Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về phát triển kinh tế - xã hội
Ngày cập nhật 22/10/2021
Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu thảo luận tại phiên họp

Sáng 21/10, dưới sự chủ trì của UVTW Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu, Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT - XH năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại phiên thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu khẳng định, Chính phủ đã chuyển hướng rất kịp thời, linh hoạt từ chủ trương "Zero COVID-19" sang thích ứng an toàn, linh hoạt để nỗ lực đạt được 2 mục tiêu là kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phát triển KT- XH. Đồng thời, đại biểu cũng gợi ý những giải pháp nhằm “giữ ổn định vĩ mô”, tạo việc làm cho người lao động, cũng như tạo các nền tảng, động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Đánh giá các gói hỗ trợ an sinh xã hội, kinh tế là tương đối rõ ràng, đúng hướng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho hay, trong bối cảnh dịch COVID-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách khác nhau nhưng cùng mục tiêu hỗ trợ cho người dân, người lao động gặp khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc miễn giảm, hoãn các loại phí thuế, cung cấp các khoản vay bảo lãnh, tín dụng, giảm giá điện, nước... để duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp, giảm thiểu lao động thất nghiệp. Việc xác định các đối tượng được hỗ trợ cũng nhận được sự đồng thuận cao trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia và cả các cơ quan nhà nước.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu đề nghị giải pháp phòng chống dịch cần linh hoạt. Vấn đề gì tầm quốc gia, tầm của Chính phủ, của Trung ương thì thống nhất, địa phương thực hiện theo chỉ đạo; còn vấn đề gì của địa phương thì phân cấp cho địa phương để địa phương chủ động có giải pháp linh hoạt quản lý, điều hành, chịu trách nhiệm.

Đại biểu cũng đề xuất, việc “mở cửa” cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh cũng cần thận trọng, tính toán kỹ các kịch bản. Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh doanh trong tình hình mới. Cần phân loại nhóm đối tượng cụ thể hơn, có “liều thuốc” hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực cho phù hợp. Ví dụ như lĩnh vực y tế cũng cần cơ cấu lại để phù hợp với chuyên môn, năng lực của ngành y tế trong khám chữa bệnh trong bối cảnh dịch bệnh…

Theo đại biểu Phạm Như Hiệp: Qua các đợt dịch bệnh, chúng ta có những mặt rất mạnh là công nghệ thông tin, số hóa, công nghệ phần mềm, phương thức sản xuất cũng thay đổi. Chính phủ đã đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên cao nhất nên mới khống chế được dịch bệnh tốt, đưa cả nước bước vào trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, nước ta đã hao tổn nguồn lực rất lớn.  

Chính phủ cần xem xét lại hệ thống hồi sức, hệ thống điều trị đảm bảo thích ứng hoạt động khám, chữa bệnh thông thường và vừa chữa bệnh nhân COVID-19. Thậm chí thành lập một ngành gọi là “Ngành COVID học”. Trong ngành này quy định có người nhiễm F0 thông thường không cần phải điều trị, người nhiễm F0 không có biến chứng, người F0 điều trị hồi sức, người F0 có bệnh nền, người F0 ở phụ nữ có thai… Trên cơ sở như vậy, Ngành COVID học sẽ phát triển và sớm hay muộn, đặc biệt là các bệnh viện lớn cũng phải thành lập các trung tâm hồi sức và các trung tâm nghiên cứu và điều trị về COVID. Lĩnh vực này là chiến lược của Thủ tướng và Bộ Y tế đã chỉ đạo để ngành Y tế phải thích ứng trong điều kiện như vậy để đáp ứng trạng thái bình thường mới. Ngoài ngành COVID học ra, vẫn điều trị theo các ngành thông thường khác.

 

 

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu thảo luận tại phiên họp

Đồng quan điểm với đại biểu Phạm Như Hiệp, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu cho rằng, trong trạng thái bình thường mới, Chính phủ cần quan tâm thêm chiến lược tổng thể về phòng chống dịch COVID-19 có vai trò tham gia của nhà quản lý chuyên ngành để có nền tảng cơ bản hội nhập quốc tế, đồng thời có đóng góp với thế giới nghiên cứu phòng chống dịch COVID-19.  

Về các giải pháp phát triển KT- XH năm 2022, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, cần có giải pháp phục hồi tăng tốc KT- XH vừa phòng chống dịch để thích ứng với trạng thái “bình thường mới nhất”. Đại biểu đề xuất Chính phủ cần hoạch định chung cho phát triển du lịch sau dịch theo hướng thích ứng bình thường mới. Các địa phương tăng cường liên kết vùng để tạo thêm nguồn lực phát triển. Quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực giáo dục, đây là đối tượng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh bên cạnh kinh tế. Đồng thời, giải quyết việc làm và quản lý con người. Chính phủ cũng cần quan tâm đến quy hoạch nguồn lực.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh vai trò điều hành của Chính phủ, Trung ương, chúng ta đã nhất quán chủ trương không đánh đổi môi trường, sức khỏe và tính mạng của người dân lấy tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhiều chính sách, giải pháp được ban hành cả trong ngắn hạn và dài hạn. Công tác phòng, chống dịch được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời; xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật phục vụ cho phòng chống dịch được các cấp, các ngành đồng hành, xử lý quyết liệt, kịp thời.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, số lao động mất việc, thất nghiệp làm tăng cao, thu nhập giảm mạnh, tiềm ẩn nguy cơ tội phạm gia tăng. Khu công nghiệp, doanh nghiệp hiện đang khát lao động, nên cần có chính sách thu hút lực lượng lao động quay trở lại các nhà máy, khu công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời, tập trung giải quyết những tồn đọng, các điểm nghẽn để giảm thiểu chi phí sản xuất, chi phí xuất nhập khẩu hàng hóa, khơi thông sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng... 

Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế tin tưởng, với sự điều hành quyết liệt, điều chỉnh linh hoạt của Chính phủ, nền kinh tế của nước ta sẽ có những khởi sắc ở năm 2022.

 
 
 
 
 
 
thuathienhue.gov.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày