BÁO CÁO Công tác Bồi thường nhà nước năm 2021
Ngày cập nhật 10/11/2021

Ngày 09 tháng 11 năm 2021 Ủy ban nhân dân huyện Quảng Điền ban hành báo cáo số 282/BC-UBND  về Công tác Bồi thường nhà nước năm 2021.

I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG NĂM 2021

1. Tình hình yêu cầu bồi thường, kết quả giải quyết bồi thường

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 đến ngày 31 tháng 10 năm 2021, chưa có tổ chức, cá nhân nào có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện không có vụ việc yêu cầu bồi thường, không có hồ sơ, vụ việc còn tồn đọng về bồi thường nhà nước chưa giải quyết.

2. Kết quả thực hiện công tác bồi thường

 a) Xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác Bồi thường nhà nước năm 2021

 Thực hiện Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 19/02/2021 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai, thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2021, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 03/3/2021 về triển khai, thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2021, theo đó chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và UBND các xã, thị trấn căn cứ nội dung Kế hoạch này và tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình tổ chức triển khai công tác bồi thường Nhà nước năm 2021.

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là cơ sở pháp lý để tổ chức, cá nhân thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước gây ra trong khi thi hành công vụ, mặt khác giúp nhà nước thực hiện tốt trách nhiệm bồi thường của mình đối với những thiệt hại do cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình gây ra cho tổ chức, cá nhân. Do vậy, để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường của Nhà nước, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 20/01/2021 về phổ biến, giáo dục pháp luật để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

b) Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Xác định công tác bồi thường nhà nước là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, là một nhiệm vụ quan trọng, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Thông tư số 03/2013/TT-BTP ngày 31 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thông tư 13/2015/TT-BTP ngày 29/9/2015 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 03/2013/TT-BTP ngày 31/01/2013 của Bộ Tư pháp Hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về công tác Bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau như: thông qua hệ thống loa truyền thanh, lồng ghép trong các buổi tuyên truyền pháp luật tại địa phương và các buổi họp, hội nghị, sinh hoạt đoàn thể…

Nhìn chung, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bồi thường Nhà nước được triển khai thường xuyên đã giúp cán bộ, công chức và nhân dân nhận thức được ý nghĩa, vai trò của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng như trách nhiệm giải quyết bồi thường khi phát sinh yêu cầu bồi thường nhà nước trong việc đảm bảo thi hành pháp luật tại địa phương.

Thông qua việc tổ chức “Ngày pháp luật”,  các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn tích cực, chủ động triển khai phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước cho cán bộ, công chức và nhân dân tìm hiểu và học tập.

c) Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành và các địa phương  trong thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường

Cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện và các địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức triển khai và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, chế độ thông tin báo cáo đôi lúc còn chậm, chưa đúng theo thời gian quy định.

3. Đánh giá chung về kết quả công tác bồi thường năm 2021

Nhìn chung, với việc xác định bồi thường nhà nước là một trong những chủ trương, chính sách nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, ngay từ đầu năm, huyện đã tập trung quán triệt thực hiện nghiêm công tác bồi thường nhà nước trên toàn địa bàn huyện. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức về mối quan hệ bình đẳng dựa trên pháp luật, giữa cán bộ, công chức, viên chức với công dân và tổ chức; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ, trau dồi đạo đức nghề nghiệp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình hiện nay.

4) Những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân

- Chưa có văn bản quy định, hướng dẫn về cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa các cơ quan Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp về quản lý công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng; giữa Chi cục thi hành án dân sự, Công an huyện với Phòng Tư pháp huyện.  

- Lĩnh vực bồi thường nhà nước là một công tác mới, phức tạp và nhạy cảm, chưa có trong thực tiễn của địa phương nên chưa rút ra được kinh nghiệm.

- Trong điều kiện biên chế của ngành Tư pháp từ huyện đến cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm, khó khăn trong việc bố trí biên chế; đội ngũ người làm công tác này chưa được tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nên thực tế vẫn còn lúng túng, khó khăn trong thực thi nhiệm vụ.

- Thực tiễn triển khai thực hiện các văn bản pháp luật ở một số đơn vị còn chậm; việc tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng với thời lượng còn ít.

 - Việc bố trí kinh phí cho công tác bồi thường nhà nước còn chưa tương xứng với tầm quan trọng của công tác này, hàng năm chưa có nguồn kinh phí dự trù cho công tác bồi thường nhà nước.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG NĂM 2022

1. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân ở địa phương để nắm bắt kịp thời.

2. Tăng cường kiểm tra theo dõi, đôn đốc, các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về trách nhiệm bồi thường nhà nước.

3. Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường cho cán bộ, công chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện và UBND các xã, thị trấn.

4. Kịp thời cung cấp thông tin hướng dẫn thủ tục hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện quyền được bồi thường.

5. Kiểm tra tình hình thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước của các cơ quan có trách nhiệm bồi thường và tình hình chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện.

6.  Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước với các phòng ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn khi phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường.

III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Đề nghị Sở Tư pháp tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu giải quyết bồi thường nhà nước cho công chức thực hiện nhiệm vụ công tác bồi thường nhà nước.

2. Các cơ quan Trung ương cần có quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan về quản lý nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.

3. Đề nghị Sở Tư pháp kiến nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn rõ việc xác định yêu cầu giám định khi không đồng ý với kết quả giám định như thế nào là có căn cứ; hướng dẫn rõ khi người yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng hồ sơ, tài liệu bị mất sẽ thực hiện yêu cầu bồi thường như thế nào?.

Trên đây là Báo cáo công tác bồi thường Nhà nước năm 2021 của UBND huyện Quảng Điền./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày