Đại biểu Quốc hội ủng hộ thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù
Ngày cập nhật 28/10/2021
Toàn cảnh buổi làm việc tại Quốc hội

Sáng ngày 27/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế. Đa số các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ sự ủng hộ tỉnh Thừa Thiên Huế thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Tham gia thảo luận, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Huỳnh Thị Phúc nhấn mạnh, điểm nghẽn lớn nhất của Thừa Thiên Huế vẫn là chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; việc bảo tồn di sản, gìn giữ văn hóa đặc sắc gắn với bảo vệ môi trường sinh thái đã tạo ra nhiều khó khăn đối với công tác kêu gọi, thu hút đầu tư; nguồn lực cho công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy các giá trị di tích, di sản chưa đáp ứng được yêu cầu… “Nghị quyết này là cần thiết cho Thừa Thiên Huế. Kính đề nghị Quốc hội ủng hộ chính sách đặc thù cho Thừa Thiên Huế vì mục tiêu phát triển chung của Quốc gia”.

Đại biểu cho rằng, về cơ chế để bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích, di sản: Nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích, di sản của quốc gia và thế giới, Chính phủ đề xuất Quốc hội đồng ý cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng cơ chế được giữ lại 100% nguồn thu từ phí tham quan di tích và Quỹ bảo tồn di sản là hết sức quan trọng và cần thiết.

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Huỳnh Thị Phúc tham gia thảo luận

Về cơ chế quản lý tài chính ngân sách, đây là nhóm cơ chế, chính sách đặc thù có tính chất lâu dài, bền vững nhằm phát triển ổn định, cân đối, hài hoà dựa trên nguyên tắc vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu đến năm 2025 tỉnh có khả năng cân đối ngân sách địa phương.

“Về sắp xếp xử lý cơ sở nhà đất, ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% nguồn thu từ sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý nhằm hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế sắp xếp lại, quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản và quỹ đất trên địa bàn; đồng thời, tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho tỉnh trong kêu gọi, thu hút đầu tư. Hiện nay, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã được Quốc hội cho phép áp dụng chính sách tương tự này- đại biểu  Huỳnh Thị Phúc Nhấn mạnh.

Đồng tình, ủng hộ cần có nghị quyết đặc thù cho Thừa Thiên Huế, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, tỉnh Thừa Thiên Huế có những thế mạnh của mình nếu được trao chính sách cơ chế đặc thù sẽ tạo điều kiện cho tỉnh phát huy nội lực, huy động tối đa các nguồn lực, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, biến tiềm năng thành khả năng cho đầu tư phát triển và sẽ trở thành những cực tăng trưởng mới, đủ mạnh góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế vùng và quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay địa phương chưa tự cân đối được thu chi ngân sách, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ cao hơn cho Thừa Thiên Huế thì mới đáp ứng được yêu cầu mục tiêu phát triển đặt ra đối với các địa phương.

 

Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế

 

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đề xuất, để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù, sau khi được thông qua, Thừa Thiên Huế cần có Kế hoạch, chương trình để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết và tạo ra sự “đột phá” trong phát triển, thực hiện được mục tiêu của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Sau thời gian thí điểm, cần có tổng kết, đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện từng chính sách, từng cơ chế đặc thù đã thí điểm áp dụng; cái gì hiệu quả, phù hợp với thực tiễn sẽ tiếp tục áp dụng ở phạm vi rộng hơn, thể chế hóa thành pháp luật để triển khai thực hiện trong cả nước...

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế để thể chế hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị và khai thác các thế mạnh và tiềm năng của các địa phương, tạo thêm nguồn lực cho các địa phương và phát triển kinh tế vùng. Việc thông qua nghị quyết này là đúng thẩm quyền và theo quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị ĐBQH, hoàn chỉnh các nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua.

 
Nguồn: www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày