Ngược dòng thời gian, từ đầu thế kỷ 17, áo dài nữ đã bắt đầu xuất hiện cùng lúc với áo dài nam, để đến giữa thế kỷ 18, được chúa Nguyễn Phúc Khoát chọn làm trang phục chính thức của người Đàng Trong, rồi trở thành trang phục chung của phụ nữ Việt Nam từ thời hoàng đế Minh Mạng.
Thoạt đầu, kiểu thức phổ biến của áo dài nữ-áo ngũ thân- gần như tương đồng với áo ngũ thân nam, kể cả áo tay chẽn và áo tay rộng, chỉ có chút tinh chỉnh cho phù hợp với vóc dáng, giới tính nữ. Ngoài ra còn có loại áo Nhật bình (áo mệnh phụ phu nhân) dành cho giới quý tộc, là kiểu áo tứ thân được may, thêu rất cầu kỳ tinh tế.
Đến những năm 1940, áo ngũ thân nữ đã được một số họa sĩ Việt Nam, tiêu biểu là Lê Phổ và Cát Tường, cải biên thành kiểu Áo dài Lê Phổ, Lemur chỉ có hai tà trước và sau, ôm sát cơ thể, tạo nên một xu hướng mới và đặt nền tảng cho áo dài hai thân hiện đại ngày nay. Nhưng bên cạnh đó, áo dài ngũ thân vẫn song song tồn tại và được ưa chuộng, nhất là tại Huế.
Từ cuối thập niên 1950 đến nay, áo dài hai thân đã có nhiều cách tân, thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại, năng động và vai trò, vị thế ngày càng được nâng cao của người phụ nữ trong xã hội. Dẫu vậy, chiếc áo dài vẫn giữ được nét duyên dáng, gợi cảm nhưng kín đáo mà không trang phục nào có được. Vì thế, áo dài luôn là lựa chọn hàng đầu của phụ nữ trong các sự kiện quan trọng, và cả trong sinh hoạt đời thường. Hình ảnh chiếc áo dài người phụ nữ Việt Nam càng trở nên đẹp đẽ thiêng liêng và giàu bản sắc khi gắn liền với các tên tuổi lớn trên mặt trận chính trị, ngoại giao: Bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội, phu nhân các Thủ tướng, Chủ tịch nước luôn xuất hiện với trang phục áo dài trang nhã, mềm mại...
Cố đô Huế không chỉ là nơi sản sinh ra chiếc áo dài mà còn là nơi gìn giữ, bảo tồn loại trang phục này suốt mấy trăm năm qua. Sau ngày đất nước Đổi Mới, Huế là nơi đầu tiên đưa áo dài nữ vào công sở và học đường, để từ đó lan tỏa ra toàn quốc. Và ngày nay nói đến Huế thì lập tức người ta sẽ hình dung đến hình ảnh những tà áo dài tím, áo dài trắng thướt tha của thiếu nữ, hay hình ảnh đài các, thanh lịch của thiếu phụ trong những chiếc áo Nhật bình đầy màu sắc. Áo dài nữ là một phần quan trọng của thương hiệu Huế- kinh đô áo dài Việt Nam.
Có thể nói, hình ảnh áo dài truyền thống của người Việt không chỉ là trang phục mang tính biểu trưng đại diện cho một nền văn hóa giàu bản sắc, để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca và nghệ thuật Việt Nam: “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó/Em ơi”.