Thay đổi để thích ứng, phục hồi ngành du lịch trên địa bàn tỉnh
Ngày cập nhật 22/10/2021

Đó là chỉ đạo của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại cuộc họp với các Sở, ban ngành và đại diện các công ty du lịch, cơ sở lưu trú về kế hoạch phục hồi, kích cầu các hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vào chiều nay (21/10).

Phương án phục hồi ngành du lịch

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt, nhiều khu vực đã trở về trạng thái bình thường mới. Đây là điều kiện thuận lợi để Thừa Thiên Huế mở cửa đón khách du lịch, phục hồi lại các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Theo dự thảo kế hoạch phục hồi, kích cầu các hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới, tỉnh Thừa Thiên Huế ưu tiên cho khôi phục du lịch nghỉ dưỡng, sử dụng các khu phức hợp, khu du lịch ven biển có tính biệt lập, cách xa khu dân cư để đón khách du lịch nội địa để tiến hành phương án khai thác khách du lịch nội tỉnh, nội địa. Trong đó, tập trung ưu tiên đối tượng này, đẩy mạnh triển khai từ tháng 11/2021 (tùy theo tình hình dịch bệnh COVID-19 để triển khai cụ thể).

Điều kiện đối với khách nội tỉnh là thực hiện nghiêm thông điệp 5k. Có thẻ kiểm soát dịch bệnh để quét mã QR trên thẻ tại tất cả các điểm đến.  100% các cơ sở dịch vụ du lịch cung ứng, phục vụ và đã được kiểm tra, thẩm định về việc đáp ứng an toàn trong hoạt động du lịch theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong tình hình mới; toàn bộ nguồn nhân lực trực tiếp trong ngành được tiêm 02 mũi vắc xin.

Điều kiện đối với khách nội địa là công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú và làm việc ở Việt Nam đi du lịch trong lãnh thổ Việt Nam. Khách du lịch từ 18 tuổi trở lên phải tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19). Khách du lịch dưới 18 tuổi có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi tham gia chương trình du lịch.

 

 

Phục hồi ngành du lịch tỉnh (ảnh minh họa)

Đối với đón khách du lịch quốc tế, từ tháng 12/2021 trở đi, thực hiện phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin bằng các chuyến bay thuê bao (charter) đến Thừa Thiên Huế sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép...

Thí điểm đón khách du lịch quốc tế thực hiện tại các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch khép kín, thực hiện theo 02 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (dự kiến từ tháng 12/2021): đón khách du lịch quốc tế đến khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô và một số resort, điểm dịch vụ khép kín khác.

Giai đoạn 2, rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1 đón thí điểm, nếu triển khai thành công sẽ tiếp tục đề xuất các thị trường có tiềm năng, có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các thị trường đã kiểm soát tốt dịch bệnh, có thỏa thuận song phương giữa hai nước thông qua chương trình du lịch trọn gói do các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tại một số khu vực như: Đông Bắc Á, ASEAN, châu Âu, châu Úc, Newzealand, Hoa Kỳ…

Điều chỉnh để thích ứng, phục hồi

Tại cuộc họp, đại diện các công ty du lịch, cơ sở lưu trú và các Sở, ban ngành đã tiến hành thảo luận để trao đổi, giải đáp các vướng mắc và giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Trong đó tập trung vào các nội dung như: Xây dựng cơ chế đón khách du lịch đến từ các địa phương không có dịch; Tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thành tiêm vắc xin cho toàn bộ cán bộ công nhân viên, người lao động trong ngành du lịch - dịch vụ để đảm bảo thực hiện cơ chế “hộ chiếu vắc-xin”, “thẻ xanh” trong thời gian tới; xây dựng bản đồ điểm đến an toàn;…

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, khai thác du lịch trong trạng thái bình thường mới sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh. Các doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước có những hỗ trợ về quản lý rủi ro, xây dựng bản đồ điểm đến du lịch an toàn để lữ hành chủ động trong xây dựng tour.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã rất nỗ lực trong việc kiểm soát dịch bệnh để tạo nền tảng, cơ sở vững chắc làm tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển ngành du lịch nói riêng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong các doanh nghiệp du lịch cùng chung tay với tỉnh trong phát triển du lịch, điều chỉnh sang trạng thái bình thường mới để khôi phục lại ngành du lịch.

 

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại cuộc họp.

Nhấn mạnh với các công ty du lịch, cơ sở lưu trú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế là một điểm đến an toàn, nhưng tình hình diễn biến dịch bệnh vẫn diễn ra khá phức tạp, trong đó, tỉnh đã ghi nhận các ca F0 trong những công dân trở về địa phương, đặc biệt có những công dân đã tiêm 2 mũi vacxin. Tuy nhiên, các đơn vị không cần lo lắng nhưng cũng không được chủ quan. Các đơn vị phải có những tiếp cận mới, điều chỉnh để phục hồi, phát triển dựa trên sự chuẩn bị chu đáo, giải pháp tốt nhất để có đầy đủ điều kiện phòng dịch. Trong đó, phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch của tỉnh, phải lưu ý đến việc quét mã QR code; Chủ động, nâng cao năng lực phòng, chống dịch tại mỗi cơ sở lưu trú.

Chia sẻ về quan điểm phòng dịch COVID-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, khi các công dân – du khách về cơ sở lưu trú thì phải thực hiện tầm soát. Đây không phải là điều để gây khó khăn cho du khách, mà chính là đảm bảo an toàn phòng dịch cho chính du khách, cho cơ sở lưu trú và cho chính người dân địa phương; hạn chế, không để dịch lây lan diện rộng. Nếu làm tốt công tác này nói riêng và công tác phòng dịch nói chung, chính các doanh nghiệp, công ty du lịch, cơ sở lưu trú là đối tượng được hưởng lợi nhất, tạo nền tảng cho việc phục hồi, phát triển ổn định và không bị vỡ trận khi có tình huống xảy ra.

Với tinh thần nhanh, nhưng không vội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Du lịch chủ trì rà soát lại tất cả các điều kiện liên quan, như sản phẩm, nhân lực, lưu trú, lữ hành, điểm đến, điều kiện phòng chống dịch… để xây dựng phương án khởi động tốt nhất. Sở Du lịch phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông hình thành quy trình phòng chống dịch đầy đủ, thống nhất để hướng dẫn cho doanh nghiệp triển khai phương án phòng chống dịch trong tình hình mới. Nhưng lưu ý doanh nghiệp sẽ có cập nhật liên tục vì theo diễn biến dịch bệnh. Ngành du lịch cũng cần có kế hoạch truyền thông, thông điệp tuyên truyền cho du lịch Huế, nhấn mạnh an toàn để khai thác du lịch.

 
 
 
 
 
 
thuathienhue.gov.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày