Sớm nâng cấp hạ tầng nghề cá
Báo cáo với đoàn công tác, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Đức cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế có bờ biển dài 126 km, có tổng diện tích vùng biển khoảng 20.000 km2, có 5 cửa biển: Thuận An, Tư Hiền, Kiểng, Bình An và Lăng Cô là điều kiện thuận lợi cho tàu cá neo đậu, lên cá. Tuy nhiên, hầu hết các cửa biển đều cạn, biên độ thuỷ triều thấp (khoảng 0,5m) khiến việc ra vào cửa biển của tàu thuyền đánh cá rất khó khăn, nguy hiểm, đặc biệt trước và sau thời gian có bão, gió mùa. Vì vậy, khó phát triển đội tàu xa bờ khai thác cỡ lớn từ 24 mét trở lên tại địa phương.
Toàn tỉnh hiện có 595 tàu cá có đăng ký, trong đó tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15 mét trở lên là 402 chiếc (có 13 chiếc từ 24 mét trở lên), tàu từ 12 đến dưới 15 mét là 158 chiếc và tàu từ 6 đến dưới 12 mét là 35 chiếc. Ngoài ra, số lượng ghe nan bãi ngang (vỏ nan tre quét dầu rái) khai thác ven bờ khoảng 1.400 chiếc. Ngư trường khai thác hải sản của ngư dân Thừa Thiên Huế hoạt động chủ yếu từ vĩ tuyến 140 Bắc lên đến vịnh Bắc Bộ và trở ra đường ranh giới trong của vùng biển Hoàng Sa.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 397 tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS) trong tổng số 402 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải lắp đặt (đạt 98,8%). Số còn lại 5 chiếc chưa lắp đặt do tàu cá nằm bờ, đang cải hoán và tiếp tục chỉ đạo lắp đặt thiết bị trong thời gian tới nếu tàu cá đi hoạt động.
Đến nay tàu cá Thừa Thiên Huế chưa có trường hợp nào vi phạm vùng biển nước ngoài; Chi cục Thủy sản xử lý 03 trường hợp, xử phạt với tổng kinh phí 10 triệu đồng; Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xử lý 05 tàu cá vi phạm về khai thác IUU, xử phạt với tổng số tiền 135 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản đối với 01 tàu cá thời gian 06 tháng, tước quyền sử dụng chứng chỉ Thuyền trưởng trong thời gian 06 tháng đối với 01 Thuyền trưởng và tịch thu ngư cụ khai thác thủy sản đối với 02 tàu cá vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh phát biểu tại buổi làm việc
Để thực hiện tốt hệ thống Luật Thủy sản năm 2017, tiến tới xây dựng phát triển nghề khai thác hải sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cũng như góp phần thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU theo quy định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đề nghị Bộ NN&PTNN xem xét sớm hoàn thiện Đề án Kiểm ngư địa phương thống nhất toàn quốc để địa phương có cơ sở chọn mô hình tham mưu UBND tỉnh phương án triển khai thực hiện. Xem xét, đề xuất Trung ương hỗ trợ địa phương 01 tàu Kiểm ngư có chiều dài từ 30 m trở lên để tăng cường năng lực tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển. Quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy quá trình thực hiện dự án Hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ kinh phí để đầu tư nâng cấp một số khu neo đậu, âu thuyền tránh trú bão trên địa bàn tỉnh.
Triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp chống khai thác IUU
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong công tác triển khai chống khai thác IUU. Mặc dù địa phương còn gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn lực còn hạn chế nhưng tỉnh đã làm tốt công tác quản lý, lắp đặt thiết bị giám sát hành trinh, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hoạt động tàu cá.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp IUU trên địa bàn tỉnh là một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải được xem là nhiệm vụ chính trị cấp bách, quan trọng cần được ưu tiên. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị địa phương nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cước phí thuê bao vệ tinh cho chủ tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) nhằm duy trì kết nối thiết bị VMS được thường xuyên trên hệ thống. Rà soát, loại khỏi danh sách các tàu cá xa bờ cố tình giữ hạn ngạch giấy phép và không chấp hành các quy định của pháp luật. Bổ sung nhân lực, nguồn lực cho đội ngũ chuyên trách thực hiện công tác phòng chống khai thác IUU. Đầu tư trang thiết bị hiện đại hỗ trợ thực hiện công tác phòng chống khai thác IUU. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, trách nhiệm ghi và báo cáo khai thác thủy sản theo quy định của Nhà nước, bảo đảm yêu cầu của Ủy ban châu Âu. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Đầu tư bổ sung nguồn kinh phí bảo đảm cho các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi khai thác IUU; đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới cảng cá Thuận An; nâng cấp hệ thống hạ tầng nghề cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão và hệ thống thông tin nghề cá hiện đại để phát triển nghề khai thác thủy sản bền vững, hội nhập.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, lĩnh vực thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi trong thời gian tới vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Vì vậy, tỉnh cần có các giải pháp căn cơ để chủ động ứng phó và hỗ trợ người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo khôi phục, phát triển sản xuất và hỗ trợ nông dân sản xuất vụ đông xuân. Đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, công tác khuyến nông, các quy trình sản xuất tiên tiến và tổ chức sản xuất theo hướng tạo thành chuỗi liên kết nhằm tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng, tăng quy mô hàng hóa và khả năng cạnh tranh. Bộ NN&PTTT thống nhất các đề xuất của tỉnh và cam kết sẽ tiếp tục có những hỗ trợ cho địa phương phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
|