Phó Trưởng đoàn ĐBQH Nguyễn Thị Sửu khẳng định, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là nền kinh tế vì con người, luôn nhất quán, xuyên suốt trong chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Trước thảm họa của đại dịch COVID-19, càng thấy rõ sự hài hòa ấy. Sự song hành trong chỉ đạo, điều hành các vấn đề quan trọng của đất nước giữa Quốc hội và Chính phủ thời gian qua đã tạo ra những hiệu ứng tốt đẹp trong toàn xã hội.
Để tiếp tục phát huy tốt mối tương tác hiệu quả trong phát triển KT- XH năm 2022, đại biểu Nguyễn Thị Sửu tham luận xây dựng nhóm nội dung về Hệ thống an sinh xã hội.
Theo đại biểu, Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) và Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực đối với sự phát triển của đất nước. Quỹ BHXH, BHYT, BHTN cùng với việc thanh toán, hỗ trợ các hạng mục chính sách tương ứng, còn được trích để đầu tư cho phát triển. Đề nghị, hoạt động đầu tư từ các quỹ đó cần được Chính phủ ban hành cơ chế tài chính và chi phí quản lý nhằm nâng cao hiệu quả bảo toàn, bảo toàn phát triển và tính minh bạch. Đồng thời, cần định chế hoạt động của Hội đồng quản lý BHXH, BHYT, BHTN cụ thể, phù hợp với tình hình mới.
BHXH, BHYT là hai chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Việc đảm bảo an toàn và tăng trưởng bền vững quỹ BHXH, BHYT thời gian qua được Chính phủ và nhất là ngành BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm với nhiều nỗ lực lớn, đạt được những kết quả tích cực. Qua báo cáo của Chính phủ cho thấy, việc phát triển đối tượng trong năm 2020 đạt kết quả khả quan với tổng số người tham gia trên 16,1 triệu người, tăng gần 400.000 người so với năm 2019, chiếm 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi…
Đại biểu cho rằng, trước khi dịch xảy ra, tình trạng vượt tổng mức thanh toán khám chữa bệnh BHYT so với Chính phủ giao ở một số địa phương, nhất là các địa phương tập trung các cơ sở khám chữa bệnh lớn của Trung ương. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu nâng mức đóng BHYT (mức đang áp dụng là 4,5%), bổ sung các hình thức bảo hiểm khác tham gia vào chi trả chi phí khám chữa bệnh.
Hiện nay, việc thanh toán BHYT cho bệnh nhân COVID-19 vốn có bệnh nền phối hợp còn gặp nhiều khó khăn. Đối với trường hợp này, đề nghị Chính phủ có giải pháp hợp lý trong thanh toán giữa Quỹ BHYT và ngân sách phòng chống dịch. Bởi hiện nay xã hội coi BHYT là một trong những trụ cột, vấn đề an sinh xã hội quan trọng đối với người dân, đặc biệt là những người lao động, người nghèo, người yếu thế.
Theo đại biểu, chúng ta đang thích ứng với trạng thái bình thường mới, dịch COVID-19 đang có diễn biến hết sức phức tạp và có thể bùng phát trở lại. Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ hoạch định lại hệ thống chăm sóc sức khỏe theo hướng chú trọng hơn vào chăm sóc ban đầu và giảm phụ thuộc vào chăm sóc tại bệnh viện. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa các mạng lưới y tế đáp ứng từng tuyến khám chữa bệnh; nghiên cứu xây dựng chương trình, đề án chiến lược y tế thích ứng và ổn định phát triển đất nước.
Ngoài ra, để sớm khôi phục nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành các cơ chế, chính sách cùng các nguồn lực thích đáng, nhất là các chính sách miễn giảm các loại thuế, hỗ trợ phục hồi sản xuất, hỗ trợ thu hút lao động trở lại làm việc…