, người dân rất mong muốn. Đây cũng là hai lĩnh vực còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng và làm tăng chi phí lớn của doanh nghiệp, kéo theo việc khôi phục sản xuất nhanh hay chậm.

Quy định mới của Bộ Y tế là không thực hiện xét nghiệm đối với người đã tiêm đủ liều vaccine (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng), hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng (nếu có, chỉ khuyến khích, không bắt buộc). Một doanh nghiệp với khoảng 30.000 công nhân lao động, nếu áp dụng quy định cũ về xét nghiệm, doanh nghiệp sẽ thực sự khó khăn.

Bà Lan cũng cho rằng, việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đòi hỏi sự thống nhất trong tổ chức thực hiện tại các địa phương, tránh tình trạng “vùng đỏ khoanh vùng để không lây nhiễm, vùng xanh thì lại khoanh vùng bảo vệ vùng xanh, thành ra chỗ nào cũng khoanh vùng, chỗ nào cũng vướng mắc”.

Dịch diễn biến phức tạp, cần linh hoạt, điều chỉnh ngay

Hà Nam là một trong những tỉnh có dịch bùng phát gần đây nhất, nhưng đang nỗ lực kiểm soát tốt nhờ cách làm linh hoạt. Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy cho biết, quan trọng nhất để khống chế nhanh dịch bệnh là thần tốc xét nghiệm và truy vết.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy theo dõi các hoạt động lấy mẫu xét nghiệm tại khu dân cư

“Chúng tôi thấy rằng việc truy vết cùng với xét nghiệm đi song song với nhau là vô cùng hiệu quả. Để có tổng lực trong việc xét nghiệm, nếu chỉ có lực lượng của tỉnh thì không thể làm được. Ngay trong đêm 21/9, Thủ tướng đã chỉ đạo Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội, Bộ Quốc phòng huy động lực lượng, hỗ trợ Hà Nam kịp thời, chúng tôi mới làm được điều đó”, bà Lê Thị Thủy cho biết.

Một điểm đặc biệt của Hà Nam là thực hiện giãn cách xã hội phạm vi hẹp nhất có thể, thay vì phong tỏa toàn bộ TP Phủ Lý như dự kiến ban đầu. Trước đây, 1 xã có hơn 3.000 hộ, 10.000 khẩu nếu có 3 ca mắc COVID-19 có thể cách ly toàn bộ xã, nhưng giờ đây chỉ cách ly 15 hộ với 62 khẩu. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng ngay trong đêm 21/9, Hà Nam đã ‘giải tỏa’ 68 xã chưa có F0 - vùng xanh và 1 phường. Ưu điểm rất lớn của khoanh vùng hẹp là có điều kiện đưa lương thực, thực phẩm đến tận từng gia đình, hạn chế lây lan.

Tính đến 1/10, tỉnh cũng tiến hành cách ly 2.600 F1 tại nhà, điều này phù hợp, hiệu quả với điều kiện tỉnh Hà Nam, khác với một số địa phương khác như Hà Nội. Người dân đồng tình với cách làm này, tiết kiệm tiền của, công sức, bảo đảm sức khỏe người dân.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thực tiễn của các đợt dịch rất khác nhau trên địa bàn Thủ đô, đòi hỏi phải rất nhanh chóng và điều chỉnh linh hoạt các biện pháp cho phù hợp.

Cụ thể, trong đợt dịch đầu tiên với biến chủng gốc, Hà Nội chỉ cần áp dụng các phương pháp “truyền thống” về khoanh vùng hẹp, quản lý chặt, xét nghiệm theo yêu cầu của nguy cơ dịch tễ, xét nghiệm theo công thức 4-6 (lấy mẫu trong 4h và trả trong 6h, tức là 10h), truy vết theo các chùm ca…

Trong đợt 2, Hà Nội có những chùm ca khác nhau, xuất hiện tại địa bàn đỏ (vùng nguy cơ cao) kết hợp với đối tượng đỏ (nguy cơ cao như shipper…), liên kết các chuỗi với nhau. Hà Nội tiếp tục truy vết theo chùm ca nhưng bắt đầu phải mở rộng truy vết theo đối tượng đỏ và địa bàn đỏ, tầm soát nhanh hơn và diện rộng hơn, công thức 4-6 không đáp ứng được nữa.

Tốc độ xét nghiệm, truy vết càng phải nhanh hơn nữa với biến chủng Delta, khi các ca nhiễm liên tục di chuyển như shipper, xe ôm, người bán hàng trong chợ…, lịch trình di chuyển và tiếp xúc rất phức tạp.

Cũng từ sàng lọc ngẫu nhiên, Hà Nội phát hiện ra ca bệnh tại Thanh Xuân Trung. Đây là ổ dịch cực kỳ phức tạp, phải mất 2 tháng, Thành phố mới kiểm soát được, sau khi có chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt, rốt ráo của Thủ tướng Chính phủ, với các biện pháp rất mạnh như di dời dân ra khỏi khu vực để giảm mật độ dân số.

Tuy vậy, vẫn có tới 600 ca nhiễm trong tổng số khoảng 1.800 nhân khẩu, gần 1.200 người phải di dời. “Chưa bao giờ hình dung độc lực của virus như thế, xâm nhập vào một gia đình là tất cả mọi người cùng nhà đều bị nhiễm”, Chủ tịch Chu Ngọc Anh cho biết.

Với sự hỗ trợ của Trung ương, các bộ ngành, các địa phương, Hà Nội đã nâng rất mạnh công suất xét nghiệm và tiêm chủng, từ tối đa 200.000 mẫu/ngày và 200.000 mũi tiêm/ngày lên cao nhất tới 700.000 mũi – 700.000 mẫu mỗi ngày, bảo đảm được tiến độ, tốc độ tiêm chủng, xét nghiệm.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhận định, Hà Nội vừa qua có giãn cách 3 đợt kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động kinh tế xã hội của Thành phố.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới giãn cách trong thời gian dài, như ý thức của một số người dân và do các biện pháp chưa tiến hành nghiêm túc, giãn cách còn chưa nghiêm… Về điều kiện của hệ thống y tế, hiện tỷ lệ giường bệnh cho 1 vạn dân của Hà Nội là 27,5 giường, do đó, việc đáp ứng y tế với một đại dịch là khó khăn.

“Từ bài học của một số địa phương, Hà Nội kiên định đưa biện pháp dự phòng lên đầu tiên, bên cạnh điều tra, truy vết, xét nghiệm tiêm chủng là những biện pháp rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch”, bà Hà cho biết.

Đặc biệt, Hà Nội đã thần tốc tiến hành chiến dịch tiêm chủng và xét nghiệm từ 8/9 đến 15/9. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 12 tỉnh thành phố đã chi viện gần 4.000 cán bộ y tế, Hà Nội huy động các lực lượng ngoài công lập, các bệnh viện Trung ương, học sinh, sinh viên ngành y…  cho chiến dịch này.

Tổng cộng, đã có 18.000 cán bộ y tế tham gia xét nghiệm tổng lực, không quản ngại ngày đêm, vận hành gần 2.000 dây chuyền xét nghiệm. Việc tiêm chủng được kích hoạt hết công  suất. Người dân tin tưởng, tự nguyện thực hiện công tác xét nghiệm, tiêm chủng trên tinh thần “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.

Nhờ thực hiện nghiêm túc những quy định của Bộ Y tế để xét nghiệm thần tốc, hiệu quả, quan trọng là khoanh vùng khống chế được dịch, sau ngày 15/9, Hà Nội đã từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, chuẩn bị tốt cho việc trở về trạng thái bình thường mới.

Nhóm PV

 

nguồn: http://baochinhphu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày