Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù của Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 12/10/2021
Chiều 11/10, tại phiên họp lần thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã xem xét, cho ý kiến nội dung Tờ trình của Chính phủ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Tham dự phiên họp có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Về phía Thừa Thiên Huế có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.

 

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Tờ tình của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan khác cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cho biết, mục tiêu của Thừa Thiên Huế là phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã có từ rất lâu và báo cáo Bộ Chính trị. Tuy nhiên, do một số điều kiện về hạ tầng mà Thừa Thiên Huế chưa thể trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Do vậy địa phương đã nghiên cứu kỹ và trình lại Bộ Chính trị xem xét cho phép xây dựng thành một thành phố di sản của Trung ương, với những cơ chế, đặc thù riêng. Theo Chủ tịch Quốc hội, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết cho phép Thừa Thiên Huế xây dựng thành phố di sản trực thuộc Trung ương, có những tiêu chí và đặc thù riêng. Với định hướng phát triển thành phố di sản, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là điểm độc đáo và sáng tạo của Thừa Thiên Huế, do đó cơ chế đặc thù dành cho tỉnh cần nghiên cứu khai thác được hết vấn đề này, cần đặt vấn đề nghiên cứu: thế nào là thành phố di sản, và để trở thành thành phố di sản, Thừa Thiên Huế cần làm gì? 

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu đóng góp ý kiến tại phiên họp

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cảm ơn Quốc hội, Ủy Ban TVQH đưa dự thảo nghị quyết của tỉnh vào chương trình nghị sự lần này. Khẳng định nhóm cơ chế, chính sách đề xuất lần này đã được tỉnh nghiên cứu, thảo luận kỹ với sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương, đồng thời đã giải trình làm rõ một số nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

 
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại phiên họp
 

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban TVQH tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Thống nhất hồ sơ dự thảo của nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2. 

Ủy ban TVQH nhất trí trình Quốc hội cho phép Thừa Thiên Huế thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, cụ thể:

Về mức dư nợ vay, Thừa Thiên Huế được vay với tổng dư nợ vay không quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách của tỉnh hàng năm do Quốc hội quyết định. 

Về việc ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu và định mức phân bổ chi thường xuyên, tỉnh Thừa Thiên Huế được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số theo Nghị quyết của Ủy ban TVQH quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này. 

Về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế: ngân sách tỉnh được hưởng toàn bộ phí tham quan di tích trên địa bàn. Nguồn thu này của địa phương được loại trừ khi tính cân đối ngân sách và phân chia các khoản thu giữa trung ương với địa phương như cơ chế đối với khoản thu từ đất, thu từ sổ xố. Việc thí điểm thực hiện chính sách này phải đánh giá kỹ tác động, đảm bảo hiệu quả; có lộ trình phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của các địa phương; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; công khai, minh bạch, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính. 

Về nguồn thu để lại khi bán tài sản công gắn liền trên đất, ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của Tỉnh. 

Về việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản, đồng ý trình Quốc hội cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế nhưng cần nghiên cứu thêm để hoàn chỉnh Nghị quyết đảm bảo tính khả thi cho việc huy động các nguồn thu của Quỹ nhất là việc hỗ trợ từ ngân sách của các địa phương khác; không được sử dụng ngân sách của tỉnh để hỗ trợ Quỹ; cần có những qui định để bảo đảm việc quản lý sử dụng Quỹ đúng mục đích, hiệu quả. Đồng thời lưu ý các ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp Luật và Ủy ban Tài chính ngân sách để hoàn chỉnh các qui định liên quan đến việc thành lập Quỹ. 

Đề nghị Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra. Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận

Nguồn: www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày