Công điện số 15 của Chủ tịch UBND tỉnh về ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn
Ngày cập nhật 07/10/2021
Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, gây mưa lớn trên đất liền

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Công điện số 15/CĐ-UBND về việc đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế; Thủ trưởng các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn

Thực hiện Công điện số 1311/CĐ-TTg ngày 06/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và để chủ động ứng phó với mưa lớn diện rộng kéo dài và ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão số 7, nguy cơ ngập úng cục bộ vùng trũng, khu đô thị, sạt lở vùng núi, vùng gò đồi, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của ATNĐ, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng (Đài truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (TRT), Hue-S, Facebook, Website của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh).

2. Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế có phương án đảm bảo an toàn cho các tàu hàng hải, neo đậu an toàn tại các cảng Thuận An, Chân Mây, tránh va trôi.

3. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế

- Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại công điện số 1107/CĐ-TTg ngày 31/8/2021 và Văn bản số 1100/TTg-NN ngày 23/8/2021, đặc biệt là phương án sơ tán đảm bảo an toàn theo phương châm “4 tại chỗ” trường hợp xảy ra bão, mưa, lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và đảm bảo phòng, chống dịch và an toàn thiên tai cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly; Công điện số 1311/CĐ-TTg ngày 06/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ; Công điện số 13/CĐ-TW ngày 05/10/2021 của Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban ƯPSCTT và TKCN về việc ứng phó với ATNĐ.

- Khẩn trương gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, các chốt trạm y tế, công sở, các khu công nghiệp; cắt tỉa cây xanh; đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh; đảm bảo an toàn hệ thống cần cẩu đang thi công; hệ thống thông tin liên lạc, các cột anten trên địa bàn. Chú ý các điều kiện an toàn, phòng chống tai nạn thương tích khi gia cố nhà ở, các công trình.

-  Rà soát, có phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm: Các vùng ven biển, cửa sông, ven sông ven sông suối; thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông; khu vực đèo Phú Gia, huyện Phú Lộc, khu vực A Lưới; sông Thượng Nhật huyện Nam Đông; sông Tả Trạch đoạn qua xã Thủy Bằng; sông Bồ đoạn qua xã Phong An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền; phường Hương Vân, phường Hương Văn thị xã Hương Trà; dọc các tuyến đường Quốc lộ 49 lên A Lưới, đường Hồ Chí Minh, đường tỉnh lộ 71 qua Phong Điền, đường tỉnh lộ 14 qua Nam Đông, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; khu vực ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng (và các vị trí có nguy cơ trượt lở đất đá, sạt lở bờ sông bờ biển trên địa bàn tỉnh trong nội dung Công văn số 266/PCTT ngày 06/10/2021 của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về việc cảnh báo các vị trí có nguy cơ trượt lở đất đá vùng đồi núi, sạt lở bờ sông bờ biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để các địa phương, đơn vị chủ động theo dõi, phòng ngừa và ứng phó với sự cố, thiên tai trong mùa mưa lũ, bão lụt từ ngày 06-12/10/2021) để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước.

- Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, ngăn chặn người đi vào rừng trong thời gian thiên tai, bão lũ; Bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại các khu vực ngầm tràn.

- Chỉ đạo các phòng ban chức năng, các địa phương rà soát các đối tượng dễ bị tổn thương: Trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn; Hướng dẫn người dân đảm bảo phòng, chống dịch Covid 19 và an toàn thiên tai tại các địa điểm sơ tán, khu cách ly, các chốt kiểm dịch.

- Hướng dẫn người dân gia cố đảm bảo an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển, ven sông, suối. Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi gió mạnh, mưa lũ lớn.

4. Sở Y tế chỉ đạo các phòng ban chức năng hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức dự trữ đầy đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cấp cứu; Hướng dẫn các địa phương đảm bảo phòng, chống dịch covid 19 và an toàn thiên tai cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế theo dõi sát diễn biến của mưa lũ, bão để chủ động chỉ đạo các trường nghỉ học đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên.

6. Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức kiểm tra, vận hành hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến điện dự phòng phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giữa các đơn vị trên địa bàn; điều hành hệ thông tổng đài 19001075 hỗ trợ nhân dân; chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng, tần suất phát sóng đưa tin về ATNĐ và mưa lũ để các tổ chức, đơn vị, nhân dân chủ động phòng tránh.

7. Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh chủ động theo dõi tình hình diễn biến mưa lũ đặc biệt là khu vực Chân Mây - Lăng Cô để thông báo, chỉ đạo các chủ doanh nghiệp kiểm tra chằng chống, bảo vệ tài sản, nhà xưởng phòng tránh lốc, gió mạnh; có phương án bảo đảm an toàn cho công nhân tham gia làm việc, sản xuất khi mưa lũ xảy ra.

8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo

- Chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các địa phương quản lý các tàu, thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn tại bến, các khu neo đậu tránh trú bão, kể cả tàu thuyền bãi ngang ven biển.

- Công ty TNHH Nhà nước 1 Thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh, các chủ đập, chủ đầu tư, nhà thầu thi công triển khai phương án đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du, có giải pháp bảo vệ an toàn hồ đang thi công và hồ chứa nhỏ.

- Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi (đặc biệt là các hồ vùng cát, hồ đang thi công dỡ dang) tổ chức trực ban theo dõi diễn biến của mưa lũ, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo vận hành an toàn công trình và an toàn vùng hạ du; phải thông báo sớm cho các địa phương cảnh báo nhân dân vùng hạ du khi vận hành điều tiết xả lũ.

- Chi cục Chăn nuôi thú y có phương án bảo vệ, di chuyển các trang trại chăn nuôi an toàn.

- Chi cục Kiểm lâm có phương án bảo đảm an toàn cho các trạm kiểm lâm khu vực miền núi, phòng tránh sạt lở đất.

 9. Sở Công Thương và các địa phương tổ chức kiểm tra các vật tư, thiết bị vận hành cửa van, hệ thống điện dự phòng, thông tin liên lạc, lương thực, thực phẩm, y tế các công trình hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh như: Bình Điền, Hương Điền, Bitexco Tả Trạch, A Lưới, A Roàng, Thượng Lộ, A Lin Thượng, A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 4, Thượng Nhật. Đảm bảo an toàn cán bộ tại các nhà máy; dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men tại chỗ.

Kiểm tra các công trình thủy điện đang thi công thực hiện các nội dung phương án đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. 

10. Sở Xây dựng chủ động phối hợp với UBND cấp huyện triển khai thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các nhà ở, nhà cao tầng, tháp viễn thông, cột ăng ten, nhà máy, công trình, công trường đang thi công (nhất là giàn giáo, cần trục tháp, nhà cao tầng), chung cư cũ xuống cấp, công trình ngầm trước khi mưa bão xảy ra.

11. Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính, các tuyến đường vào các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

12. Chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển, ven sông có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công; rút toàn bộ người, phương tiện ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở đất; đảm bảo an toàn công trình kiểm tra phương án chống va trôi đảm bảo công trình vùng hạ du, bố trí biển báo tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá để hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang.

13. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

14. Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế tổ chức kiểm tra, gia cố hệ thống điện và có phương án đảm bảo an toàn lưới điện.

15. Lãnh đạo các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó theo địa bàn đã được phân công.

16. Các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra.

 
 
 

Tập tin đính kèm

STT Tên tập tin Tải về
1 Công điện số 15/CĐ-UBND (Kích vào để xem chi tiết)

 

thuathienhue.gov.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày