Tham gia vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Tố tụng hình sự đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình trong thực hiện cam kết của hiệp định CPTTP. Đại biểu cho rằng, hiện nay lực lượng công an xã được tổ chức chính quy, là lực lượng nòng cốt trong bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn xã, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, lực lượng này có vai trò vô cùng quan trọng tại cơ sở.
Do đó, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề xuất cần bổ sung quy định về bổ sung quy định về kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã trong bộ luật là cần thiết. Qua đó, lực lượng công an xã sẽ kịp thời giảm tải khối lượng công việc hiện đang rất lớn cho cơ quan điều tra công an cấp huyện.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, hiện do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh (một số địa phương phải giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ), việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành các hoạt động tố tụng. Nhiều vụ việc được gia hạn thời gian giải quyết nhưng vẫn chưa thể hoàn thành…. Trong khi đó ở dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự không có điều khoản cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”.
“Đây là những lý do, trở ngại, hạn chế do khách quan đem lại, vướng mắc từ thực tiễn cần được xem xét, tháo gỡ để đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, không làm oan người vô tội. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền ban hành các quyết định tố tụng có căn cứ, đúng pháp luật”- đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề xuất.
Đóng góp ý kiến cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Đại biểu Phạm Như Hiệp đề nghị, về chỉ tiêu số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu sửa thành chỉ tiêu “Số người tham gia BHXH, BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT, BHTN” vì nghị quyết của Trung ương đã có quy định cụ thể về chỉ tiêu này.
“Đối với BHXH, việc phân tách số người tham gia BHXH theo 2 hình thức bắt buộc và tự nguyện có sự phân tách phụ nữ và nam giới tham gia 2 hình thức của BHXH có ý nghĩa quan trọng đối với việc đánh giá hệ thống an sinh xã hội quốc gia về mức độ bao phủ, chất lượng an sinh, tính hiện đại, hội nhập của an sinh xã hội, tiêu chuẩn lao động quốc tế và giúp hoạch định chính sách để giảm bớt khoảng cách về giới trong tham gia BHXH”- đại biểu Phạm Như Hiệp nhấn mạnh.
Về chỉ tiêu “Tỉ lệ người tham gia BHYT”, theo Luật Thống kê năm 2015, các chỉ tiêu liên quan đến số người đóng, hưởng thụ, thu, chi về các lại bảo hiểm lâu nay đều được giao cho BHXH Việt Nam thực hiện và đã thực hiện tốt, đã có dữ liệu điện tử quản lý. Do đó, việc giao cho Tổng cục Thống kê đo lường chỉ tiêu này sẽ làm phát sinh thêm chi phí và nhân lực cho công tác thống kê và không hiệu quả.
Đại biểu Phạm Như Hiệp cũng cho rằng, chỉ tiêu số bác sĩ và số giường bệnh trên 10.000 dân không đánh đồng mà cần tách bạch riêng lẻ nhằm thể hiện tính ưu việt của hệ thống y tế của địa phương.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu cho rằng, ở phân nhóm thống kê, đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu tách nhóm “bình đẳng giới” ra khỏi nhóm “Lao động, việc làm” thành nhóm riêng biệt là “Một số chỉ tiêu giới tổng hợp”. Đây là cơ sở so sánh, đánh giá tình trạng bình đẳng giới của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đã ký kết và gia nhập nhiều công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có quyền bình đẳng giới.