Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI (kỳ họp thứ 4) thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2004. Luật Thi đua, khen thưởng (sau đây gọi tắt là Luật) đã được sửa đổi, bổ sung các năm 2005, 2013 là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Sau 17 năm thực hiện, Luật đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả, công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội. Các phong trào thi đua yêu nước thời gian qua đã có đổi mới về nội dung, hình thức, thiết thực và hiệu quả hơn. Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Thi đua, khen thưởng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.
Theo bà Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, việc xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành và quá trình tổ chức thực hiện Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Các đại biểu tham gia góp ý vào dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại Hội nhị
Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) do Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hôm nay nhằm tiếp thu được nhiều ý kiến, cách nhìn nhận đa chiều và những nghiên cứu chuyên sâu mang tính khách quan, hợp Hiến, hợp pháp và đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương khi luật được ban hành.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng, đồng thời thảo luận, phát biểu, góp ý các vấn đề về về công tác thi đua; công tác khen thưởng; về thủ tục, hồ sơ khen thưởng và một số nội dung khác trong dự án Luật liên quan đến nội dung, tiêu chí xét tặng danh hiệu thi đua và việc công nhận danh hiệu thi đua; một số quy định về tiêu chuẩn khen thưởng; quy định thủ tục, hồ sơ khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích đột xuất được cấp trên phát hiện, khen thưởng và một số loại hình khen thưởng; làm rõ các câu từ tại các điều, khoản của dự thảo Luật...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nguyễn Thị Sửu đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, đầy trách nhiệm của các đại biểu tham dự. Đồng thời nhấn mạnh các ý kiến sẽ được Đoàn phân loại, tổng hợp đầy đủ, gửi đến ban soạn thảo và nghiên cứu để tổng hợp, báo cáo tại Kỳ họp của Quốc hội.